1. Người cán bộ, đảng viên mà Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng là người có tài, đức, hồng thắm, chuyên sâu. Người chỉ rõ: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nhà nước. Có đức không có tài, như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”(1). Đức của người cán bộ, đảng viên là đạo đức cách mạng. Người coi đạo đức cách mạng là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ. Đức của người cán bộ cách mạng thể hiện ở phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, là lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ XHCN; là trình độ giác ngộ mục tiêu, lý tưởng XHCN, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp đó. Đức được thể hiện ở sự trong sáng, thành thật, trung thực, không cơ hội, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, biết hy sinh lợi ích cá nhân để phục tùng lợi ích tập thể, lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, gần gũi với quần chúng, gương mẫu gắn bó với nhân dân, khiêm tốn học hỏi, thực sự cầu thị. Có tinh thần đoàn kết, thương yêu, tương thân, tương ái lẫn nhau. Đức là cái gốc giúp người cán bộ cách mạng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó. Người nói: “cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(2). Đạo đức cách mạng tạo nên uy tín của cán bộ, đảng viên. Đó là cơ sở để giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng nhân dân, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
Tài của người cán bộ là trình độ, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, có hiệu quả nhất. Tài được thể hiện ở trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, khả năng nhận thức đúng các quy luật, sáng tạo trong giải quyết công việc; luôn làm chủ được tri thức khoa học và có khả năng hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn của mình. Bác nói: “Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn; chính trị là đức, chuyên môn là tài”(3). “Tài” còn là khả năng hoạt động thực tiễn, kỹ năng và hiệu quả thực hành các công việc được giao. Người cán bộ cách mạng phải có năng lực trí tuệ và năng lực hoạt động thực tiễn, có trình độ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hoạt động tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Dù hoạt động trên bất kỳ lĩnh vực nào thì người có “Tài” phải là người có sự hiểu biết thấu đáo và thực hành thành thạo các công việc mà mình đảm nhiệm. Người chỉ rõ: “Ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thành thạo về chính trị mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung”(4). "Tài” của người cán bộ phải được nhìn nhận, đánh giá theo từng loại công việc và vì thế phải tìm chọn cán bộ có tài và bố trí phù hợp với yêu cầu sử dụng của từng nhiệm vụ. Người căn dặn: “không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tuỳ tài mà dùng người”(5).
2. Đức và tài của người cán bộ, đảng viên trong tư tưởng Hồ Chí Minh phải luôn kết hợp chặt chẽ với nhau. Tài và đức của người cán bộ, đảng viên là hai mặt không tách rời mà hoà quyện với nhau, là cơ sở, điều kiện, tiền đề của nhau, thúc đẩy lẫn nhau để hoàn thiện hình thành nhân cách người cán bộ cách mạng. Tài năng của người cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng để họ hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đạt chất lượng và hiệu quả cao trong công việc. Người cán bộ có tài sẽ đem lại kết quả hoạt động tích cực, tự giác, sáng tạo cho họ trên cơ sở hành động theo quy luật khách quan. Nhưng tài năng đó phải được hiện diện trong hệ thống phẩm chất, năng lực và trong tính hiệu quả hoạt động thực tiễn của người cán bộ, đảng viên. Người cán bộ cách mạng phải là người có năng lực trí tuệ cao, tức là có trình độ hiểu biết toàn diện, sâu sắc với một hệ thống tri thức tổng hợp bao quát được nhiều lĩnh vực, có phương pháp tư duy khoa học để nhận thức được bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng, có năng lực thực tiễn tốt để đạt hiệu quả cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
Hồ Chí Minh luôn coi đạo đức cách mạng là tiêu chí hàng đầu, là "gốc" của người cán bộ, nâng cao đạo đức cũng có nghĩa là củng cố vững chắc hơn cơ sở định hướng cho sự phát triển tài năng của người cán bộ, vì lợi ích chung của Đảng, của giai cấp và của dân tộc. Đạo đức của người cán bộ, đảng viên được nâng cao càng tăng thêm động lực tinh thần thôi thúc người cán bộ vượt lên mọi khó khăn thử thách để nâng cao trình độ trí tuệ của mình. Đạo đức là sự thể hiện quan hệ ứng xử và hành vi của con người, đem lại lợi ích cho người khác và cho xã hội. Đạo đức của người cán bộ cách mạng còn là nền tảng và là cơ sở để người cán bộ, đảng viên phát huy tài năng, trí tuệ và các phẩm chất khác, hướng năng lực của họ vào hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của cách mạng. Vì vậy, theo Người, cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng. Đạo đức luôn luôn là động lực của tình cảm và hành vi của người cán bộ, tài là cơ sở để làm cho đức của người cán bộ cách mạng càng cao, càng lớn hơn.
3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đức - tài của người cán bộ là di huấn vô giá Người để lại cho Đảng và nhân dân ta về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Không bổ nhiệm cán bộ không đủ đức, đủ tài, cơ hội chủ nghĩa”(6). Đức của người cán bộ, đảng viên hiện nay phải là kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có niềm tin vào sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đức của người cán bộ, đảng viên hiện nay là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước; không tham nhũng và cương quyết đấu tranh chống tham nhũng; có lối sống trong sạch, lành mạnh, gần gũi với nhân dân, gương mẫu và gắn bó với quần chúng. Đặc biệt, người cán bộ cách mạng phải biết trăn trở trước cuộc sống nghèo khổ của quần chúng nhân dân và nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về kinh tế của đất nước so với thế giới; phải suy nghĩ và hành động, đem hết tài năng, tâm sức cống hiến cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh. Đức của người cán bộ, đảng viên hiện nay phải là nói đi đôi với làm, nói ít, làm nhiều; phải biết thể hiện bằng hành động, bằng những việc làm cụ thể, bằng nêu gương để thuyết phục, quy tụ mọi người.
Tài là năng lực chuyên môn, khả năng công tác để bảo đảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; tài là tầm tư tưởng, trí tuệ của người cán bộ, đảng viên trong tiến hành công việc một cách độc lập, sáng tạo, mang lại hiệu quả tối ưu. Tài phải được thể hiện ở trình độ, năng lực tư duy phát triển; có tư duy biện chứng, lôgíc, có tầm hiểu biết sâu rộng và phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, đủ sức cắt nghĩa và tìm được những câu trả lời thuyết phục trước những biến động phức tạp và mau lẹ của thực tiễn. Phải có năng lực trí tuệ phát triển cao, có trình độ ngoại ngữ và tin học để làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ thông tin; có năng lực tổ chức thực tiễn, năng lực cạnh tranh khoa học và công nghệ, có khả năng tiếp nhận và quản lý được công nghệ kỹ thuật mới.
Đức và tài là một thể thống nhất, không thể tách rời. Vì vậy, không thể chỉ có đức mà không cần tài, càng không thể coi trọng tài mà xem nhẹ đức. Đức của người cán bộ, đảng viên hiện nay không chỉ như đạo đức công dân mà còn bao hàm cả đạo đức của người lãnh đạo, chỉ huy. Trung thành nhưng phải có bản lĩnh, có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, không thụ động, bảo thủ trì trệ, né tránh khó khăn, gian khổ. Trung thành nhưng không phải là “gọi dạ, bảo vâng”, cơ hội, không có chủ kiến, không dám đấu tranh, tuỳ thời vì mục đích quyền lực và tiền tài. Tài của người cán bộ hiện nay cần phải được nhìn nhận, đánh giá theo từng loại công việc và vì thế phải tìm chọn cán bộ có tài phù hợp với yêu cầu sử dụng. Nghĩa là khi chọn người tài phải dựa vào thế mạnh và sở trường của họ, vào tài năng thực tế của người cán bộ, đảng viên, không hoàn toàn dựa vào bằng cấp để bố trí công việc, xác định cương vị; có vậy mới giúp cán bộ, đảng viên phát huy được ưu thế, sở trường, dốc tâm lực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.
Hiện nay, vấn đề đào tạo, sử dụng, đánh giá cán bộ phải được gắn với đức - tài được hiểu một cách khoa học, đầy đủ. Đức và tài của người cán bộ hiện nay cần phải cụ thể hoá bằng tiêu chuẩn chức danh đối với mỗi chức vụ, cương vị công tác, nhất là các tiêu chí mới đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Đức và tài của người cán bộ đạt đến trình độ nào thì phải lựa chọn bố trí họ ở cấp và vị trí tương xứng. Nhưng vấn đề có tính nguyên tắc cần khẳng định là, đã là người cán bộ cách mạng thì phải có đủ đức, đủ tài tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ, không thể châm chước bất cứ một tiêu chuẩn nào. Nếu quan điểm đức - tài không rõ ràng, lẫn lộn, chỉ nhìn hình thức bề ngoài mà không thấy bản chất bên trong của con người thì kết quả là sẽ chọn ra những kẻ bất tài, vô dụng, làm hại đến sự nghiệp cách mạng. Thấm nhuần Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa đức và tài của người cán bộ, đảng viên vào xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng trong tình hình hiện nay là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng./.
-------------------------------
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr.184.
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr. 252, 253
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG,, Hà Nội, 2001, tr. 492.
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG,, Hà Nội, 2001, tr. 313.
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG,, Hà Nội, 2001, tr. 274.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011,tr. 125.
Tác giả bài viết: Duy khanh-TCCB
Nguồn tin: Tạp chí xây dựng đảng
Bùi Hảo(st)