Tư tưởng nhất quán xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ là nhằm mục đích cao nhất giải phóng con người và ra sức tranh đấu để đòi lại những quyền thiêng liêng của con người. Trong đó, Người đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ và đấu tranh bảo vệ quyền bình đẳng cho họ. Những tư tưởng của Người về vấn đề giải phóng phụ nữ vẫn còn nguyên giá trị.

Trong tư tưởng của Người về phụ nữ được xuất phát từ tình cảm đặc biệt đối với những người phụ nữ nói chung và từ thực trạng bất bình đẳng của phụ nữ dưới chế độ phong kiến, sự cai trị thâm độc của thực dân Pháp đối với nước ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Bác Hồ luôn đánh giá cao vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam và cho chúng ta thấy những nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong xã hội. Với họ, việc giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình đẳng là một mục tiêu lớn của cách mạng do đảng cách mạng lãnh đạo. Điều này có thể lý giải tại sao từ năm 1910 thế giới tiến bộ lấy ngày 08 tháng 3 là “Ngày đàn bà và con gái”, sau đổi là Ngày Phụ nữ quốc tế, nhằm đoàn kết phụ nữ các nước đấu tranh để giải phóng giới mình, giành các quyền bình đẳng về kinh tế, chính trị và xã hội cho họ; cũng vì vậy mà khi thành lập Quốc tế Cộng sản (3/1919) hay Quốc tế III đã tổ chức phụ nữ quốc tế vì những mục tiêu đó.

Cũng như Mác và Lênin, từ lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới, Bác Hồ thấy rõ vai trò của phụ nữ thế giới nói chung, phụ nữ nói riêng. Người nhận xét: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Người cũng rút ra kết luận “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà tham gia”, rồi Người khẳng định: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”.

Với cách nhìn toàn diện, Bác Hồ nhấn mạnh rằng phụ nữ chiếm một nửa nhân loại; “Nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội”, cũng tương tự “Phụ nữ Việt Nam chiếm một nửa tổng số nhân dân ta”; Người còn chỉ rõ: “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng”. Vì vậy, theo Người, “Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng”, “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Bác Hồ phân tích có lý, có tình, rằng: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, “Nhất định phải sản xuất thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn nhiều sức lao động thì phải giải phóng lao động của phụ nữ”.

Tuy Bác Hồ không viết những tác phẩm lớn về vấn đề giải phóng phụ nữ, nhưng từng nơi, từng lúc những câu nói của Người về bình đẳng nam nữ thật giản dị và dễ hiểu. Người nói: “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ chỉ: Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng, bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng to và khó”(1).

Quyền bình đẳng thực sự của người phụ nữ theo Bác là “người phụ nữ Việt Nam đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân”. Vấn đề bình đẳng nam nữ được Bác đề cập trên nhiều lĩnh vực, nhưng nổi rõ nhất trên hai lĩnh vực sau:

Một là, lĩnh vực quyền và lợi ích: Trong lời kêu gọi chống nạn thất học, Bác viết “Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm. Đây là lúc các chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử”(2). Hay “Phụ nữ phải tham gia vào các cấp chính quyền, vào bộ máy lãnh đạo các ngành từ cơ sở đến trung ương, vào ban quan trị”.

Có một vấn đề rất tế nhị trong việc phân công lao động cần căn cứ vào những khác biệt về đặc tính giới mà Bác Hồ thẳng thắn khuyên bảo. Bác nói: “Con gái có kinh chẳng hạn, trong lúc có kinh lội nước, dầm mưa, sau này sức khỏe không tốt, cho nên phân phối công tác cho phụ nữ phải thích hợp”(3).

Hai là, lĩnh vực gia đình: Người phụ nữ phải vất vả nhiều trong công việc gia đình, như Lênin chỉ rõ: “Mặc dù có mọi luật lệ giải phóng phụ nữ, nhưng phụ nữ vẫn cứ là nô lệ trong gia đình vì công việc nội trợ linh tinh cứ đè nặng lên vai họ, làm cho họ nghẹt thở mụ mẫm, nhọc nhằn, ràng buộc họ vào bếp núc, vào buồng con cái, lãng phí sức lực của họ vào một công việc cực kỳ tủn mủn, làm cho họ nhọc nhằn, gò bó”(4). Và theo Bác Hồ thì việc giải phóng sức lao động của phụ nữ chính là giải phóng phụ nữ khỏi những công việc không tên của gia đình. Bác thường nói “Nên cố gắng tổ chức những nhà ăn công cộng để giải phóng phụ nữ ra khỏi bếp núc”.

Bác Hồ phê phán mạnh mẽ vấn đề bạo hành trong gia đình, nhất là hiện tượng chồng đánh vợ. Bác viết “Khinh rẻ phụ nữ, và dã man nhất là thói đánh vợ… Những thói dã man đánh vợ và ép con cần phải chấm dứt. Lợi quyền của phụ nữ cần được thực sự bảo đảm”(5).

Từ những phân tích về sự bất bình đẳng nam nữ, Bác Hồ cũng nêu lên các con đường có thể giải phóng phụ nữ và gợi ý từng đối tượng cụ thể. Đối với cán bộ lãnh đạo, Bác phê phán những tư tưởng mang nặng định kiến giới, coi thường phụ nữ. Bác khuyên “Phải thông cảm sâu sắc với quần chúng, và ra sức giúp đỡ chị em giải quyết những thắc mắc khó khăn”. Đối với các đoàn thể phải có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục pháp luật để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Đối với chính bản thân người phụ nữ, phải tự đấu tranh vì quyền lợi của mình, không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Bác khuyên chị em phụ nữ cố gắng học tập văn hóa, chính trị, nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Trong công tác và cuộc sống hàng ngày, Bác Hồ rất coi trọng đào tạo đội ngũ cán bộ và  quan tâm, chăm sóc đến cuộc sống của người phụ nữ.

Trong Di chúc, Người biểu dương tinh thần chiến đấu, hy sinh và căn dặn toàn dân phải quan tâm, chăm sóc phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”(6)./.

(1) Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ, NXB Phụ nữ, H.1970, tr.31

(2) Sđd, tr.21

(3) Hồ Chí Minh về đạo đức, H.Nxb CTQG, 1993, tr.217

(4) Lênin với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb Phụ nữ, H.1970, tr.31

(5) Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb Phụ nữ, H.1970, tr.51

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2002, tr.504

Khuất Minh Phương

Theo Báo Lâm Đồng

Bùi Hảo (st)

Bài viết khác: