Tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn ) không thể thiếu đối với một đất nước có truyền thống ngàn đời sản xuất nông nghiệp lúa nước như Việt Nam. Chính vì thế, Đảng ta luôn xác định “Tam nông” là vấn đề lớn và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn của đất nước.

Thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn là vấn đề quan trong việc phát triển kinh tế đất nước. Từ những năm đầu lập nước, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, đất thì xấu, phương pháp canh tác thì lạc hậu, do đó năng suất rất kém. Sản lượng một hecta ở Châu Âu là 4.670 kg thóc… còn ở Đông Dương thì chỉ có 1.210 kg(1), Người đã xác định trọng tâm, ưu tiên cho nông nghiệp “Nội dung cách mạng dân chủ căn bản là giải phóng nông dân, chia ruộng đất cho nông dân. Nội dung cách mạng dân tộc cũng là giải phóng cho nông dân (2). Người nhận định: “Nước ta là một nước nông nghiệp. Hơn 9/10 dân ta là nông dân. Hơn 9/10 nông dân ta là trung, bần và cố nông (3). Chính vì vậy, nông dân Việt Nam là lực lượng chủ yếu, đông đảo và chiếm đại đa số. Họ là sự kết tinh cho những giá trị văn hóa, cả tinh thần và vật chất cho dân tộc, những giá trị đó xuất phát từ những người nông dân Việt Nam chân chất, lam lũ, cần cù, chịu thương, chịu khó, họ đã làm nên một sức mạnh Việt Nam, phát triển bền vững trong lịch sử dân tộc cho đến ngày nay. Người nông dân Việt Nam, họ thể hiện cho truyền thống yêu nước, đoàn kết cộng đồng, dân tộc, tạo đà cho sự phát triển kinh tế đất nước trong mọi thời đại. Một minh chứng điển hình cho quan điểm đúng đắn đó, là quan tâm, chú trọng đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó ta nhìn nhận và soi rọi tư tưởng đó một cách đúng đắn, để vận dụng một cách hiệu quả vào điều kiện nước ta hiện nay.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự cần thiết phải chú trọng đến “Tam nông”

Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nho giáo yêu nước sống ở một vùng nông thôn Trung Bắc bộ. Ngay từ nhỏ, Hồ Chí Minh sớm nhận thức vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, hiểu theo cách khác, trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, thì quan điểm về “Tam nông” cũng là một cuộc cách mạng trong tư tưởng của Hồ Chí Minh. Ba nội dung đó liên quan chặt chẽ, tác động lẫn nhau tạo thành một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong mọi thời đại. Sự nghiệp CNH, HĐH coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở, là lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ đất nước. Chính vì vậy, Đảng ta coi phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt, phát triển “Tam nông”, nhằm mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân”.

Trong công tác cải cách ruộng đất, Người nói: “Hoàn thành cải cách ruộng đất phải đẩy mạnh phong trào cải tiến kỹ thuật như thủy lợi, phân bón, nông cụ; phải ra sức bảo vệ sản xuất, đề phòng thiên tai, đề phòng địch phá hoại.Để làm tốt những việc trên chúng ta phải động viên lòng hăng hái sản xuất của nhân dân, củng cố và mở rộng phong trào tổ đổi công(4). Theo Người làm thế nào để dân hiểu, dân hồ hởi làm theo, hăng hái sản xuất, điều đó là vô cùng quan trọng: “Trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến, thì nhiệm vụ tuyên huấn là làm sao cho đồng bào các dân tộc hiểu được mấy việc. Một là đoàn kết. Hai là làm cách mạng hay kháng chiến để đòi độc lập. Chỉ đơn giản thế thôi. Người chỉ dẫn: “Vận động nông dân là phải vận thế nào cho toàn thể nông dân động, nghĩa là: Làm cho nông dân hiểu quyền lợi của dân tộc và của giới mình; làm cho nông dân vào Hội Nông dân cứu quốc cho đông, để phấn đấu cho mục đích của mình và tích cực tham gia công cuộc kháng chiến kiến quốc(5). Bởi vậy: “Nông vận là phải: Tổ chức nông dân thật chặt chẽ - Đoàn kết nông dân thật khăng khít - Huấn luyện nông dân thật giác ngộ - Lãnh đạo nông dân hăng hái đấu tranh cho lợi ích của nông dân, của Tổ quốc (6).

Tư tưởng của Người, coi phát triển nông nghiệp là nhân tố đầu tiên, là cội nguồn giải quyết mọi vấn đề xã hội. Nông nghiệp giải quyết nhu cầu quan trọng nhất, cơ bản nhất, cấp thiết nhất của con người là nhu cầu là ăn, mặc, ở. Trong đó, ănlà nhu cầu đầu tiên. Người viết “Sản xuất nông nghiệp trước hết là sản xuất lương thực, là việc cần thiết nhất cho đời sống nhân dân, là bộ phận cực kỳ quan trọng trong kế hoạch kinh tế của Nhà nước(7). Minh chứng cho tư tưởng đúng đắn đó, trong Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã quán triệt sâu sắc tư tưởng của Hồ Chí Minh: “Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh… Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính. Phải cải tạo và phát triển nông nghiệp để tạo điều kiện cho việc công nghiệp hoá nước nhà(8).

Trên cơ sở đó, những điều kiện cơ bản để xây dựng và phát triển nền nông nghiệp trong tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm: Thứ nhất, phải động viên khuyến khích nông nghiệp hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm trong xây dựng và phát triển nông nghiệp; Thứ hai, công nghiệp phải giúp đỡ nông nghiệp, phải tiến hành CNH nông nghiệp; Thứ ba, cải tiến và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; Thứ tư, hợp tác hóa trong nông nghiệp là biện pháp quan trọng để đưa nông nghiệp phát triển, là con đường đưa nông dân Việt Nam đi lên CNXH; Thứ năm, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước trong xây dựng và phát triển nông nghiệp.

Đặc biệt, thời kỳ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Công nghiệp và công nghiệp” là hai ngành kinh tế quan trọng, có tác động qua lại với nhau. Người đã nhiều lần nêu “Công nghiệp và công nghiệp là hai chân của nền kinh tế”. Công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khỏe, đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích(9). Chính vì vậy, Người luôn coi trọng và cần thiết phải phát triển sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện. Bởi vì phát triển nông nghiệp toàn diện, không những đáp ứng được nhu cầu cái ăn, cái mặc, chỗ ở, ổn định và cải thiện được đời sống nhân dân, mà còn vì phát triển nông nghiệp toàn diện, là giải pháp quan trọng để phát triển nông nghiệp mạnh mẽ.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp, không chỉ có giá trị về mặt lý luận, mà nó còn có giá trị thực tiễn hết sức sâu sắc. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã vận dụng và phát triển tư tưởng nông nghiệp của Hồ Chí Minh, để xây dựng thành đường lối phát triển kinh tế nói chung, đường lối phát triển nông nghiệp nói riêng qua các giai đoạn lịch sử, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Phát triển nông nghiệp cần thiết phải gắn liền với CNH, HĐH đất nước

Hồ Chí Minh có một tầm nhìn xa về công nghiệp hóa nông thôn, khi lý giải mối quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp. Người nói: “Công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khỏe và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích. Sự giúp đỡ lẫn nhau đó được thể hiện: “ Nông nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ lương thực cho nhân dân; cung cấp đủ nguyên liệu (như bông, mía, chè...) cho nhà máy, cung cấp đủ nông sản (như lạc, đỗ, đay...) để xuất khẩu đổi lấy máy móc. Công nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ hàng tiêu dùng cần thiết cho nhân dân, trước hết là cho nông dân; cung cấp máy bơm nước, phân hóa học, thuốc trừ sâu... để đẩy mạnh nông nghiệp; và cung cấp máy cày, máy bừa cho các hợp tác xã nông nghiệp”. Trong mối quan hệ đó, nông nghiệp là gốc, bởi vì nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở để phát triển công nghiệp.

Người nói: “Làm cho nông nghiệp xã hội hoá" chính là thấm đậm tư tưởng của Lênin. Người viết tiếp: “Một nước nông nghiệp lạc hậu, thì nông nghiệp phải là gốc, nông nghiệp là trung tâm", “tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân như nước với thuyền, nước dâng thuyền lên" một luận đề, một hình ảnh mộc mạc, nhưng là một nguyên lý sâu sắc về phát triển lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất: Một là, phát huy truyền thống yêu nước. Hai là, phát huy nội lực, tính cần cù, sáng tạo của nông dân; Ba là, tổ chức tốt phong trào nông dân; Bốn là, phát huy tinh thần đoàn kết, tương ái của nông dân; Năm là, phát huy vai trò của giai cấp nông dân trong khối đại đoàn kết dân tộc.

Đất nước ta đang trên đà đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn theo đường lối đổi mới của Đảng. Đảng ta luôn xác định giải quyết vấn đề “tam nông” là vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước. Tại Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục đưa ra những quan điểm chỉ đạo đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đại hội khẳng định những thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội nói chung, những kết quả đạt được của nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng đã nhấn mạnh: “Sự phát triển ổn định trong ngành nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực đã đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Kinh tế nông thôn và đời sống nông dân được cải thiện hơn trước. Việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư, phát triển giống mới có năng suất, chất lượng cao, phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp... đã có tác động tích cực đến việc sản xuất, tạo việc làm và xóa đói, giảm nghèo (10).

Quan điểm chỉ đạo thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn này cũng được Đảng xác định rõ. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả gắn với giải quyết tốt các vấn đề nông dân, nông thôn. Xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân, chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Nâng cao trình độ giác ngộ của giai cấp nông dân, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình CNH, HĐH đất nước. Hỗ trợ, khuyến khích nông dân học nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, tiếp nhận và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ. Nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn; thực hiện có hiệu quả bền vững công cuộc xóa đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp (11). Nghị quyết còn xác định: “Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân(12).

Từ những quan điểm nêu trên, cho đến nay, tư tưởng của Hồ Chí Minh về nông nghiệp vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng là kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tam nông, từng bước nâng cao mức sống nông dân, thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tư tưởng của Người về nông nghiệp, không những có ý nghĩa thực tiễn to lớn, mà còn là cơ sở lý luận vô cùng quan trọng đã, đang và sẽ được Đảng và Nhà nước ta vận dụng một cách linh hoạt vào xây dựng phát triển nền kinh tế nông nghiệp nước ta trong giai đoạn CNH, HĐH hiện nay.

Chú trọng “Tam nông” nhìn từ thực tế trong giai đoạn kinh tế hiện nay

Thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa, công tác vận động nông dân cần phải làm cho nông dân nhận thức rõ. Xây dựng chủ nghĩa xã hội chính là nhằm không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của người nông dân. Điều đó được thể hiện trước tiên ở đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, mà chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng khẳng định: “tất cả đường lối, phương pháp, chính sách… của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng(13).

Ngày nay, vấn đề “Tam nông” vẫn luôn được chú trọng, coi nông nghiệp là phần không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế đất nước. Trong một phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Hội Nông dân Việt Nam: “Nông dân Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước và cách mạng, đã có những đóng góp rất lớn trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, ngày nay đang tiếp tục phát huy vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Phải khẳng định thời gian qua, phong trào nông dân cả nước tiếp tục có bước phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng Bí thư nói: “Chiếm gần 70% dân số và hơn 50% lực lượng lao động xã hội trực tiếp sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề; nông dân Việt Nam, từ trẻ đến già ở miền xuôi hay miền núi, biên giới và hải đảo luôn một lòng theo Đảng; cần cù, sáng tạo, đoàn kết làm nên thắng lợi rất đỗi tự hào trong sản xuất nông nghiệp thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế”.

Trong Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong thời gian năm tới, Đảng ta xác định: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn..; nông dân được đào tạo có trình độ ngang bằng với các nước tiên tiến, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới; xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trước mắt cũng như lâu dài; xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp CNH, HĐH.

Trong Thông điệp năm mới 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định:“phải thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế đặc biệt làđẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới”. Những khó khăn mà ngành nông nghiệp đang đối diện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Sản xuất nông nghiệp là nền tảng, một trục phát triển, là trụ đỡ của nền kinh tế; cải thiện đời sống người dân, giảm nghèo. Nông nghiệp tăng trưởng liên tục và toàn diện nhưng nhìn lại, tốc độ chậm lại, thu nhập người dân ngày càng giảm. Người lao động trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn”. Và nguyên nhân chính là chi phí sản xuất tăng, trong khi giá bán lại thấp, kéo theo thu nhập của người dân thấp, năng suất lao động trong nông nghiệp chậm được cải thiện. Thủ tướng khẳng định: “…Tái cơ cấu lại nông nghiệp hay nói cách khác là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao hơn và bền vững hơn gắn với xây dựng nông thôn mới là đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển”. Tại Hội nghị về sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng chỉ rõ: "Tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành chuỗi sản xuất gắn liền tiêu thụ. Kinh tế hộ gia đình không còn phù hợp, lấy nông dân là trung tâm chủ thể nhưng phải hợp tác. Khuyến khích tối đa doanh nghiệp vào phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn. Qua đó, phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất; cung ứng đầu vào và tiêu thụ nông sản; tạo việc làm cho người lao động, rút bớt lao động trực tiếp làm nông nghiệp. Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn, đây là chính sách nhất quán, mang tính chiến lược. Dành ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp, tìm mọi cách hỗ trợ cho nông dân, để phát triển bền vững; tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng cho nông thôn...."

Sự cần thiết và quan trọng cho nông nghiệp là một chiến lược đúng đắn và cần thiết, nội dung đó cần phải đề ra một số nội dung cơ bản như sau: Một là, cần xây dựng mới các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn; Hai là, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; Ba là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ; Năm là, tiếp tục đổi mới và phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; Sáu là, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản cho nông dân; Bảy là, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; tập trung giải quyết các vấn đề phát sinh, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Khẩn trương thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện nghị quyết này, tạo nên sức mạnh cộng hưởng, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, đồng thời cũng vừa là nhiệm vụ chiến lược của nước ta trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Do đó, ưu tiên đầu tư nhiều hơn, toàn diện hơn vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn là hoàn toàn hợp đạo lý và nhất thiết phải làm. Phát triển, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được ưu tiên thực hiện trong quá trình CNH, HĐH đất nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị ở Đồng bằng sông Cửu Long: “… Không thể bỏ bảo hộ nông nghiệp. Không nên coi đây là bao cấp mà phải xem là chính sách, chiến lược, nền tảng phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Phải khẩn trương tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả…”./.

                             NCS. Hoàng Anh Tuấn

(1). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H.1995, tr. 229

(2). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.1996, tr.25

(3). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.1995, tr. 170

(4). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, H.1996, Tr.92

(5). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H.1995, Tr.711

(6). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.1995, Tr.710

(7). Hồ Chí Minh, Toàn tập, CTQG, H, 2009, tập 9, tr. 5, 456.

(8). Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các điền chủ và nông gia ngày 14/4/1946.

(9). Hồ Chí Minh, Toàn tập, CTQG, H, 2009, tập 8, tr. 91, 512.

(10). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXBCTQG-ST, H.2011, tr. 151-152

(11). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXBCTQG-ST, H.2011, tr. 241.

(12). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXBCTQG-ST, H.2011, tr. 39.

(13). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, H.1996, Tr. 380.

Bài viết khác: