Ảnh Tư liệu
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức, đạo đức trong tư tưởng của Bác xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, từ khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc. Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, Bác đi từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản, từ đạo đức của người yêu nước đến đạo đức của người cộng sản. Phẩm chất đạo đức trong con người của Bác là phẩm hạnh, tác phong, quy phạm cao đẹp, là phương hướng, phương thức đúng đắn nhất để Người thực hiện tư tưởng vì dân, vì nước, vì hạnh phúc của con người. Đạo đức của Bác là sự kết tụ, tỏa sáng cao nhất, tinh túy nhất tư tưởng của Bác. Có thể nói, đạo đức là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng. Thống kê trong di sản Hồ Chí Minh để lại có tới gần 50 bài và tác phẩm bàn về vấn đề đạo đức.
Theo Bác những chuẩn mực chung nhất của nền đạo đức cách mạng Việt Nam gồm những điểm sau:
Tự mình phải:
Cần kiệm.
Hoà mà không tư.
Cả quyết sửa lỗi mình.
Cẩn thận mà không nhút nhát.
Hay hỏi.
Nhẫn nại (chịu khó).
Hay nghiên cứu, xem xét.
Vị công vong tư.
Không hiếu danh, không kiêu ngạo.
Nói thì phải làm.
Giữ chủ nghĩa cho vững.
Hy sinh.
Ít lòng tham muốn về vật chất.
Bí mật.
Đối với người phải:
Với từng người thì khoan thứ.
Với đoàn thể thì nghiêm.
Có lòng bày vẽ cho người.
Trực mà không táo bạo.
Hay xem xét người.
Làm việc phải:
Xem xét hoàn cảnh kỹ càng.
Quyết đoán.
Dũng cảm.
Phục tùng đoàn thể.
Đường Kách mệnh, 1927.
Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông,
Sống ở trên đời người cũng vậy,
Gian nan rèn luyện mới thành công.
Nhật ký trong tù
Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi.
Trả lời các nhà báo nước ngoài, 21-1-1946, t. 4, tr. 161.
Những lỗi lầm chính là:
1. Trái phép
2. Cậy thế
3. Hủ hoá
4. Tư túng
5. Chia rẽ...
6. Kiêu ngạo...
Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm, thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa.
Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ tỉnh, huyện và làng ngày 17-10-1945
1- Mình đối với mình: Đừng tự mãn, tự túc; nếu tự mãn, tự túc thì không tiến bộ. Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người ta. Phải siêng năng tiết kiệm.
2- Đối với đồng chí mình phải thế nào? Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị...
Bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hoá, ngày 20-2-1947
... Chúng ta phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm sau đây:
a. Địa phương chủ nghĩa...
b. Óc bè phái…
c. Óc quân phiệt, quan liêu...
d. Óc hẹp hòi...
e. Ham chuộng hình thức...
f. Làm việc lối bàn giấy...
g. Vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm...
h. Ích kỷ, hủ hoá...
Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ ngày 1-3-1947
Đạo đức cách mạng
Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả.
Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm.
Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: Nhân, nghĩa, trí, dung, liêm.
a) NHÂN là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền.
Những người đã không ham, không e, không sợ gì thì việc gì là việc phải họ đều làm được.
b) NGHĨA là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.
c) TRÍ vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Để hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người. Biết xét việc. Vì vậy mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.
d) DŨNG là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát.
đ) LIÊM là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa.
Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ .
Đó là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người.
Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?
Trích Sửa đổi lối làm việc, tháng 10-1947
Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Cần: là cần cù, siêng năng, chăm chỉ, dẻo dai; lao động sáng tạo, có kế hoạch, có năng suất cao... Trái với Cần là lười biếng: Biếng học, biếng làm, không chịu động não tư duy. Việc dễ thì dành cho mình, việc khó thì tìm cách lẩn tránh, đẩy cho người khác…
Kiệm: Là “tiết kiệm, không xa xỉ, không lãng phí, không bừa bãi” đó là tiết kiệm thời gian, tiền của; tiết kiệm từ cái nhỏ đến cái lớn… Tiết kiệm nhưng không bủn xỉn: “Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Như thế mới đúng là Kiệm”. Trái với Kiệm là xa hoa, lãng phí, bừa bãi làm tốn thời gian, tiền của một cách vô ích.
Liêm: Là “trong sạch không tham lam…”, “là không tham địa vị. Không ham tiền tài… chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”. Trái với Liêm “là tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng…”, “Cậy quyền, cậy thế mà đục khoét dân, ăn của đút hoặc trộm của công làm của tư”.
Chính: “là không tà…, là thẳng thắn, đứng đắn”. Việc gì cũng phải công minh chính trực; không tư ân, tư huệ, tư thù, tư oán… Trái với Chính là tà, là ác; là không thẳng thắn, không đứng đắn; là hủ hoá, xấu xa, kiêu ngạo…
Chí công vô tư: Là không nghĩ đến mình trước, phải đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân, của Đảng, lên trên hết, trước hết, không kèn cựa về mặt hưởng thụ, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, mình vì mọi người, công tâm trong sáng. Đối lập với “Chí công vô tư” là “di công vi tư”, đó là chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, là một thứ vi trùng độc hại; là căn nguyên, gốc rễ đẻ ra hàng trăm thứ bệnh và thói hư tật xấu: Tham lam, kiêu ngạo, hiếu danh, óc địa phương hẹp hòi, kéo bè, kéo cánh, quan liêu, độc đoán, tham ô, tham nhũng…
Cần Kiệm Liêm Chính, tháng 6 năm 1949
Cần tẩy sạch bệnh quan liêu
Bệnh quan liêu mệnh lệnh từ đâu mà ra?
Nguyên nhân bệnh ấy là:
Xa nhân dân: Do đó, không hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân dân.
Khinh nhân dân: Cho là “dân ngu khu đen”, bảo sao làm vậy, không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình.
Sợ nhân dân: Khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa.
Không tin cậy nhân dân: Họ quên rằng không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy, làm cũng không xong, có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy cũng làm cũng được.
Không hiểu biết nhân dân: Họ quên rằng nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực (lợi ích gần và lợi ích xa, lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cuộc). Đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông.
Không yêu thương nhân dân: Do đó họ chỉ biết đòi hỏi nhân dân, không thiết thực giúp đỡ nhân dân...
Có nơi, bệnh quan liêu mệnh lệnh trầm trọng đến nỗi cán bộ lừa phỉnh dân, dọa nạt dân!
Bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là: Hỏng việc. Vì vậy, chúng ta phải mau mau chữa bệnh nguy hiểm ấy.
Cách chữa bệnh ấy gồm có một nguyên tắc là: Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều là:
Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết;
Liên hệ chặt chẽ với nhân dân;
Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ;
Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình;
Sẵn sàng học hỏi nhân dân;
Tự mình phải làm gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính, để nhân dân noi theo.
Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh ngày 2-9-1951
Cải tạo thế giới là việc to, phải trường kỳ gian khổ.
Kháng chiến để cải tạo nước nhà cũng phải trường kỳ và gian khổ. Muốn cải tạo mình, cũng phải trường kỳ và gian khổ, chứ không phải là dễ đâu.
Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được.
Ai cũng thấy siêng năng, trong sạch là tốt. Điều đó không ai chối cãi được. Thế mà vì sao vẫn không làm hay không làm được? Chẳng những không làm được mà còn làm trái lại? Đó là vì cái tâm mình không chính.
Phải thấy kẻ địch trong mình ta nó mạnh lắm. Đế quốc bên ngoài có thể dùng súng dùng đạn để đánh được kẻ địch trong người không thể dùng lựu đạn mà ném vào được; nó vô hình, vô ảnh, không dàn ra thành trận, luôn luôn lẩn lút trong mình ta. Nó khó thấy, khó biết, nên khó tránh. Nhưng đã biết việc phải thì kiên quyết làm.
... Có hai con đường ở thế giới, ở trong nước và ở trong mình.
Theo con đường ác thì dễ dàng, nhưng lăn xuống hố.
Theo con đường thiện thì khó nhọc, nhưng vẻ vang.
Quyết tâm là làm được.
Cái gì khó bằng làm cách mạng, bằng đánh Tây, bằng cải tạo xã hội? Thế mà ta làm được.
Cán bộ có quyết tâm thì cải tạo được mình, được nước nhà, được xã hội.
Bài nói tại lớp chỉnh Đảng Trung ương khoá 2, 3-1953
... Khiêm tốn là một đạo đức mà mọi người cách mạng phải luôn luôn trau dồi.
Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn, ký tên C.B.
Báo Nhân Dân, số 194, từ 13 đến 15-6-1954
Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh.
Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu.
Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi.
Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng "đạn bọc đường" vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy.
Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hoá, thì phải luôn thực hiện 4 chữ mà Bác thường nói. Đó là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô, 5-9-1954
... Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi.
Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được.
Bài nói chuyện tại Hội nghị sản xuất cứu đói, 13-6-1955
… Phải tránh tư tưởng kiêu ngạo, công thần, tự tư, tự lợi.
Bài nói chuyện tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, 2-11-1956
… Chủ nghĩa cá nhân là trái ngược với chủ nghĩa tập thể, và chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa xã hội nhất định thắng, chủ nghĩa cá nhân nhất định phải tiêu diệt.
Đạo đức cách mạng, 12-1958.
Kim Yến (Tổng hợp)