Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp - hai con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX. Con đường giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước gắn liền với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam. Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc là ngọn đuốc sáng ngời, soi dọi cho con đường cách mạng, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng trong quá trình xây dựng, là bản hùng ca bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Một trong những người học trò kiệt xuất của Hồ Chí Minh đó là thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp - người Anh cả Quân đội nhân dân Việt Nam, người đã lãnh đạo quân đội ta chiến thắng thực dân Pháp, đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất non song đất nước. Dân tộc Việt Nam đã sinh ra nhà tư tưởng lớn Hồ Chí Minh và cũng sinh ra thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp. Ở bài viết này, chúng tôi đi phân tích một khía cạnh dựa trên những quan điểm khát vọng giành độc lập tự do của họ.

Hồ Chí Minh và con đường giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước

Người đã trọn cuộc đời dành cho dân, cho nước, với mục tiêu là độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà. Người đã góp công to lớn vào phong trào cách mạng của dân tộc. Người coi “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”. Tư tưởng giải phóng dân tộc của Người có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần định hướng, soi dọi cho con đường cách mạng của Đảng ta trong các cuộc kháng chiến. Theo Người, xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân, phải được toàn diện, cả về số lượng và chất lượng, quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, coi trọng xây dựng tính đại đoàn kết dân tộc...Người nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Người cũng khẳng định thêm: “Muốn giải phóng dân tộc thành công, trước hết phải có đảng cách mệnh. Đảng có vững chắc, mệnh mới thành công, Đảng muốn vững, thì phải có chủ nghĩa làm cốt. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Người nói con đường cách mạng: “Cách mạng giải phóng dân tộc, muốn thắng lợi phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, của giai cấp công nhân, Đảng đó phải được xây dựng theo các nguyên tắc Đảng kiểu mới của Lênin, được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác Lênin…”.

Nhận thức được điều đó, từ đầu những năm 20 thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chủ nghĩa đế quốc là một con đỉa hai vòi…”. Từ đó, phải kết hợp cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa, phải xem cách mạng ở thuộc địa như là “một trong những cải cách của cách mạng vô sản”. Mặt khác, cách mạng giải phóng dân tộc, muốn thắng lợi, phải theo con đường cách mạng vô sản, tức là phải đi theo đường lối Mác - Lênin. Con đường cách mạng giải phóng dân tộc, Người nói:cách mạng giải phóng dân tộc là việc chung cả dân chúng, chứ không phải việc một hai người”, vì vậy phải đoàn kết toàn dân, “sĩ, công, nông, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”. Nhưng trong sự tập hợp rộng rãi đó, Người nhắc nhở không được quên cái cốt của nó là công - nông. Phải nhớ: “Công nông là người chủ cách mệnh, Công nông là gốc cách mệnh”. Trong phạm vi của cách mạng giải phóng dân tộc,mà đối tượng cần đánh đổ, trước hết là bọn thực dân, đế quốc và địa chủ phong kiến tay sai. Phát biểu tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản (1924) Nguyễn Ái Quốc đã phân tích: “Vận mệnh giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa… nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa”, nếu khinh thường cách mạng ở thuộc địa tức là “muốn đánh rắn đằng đuôi”. Vận dụng công thức của Các Mác: “Sự giải phóng giai cấp công nhân phải là sự nghiệp của bản thân giai cấp công nhân”, Người đã đi tới điểm: “Công cuộc giải phóng anh em (tức nhân dân thuộc địa) chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”. Đây là một luận điểm sáng tạo, có giá trị lý luận và thực tiễn rất to lớn, một cống hiến rất lớn vào kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin.

Dựa trên những quan điểm, lý luận về con đường giải phóng dân tộc nêu trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng chiến lược quân sự một cách linh hoạt vào từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở nước ta trong giai đoạn kháng chiến, đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc trên mọi phương diện, cả bằng lực lượng vũ trang và bằng đàm phán hòa bình, nội dung đó có thể khái quát ở một số điểm sau:

Một là,sức mạnh toàn dân gắn với xây dựng tinh thần đoàn kết dân tộc. Tư tưởng giải phóng dân tộc của Người là dựa trên tinh thần đại đoàn kết các dân tộc. Lấy sức mạnh toàn dân với tinh thần quân với dân là một. Quân đội chính là dân, chiến đấu vì dân, quân với dân như cá với nước. Người dạy quân đội ta là con em của nhân dân, nên phải có quan hệ gắn bó như ruột thịt với nhân dân. Phải làm cho quân đội hết lòng yêu thương nhân dân, kính trọng, giúp đỡ, bảo vệ dân, được dân tin, dân phục, dân yêu. Quân đội, không những đánh giặc giỏi, mà còn phải biết làm công tác dân vận giỏi, sản xuất giỏi. Phải luôn luôn “dựa vào dân” vì “có dân là có tất cả”, “quân với dân như cá với nước”, Người nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Người chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước trận chiến: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đánh giá: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là dấu mốc bằng vàng. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định bị thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”. Sức mạnh của quân đội, sức mạnh của lực lượng vũ trang ba thứ quân kết hợp với sức mạnh của toàn dân tạo thành sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù.

Hai là,sứcmạnh dân tộc gắn với xây dựng lực lượng quân đội vì nước, vì dân. Tư tưởng này, nhằm mục tiêu làm cho quân đội ta luôn là một quân đội cách mạng của Đảng, Nhà nước, tận hiếu với dân, tin tưởng và trung thành vô hạn với sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bản lĩnh chính trị vững vàng của quân đội, phải được thể hiện ở việc nắm vững mục tiêu chiến đấu, có thái độ đúng, đấu tranh bảo vệ đường lối quan điểm của Đảng. Phải làm cho quân đội ta mãi là của dân, do dân, vì dân mà chiến đấu.Đánh giặc với sức mạnh toàn dân, toàn diện, lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu chống mạnh, kiên cường, dũng cảm, kết hợp với mưu trí sáng tạo. Người ra lời kêu gọi: Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến! Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”. Kết thúc lời kêu gọi, Người khẳng định: “Dù gian lao kháng chiến nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định sẽ về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm. Người luôn động viên, thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ trước và sau những trận đánh lớn, còn tham dự tổng kết, rút kinh nghiệm, chỉ ra những khuyết điểm trong các trận chiến đấu. Người trở thành linh hồn của những chiến công vang dội, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, lời nói của Người được minh chứng cho cuộc chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu.

Ba là,sứcmạnh dân tộc gắn với nghệ thuật, chiến thuật quân sự trong chiến tranh. Tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh, mà nghệ thuật quân sự chiếm một vị trí rất quan trọng. Người luôn dạy chiến sỹ và quân dân ta, làm cách mạng tuyệt đối không được chủ quan, phải sâu sát thực tế, đánh giặc phải hiểu rõ địch - ta thì, trăm trận trăm thắng. Khi trao nhiệm vụ cho Đại tướng, Hồ Chí minh dặn: “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Từ những quan điểm trên, nghệ thuật quân sự của Người có thể phân tích ở một số điểm sau: (1)-Nghệ thuật quân sự với Lực và Thế. Trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh luôn kết hợp chặt chẽ giữa Thế và Lực, tạo điều kiện cho nhau, dùng lực để lập thế, tạo thời và cũng là để phát huy lực, tạo thế để thúc đẩy thời cơ, dùng mưu kế tạo thế cho ta, phá thế địch, hạn chế cái mạnh của địch, phát huy cái mạnh của ta, tranh thủ thời cơ giành thắng lợi. Người nói: "Ta nhất định thắng, địch nhất định thua".Người phân tích: Địch như mặt trời vào lúc hoàng hôn, hống hách lắm nhưng đã gần tắt nghỉ, lực lượng ta ngày càng mạnh thêm như suối mới chảy, như lửa mới nhen, chỉ có tiến không có thoái, "Thế địch như lửa, thế ta như nước, nước nhất định thắng lửa". Người còn nhận định: "Nay tuy châu chấu đá voi nhưng mai voi sẽ lòi ruột ra"; "Phải nghiên cứu cách đánh giặc để có một lối đánh rất tài giỏi thì trăm trận trăm thắng". Nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, đó là quan điểm của Hồ Chí Minh hàm chứa rất sâu sắc tư tưởng quân sự của dân tộc ta đã có truyền thống từ lâu.(2)-Nghệ thuật quân sự với thời cơ tác chiến. Thời gian là lực lượng, thời gian là sức mạnh, Người dùng kế "Trường kỳ kháng chiến", "Vừa kháng chiến vừa kiến quốc". Người nói: Giặc Pháp có "vỏ quýt dày", ta phải có "móng tay nhọn". Người nói: Thắng lợi và trường kỳ đi đôi với nhau "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi"; (3)-Nghệ thuật quân sự với tài thao lược. Đó là sự thay đổi quyết sách khi tình hình thực tiễn đã thay đổi, đề ra quyết sách mới cho phù hợp thực tiễn, có như vậy mới giành thắng lợi. Quyết định thay đổi phương châm từ “đánh nhanh thắng nhanh” chuyển sang “đánh chắc tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tư tưởng trong công cuộc giải phóng dân tộc của Người đã trải qua hơn nửa thế kỷ là sản phẩm tất yếu của cách mạng trong mọi thời đại, là ngọn cờ thắng lợi của nhân dân Viêt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là người truyền lửa và sức chiến đấu cho người học trò xuất sắc, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Võ Nguyên Giáp “Kiến trúc sư” Chiến thắng Điện Biên Phủ và thống nhất đất nước

Vị Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam, vĩ nhân đi qua thế kỷ 20 và 21. Ông là một vị tướng huyền thoại; một thiên tài quân sự; một nhân cách lớn; một trí thức lớn. Lịch sử đã ghi danh Ông vào sử sách của dân tộc. Ông cũng trực tiếp và tham gia chỉ huy chiến dịch Thu Đông năm 1947, Biên giới 1950, tiêu biểu là chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975. Ông là nhà chỉ huy quân sự nổi bật nhất bên cạnh Hồ Chí Minh trong suốt cuộc chiến và lãnh đạo nhiều chiến dịch lớn cho đến khi chiến tranh kết thúc tại miền Bắc. Ông được người dân gọi ông là vị tướng của nhân dân Việt Nam, với các chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, đã đưa Ông lên ngang tầm với các tướng lĩnh hàng đầu trên toàn thế giới.

Võ Nguyên Giáp - “kiến trúc sư” của những sáng tạo nghệ thuật quân sự trong chiến tranh vệ quốc. Đại tướng là người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao trọng trách tổ chức Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với tài thao lược bẩm sinh, cùng với sự vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự mác-xít, đặc biệt là sự hướng dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cùng với sự tiếp thu, học tập chiến thuật quân sự trên thế giới. Ông đã trở thành một kiến trúc sư vĩ đại trong nghệ thuật quân sự trong lòng dân.

Tư tưởng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nét nổi bật, đặc sắc phản ánh sự thống nhất, nhất quán trong tư duy và hành động, trên cơ sở có sự kế thừa giữa giá trị truyền thống của dân tộc và thời hiện đại. Tư tưởng đó có thể khái quát ở một số điểm sau:

Một là, nghệ thuật quân sự gắn với sức mạnh đấu tranh toàn dân. Có thể khẳng định cuộc chiến tranh toàn dân thời đại Hồ Chí Minh, do Đại tướng làm Tổng chỉ huy đã phát huy lên tầm cao mới của nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Đó là cuộc chiến tranh toàn dân tham gia, toàn diện trên nhiều mặt trận, kết hợp đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn. Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với bộ đội chủ lực, chúng ta huy động hàng chục vạn dân công, hàng triệu dân quân, du kích vào chiến dịch. Cho nên, khi được hỏi về chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng tự hào khẳng định, đó là chiến thắng của nhân dân. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh nhân dân được phát huy cao độ, toàn miền Bắc trở thành hậu phương lớn cho miền Nam tiền tuyến với con đường lịch sử Hồ Chí Minh trên biển, đường Trường Sơn... Những chiến dịch đó đã phát triển lên đỉnh cao nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong lịch sử, mà chiến thắng đó, chính là chiến thắng của toàn dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, của chiến tranh nhân dân, của LLVT nhân dân, trong đó Quân đội nhân dân Việt Nam làm nòng cốt, trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch  Hồ Chí Minh. Có thể nói, quân đội ta được sự tin yêu và bao bọc chở che của toàn nhân dân, toàn quân và toàn dân ta. Hiện thực hóa tư tưởng của Ông về xây dựng lực lượng quân đội gắn với nhân dân như cá với nước là thể hiện sinh động nhất trong các trận chiến của Đại tướng. Đúng như Đảng cộng sản Bồ Đào Nha đánh giá về Ông: “Tên tuổi Võ Nguyên Giáp, người đồng hành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ mãi mãi gắn liền với những chiến thắng lịch sử trước thực dân Pháp và đế quốc Bắc Mỹ, tôn vinh các dự án và giá trị cộng sản và chứng minh rằng dù cuộc kháng chiến chống lại sự bóc lột giai cấp và áp bức dân tộc có phải hy sinh nhiều đến bao nhiêu, thì một dân tộc đoàn kết và quyết tâm sẽ chắc chắn là bất khả chiến bại”.

Hai là,nghệ thuật quân sự gắn với tình yêu thương đồng đội và tính nhân văn cao cả. Đây là một nét độc đáo trong nghệ thuật quân sự của Đại tướng. Ông không bao giờ chấp nhận một chiến thắng, mà phải trả bằng mọi giá. Trong mỗi chiến dịch, mỗi quyết định, Đại tướng luôn tính toán đến hiệu quả tác chiến cao nhất, nhưng hạn chế thấp nhất thương vong và hy sinh mất mát cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta. Hình ảnh Đại tướng luôn trong lòng cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cả nước, không phải là một vị tướng uy quyền lẫm liệt, xa rời tướng sĩ, mà đó là hình ảnh của người Anh cả, thân thiết, gần gũi và giản dị. Điều đó càng tôn vinh Đại tướng, vị tướng của nhân dân, vị tướng của hòa bình. Đúng như tờ Tạp chí Thời đại dẫn lời đánh giá của người Pháp, gọi ông Võ Nguyên Giáp là “núi lửa phủ tuyết trắng”, miêu tả Ông là một kỳ tài quân sự, bên ngoài phẳng lặng nhưng nội tâm sục sôi. Bạn bè quốc tế thán phục và yêu mến, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam Geetesh Sharma cho biết: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất gần gũi, thân thiết và được nhân dân tôi vô cùng kính phục, chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh…”. Tờ báo dẫn lời Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhận định: “Đại tướng là nhân vật anh hùng huyền thoại của Việt Nam." Còn tướng Mỹ Westmoreland thừa nhận: “Ông Giáp có tất cả những đức tính của một thống soái quân sự lớn, đó là sự quả đoán, tính kiên quyết, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh”. Và hãng AFP dẫn lời Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ca ngợi Ông là “người yêu nước vĩ đại”, “người lính vĩ đại”, “người đàn ông phi thường”. Chính tư tưởng này của Đại tướng đã thu phục toàn quân, một lòng chiến đấu hy sinh, vì độc lập, vì tự do và hòa bình.

Ba là, nghệ thuật quân sự gắn với lòng yêu nước và ý chí quyết chiến, quyết thắng. Trong kháng chiến chống Pháp, với các chiến dịch như: Thu Đông năm 1947, Biên Giới năm 1950, Đông Xuân năm 1953 - 1954, và cuối cùng là Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Nhiều chiến dịch đã làm cho quân địch thấy sức mạnh và lòng yêu nước của quân và dân. Cứ điểm Điện Biên Phủ là đòn cuối cùng, là nơi quyết định sinh mệnh của thực dân Pháp ở Đông Dương với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Với nhận định thấy tính quyết định về chiến lược, Đại tướng đã quyết chuyển phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” trong hai đến ba ngày sang “đánh chắc, tiến chắc”. Có thể thấy, việc quyết định thay đổi phương châm tiến hành chiến dịch thể hiện nhãn quan của Đại tướng trong việc đánh giá thời cơ chiến lược. Và trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, trước thời khắc vận mệnh của lịch sử, nắm bắt thời cơ chiến lược, với sự nhạy bén và quyết đoán, Đại tướng đã hạ mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng”. Kết quả là giải phóng miền Nam 1975. Thắng lợi hai chiến dịch lớn đó là Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh, cho thấy tài năng của Đại tướng với tài thao lược trong việc nắm bắt thời cơ, quyết chiến, quyết thắng. Nhà báo Philippe Paquet nhấn mạnh: "Mọi người đều biết chính trong lòng chảo Điện Biên Phủ, số phận của Pháp ở Đông Dương đã bị quyết định vào tháng 5 năm 1954.", "chính tướng Giáp là người lật đổ chế độ ngụy quyền Nam Việt Nam do Mỹ bảo trợ để thống nhất đất nước.”

Có thể nói rằng tư tưởng quân sự của Đại tướng là sự kế thừa truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam trong nhiều thế hệ, kết hợp với hệ thống lý luận quân sự của chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh hoa quân sự trên thế giới và đặc biệt kế thừa một cách hoàn hảo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mọi phương diện. Trên cơ sở, ông vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn trong từng trận đánh, từng công việc, cũng như từng cuộc tác chiến.Để ca ngợi về người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh,Tác giả Philippe Paquet đã viết trong bài báo đăng trên tờ La Libre (Tự do) của Bỉ, Hãng thông tấn quốc gia Algeria (APS) ca ngợi Đại tướng là "vị tướng huyền thoại", người "anh hùng của dân tộc Việt Nam." Trong con mắt của giới báo chí Algeria, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "kiến trúc sư thắng lợi của Việt Nam", "Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những gương mặt chính trị vĩ đại cuối cùng của thế kỷ 20. Cha đẻ của nền độc lập cùng với Hồ Chí Minh, vị anh hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ trưởng Quốc phòng thời chiến tranh, ông là vị tướng duy nhất có thể tự hào cùng lúc chiến thắng quân đội Pháp và Mỹ".

Người dân Việt Nam luôn thể hiện sự tôn kính đối với Đại tướng. Đại tướng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là vĩ nhân, là “Kiến trúc sư” kiến tạo lên tượng đài chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giành độc lập, đem đến hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam./.

NCS. Hoàng Anh Tuấn (Tổng hợp)

Bài viết khác: