Hệ thống Trợ năng

Thứ ba, 21/01/2025

hon luc nao het can

Tháng 10-1947, Bác Hồ đã viết cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”. Đây là một tác phẩm về xây dựng Đảng và công tác cán bộ qua thời gian vẫn bền sức sống, có giá trị tư tưởng sâu sắc. Nhà xuất bản Sự thật cho ra mắt bạn đọc lần đầu vào năm 1948, sau đó cuốn sách này được tái bản nhiều lần.

Những căn bệnh trong Đảng mà Bác đã viết ngày nay được Nghị quyết Trung ương (TƯ) 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” thẳng thắn chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”

Ngay trong phần đầu “Phê bình và sửa chữa”, Bác viết: “Cán bộ và đảng viên ta vì bận việc hành chính hoặc quân sự, mà xao nhãng việc học tập. Đó là một khuyết điểm rất to. Khác nào người thầy thuốc chỉ đi chữa người khác, mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa. Từ nay, chúng ta cần phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm. Vì có tẩy sạch khuyết điểm, công việc mới có thể tiến bộ”. Theo Bác, Đảng ta phải chú ý cảnh giác, phòng ngừa và cần nhanh chóng có “thuốc trị” 3 căn bệnh chủ yếu làm mất tư cách người cách mạng là: Bệnh về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chủ quan; bệnh hẹp hòi, xa dân; bệnh ba hoa, thích khoa trương thành tích, không trung thực, chạy theo thành tích. Bác khẳng định: Đó là ba chứng bệnh rất nguy hiểm. Nếu không chữa ngay, để nó lây lan thì có hại vô cùng. Phải cố sửa chữa cho tiệt nọc các chứng bệnh, khiến cho Đảng càng mạnh khoẻ, bình an.

Đặc biệt, khi nói về  đảng viên, Bác nêu  mọi cán bộ đảng viên phải hội tụ đủ 5 đức tính là: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Và cần chữa những căn bệnh: Cá nhân chủ nghĩa, lợi dụng to quyền, mạnh thế, cái gì cũng muốn vơ lợi về cho cá nhân, gia đình, vợ con dòng tộc của mình. Bác nêu thẳng thắn: Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Với bệnh cá nhân chủ nghĩa, Bác căn dặn, muốn chữa bệnh này, trước hết mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải hoàn toàn phục tùng lợi ích của Đảng, mà ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào hết. Không nên vì cá nhân mà làm tổn hại đến lợi ích của dân. Sau này, Bác còn viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Trong quan điểm của Người, do chủ nghĩa cá nhân mà cán bộ hư hỏng về đạo đức, tác phong, lối sống, mất hết phẩm chất cần có của người cộng sản. Người cho rằng chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm. Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng trước, lợi ích của cá nhân sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là tính đảng.

Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng. Lợi ích của Đảng cũng là lợi ích của dân tộc, không có gì mâu thuẫn nếu Đảng là một tổ chức cách mạng chiến đấu vì hạnh phúc của nhân dân. Sự phát triển và thành công của Đảng là thành công của dân tộc đồng thời cũng là thành công của đảng viên. Vì vậy, chỉ khi Đảng thành công và thắng lợi, thì đảng viên mới có thể thành công và thắng lợi. Do đó, đảng viên cần biết hy sinh lợi ích của mình cho lợi ích chung của Đảng. Nhất là những cán bộ, đảng viên càng phải xứng đáng với lòng tin của Đảng, của dân tộc. Hơn nữa, đảng viên phải làm gương cho tất cả quần chúng noi theo. Trước đây, người dân sẵn sàng đi theo tiếng gọi của Đảng, hi sinh thân mình vì tồn vong của dân tộc trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Ngày nay, trong điều kiện hòa bình, cuộc chiến đấu với nghèo nàn, lạc hậu, tham ô, tham nhũng cũng phức tạp không kém vì quan hệ "địch - ta" với giặc nội xâm nằm ngay trong tổ chức của Đảng. Không ít đảng viên thoái hóa, biến chất, hà hiếp nhân dân... đã làm giảm uy tín của Đảng, mất niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Những căn bệnh phổ biến của đảng viên Bác chỉ ra là:

Bệnh tham lam: Những người mắc phải bệnh này vì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình, vơ vét công quỹ, tham ô, tham nhũng.

Bệnh lười biếng: Không hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, khoán trắng cho cấp dưới và bộ máy cơ quan, lấy an nhàn cho cá nhân mình. Làm việc không có kế hoạch, gặp sao làm vậy, làm lấy lệ, làm không có ngăn nắp, làm không đến nơi đến chốn. Gặp dân chúng thì không gần gũi, không hỏi han, không tuyên truyền, không giải thích. Xem như dân chúng không có quan hệ gì với mình. Thấy những việc có hại đến dân chúng cũng mặc kệ, không khuyên răn, không ngăn cản, không giải thích. Những tật bệnh đó khiến cho Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ. Chính sách không thi hành được triệt để, Đảng xa rời dân chúng.

Các bệnh khác như: Bệnh kiêu ngạo, bệnh háo danh, bệnh tùy tiện, thiếu kỷ luật, coi thường pháp luật, làm sai pháp luật; bệnh có đầu óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ… Và còn những bệnh: “hữu danh, vô thực”, kéo bè kéo cánh thành phe nhóm. Bác yêu cầu mọi cán bộ đảng viên phải rất cảnh giác với thứ bệnh này. Theo Bác kéo bè kéo cánh lại là một bệnh rất nguy hiểm nữa. Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng  mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ.

Bác chỉ ra những bệnh làm suy thoái, giảm uy tín Đảng cầm quyền như: Bệnh cận thị, không trông xa thấy rộng; bệnh tị nạnh, cái gì cũng muốn mình phải được hưởng lợi hơn người; bệnh xu nịnh, a dua, bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, bệnh nóng tính, bệnh lụp chụp...

Bác đã cảnh báo thứ bệnh không trung thực trong khi thừa hành nhiệm vụ, “làm láo, báo cáo hay, báo cáo lông bông, báo cáo gian dối. Thành công ít thì xuýt ra nhiều. Còn khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến. Các thứ bệnh mà Bác Hồ, với tầm nhìn xa rộng, đã chỉ ra từ 65 năm trước nay đang hiện hữu trong Đảng ta, có bệnh thuộc hàng “tứ chứng nan y”. Bác chỉ rõ: “Ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công. Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”.

Từ gần 5 năm nay, các cấp bộ đảng tổ chức sâu rộng đến từng đảng viên “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây là một chủ trương lớn, vừa mang tính cấp bách trong tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Học tập là phải làm theo, noi theo tấm gương của Bác.

Trong thực tế, ai cũng thấy tuy học nhiều, nhưng cán bộ đảng viên ta làm theo còn ít, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống chưa có chiều hướng thuyên giảm, có những mặt ngày càng nghiêm trọng. Thiết nghĩ, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết TƯ 4, cần học kỹ, phân tích sâu, soi rọi để tự chỉnh đốn, trị cho hết các “căn bệnh” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”. Thật tài tình, trong cuốn sách quý này, dường như 4 nhóm giải pháp mà Nghị quyết TƯ 4 nêu ra đã được Bác phân tích rất kỹ, chỉ dạy cách làm rất cụ thể, rõ ràng, thực sự thấu đáo, có lý, có tình. Đây cũng là cách làm thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức của Người, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Bác chỉ rõ: Mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó. Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 khẳng định: Nguyên nhân về sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân; ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm, bất chấp đạo lý, dư luận; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm; cán bộ lãnh đạo, quản lý không gương mẫu… suy đến cùng là do không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân.

Bác Hồ đã nhiều lần nhấn mạnh, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác, là giặc nội xâm, nó không mang gươm, mang súng nhưng vô cùng nguy hiểm, gian giảo, xảo quyệt; nó kéo người ta xuống dốc không phanh. Mọi thứ xấu xa, hư hỏng đều sinh ra từ căn bệnh này. Nếu không đánh bại, không quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì Đảng ta không thể trong sạch, vững mạnh được, không thể là một đảng cách mạng chân chính hết lòng vì nước, vì dân. Tuy cuốn sách Bác Hồ đã viết từ 65 năm trước, nhưng nay đọc lại, tưởng như đang nghe Bác nói với chúng ta hôm nay. Để ngăn chặn  và loại trừ suy thoái, để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu, hơn lúc nào hết cần nghiêm túc, thật sự học và làm theo đúng những chỉ dẫn của Bác trong “Sửa đổi lối làm việc”./.

Theo Bùi Văn Bồng/Tạp chí Xây dựng Đảng
Huyền Trang (st)

Bài viết khác: