Yeu bac long ta trong sang hon

Tháng năm về, chúng ta lại rộn ràng, bâng khuâng nhớ Bác, nhớ ngày sinh của vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất. Suốt cả cuộc đời, Người đã cống hiến, hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho ấm no, hạnh phúc, hoà bình của nhân dân. Trong toàn bộ di sản Người để lại, bản Di chúc có giá trị bất tử, thiêng liêng, kết tinh hồn sông núi và trí tuệ, trái tim bao la của Người. Khi biết mình sắp phải đi gặp Cụ Các Mác, Lênin, đi vào cuộc trường chinh nhẹ cánh bay, Người đã căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải đoàn kết, cố gắng, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược để xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Và cuối cùng, Người để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.

Ngày nay, mỗi lần lật mở từng trang Di chúc, chúng ta lại xúc động tự hào vì dân tộc ta có Bác, Người luôn trằn trọc, băn khoăn vì lo nỗi nước nhà, Người đã kinh qua bao thăng trầm sóng gió, bôn ba hải ngoại để tìm hình của nước, với một ham muốn tột bậc "đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Những tư tưởng vĩ đại ấy toát lên từ chính cuộc đời giản dị, thanh cao. Với bộ quần áo kaki, đôi dép cao su, Người đã đi khắp năm châu bốn bể tìm con đường giải phóng dân tộc, góp phần vào phong trào đấu tranh đòi quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân loại cần lao. Tuy không được chứng kiến ngày Bắc - Nam sum họp, thống nhất, Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân, nhưng trong Di chúc, Người đã hình dung rất rõ về tương lai tất thắng của dân tộc "Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn". Và lịch sử đã chứng minh chân lí muôn đời: chính nghĩa thắng phi nghĩa. Chúng ta chiến thắng nhờ vào sự đồng tâm nhất trí, tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước nồng nàn của nhân dân, và đặc biệt là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng. Vì vậy trong Di chúc, điều đầu tiên Người căn dặn là vấn đề về Đảng. Người viết:

"Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".(1)

Không chỉ đến Di chúc Người mới đề cập đến vấn đề xây dựng, tổ chức đảng mà trong Sửa đổi làm việc (1947) Người cũng đã thẳng thắn chỉ ra những căn bệnh mà đảng viên và các tổ chức Đảng thường mắc phải như: Bệnh chủ quan, thói ba hoa, quan liêu, lãng phí, chuộng hình thức, hư danh..., những thói hư tật xấu ấy sẽ làm băng hoại đạo đức cách mạng. Vì thế, cần phải trau dồi phẩm chất cách mạng, thắt chặt tinh thần đoàn kết, nghiêm khắc tự phê bình và phê bình để Đảng ngày càng trong sạch. Người từng viết: "Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí. Cũng như người có bệnh nếu giấu giếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc để bệnh lâu ngày nặng thêm, nguy hiểm đến tính mạng. Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh mẽ, chắc chắn, chân chính"(2.) Thực tế đã chứng minh, ở đâu cơ sở Đảng làm tốt nhiệm vụ của mình, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc thì luôn được nhân dân tin yêu, kính trọng, yên tâm trao quyền lãnh đạo.

Những lời Người viết trong Di chúc đến nay vẫn mang tính thời sự, bởi Người đã nói trúng, nói đúng vào những vấn đề trọng tâm, cốt yếu, có tính muôn thuở là bài học về đạo đức cách mạng. Nếu không có tinh thần đoàn kết, yêu thương thì không thể tạo ra sức mạnh, thậm chí lại là cơ hội cho chủ nghĩa cá nhân, chia bè kết cánh, tham quyền cố vị nảy sinh. Đó là mầm mống của những hiểm họa khi con người đứng trên tập thể, cộng đồng để sai khiến, chỉ huy.

Để Đảng thật sự trong sạch, đòi hỏi mỗi đảng viên phải ý thức rõ về vai trò, sứ mệnh của mình, thấy được ý nghĩa lớn lao cao cả khi được đứng vào hàng ngũ tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, được nhân dân tin yêu, ngưỡng mộ. Trong Đảng phải thực hành tiết kiệm, dân chủ, công khai, đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện sai trái, tiêu cực. Và một trong những phẩm chất quý báu, một yêu cầu tiên quyết của người đảng viên là phải thấm nhuần đạo đức cách mạng. Đạo đức ấy là lòng yêu Tổ quốc, gắn bó máu thịt với nhân dân, chia sẻ vui buồn với quần chúng, sống chan hoà, gương mẫu, có lòng vị tha, nhân ái... Đạo đức cách mạng của mỗi người là tấm gương để cá nhân khác soi vào, tự răn mình phải sống tốt hơn, sống có ý nghĩa, có lí có tình, phù hợp với thuần phong mĩ tục, với đạo lí, truyền thống tốt đẹp của cha ông. Từng lời, từng chữ trong Di chúc đều thấm đượm tư tưởng, tình cảm của Người. Đó là mong ước, khát khao mà trọn đời Người cố gắng ươm mầm, vun trồng, gây dựng, hình thành các tổ chức, cơ sở Đảng, cũng như chăm lo, tạo điều kiện phát triển đội ngũ kế cận cho Đảng làm nên sự lớn mạnh, cường thịnh, phồn vinh của đất nước. Những lời ấy thật giản dị, gần gũi nhưng rất đỗi thiêng liêng như những châm ngôn để mỗi cán bộ, đảng viên phải tự răn mình: "Phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Đúng như lời răn dạy của cổ nhân và những bậc hiền triết thuở xưa "Tiên thiên hạ nhi ưu chi ưu / Hậu thiên hạ nhi lạc chi lạc" (Phàm người làm quan phải biết lo cái lo trước thiên hạ và vui cái vui sau thiên hạ), phải tu nhân tích đức, sống hợp qui luật thì sẽ đắc nhân tâm.

Ngày nay, sau hơn 40 năm thực hiện Di chúc, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã ra sức hăng hái thi đua lao động sản xuất, kiến thiết nước nhà, tiến tới xây dựng thành công CNXH như mong ước của Người. Những điều Người căn dặn trong Di chúc như sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp cách mạng, là kim chỉ nam hành động thôi thúc, cổ vũ, động viên nhân dân tiến lên, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, xây dựng cuộc sống mới.

Tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập, hợp tác, bên cạnh những yếu tố tích cực thì vẫn còn đó bao vấn đề nhức nhối đang đặt ra với bao mặt trái của của giao lưu văn hoá toàn cầu đem lại. Lối tư duy cũ, tâm lí ăn xổi ở thì, lối sống thực dụng cá nhân, chạy chọt, luồn cúi vì danh vọng tiền tài, vì lợi ích riêng của bản thân, gia đình mà nhiều cán bộ, đảng viên bất chấp pháp luật và đạo đức xã hội chà đạp lên những lí tưởng đẹp đẽ mà cha anh và các thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu gây dựng nên.

Trước tình trạng tha hoá về đạo đức cách mạng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, Nghị quyết số 12-NQ/TƯ của Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã kịp thời ra đời đề cập đến những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay. Nghị quyết nêu rõ:

"Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lí, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lí tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc...".(3)

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên có nhiều, song chủ yếu là do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Có thể nói Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã thẳng thắn chỉ ra những căn bệnh trầm kha khó chữa, mang tính dây chuyền, ăn sâu trong nếp nghĩ của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lí, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.

Những kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khoá XI vừa có tính tổng kết, vừa mở ra bao vấn đề cấp bách, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên đến các chi bộ Đảng phải phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng, đẩy lùi tham ô, lãng phí, sống gần dân, hiểu dân, coi dân và yêu dân như yêu chính người thân máu mủ ruột thịt. Từ Trung ương đến địa phương phải làm mạnh mẽ, quyết liệt tạo sự chuyển biến tích cực trong Đảng, giữ gìn sự trong sạch của Đảng, xứng đáng với niềm tin tưởng, kì vọng của Bác: Đảng ta là đạo đức, là văn minh.

Tư tưởng xuyên suốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI là sự tiếp nối, phát huy những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay. Tuy có nhiều điểm mới nhưng nội dung cốt yếu vẫn là vấn đề tu dưỡng tính Đảng và đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần cách mạng, học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ vĩ đại: Cả cuộc đời vì nước vì dân.

Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ được phát động trong toàn Đảng toàn dân đã tạo ra đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng rộng khắp, có tác động sâu sắc tới nhận thức, tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số cán bộ, đảng viên chưa thấm nhuần tư tưởng của Người.

Chúng ta cần phải nghiêm khắc tự phê bình và phê bình, kiên quyết xử lí những trường hợp vi phạm, truy tố trước pháp luật những hành vi gây tổn thất, lãng phí tiền của Nhà nước, xâm hại đến lợi ích, đời sống nhân dân. Bên cạnh đó phải tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của người đứng đầu trước vận mệnh, số phận quốc gia, dân tộc, tạo ra một xã hội thực sự dân chủ, công bằng, văn minh. Tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không ở đâu xa mà thật gần gũi, giản dị.

Tuy Bác đã đi xa nhưng những tư tưởng nhân văn - tư tưởng vì con người của Bác vẫn toả sáng đến mãi mai sau.

Tháng Năm về mang theo bao tia nắng chói chang của mặt trời chân lí cách mạng, mang màu xanh của cây lá hoà bình, mang hương thơm ngọt lành, dịu mát của hoa sen, và mang cả nỗi nhớ đong đầy, thiết tha, sâu nặng của người dân Việt Nam nhớ Bác với lòng biết ơn vô hạn. Để rồi "Mỗi khi lòng xao xuyến rung rinh / Môi ta thầm kêu: Bác Hồ Chí Minh". Nhớ Bác, yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn./.

Theo Nguyễn Huy Phòng/ Tạp chí Tuyên giáo
Thu Hiền (st)

_________

(1) Di chúc, Nxb.CTQG, H.1999, tr.38

(2) Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb.CTQG, H.1995, t.5, tr.261

(3) Nghị quyết số 12-NQ/TƯ, Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, năm 2012

 

 

 

Bài viết khác: