Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.

Lời căn dặn trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người đi xa có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, được Đảng ta chứng minh qua 45 năm lãnh đạo toàn quân, toàn dân thực hiện Di chúc của Người.

Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc vào tháng 5-1965 khi Người tròn 75 tuổi. Đoạn nói về đoàn viên và thanh niên trong Di chúc cũng gồm 75 từ, liền kề ngay sau phần “Trước hết nói về Đảng”. Đoạn văn bao quát 3 ý chính: Đánh giá về phẩm chất của đoàn viên và thanh niên ta; Trách nhiệm của Đảng đối với đoàn viên thanh niên ta; Khẳng định về ý nghĩa của việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.

Bác nhận định: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”. Đây là sự đúc kết qua thực tiễn cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của Bác. Tháng 11-1956, nói chuyện với đại biểu Đại hội Đoàn toàn quốc, Bác đã khẳng định: Trong thời kỳ vận động cách mạng bí mật, những năm kháng chiến cứu nước và hai năm qua xây dựng hòa bình, thanh niên ta đều hăng hái phấn đấu, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp của toàn dân. Ngay từ những năm đầu chống Mỹ xâm lược, chỉ từ tháng 9-1964 đến tháng 5-1965, đã có 4 triệu nam nữ đoàn viên thanh niên miền Bắc hăng hái thực hiện phong trào “3 sẵn sàng”; đoàn viên và thanh niên miền Nam với khí thế “Phất cao cờ 5 xung phong, thanh niên thành đồng thừa thắng xông lên đánh bại hoàn toàn Mỹ-ngụy”… Tại Lễ kỷ niệm lần thứ 35 Ngày thành lập Đoàn (26-3-1966), Bác dạy: Với một thế hệ thanh niên hăng hái và kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Bác rất tự hào, sung sướng và thấy như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang.

ve-mot-viec-quan-trong
Bác Hồ với thiếu nhi. Ảnh tư liệu

Quan tâm đặc biệt đối với thế hệ trẻ, Bác Hồ thấy rõ những hạn chế của đoàn viên và thanh niên. “Nói chung là tốt” cũng có nghĩa là còn những điểm riêng chưa tốt, còn những cá thể chưa tốt. Và như thế, rất cần phải giáo dục. Đầu tháng 8-1968, Bác làm việc với một số cán bộ tuyên huấn Trung ương Đảng về loại sách Người tốt, việc tốt. Bác hỏi: Các chú tuyên huấn có xem xét công tác giáo dục thanh niên không? Một đồng chí báo cáo về những việc đang làm. Bác nhận xét: Thanh niên ta bây giờ giỏi lắm. Chỉ nói về đánh giặc, so với cuộc kháng chiến chống Pháp hơn mười năm về trước, cũng đã thấy con hơn cha rồi. Ta có câu “Con hơn cha là nhà có phúc”. Bác mong các cháu bây giờ và sau này càng giỏi thì mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản được. Bên cạnh những điều đáng khen, vẫn còn những chuyện không xứng đáng với thanh niên ta… Một số cháu khi phấn đấu vào Đoàn hay vào Đảng lại có ý nghĩ là để được tín nhiệm, để mau được đề bạt và lên lương? Phải uốn cây từ lúc cây non, đừng để cho tâm hồn các cháu bị vẩn đục vì chủ nghĩa cá nhân như thế.

Sinh thời, Bác Hồ đã cùng với Trung ương Đảng chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo nhiều thế hệ cán bộ ưu tú trưởng thành từ đoàn viên thanh niên. Trong Di chúc, Người căn dặn: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Một câu dặn dò ngắn mà có đến 2 từ “rất”, khẳng định đó là việc không thể không làm!

45 năm thực hiện lời Bác căn dặn về thanh niên, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều Nghị quyết, chỉ thị, chính sách… về công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên. Gần đây nhất, Nghị quyết 25 ngày 25-7-2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” chỉ rõ: Thanh niên là một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc; là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, sung sức nhất về thể chất và phát triển trí tuệ, luôn năng động, sáng tạo, muốn tự khẳng định mình. Song, do còn trẻ, thiếu kinh nghiệm nên thanh niên cần được sự giúp đỡ, chăm lo của các thế hệ đi trước và toàn xã hội.

Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người "vừa hồng vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, gia đình, nhà trường và xã hội. Nghị quyết của Trung ương Đảng cũng xác định mục tiêu cụ thể với các nhiệm vụ và giải pháp rất thiết thực, đó là: Tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân để hình thành thế hệ thanh niên có phẩm chất tốt đẹp, có khí phách và quyết tâm hành động thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tạo cơ hội cho mọi thanh niên vươn lên ngang tầm với thanh niên các nước tiên tiến trên thế giới..., phát triển toàn diện. Trọng dụng tài năng trẻ, tạo bước chuyển có tính đột phá trong bố trí và sử dụng cán bộ trẻ trên tất cả các lĩnh vực.

Thực hiện Di chúc của Bác Hồ và các Nghị quyết, chỉ thị, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thanh niên, công tác đoàn và phong trào thanh niên ở khắp nơi, trên mọi lĩnh vực đã có những khởi sắc mới và cao trào mới. Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" do Quân ủy Trung ương phát động đang được toàn quân hăng hái hưởng ứng. Nhiều cuộc tọa đàm về nội dung cuộc vận động đã sôi nổi diễn ra tại khắp các đơn vị trong toàn quân. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên, đổi mới và tăng cường công tác giáo dục về mọi mặt, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là việc làm không bao giờ cũ. Đó cũng là biểu hiện lòng tri ân vô bờ của chúng ta đối với Bác Hồ./.

PHẠM XƯỞNG

Theo Báo Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: