Với bản Di chúc lịch sử, dẫu Người viết đó chỉ là “mấy lời... phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột...”(1), nhưng Người gửi gắm trong đó là tất thảy ham muốn và tâm nguyện trọn cuộc đời của Người.

Di chúc đã thể hiện tầm nhìn văn hoá rộng lớn và trí tuệ văn hoá sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; dạt dào cảm xúc, chứa chan tình yêu và sự gắn bó sâu xa với con người, cuộc đời và thiên nhiên; là ánh sáng chỉ đường, là sức mạnh thôi thúc hành động, chẳng những đối với nhân dân ta mà còn đối với tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do, độc lập, cho sự tiến bộ của loài người.

Văn hóa trong mối quan hệ với kinh tế, chính trị

Coi văn hóa là một mặt hợp thành toàn bộ đời sống xã hội, Hồ Chí Minh khẳng định văn hoá tồn tại và phát triển trong mối liên hệ biện chứng với các yếu tố kinh tế, chính trị và chịu sự quy định của kinh tế, chính trị. Người viết: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hoá. Vì sao không nói phát triển văn hoá và kinh tế? Tục ngữ ta có câu: Có thực mới vực được đạo; vì thế kinh tế phải đi trước”(2). Không chỉ thấy vai trò quyết định của kinh tế đối với văn hoá, Hồ Chí Minh còn thấy được vai trò to lớn của văn hoá đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá”(3). Chính vì vậy, Người chỉ rõ “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”(4) và đòi hỏi trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cần phải chú ý, phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó “văn hoá phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng. Vì vậy, nội dung văn hoá phải có ý nghĩa giáo dục... Văn hoá phải gắn liền với lao động, sản xuất”(5). 

Văn hoá còn là một mặt trận để đấu tranh chính trị, “không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”(6) và ngược lại kinh tế, chính trị cũng nằm “trong văn hóa”. Nhấn mạnh vai trò động lực của văn hóa, theo Hồ Chí Minh tiến lên chủ nghĩa xã hội nâng cao đời sống của nhân dân lao động cần phải có cả vật chất lẫn tinh thần, song không thể chỉ đặt trọng tâm vào kinh tế, mà phải chú trọng cả văn hóa, vì chủ thể của hoạt động kinh tế lại chính là con người và thước đo trình độ con người là văn hóa. Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa và giải quyết những vấn đề xã hội, cho nên nếu chỉ coi tăng trưởng kinh tế là mục tiêu duy nhất thì chẳng những môi trường văn hóa - xã hội bị hủy hoại mà mục tiêu kinh tế cũng không thể đạt được. 

Lời phát biểu của Hồ Chí Minh: “Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do, độc lập làm gốc. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng. Số phận ta ở trong tay ta”(7) vừa thể hiện rõ quan điểm về chức năng của văn hóa, vừa đặt văn hóa vào định hướng phát triển của xã hội, coi văn hóa không chỉ gắn với phát triển, là đối tượng và mục tiêu của phát triển, mà còn gắn với hoạt động của mỗi con người. Theo Hồ Chí Minh, văn hóa có thể giúp mở rộng hiểu biết, nâng cao dân trí; giúp bồi dưỡng những tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp của con người; bồi dưỡng những phẩm chất, phong cách và lối sống tốt đẹp, lành mạnh, giúp con người hướng đến chân, thiện, mỹ để hoàn thiện bản thân mình. Khi văn hóa có thể “vào sâu trong tâm lý quốc dân”, “sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ”, thì sẽ giúp cho “ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng”. Như vậy, không chỉ coi trọng vai trò quyết định của kinh tế, chính trị tới văn hoá, Hồ Chí Minh còn đồng thời chỉ rõ vai trò to lớn, sự tác động trở lại của văn hoá đối với kinh tế, chính trị và xã hội, bởi văn hóa là cơ sở, động lực tinh thần cho sự phát triển bền vững mọi mặt đời sống xã hội, cho sự tiến bộ của xã hội.

Với ý nghĩa đó, theo Hồ Chí Minh cuộc cách mạng mà nhân dân ta phải tiếp tục tiến hành khi cả nước thống nhất, non song liền một dải chính là đi lên chủ nghĩa xã hội, là phải “thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm… Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”(8) và Người đã nhấn mạnh: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(9) trong bản Di chúc lịch sử.

Xây dựng văn hóa trong Đảng

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, luôn đau đáu sự trăn trở làm sao phải xây dựng và củng cố Đảng thật trong sạch, vững mạnh, thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, đày tớ trung thành của nhân dân, dễ hiểu tại sao trong bản Di chúc lịch sử “để đời”, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại “trước hết nói về Đảng” mà cụ thể là về văn hoá Đảng. Từ góc độ văn hóa, đoàn kết chính là giá trị, là sức mạnh và cũng là hạt nhân quan trọng của văn hóa Đảng: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”, “nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Đối với Hồ Chí Minh, văn hóa Đảng chính là trí tuệ, lương tâm và sự trong sạch của Đảng, để Đảng trở thành hình ảnh của phẩm giá, đạo đức con người Việt Nam. Trong xây dựng Đảng và xây dựng văn hóa Đảng, điều cốt yếu chính là chủ nghĩa nhân văn, ý chí phấn đấu cho sự giải phóng hoàn toàn và vì hạnh phúc con người của mỗi đảng viên. Vì vậy, văn hóa Đảng muốn có được, trước hết thể hiện ở mỗi đảng viên của Đảng. Trên tinh thần đó, để Đảng là đạo đức, là văn minh, trong Đảng không thể tồn tại một bộ phận đảng viên chạy theo lợi ích cá nhân, phá hoại sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, mà Đảng phải gồm những đảng viên luôn “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Để làm được điều đó, “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” và mỗi cán bộ, đảng viên phải “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Đồng thời, Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng” cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Cụm từ “đạo đức cách mạng” được sử dụng đến hai lần và cả hai lần đều được in nghiêng cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới vấn đề này. 

Coi văn hóa đạo đức là nội dung bên trong của lối sống, Hồ Chí Minh coi trọng việc giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Theo Người, một khi cán bộ, đảng viên thấm nhuần đạo đức cách mạng sẽ hướng lòng mình đến chí công vô tư, sẽ đoàn kết và “giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trước hết là ở giá trị đạo đức của nó, ở phẩm chất đạo đức và nhân cách của những người cộng sản. Một nền văn hóa với những con người có đạo đức, nhân cách, có lối sống cao đẹp, luôn chú trọng, thường xuyên tự phê bình và phê bình trên cơ sở của tình đồng chí thương yêu lẫn nhau như Người căn dặn thì những cái xấu, cũ kỹ, hư hỏng dù phải đấu tranh lâu dài cũng nhất định sẽ bị quét sạch.

Quan tâm đến con người với ý nghĩa là chủ thể sáng tạo của mọi giá trị văn hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm huyết chăm lo phần “công việc đối với con người” và đây cũng là phần nội dung được viết dài nhất trong Di chúc. Trong bản thảo tháng 5-1968, Người vạch ra những dự kiến về những công việc tiến hành xây dựng đất nước sau chiến tranh, có tính đến từng đối tượng cụ thể: thương binh, gia đình liệt sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong, phụ nữ, nông dân. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm để ghi nhận sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình hay đối với cha mẹ, vợ, con của thương binh và liệt sĩ, Người căn dặn “phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn”, “phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. Đối với những chiến sĩ trẻ tuổi và thanh niên xung phong ưu tú thì cần cho đi học thêm các ngành, các nghề để đào tạo thành “đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Đối với phụ nữ, “phải có kế hoạch thiết thực đề bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ” để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo... Đó là những lời giản dị, súc tích, thể hiện sự đồng cảm sâu sắc từng đối tượng và Người đã đánh giá đúng tinh thần, thái độ và sự đóng góp của họ trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. 

Thấm nhuần đạo lý văn hoá truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, đồng thời cũng nhằm để “khoan thư sức dân, làm kế sâu dễ bền gốc”, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho đồng bào nông dân “để cho đồng bào hỷ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất” sau nhiều năm liên tục ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất nước nhà. Ngay cả với những người được coi là nạn nhân của chế độ xã hội cũ, Hồ Chí Minh khoan dung, đầy nhân ái cũng căn dặn và mong muốn “Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”. Quan điểm này mang đậm chủ nghĩa nhân văn, đức hiếu sinh, cốt cách dân tộc Việt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng chứng tỏ, sự nghiệp cách mạng mà chúng ta tiến hành mang đậm chiều sâu văn hóa, kết tinh những giá trị truyền thống của một nền văn hiến đã được bồi đắp qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhằm “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Đó là một cuộc cách mạng chính nghĩa và nhân văn, xuất phát từ lợi ích chính đáng của nhân dân, hợp với lòng dân, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và thực sự là cuộc hành trình đi đến những giá trị văn hóa đích thực nhất.

Xây dựng văn hóa theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bốn mươi lăm năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, đất nước, con người Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Trong hành trình hướng đến tương lai, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định thực hiện những căn dặn của Người trong bản Di chúc, có thể thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh cách mạng, giành độc lập và thống nhất trọn vẹn cho đất nước; tạo dựng hình ảnh một nước Việt Nam vững vàng, ổn định về chính trị, vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới thành công, đưa kinh tế phát triển, thực hiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo... nhằm cải thiện một bước đáng kể đời sống vật chất - vǎn hoá của nhân dân, có vị trí uy tín trên trường quốc tế ngày càng lớn, ngày càng đậm nét. Những kết quả quan trọng đó không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, khẳng định trí tuệ và bản lĩnh của Đảng ta, mà còn khẳng định chúng ta đang đi theo đúng con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn, nó còn cho thấy giá trị văn hóa lớn lao của sự kiên định mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đặc biệt, thực hiện những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về văn hóa và Di chúc, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhận thức về vai trò, vị trí văn hóa trong Đảng, trong xã hội đã được nâng lên; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa đã lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Văn hóa được chú trọng và việc phát huy mọi nguồn lực để đầu tư cho văn hóa cũng đã cho thấy sự gắn kết giữa phát triển văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế và xây dựng Đảng. Vai trò của văn hóa ngày càng thể hiện rõ và có tác động lớn trong đời sống kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, cũng sau 45 năm thực hiện Di chúc - Cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh những thành tựu đạt được là những khó khăn, thử thách không nhỏ: “Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp... Những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường chậm được khắc phục; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi… Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân chuyển biến chậm. Còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội”(10). Cùng với đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên… đã và đang gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. 

Trước thực trạng trên, thấm nhuần những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, nhằm xây dựng và chỉnh đốn Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình… Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Thông qua đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thiết thực đó, thông qua việc kịp thời biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội để nhân rộng những điển hình tiên tiến, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”… góp phần đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng Ðảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, cần quán triệt sâu sắc, coi văn hoá và con người là vấn đề trọng tâm, phản ánh chất lượng và mục đích cuối cùng của sự tăng trưởng kinh tế trong chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Cùng với xây dựng con người, chú trọng giải quyết các mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, xã hội; giữa lợi ích của cá nhân và lợi ích của cộng đồng; giữa lợi ích của con người và lợi ích của môi trường; giữa lợi ích của hiện tại và lợi ích của tương lai, nhằm “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”(11)./.

-----------------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, t.15, tr.615

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.470

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.458

(4) Hồ Chí Minh: Phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Hà Nội, ngày 24-11-1946

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.470

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.246

(7) Hồ Chí Minh: Phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Hà Nội, ngày 24-11-1946

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, t8, tr.493

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, t.15, tr.493

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011 

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.76

TS. Văn Thị Thanh Mai, Ban Tuyên giáo Trung ương

Theo Tạp chí Cộng sản

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: