Các nhà nghiên cứu về Bác cho rằng, đạo đức Hồ Chí Minh là một bộ phận lớn trong triết lý sống và làm việc của Người. Theo Người, muốn đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi mà chỉ giác ngộ chính trị, chú trọng vấn đề tổ chức thì chưa đủ. Điều cần thiết là phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức truyền thống của dân tộc và đạo đức cách mạng. Chính điều này sẽ làm cho sức mạnh của cách mạng tăng lên gấp bội.

Sinh thời, Bác đã có nhiều tác phẩm viết về đạo đức cách mạng. Trong Di chúc, Người đã nói đến "hồng và chuyên". Phẩm chất đạo đức không phải là phạm trù trừu tượng, mà là phạm trù lịch sử cụ thể. Nó chứng minh hành vi của con người, quy định nghĩa vụ của người này với người khác. Nó phản ánh sự cống hiến và sự đối xử của con người với nhau trong cộng đồng xã hội.

Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người đã đưa lên trang đầu 23 điều về tư cách đạo đức cách mạng, tiêu chuẩn đầu tiên là: Cần, kiệm, vị công, vọng tư; không hiếu danh, không kiêu ngạo; nói phải đi đôi với làm; ít lòng tham muốn về vật chất...

Năm 1952, Bác viết cuốn Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu; năm 1958, tiếp tục viết cuốn Đạo đức cách mạng. Trong đó, Bác đề cập về việc chống chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện đạo đức cách mạng. Năm 1960, Bác cho ra đời tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Người đề cập tính gương mẫu của đảng viên "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Có thể nói, hầu hết các tác phẩm của Bác đều nói đến đạo đức cách mạng.

Nếu như xưa cha ông ta nói đến đạo đức phong kiến; M.Gandhi nói đến đạo đức giống nòi; K.Marx, F.Engel, V.I.Lenin nói đến đạo đức cộng sản, thì suốt cuộc đời hoạt động Bác hầu như chỉ nói đến đạo đức cách mạng. Bác quan niệm đạo đức cộng sản là cái còn xa vời, nhưng đạo đức cách mạng thì nó biểu hiện ngay trước mắt, thông qua hành vi của con người trong đời sống và công việc hằng ngày.

Để giáo dục cán bộ, đảng viên Bác đề cao việc rèn luyện và tu dưỡng đạo đức:

Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính

Thiếu một mùa, thì không thành trời

Thiếu một phương, thì không thành đất

Thiếu một đức, thì không thành người.

Trong Di chúc Người căn dặn: "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Người nói một cách ngắn gọn rằng Cần, tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai; Kiệm là "tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Cần với kiệm đi đôi với nhau như hai chân của một người. Cần mà không kiệm thì làm chừng nào xào chừng ấy, cũng như một cái thùng không đáy, nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không. Kiệm mà không cần, thì không tăng thêm, không phát triển được. Theo Người: "Tiết kiệm không phải là bủn xỉn". Khi không nên tiêu xài thì một đồng cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm. Tuy nhiên để thực hiện tiết kiệm phải kiên quyết với những việc làm xa xỉ, như kéo dài thời gian lao động không cần thiết, làm hao phí vật liệu trong sản xuất, luôn tìm cách ăn ngon, mặc đẹp trong lúc đồng bào còn khó khăn, thiếu thốn.

Liêm là trong sạch, không tham lam; không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không tham người tâng bốc mình. Liêm phải đi đôi với kiệm, bởi có kiệm mới có liêm. Tham lam là một điều rất xấu hổ. Những hành động bất liêm điều phải dùng pháp luật để trừng trị, dù đó là người nào, giữ cương vị gì, làm nghề gì.

Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ. Và như người xưa đã nói: Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy. Chính là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Một người phải cần, kiệm, liêm nhưng còn phải chính mới là hoàn toàn. Chính đối với mình là không tự cao, tự đại, luôn luôn chịu khó học tập, cầu tiến, phát triển điều hay và sửa chữa khuyết điểm của mình. Đối với người dân phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ, không nịnh hót người trên, xem khinh người dưới. Phải để việc nước, việc công lên trên việc tư, việc nhà. Công việc dù to hay nhỏ điều phải cố gắng hoàn thành. Phải luôn nhớ "Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh". Chí công vô tư là "khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau", "Phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ". Người nói: Cán bộ cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm nếu có dịp là đục khoét, có dịp là ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư".

Lời nói phải đi đôi với việc làm, nói được, làm được sẽ mang lại thành công, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết thì không được. Nếu nói rằng phải cần kiệm liêm chính, mà bản thân mình lại lười lao động, lười học tập, không hoàn thành những công việc được giao, không tiết kiệm, sống hoang phí, xa hoa, luôn tìm cách tham ô, bòn rút tiền của nhà nước và nhân dân, tâm không trong sáng... thì sẽ không hiệu quả và không có tính thuyết phục. Thực hành tốt cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư sẽ rèn luyện, làm cho con người có những phẩm chất tốt, như "Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục".

Bản thân Bác là một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, thương dân, về cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Sinh thời Bác sống rất giản dị, từ cách ăn mặc cho đến những sinh hoạt hằng ngày, ngay cả khi người đã là Chủ tịch nước, tác phong vẫn rất giản dị và tiết kiệm. Có một lần Bác nói với một lãnh đạo cấp cao của Đảng một cách chân tình: "Này chú! Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy". Những lời nói, việc làm, của Bác về cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là tấm gương của Bác về thực hành cần, kiệm, liêm, chính, vẫn mãi mãi để chúng ta học tập.

Hiện nay không ít cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ có chức, có quyền vẫn chưa nói và làm đúng những lời dạy của Bác. Nạn tham nhũng, hối lộ, lãng phí của công, quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu nhân dân... ngày càng nhiều. Các vụ án kinh tế gần đây cho thấy đó là những cán bộ, đảng viên bị sa sút về đạo đức và tha hóa về lối sống. Họ đã làm giảm sút lòng tin, uy tín của Đảng trước nhân dân.

Thực hành tốt những lời dạy của Bác là chúng ta góp phần cũng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng và chính quyền cách mạng, góp phần thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh"./.

Nguyễn Tấn Tuấn

Theo http://nguoilambao.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: