Đào tạo bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của công tác cán bộ, là yêu cầu khách quan trong xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Xây dựng đội ngũ cán bộ có số lượng hợp lý, cơ cấu đồng bộ, chất lượng cao kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng, tự đào tạo bồi dưỡng là yếu tố quan trọng trong công tác cán bộ.

bac-ho-can-bo-1

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Người lãnh đạo muốn biết mình, tốt nhất là phải có thái độ và cách làm việc thật sự dân chủ, để mọi người xung quanh mạnh dạn, thẳng thắn nói những ưu, khuyết điểm của mình. Người lãnh đạo thật sự dân chủ, ý kiến của cán bộ được thật sự tôn trọng, thì khối đoàn kết nội bộ được củng cố, những sáng kiến được nảy nở, công việc nhất định sẽ được hoàn thành tốt đẹp. Người nói: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo. Càng dân chủ thì càng có nhiều sáng kiến. Sáng kiến chỉ ra đời khi người đó tâm huyết, hăng hái làm việc trong một môi trường dân chủ”(1).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì muốn có cán bộ tốt thì Đảng phải làm tốt công tác huấn luyện cán bộ, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(2). Theo Người, huấn luyện cán bộ phải toàn diện, đồng thời phải chuyên sâu và có phương pháp khoa học. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất coi trọng công tác cán bộ và nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Về phẩm chất đạo đức, tư cách cán bộ

Sinh thời, Người từng nói đạo đức cách mạng là gốc của người cán bộ. Cán bộ phải suốt đời phấn đấu hi sinh cho lý tưởng của Đảng, phải đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết và trước hết. Người nói: Đảng không phải là một tổ chức “làm quan phát tài”. Cán bộ cách mạng không phải là “làm quan cách mạng”, “không phải để thăng quan tiến chức”. Không phải làm cán bộ để “đè đầu cưỡi cổ dân chúng như thời thực dân, phong kiến”. Người cán bộ phải tận tụy với sự nghiệp cách mạng, phải trung thành với Đảng, với Tổ quốc, phải hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng gắng sức làm, việc gì có hại cho dân, dù nhỏ cũng hết sức tránh. Người cán bộ phải có một đời tư trong sáng, phải là tấm gương sáng trong cuộc sống.

Trong cuốn “Đường cách mệnh”, Người chỉ rõ “tư cách một người cách mệnh” là: Tự mình phải: “Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa chữa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại. Hay nghiên cứu xem xét. Vị công vô tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật”.

Đối với người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người.

Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể.

Có thể nói, điểm nổi bật của Hồ Chí Minh so với nhiều danh nhân khác ở trong nước cũng như trên thế giới là: Toàn bộ cuộc đời Người là tấm gương sáng về đạo đức.

Về năng lực chuyên môn

Cán bộ phải có năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đoàn thể nhân dân. Cán bộ đảng viên phải luôn luôn học tập để không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt. Đặc biệt nâng cao lý luận, nâng cao khả năng tổng kết thực tiễn, phải mổ xẻ, xem xét, so sánh thật kỹ càng thực tế nước ta với nước khác. Kinh nghiệm cho thấy rằng, không có được khả năng tổng kết kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn thì không thể có lý luận chân chính. Việc nâng cao trình độ lý luận phụ thuộc vào trình độ tổng kết thực tiễn. Muốn nâng cao trình độ lý luận thì phải học chủ nghĩa Mác - Lênin, bởi vì phân tích và tổng kết thực tiễn cũng phải dựa trên phương pháp biện chứng duy vật và chủ nghĩa Mác - Lênin. Phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta.

Về phương pháp, cách thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ là rất quan trọng, thậm chí là “công việc gốc của Đảng”, phải được tiến hành thường xuyên. Phải xác định rõ mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với các yếu tố cơ bản: học thức, đạo đức cách mạng, tác phong và năng lực công tác (như các yêu cầu đối với cán bộ nêu trên). Nhưng tùy từng giai đoạn cách mạng, tùy vào tình hình cụ thể mà Người đặt ra mục đích, nhiệm vụ để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Người nhấn mạnh: Học để hành, nghĩa là để làm việc chứ không phải là để có bằng cấp, để cho oai và để có chức này chức nọ. Việc giảng dạy, học tập, đào tạo, huấn luyện phải gắn liền với nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế, “kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau”, “lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi liền với nhau”. Người cho rằng: cán bộ đảng viên phải học tập lý luận Mác - Lênin, học tập đường lối, chính sách của Đảng, đồng thời phải học văn hóa, kỹ thuật nghiệp vụ, “làm việc gì học việc đấy”, tức là cán bộ làm ở lĩnh vực gì, phụ trách ở ngành nghề gì đều phải học cho thành thạo công việc ở lĩnh vực đó.

Trên thực tế, mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ đều do cán bộ nghiên cứu, đề xuất, đồng thời cũng do cán bộ tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện. Đường lối của Đảng đúng hay sai, tổ chức thực hiện thành hay không đều phụ thuộc vào cán bộ. Động lực của mọi cuộc cách mạng là quần chúng nhân dân, mà hạt nhân chủ yếu của nó là lực lượng cán bộ. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn đặt ra những yêu cầu khắt khe, cẩn trọng và có tính lâu dài, cần tập trung vào những giải pháp như:

Một là, huấn luyện cán bộ cũng phải có nội dung, kế hoạch phù hợp với từng loại cán bộ trong những lĩnh vực cụ thể. Huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc gốc của Ðảng bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng là khâu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng cán bộ, vì vậy phải làm thiết thực. Học để làm việc, nội dung huấn luyện phải rất cụ thể tránh tình trạng học không thiết thực, học rồi không sử dụng được. Nguyên tắc huấn luyện là phải chú ý đến kinh nghiệm, thực tế, lý luận phải đi đôi với thực tế. Việc huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ gồm những nội dung huấn luyện về nghề nghiệp, huấn luyện về chính trị, huấn luyện về văn hóa, huấn luyện về lý luận.

Hai là, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch theo chức danh cán bộ, gắn lý thuyết với thực hành, kỹ năng xử lý thực tiễn đối với từng chức danh; tăng lượng kiến thức về tư duy và tầm nhìn chiến lược, nhận thức và giải pháp ứng xử, đề phòng, giải quyết các vấn đề nảy sinh. Bên cạnh đó, cơ quan đặc biệt coi trọng việc nâng cao hiệu quả công tác quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đội ngũ cán bộ, công chức bởi đây là cách thức hiệu quả để nâng cao trình độ tư duy, củng cố kiến thức lý luận và nền tảng tư tưởng.

Ba là, việc tập trung bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ những kiến thức về lý luận chính trị, về lãnh đạo, quản lý, về khoa học xã hội, nhân văn và những kiến thức chuyên môn phù hợp với công việc được giao là điều kiện quan trọng mang tính quyết định đến khả năng phân tích, luận giải những vấn đề từ những chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, trên cơ sở đó vận dung sáng tạo vào thực tiễn của đơn vị, của lĩnh vực mà cá nhân đang được phân công phụ trách. Đồng thời cũng thông qua đào tạo, bồi dưỡng giúp cán bộ có khả năng phân tích, xử lý các tình huống, hình thành phương pháp nhận thức khoa học và giải quyết các vấn đề nhanh, nhạy và đạt hiệu quả cao nhất.

Bốn là, xây dựng mục tiêu, chương trình, phương pháp đào tạo sát hợp với từng loại đối tượng. Lấy tiêu chuẩn cán bộ làm căn cứ để xây dựng mục tiêu đào tạo. Nội dung chương trình đào tạo phải quán triết quan điểm: thiết thực, phù hợp với yêu cầu đối với từng loại cán bộ; chú trọng cả phẩm chất đạo đức và kiến thức, cả lý luận và thực tiễn; bồi dưỡng kiến thức cơ bản và kỹ năng thực hành. Chú trọng bồi dưỡng chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, vừa hình thành nhiều hình thức đào tạo mới theo hướng vừa cơ bản, vừa hiện đại, phù hợp với tình hình thực tế.

Năm là, gắn việc xây dựng đội ngũ cán bộ với việc xây dựng tổ chức và đổi mới cơ chế, chính sách. Xây dựng đội ngũ cán bộ và xây dựng tổ chức, đổi mới cơ chế chính sách, phương thức, lề lối làm việc có quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau. Có nhiệm vụ chính trị mới lập tổ chức; có tổ chức mới bố trí cán bộ, không vì cán bộ mà lập tổ chức. Mỗi cán bộ trong tổ chức phải có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng. Quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ phải gắn liền với yêu cầu và nội dung xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, kiện toàn hệ thống chính trị, đổi mới cơ chế chính sách.

Sáu là, thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân, nâng cao trình độ dân trí để tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ. Trên cơ sở phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí để xây dựng đội ngũ cán bộ cơ bản chính quy có hệ thống; đồng thời thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân để giáo dục, đào tạo, rèn luyện, đánh giá, sàng lọc, tuyển chọn cán bộ. Không đánh giá, sử dụng cán bộ một cách cảm tính, chủ quan. Mọi phẩm giá, bằng cấp, danh hiệu, chức vụ, tài năng và cống hiến đều phải được kiểm nghiệm qua hoạt động thực tiễn. Phong trào cách mạng của quần chúng là trường học của cán bộ. Phải dựa vào dân để phát hiện, kiểm tra và kiểm soát cán bộ.

Ngày nay, Đảng ta đang ra sức vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ nói chung, về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói riêng cho phù hợp với thời kỳ mới để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Đảng ta phát động đã và đang diễn ra sôi nổi, ngày càng đi vào chiều sâu và hành động thiết thực trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong mọi ngành, mọi giới. Đây cũng là biện pháp quan trọng, tạo ra môi trường thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của đảng ta trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu trong công tác cán bộ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.

Tâm Trang

 
   

 

(1). Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 5, trang 543; Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

(2). Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 5, trang 506; Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Bài viết khác: