Bác Hồ là người “hồn của muôn hồn”. Một trong những biểu hiện tốt đẹp ấy là cách nói, cách viết của Người rất đỗi gần gũi, quen thuộc với quần chúng, nhiều nơi, nhiều chỗ đậm đà màu sắc dân gian.

Khảo sát thơ văn của Người, chúng ta học tập được nhiều điều thú vị, khi Người đưa cách nói dân gian vào bài viết của mình.

Từ khi còn là một chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật, đến khi làm Chủ tịch Nước, Chủ tịch Đảng, chức vụ cao nhất mà toàn dân, toàn Đảng dành cho Người, Hồ Chủ tịch đã biết “ngôn ngữ là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quí báu của dân tộc” (ND 9-9-1962). Người đã có lần nói chuyện với cán bộ tuyên truyền và yêu cầu họ “phải học tập cách nói của quần chúng”, vì “cách nói của quần chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực mà lại rất giản đơn”, nếu không “khi viết khi nói sẽ khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực” (Sửa chữa lề lối làm việc).

Như vậy, Bác đã đánh giá đúng tác dụng của ngôn ngữ quần chúng, trong đó có ngôn ngữ dân gian trong việc tuyên truyền chính sách của Đảng và Chính phủ.

Theo gương người xưa, “dĩ thân tác tắc” (lấy mình làm gương), Bác đã vận dụng cách nói dân gian, phong cách ngôn ngữ dân gian vào các trước tác của mình. Điều đó phần nào nói lên cách sống bình dị, đức tính hòa mình của Người đối với quần chúng. Bác là người từ quần chúng mà ra, vì quần chúng mà phục vụ, nên Người không muốn giữa Người và quần chúng có một khoảng cách nào đó, dù là rất hẹp. Học tập thơ văn của Người, chúng ta rút ra được nhiều điều bổ ích.

1. Triệt để khai thác, vận dụng ngôn ngữ dân gian

Bác đưa cả những từ ngữ vốn là tiếng nói thường ngày của quần chúng lao động vào văn thơ của mình. Khi đọc hoặc nghe đến những từ ngữ đó, chúng ta sảng khoái, sung sướng và như thấy mình được sống gần Bác hơn. Bởi thế cách nói, cách viết của Bác đạt hiệu quả lớn. Chúng ta gặp nhiều khẩu ngữ trong thơ văn của Bác, như: “chết xác” trong: “Lại còn phu dịch tần phiền/ Làm chết xác, được đồng tiền nào đâu” (Dân cày ); “để mà đấu tranh” trong “Chị em cả trẻ đến già/ Cùng nhau đoàn kết để mà đấu tranh” (Phụ nữ); “con cưng” trong Kêu gọi thiếu nhi: “Bao giờ đuổi hết giặc Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”; “chỉ xoàng” trong Bài ca sợi chỉ: “Càng dài lại càng mỏng manh/ Thế gian ai sợ chi anh chỉ xoàng”; “Ngon lành lắm thay, ăn ngay cho giòn” trong Con cáo và tổ ong; “sáng choang bờ cõi” trong Nhóm lửa; “Chạy quýnh cẳng, méo mặt” trong Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ....

Một từ “chén” nghĩa là ăn khi Bác viết “Săn về thường chén thịt rừng quay” (Cảnh rừng Việt Bắc) để nêu bật tinh thần lạc quan cách mạng của người cán bộ cách mạng ở chiến khu Việt Bắc. Khi thì Bác dùng để phê phán tệ tham ô, lãng phí công quỹ nhà nước của một số “đầy tớ” nhân dân: “Dân ta làm cả ngày, cả đêm mà một số ít người thì đụng cái gì cũng chén, mà lại chén nhiều chứ không phải là ít” (Nói chuyện Mĩ - trang 10). Bác dùng từ “lòe” để mỉa mai những cán bộ chỉ có “học giả” chứ không có học thật, hay làm bộ làm tịch trước quần chúng: “Xem sách nhiều để mà lòe, để làm ra vẻ ta đây” (Sửa đổi lề lối làm việc - trang 10). Nội một từ “cút” mà Bác hạ chỗ nào cũng đúng: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” (Thơ mừng năm mới - 1969), “Tay-lo cút về nước mẹ” (ND 30-7-1965). Bác đặt từ “xoáy” bên từ “vị khách, khách quí” để đào huyệt chôn đứng kẻ thù: “Sau bữa tiệc, người ta điểm lại đồ đạc thì thấy các quí khách đã xoáy đi mất… cái tách… cái đĩa. Vị khách nào đã xoáy đi cả một cái máy có thể lọc được 25 cốc cà phê!” (ND 10-3-1955). Nhiều tiếng chửi trong dân gian được Bác sử dụng khá đắt. Ví dụ: “Vác mặt” trong “Vác mặt ra ứng cử đều là những tên tay sai buôn lậu nổi tiếng, những tên Việt gian đã từng liếm-gót-giày cho giặc Nhật, giặc Tây (ND 10-2-1958); “Nỏ mồm” trong “Bọn phản động lại nỏ mồm vu cáo” (ND 30-10-1952). Và với tiếng chửi sau đây thì khiến cho người đọc hả hê, sảng khoái: “Trong một cuộc cãi nhau hữu nghị với thượng nghị sĩ Ken nơ đi, ông này đã thân ái bảo tổng thống Giôn: “Ngươi là đồ chó đẻ” (ND 10-10-1960). “Thân ái” mà như thế, nếu “căm thù” thì còn đến mức nào!?

Bác triệt để khai thác các đại từ đậm màu sắc dân gian trong tiếng Việt. Khi nói tới hai tên tay sai Lý Thừa Vãn và Ngô Đình Diệm, Bác dùng từ “gã” (ND 3-5-1960). Nói tới Tổng thống Ai xen hao, Bác dùng từ “lão” (ND 20-1-1960), gọi Thống chế Pê tanh là “chú”, Toàn quyền Đờ gôn là “thằng cu”, gọi Tổng thống Giôn xơn là “bợm Giôn”...

Khi muốn hòa nhập mình vào tập thể để người nói và người nghe kết thành một khối, cùng chung niềm tự hào đối với quê hương xứ Nghệ, Bác dùng từ “choa”: “Dân Nghệ nhà choa/ Một năm ăn quà/ Hết một ngàn bảy trăm sáu mươi tấn gang” (ND14-3-1962), làm cho người nghe liên tưởng đến câu ca dao xứ Nghệ: “Dân choa thiệt thậm là nghèo/ Mùa về nghe tiếng cối kêu rầm làng”. Kết thúc bài viết, Bác dùng từ “ta” chững chạc hơn: “Lạc ta là sắt là gan/ Lạc sang nước bạn, lạc mang máy về”. Khi muốn nói, mình và người cùng chung cảnh đời nô lệ, Bác dùng đại từ “mình, ta” chứa chan tình cảm: “Thân người chẳng khác thân trâu/ Cái diều no ấm có đâu đến mình” (Dân cày). Và: “Thợ thuyền ta phải đứng ra/ Trước là cứu nước sau ta cứu mình” (Công nhân). Hai từ này cũng được Bác dùng nhiều lần trong Tuyên ngôn đọc lập. Bác kiêng dùng những từ có hai nghĩa, làm cho người đọc dễ hiểu sai, hiểu méo mó, hiểu không đúng với ý mà Bác muốn diễn đạt. Ở đây xin nêu vài ví dụ. Có thời báo ta đưa tin: “Chiều hôm nay quân và dân tỉnh… bắn rơi ba máy bay và bắn hỏng nhiều chiếc khác”. Bác đọc báo, sau đó gạch dưới từ “hỏng”. Rồi Bác sửa thành “bắn bị thương”. Bác sửa thế là đúng, vì từ “hỏng” có hai nghĩa: Hư và không trúng. Bắn“hỏng” là bắn không trúng, bắn trật, bắn tồi. Bác thích dùng từ cụ thể, chính xác. Bác dùng từ: “nhổ cỏ” thay cho từ “làm cỏ”. Bởi thế, Bác viết: “Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch. Nếu không thì dù cày bừa có kĩ, bón phân nhiều lúa vẫn xấu và lúa bị cỏ át đi. Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Nếu không thì nó sẽ làm hại đến công việc của ta”.

Khi dùng từ, Bác cân nhắc đến từng gram ngữ nghĩa. Vì thế lời nói của Bác trở thành “gói bạc” dành cho dân tộc, và thành một “vác roi” đối với kẻ thù. Xin nêu vài ví dụ. Trong bài Tinh thần yêu nước của dân ta, có đoạn Bác viết: “Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần đó lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ… Nó lướt qua nguy hiểm, khó khăn, nhấn chìm tất cả lũ cướp nước và lũ bán nước”. Bác dùng từ “lướt”, từ “nhấn” chứ không dùng từ “vượt”, từ “nhận”. “Lướt” là qua một cách nhẹ nhàng. “Nhấn” là lực dùng ở đầu ngón tay. “Nhận” là lực dùng của cả cánh tay. Với kẻ thù, dân tộc ta, nếu ai cũng đồng lòng, trăm người như một, thì mỗi người chỉ cần dùng một ngón tay là đủ, chứ cần gì cả cánh tay! Bác dùng từ “cực tiểu” mà ý cực đại, tránh được cách nói khoa trương, đại ngôn, rỗng tuếch.

Trong Tuyên ngôn Độc lập, Bác viết: “Bởi thế cho nên chúng tôi lâm thời chính phủ của nước Việt Nam mới, đại diện cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam...”. Bác không dùng từ “với” mà dùng từ “về” là có sự lựa chọn xác đáng. “Về” chỉ quan hệ phụ thuộc. “Với” chỉ quan hệ bình đẳng. Lúc đó, nước ta đang ở trong cảnh mất nước thì có gì là bình đẳng!?

2. Triệt để khai thác nghệ thuật ví von dân gian

Xứ Nghệ là quê hương của hát ví. Ví là ví von, đem vật này so sánh với vật kia, để xem chúng khác nhau, giống nhau thế nào. Người đã sớm tiếp thu truyền thống hát ví và đưa vào tác phẩm của mình. Cho nên, ta không lấy làm lạ khi đọc tác phẩm của Người, nghệ thuật ví von được sử dụng khá nhiều. Sự ví von này gần gũi với thơ ca dân gian và cách nói thường ngày, làm cho người đọc, người nghe cảm thấy thoải mái, quen thuộc, dễ tiếp thu khi thưởng thức văn thơ của Bác.

Bàn về dân chủ và chuyên chế, Bác ví: “Như cái hòm đựng của thì phải có cái khóa. Nhà thì phải có cửa. Khóa và cửa cốt để đề phòng kẻ gian ăn trộm. Dân chủ là của quí báu nhất của nhân dân; chuyên chính là cái khóa, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại” (Những lời kêu gọi - tập IV, trang 28).

Đề cập tới mối quan hệ giữa sản xuất và tiết kiệm, Bác có cách nói dân dã thế này: “Sản xuất mà không tiết kiệm khác nào gió vô nhà trống” (NLKG - tập VI, trang177).

Phê phán một số cán bộ tuyên truyền không có cách nói để cho dân dễ hiểu, Bác nghiêm khắc: “Nhiều người tưởng mình nói gì, viết gì, người khác cũng đều hiểu được cả. Thật ra không hoàn toàn như thế. Tục ngữ nói “đàn gảy tai trâu” là có ý chê người nghe không hiểu. Song những người tuyên truyền nói khó hiểu thì chính người đó là trâu”.

Đặc biệt hơn, có trường hợp Bác sử dụng ví von nhiều tầng, làm cho hình ảnh, khái niệm trở nên lung linh, lộng lẫy hơn, lí tưởng hơn: “Chủ nghĩa Lê-nin đối với chúng ta những người cách mạng và nhân dân Việt Nam không những là cái cẩm nang thần kì, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản” (Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê - nin).

Trong thơ của Bác ta cũng bắt gặp nhiều trường hợp so sánh gần gũi, thoát thai từ tục ngữ, ca dao, dân ca như thế: “Núi trọc như đầu bình vôi/ Sông không có nước, nước hiếm hoi như vàng” (Mở mang thủy lợi); “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà” (Cảnh khuya); “Tin mừng thắng trận nở như hoa” (Mừng xuân 1967);…

Trong bài Gửi nông dân, Bác khéo sắp xếp các cặp từ thông dụng với cuộc sống đời thường bên cạnh những cặp từ chính luận, làm cho người đọc, người nghe thật thú vị: “Ruộng rẫy là chiến trường/ Cuốc cày là vũ khí/ Nhà nông là chiến sĩ/ Hậu phương thi đua với tiền phương”. Cũng cách ví von dễ hiểu ấy, Người viết những câu thơ đầy trân trọng, thương cảm: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan…” (Kêu gọi thiếu nhi). Có những chỗ nhờ ví von, Bác viết nên những câu thơ thấm đẫm nhân tình: “Thân người chẳng khác thân trâu/ Cái phần no ấm có đâu đến mình” (Dân cày)...

Cách ví von trong văn thơ Bác rất đa dạng, phong phú. Có khi nó ngầm chứa trong toàn bài gọi là trường dụ, làm cho bài thơ có tính ngụ ngôn. Quy châm của cuộc đời được chứa đựng trong đó. Ta có thể thấy điều này trong các bài thơ: Bài ca sợi chỉHòn đáCon cáo và tổ ongNghe tiếng giã gạoTiếng gà gáy

 Nói tóm lại, “Lối so sánh của Hồ Chủ tịch chính là lối ví hồn nhiên của người Việt Nam trong văn học dân gian và trong lời nói của quần chúng” (Những đặc sắc trong ngôn ngữ Hồ Chủ tịch - Đào Thản - Hoàng Văn Hành).

3. Sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao, lẩy Kiều, hoặc nhại Kiều           

Đọc qua các trước tác của Người, chúng ta thấy Người thuộc khá nhiều câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao, Kiều… Tất cả đã ngấm vào máu thịt của Người, và Người đã đưa chúng vào thơ văn khi cần đến. Chúng trở thành một loại ẩn dụ đặc biệt, tạo cho câu văn, câu thơ lời ít ý nhiều. Sự có mặt của chúng trong các bài viết làm cho tác phẩm trở nên bình dị, dân dã, rút ngắn khoảng cách giữa lãnh tụ và quần chúng. Lời văn, lời thơ của Bác trở thành “lời non nước, tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau” (Tố Hữu).

Thành ngữ, tục ngữ, ca dao có khi ở dạng nguyên vẹn, riêng lẻ; nhưng cũng có khi, và đây là đa số, thường được Bác cải biên theo lối “Hoán cốt sinh tân” thêm thắt, sửa đổi.

Lột trần bản chất ngoan cố của bọn đế quốc và tay sai, Bác viết: “Những lũ đế quốc cướp nước và bè lũ Việt gian bán nước chết mà nết không chừa” (NLKG - tập II, trang 220).

 Nói tới công lao của những người bỏ mình vì nước, Bác diễn đạt thật cảm động: “Ăn quả nhớ người trồng cây” (NLKG - tập VI, trang 7). Trong dẫn chứng này, Bác sửa từ “kẻ” thành từ “người”, làm tăng sự trân trọng, thành kính.

Trong văn xuôi của Bác, ta có thể bắt gặp ở dạng đơn, nguyên những thành ngữ, tục ngữ như: “Gan vàng dạ sắt”, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, “Khẩu phật tâm xà”, “Cố đấm ăn xôi”,… Nhưng có chỗ Bác lại cải biên hoặc sáng tạo ra những câu thành ngữ, tục ngữ mới như: “Nghị quyết đầy túi áo, báo cáo đầy túi quần; tự mãn tự túc là co mình lại; người đi trước rước người đi sau; Đảng viên đi trước, làng nước đi sau”,... Có khi trong một đoạn văn ngắn, Bác đã vận dụng một loạt thành ngữ, tục ngữ: “Diệm chẳng những rước voi dày mả tổ, cõng rắn cắn gà nhà, hắn còn điên cuồng như chó dại cắn càn. Hắn dựa vào đế quốc Mĩ mà càn quét, khủng bố, chặt đầu, mổ bụng đồng bào ta. Trẻ nó không tha, già nó không thương” (ND 15-12 1961). Từ câu ca dao cũ: “Bao giờ bánh đúc có xương/ Bấy giờ dì ghẻ biết thương con chồng”, Bác đã “lẩy” và biến thành quan hệ xã hội trong chế độ Ngô Đình Diệm: “Đời nào bánh đúc có xương/ Đời nào bọn Diệm biết thương đồng bào”. Từ câu tục ngữ: “Châu chấu mà đấu ông voi” và câu ca dao: “Châu chấu mà dám đấu xe/ Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng”, Bác đã hòa trộn để tạo ra một câu ca dao mới: “Nay tuy châu chấu đá voi/ Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra” (ND 5-4-1953) .

Đặc biệt trong Di chúc, Bác viết: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mĩ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, thì câu lục đã gợi cho ta nhớ tới những câu ca dao, những câu Kiều… có “gần” nội dung ấy. Trong ca dao ta bắt gặp: “Còn trời, còn nước, còn non/ Còn trăng, còn gió, hãy còn đấy đây”. Hoặc: “Còn trời, còn nước, còn non/ Còn cô bán rượu, anh còn say sưa”. Trong truyện Thạch Sanh: “Còn trời, còn nước, còn non/ Công phu đền báo tác son có ngày”. Trong Truyện Kiều: “Còn non, còn nước, còn trời/ Còn về, còn nhớ đến người hôm nay”…

Bác vận dụng Kiều, lẩy Kiểu khá nhiều. Khai mạc Đại hội Đảng năm 1951, Bác viết: “Thật bây giờ mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai”. Trở về thăm lại quê hương lần thứ nhất, năm 1958, Bác nói: “Kể từ sen ngó đào tơ/ Năm mươi năm ấy, bây giờ là đây”. Tiễn đưa Thủ tướng Xu-các-nô, trong bài diễn văn, Người viết: “Nhân dân Inđônêxia mong chờ tổng thống một ngày dài như ba thu, cánh hồng bay bổng tuyệt vời/ Đã mòn con mắt phương trời đăm dăm”...

Tóm lại nhờ sử dụng thành thạo tục ngữ, thành ngữ, ca dao, dân ca, Truyện Kiều, câu văn của Bác vừa súc tích, vừa uyển chuyển, vừa làm cho lượng thông tin phong phú, dồi dào, làm cho cách nói, cách viết trở nên ý vị, văn chương. Đó là một bài học lớn cho chúng ta học tập.

4. Nghệ thuật chơi chữ đa dạng

Trong thơ văn của Người, ta còn bắt gặp nghệ thuật chơi chữ đa dạng. Điều đó chứng tỏ Bác có một bộ óc thông minh, có học vấn uyên bác. Người giỏi cả chơi chữ Hán và chơi chữ Nôm. Khi thì chơi chữ trái nghĩa, như bài Bị bắt ở Túc Vinh: “Túc Vinh mà để ta mang nhục/ Cố ý dằng dai chậm bước mình/ Bịa đặt tình nghi là gián điệp/ Cho người vô cớ mất thanh danh”. Nguyên văn chữ Hán như sau: “Tại Túc Vinh nhai bị khấu lưu”: Túc Vinh khước sử dư mông nhục/ Cố ý trì diên ngã khứ trình/ Gián điệp hiềm nghi không niết tạo/ Bả nhân danh dự bạch hy sinh”. Bài Chiết tự, Bác cũng chơi chữ rất thành thục: “Người thoát khỏi tù ra dựng nước/ Qua cơn hoạn nạn rõ lòng ngay/ Người biết lo âu ưu điểm lớn/ Nhà lao mở cửa ắt rồng bay”. Nguyên văn chữ Hán: “Tù nhân xuất khứ hoặc vi quốc/ Hoạn quá đầu thời thủy kiến trung/ Nhân hữu ưu sầu, ưu điểm đại/ Lung khai trúc sản xuất chân long”. Bác đã chơi chữ: Chữ “tù”, bỏ chữ “nhân”, thêm chữ “hoặc” vào, thành ra chữ “quốc”. Chữ “hoạn” bỏ bớt đầu, thành ra chữ “trung”. Chữ “ưu” là “lo”, thêm bộ “nhân đứng” vào thành chữ “ưu” là “tốt”. Chữ “lung” bỏ bộ “trúc” trên đầu thành chữ “long” là “rồng”.

Bác cũng thành thạo cả chơi chữ tiếng Việt theo phong cách dân gian.

Khi đả kích kẻ thù, đặc biệt là bọn chóp bu, Bác hay dùng từ đồng âm, hài âm để gọi tên, gọi chệch tên, hoặc gọi rút gọn tên, tạo nên sự hài hước. Ví dụ: “Oét mô len” được gọi là “Vét mỡ lợn”; “Ca bốt lốt” được gọi là “Cá bỏ lọt”; “Ha kin” được gọi là “Hắc ín”; “Ma các tơ” được gọi là “Mặt ác tệ”; “Mác na ma ra” được gọi là “Mặt nạ ra ma”. Cách gọi đồng âm này đều tạo nên hai nghĩa: Vừa nêu đích danh nhân vật, vừa tỏ thái độ người nói. Có khi Bác chọn từ đồng âm trong tiếng Việt để gọi tắt tên chúng: “Tay lo” được gọi là “Lo”; “Ca bốt lốt” được gọi là “Lót”. Từ đó, Bác hoán đổi ngôi thứ, từ loại, để đả kích chúng: “Lo đã lỗ. Những ảo mộng của Lo đã tan thành mây khói. Thế là lo về chính trị đã không thành công, về quân sự đã đại bại. Lót lại thay Lo. Lót là một chính khách cáo già, đại phản động. Chúng ta có thể đoán chắc rằng, cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ nhất định sẽ thất bại”( ND 28-7-1956).

Bác sử dụng cả lối chơi chữ đồng âm dị nghĩa để tạo hứng thú cho người đọc. Nhân dân thế giới lên án Ai xen hao, Bác viết: “Trong trần ai, ai cũng ghét Ai”. Lối chơi chữ này thường thấy trong ca dao, đặc biệt là ca dao tình yêu, đối đáp: “Ta như vầng nguyệt đêm rằm/ Dạ tơ tưởng nhớ đêm nằm tương tư”. Hay: “Gái Tràng Thân, thân đã nên thân /Thân những bậc văn nhân tài tử”, “Trai Yên Hội, hội vừa gặp hội/ Hội cùng người thục nữ thuyền quyên”. Ở bài Cảm ơn người tặng cam Bác viết: “Cảm ơn bà biếu gói cam/ Nhận thì không được, từ làm sao đây/ Ăn quả nhớ người trồng cây/ Phải chăng khổ tận, đến ngày cam lai”, thì từ “cam, khổ” đều có hai nghĩa.

Có khi, Bác dùng thủ pháp hoán đổi, đánh tráo giữa chữ và nghĩa, do hiện tượng đồng âm gây nên. Ví dụ: “Thực dân là ăn cướp dân” (ND 21-8-1953). Ở đây “thực” là trồng, biến thành “thực” là ăn. Có khi Bác chen cả nụ cười dí dỏm vào trong chơi chữ: “Làm thế nào cho lạc thêm vui” (ND 14-3-1962). Nhiều trường hợp, Bác chơi chữ bằng cách bớt thanh điệu hoặc thay đổi phụ âm cuối, tạo nên từ hài thanh, gần với từ được đem chơi chữ: “Pháp Mỹ hợp tác hay hợp tát” (ND 15-3-1972). Hay: “Quốc hội lâm thời hay quốc hội làm thối”(ND 16-2-1954). Có khi Bác chơi chữ bằng cách tạo dựng lên những tình thế đối lập. Ví dụ: “Tiền phong thành ra hậu hỏng” (ND 29-12-1957); “Mỹ mà không đẹp” (ND 29-5-1964). Có chỗ Bác dùng lối điệp âm, láy âm để tạo nên một lối chơi chữ độc đáo: “Xa lăng xa lù” (ND 20-3-1952); “Đế quốc Mỹ bi và bí” (ND 7-3-1964).

Có thể nói cách chơi chữ của Bác cực kì phong phú. Những cách chơi chữ này ta thường thấy trong văn học dân gian.

5. Hình thức diễn đạt mang nhiều bóng dáng của cách nói dân gian

Để tải được nội dung phong phú, trong văn xuôi Bác đã sử dụng nhiều cách diễn đạt linh hoạt. Gần gũi với văn học dân gian là Bác thường sử dụng điệp từ, điệp ngữ, nói nhấn. Ca ngợi cuộc đời liêm khiết của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bác viết: “Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm quan” (NLKG - tập I, trang 169).

Khẳng định trí tuệ và sức mạnh của Đảng, Bác có cách nói nhấn mạnh: “Chúng ta sáng tạo. Chúng ta xây dựng. Chúng ta tiến lên. Quyết không có lực lượng nào ngăn được chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” (NLKG - tập VI, trang 119). Cách nói ấy, ta có thể thấy bóng dáng trong bài ca dao: “Thấy anh, em cũng muốn theo/ Em sợ anh nghèo, anh bán em đi/ Lấy anh, em biết ăn gì/ Lộc sắn thì chát, lộc si thì già/ Lấy anh không cửa, không nhà/ Không cha, không mẹ, biết là cậy ai” hoặc ở bài ca dao: “Thương nhau tam, tứ núi cũng trèo/ Ngũ, lục sông cũng lội/ Thất, bát, cửu thập đèo cũng qua”.

 Thơ của Bác, trừ thơ viết theo thể Đường luật, rất gần gũi với thơ ca dân gian. Gần cả về hình thức, thể tài, cách gieo vần và ngắt nhịp. Nhiều bài Bác viết theo lối đồng dao như: Gửi cháu Lê Văn ThụcGửi cháu Phạm Đỗ HảiHòn đáCa tự vệ... Viết theo lối hỏi đáp, có bài: Hỏi trăng; Theo lối tự thuật có Bài ca sợi chỉ; Theo lối ngụ ngôn có Con cáo và tổ ongNhóm lửa… Pha trộn giữa đồng dao với thơ lục bát có Gửi các cháu nhi đồng nhân dịp tết trung thu 1953. Nhiều bài, nhiều câu, Bác viết theo thể lục bát biến thể, nên bắt vần, ngắt nhịp thoải mái như thơ ca dân gian. Ví dụ: “Đảng ta vĩ đại như biển rộng như núi cao/ Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình/ Đảng ta là đạo đức là văn minh/ Là thống nhất là độc lập, là hòa bình ấm no/ Công ơn Đảng thật là to/ Ba mươi năm lịch sử là cả một pho sử bằng vàng” (Lời khai mạc 30 năm thành lập Đảng).

Ngày nay, dù Bác đã đi xa, nhưng những lời dạy, những tác phẩm của Người vẫn còn, mãi còn là những lời khuyên chí tình, chí nghĩa, những mẫu mực về lời ăn tiếng nói, về mẫu mực sáng tác cho mỗi chúng ta học tập và noi theo.

Học tập cách nói giàu màu sắc dân gian trong văn thơ của Người là một cách trở về với nhân dân để bồi bổ trí tuệ và tâm hồn. Từ đó, chúng ta chống những cách viết, cách nói xa lạ, lai căng, mất gốc với truyền thống tốt đẹp của ngôn ngữ dân tộc, thực sự bảo vệ của cải vô cùng lâu đời, vô cùng quí giá của dân tộc ta.

Theo Thái Doãn Chất
http://www.ngheandost.gov.vn
Huyền Trang (st)

Bài viết khác: