Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh những tư tưởng lớn, mang tính định hướng chiến lược lâu dài của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những vấn đề cụ thể, thiết thực liên quan đến từng lớp người, từng đối tượng trong xã hội.
1. Những trăn trở của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ và Di chúc của Người
Tài liệu “tuyệt đối bí mật” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết vào lúc 9 giờ sáng ngày 10-5-1965, đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 75 của Người. Những năm sau đó, cứ vào dịp tháng 5, Người lại dành thời gian để đọc hoặc viết thêm vào tài liệu ấy. 9 giờ sáng ngày 10/5/1968, khi xem lại “Tài liệu tuyệt đối bí mật” này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ sung một số vấn đề, trong những vấn đề viết thêm đó, Người đã viết về phụ nữ như sau: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ” . Những lời tâm huyết này của Người là sự đúc kết ngắn gọn tất cả những trăn trở cũng như tư tưởng của cả cuộc đời Người về vấn đề giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền.
Ngay khi còn là một thanh niên, trên con đường đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, tình cảnh người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ các dân tộc bị áp bức luôn là nỗi đau đối với Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Người cảm nhận sâu sắc thân phận của người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, nhất là trong xã hội còn chịu ảnh hưởng tàn dư của chế độ phong kiến và đô hộ, áp bức của chủ nghĩa thực dân, đế quốc: “Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược, ngoài phố, trong nhà, giữa chợ, hay ở thôn quê, đâu đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của bọn quan lại cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga”. Trong những bài viết của mình, Hồ Chí Minh đã dành nhiều bài để tố cáo tội ác man rợ của chế độ thực dân cũng như lễ giáo phong kiến Việt Nam đối với người phụ nữ. Trong bài “Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp” đăng trên báo Le Paria (Người cùng khổ) ngày 1-8-1922, Người viết: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ lại càng bỉ ổi hơn nữa”, và “trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì” . Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định “Dưới chế độ phong kiến và thực dân, phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội thì phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Ở gia đình thị họ bị kìm hãm trong xiềng xích “tam tòng” .
Trước sự khổ nhục của người phụ nữ An Nam, Người vẫn luôn đặt niềm tin vào sức mạnh của họ. Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò, vị trí của phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng, khẳng định phụ nữ là một lực lượng quan trọng trong đời sống xã hội. Người cho rằng “Muốn thế giới cách mệnh thành công thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước… An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”. Từ đó, Người đã động viên, khích lệ, kêu gọi phụ nữ “Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công như vây”, “…. bây giờ hai chữ “nữ quyền” đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! Chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại!” .
Trong Chánh cương vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo năm 1930, Người đã đưa ra nội dung “nam nữ bình quyền” thành một mục ngang với các vấn đề lớn như “Dân chúng được tự do tổ chức”, “phổ thông giáo dục theo công nông hóa”… Ðiều đó chứng tỏ, ngay từ khi thành lập Ðảng, vấn đề giải phóng phụ nữ được Nguyễn Ái Quốc và Ðảng hết sức coi trọng, trở thành một nội dung quan trọng trong đường lối cách mạng, giải phóng dân tộc. Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng, khi sáng lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp lực lượng đánh thực dân Pháp giành độc lập dân tộc, Người đã đề ra 10 chính sách của Việt Minh, trong đó có chính sách về phụ nữ: “Đàn bà cũng được tự do, bất phân nam nữ đều cho bình quyền”. Trong Chương trình Việt Minh, Người viết “Sau khi đánh đuổi đế quốc phát xít Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… sẽ thi hành những chính sách Phổ thông đầu phiếu: Hễ ai là người Việt Nam, vô luận nam, nữ từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử… Về chính trị: Nam nữ bình quyền. Về các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa: Đàn bà đều được bình đẳng với đàn ông”. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngay tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Người đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó nhiệm vụ thứ ba nêu: “… Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử” , từ đó đưa ra chủ trương “Trong cuộc tổng tuyển cử… không chia gái, trai… hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó” . Dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã giành thắng lợi lớn. Trong số 333 đại biểu Quốc hội, có 10 đại biểu là phụ nữ. Là Trưởng ban dự thảo Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa vào bản Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước ta những điều luật ngang tầm với nền chính trị tiên tiến của thế giới, trong đó, Điều 9 quy định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, người phụ nữ đã được quyền bình đẳng, ngang với đàn ông cả trong quy định pháp lý và cả trên thực tế.
Trong kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò của người phụ nữ: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Bên cạnh đó, Người cũng chỉ ra nhiệm vụ chính của phụ nữ nước ta thời kỳ này là phải “Thắt chặt mối đoàn kết giữa các tầng lớp phụ nữ trong nước, giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các nước bạn cùng phụ nữ dân chủ thế giới – Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí, bệnh quan liệu. – Hăng hái tham gia chính quyền. – Giúp đỡ đồng đội. – Bảo vệ nhi đồng” .
Trên cơ sở nhận thức đúng đắn về sự khổ cực cũng như vai trò to lớn của phụ nữ, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để thực sự nam nữ bình đẳng, bình quyền là “một cuộc cách mạng to và khó”, bởi “ách áp bức dân tộc và bóc lột giai cấp của bọn thực dân Pháp và tay sai đã gây nên những nỗi đau khổ, cơ cực của người phụ nữ”, và “vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi tầng lớp xã hội”. Khó khăn là vậy, nhưng cuộc cách mạng này là vô cùng cần thiết, bởi “Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội mới một nửa” . Tư tưởng về thực hiện quyền bình đẳng và giải phóng phụ nữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã được hiện thực hóa trong Hiến pháp năm 1959, tại Điều 24 đã quy định “Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. Cùng việc làm như nhau, phụ nữ được hưởng lương ngang với nam giới”. Như vậy, so với Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 đã cụ thể hóa hơn các lĩnh vực mà người phụ nữ được quyền bình đẳng với nam giới. Quyền bình đẳng nam nữ được thể hiện trên 5 lĩnh vực từ xã hội đến gia đình, bao hàm tất cả các mặt của đời sống xã hội. Đó là sự ghi nhận, trân trọng và đảm bảo của toàn xã hội đối với vai trò của phụ nữ. Còn đối với chị em phụ nữ, "phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội…". Đồng thời, Người cũng chủ trương xây dựng Luật Hôn nhân và gia đình, ngày 13-1-1960, Người đã ký Lệnh số 02-LCT, công bố đạo Luật này, trong đó có các điều 3, 12, 13, 18 nói về quyền bình đẳng vợ chồng, cha mẹ không được đối xử tàn tệ với con dâu…
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Bộ, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, đơn vị cần chú ý đào tạo, bồi dưỡng cho phụ nữ tham gia vào công tác quản lý lãnh đạo. Có như vậy, phụ nữ mới thực sự bình đẳng. Người thường xuyên quan tâm, theo dõi từng bước tiến của phụ nữ cũng như động viên chị em noi gương phụ nữ thế giới, phụ nữ trong nước để ngày càng lập được nhiều thành tích góp phần khẳng định vai trò, vị trí của người phụ nữ đối với gia đình, với Tổ quốc.
Trước khi về cõi vĩnh hằng, Người vẫn luôn trăn trở và để lại những lời căn dặn sâu sắc để thực hiện quyền bình đẳng đó “Cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”. Sở dĩ Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc cất nhắc, giao cho phụ nữ phụ trách những công việc quan trọng, trong đó có công việc lãnh đạo, quản lý nhà nước, bởi vì, khi phụ nữ được tham gia vào bộ máy Nhà nước với vị trí, vai trò là người lãnh đạo, họ có thể trực tiếp tham gia vào quá trình bàn bạc, ra quyết định, hoạch định chính sách và định hướng cho sự phát triển của đất nước hoặc của địa phương trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội liên quan trực tiếp đến bản thân mình. Đây là điều kiện đặc biệt quan trọng để người phụ nữ được bảo đảm quyền làm chủ bản thân, làm chủ xã hội và thể hiện quyền bình đẳng với nam giới ở mức độ cao nhất và đầy đủ nhất.
Để thực hiện được điều này, Người căn dặn: “Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên” . Phụ nữ phải tự đấu tranh để giải phóng mình. Muốn tự giải phóng và khẳng định vị trí, vai trò của mình đối với xã hội, phụ nữ phải đoàn kết, phải hiểu biết quyền lợi và nghĩa vụ của mình, có khả năng và tinh thần làm chủ, có đức, có tài. Phụ nữ cũng cần phải nỗ lực học tập, nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, phải nêu cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; “phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập”.
Như vậy, trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến vấn đề giải phóng phụ nữ khỏi sự áp bức, bóc lột, bất công, bảo đảm cho phụ nữ được quyền bình đẳng với nam giới trong gia đình và trong đời sống chính trị - xã hội.
2. Thực hiện Di chúc của Người về việc thực hiện quyền bình đẳng thật sự đối với phụ nữ
Thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc của Người về “cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”, trong 45 năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp để hiện thực hóa niềm trăn trở này của Bác, nó được biểu hiện rõ ràng và sâu sắc nhất trong rất nhiều văn bản Hiến pháp và văn bản pháp luật của nước ta.
Hiến pháp năm 1980
Khác với hai bản Hiến pháp năm 1946 và năm 1959, trong Hiến pháp năm 1980, quyền của phụ nữ vừa được lồng vào các quyền cơ bản của công dân, vừa được quy định riêng nhằm tạo ra những điểm nhấn quan trọng, khẳng định quyền của phụ nữ.
Theo Điều 55, “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, có thể nói đây là quy định tiến bộ của Hiến pháp năm 1980, vì nó bao hàm tất cả các giới tính, khẳng định quyền bình đẳng giới trong xã hội.
Lần đầu tiên, văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất của Nhà nước ta xác định: “Công dân không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và từ 21 tuổi trở lên đều có thể được bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp" (Điều 57).
Bên cạnh đó, bản Hiến pháp này cũng quy định đảm bảo sự bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực lao động, hôn nhân và gia đình, cụ thể: “Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội và gia đình. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Lao động nữ và nam việc làm như nhau thì tiền lương ngang nhau. Lao động nữ có quyền hưởng chế độ thai sản. Phụ nữ là viên chức nhà nước và người làm công ăn lương có quyền nghỉ trước và sau khi sinh đẻ mà vẫn hưởng lương, phụ cấp theo quy định của pháp luật. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong xã hội. Chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, khoa nhi, nhà trẻ và các cơ sở phúc lợi xã hội khác để giảm nhẹ gánh nặng gia đình, tạo điều kiện cho phụ nữ sản xuất, công tác, học tập, chữa bệnh, nghỉ ngơi và làm tròn bổn phận của người mẹ” (Điều 63) và “hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng…. Nhà nước và xã hội không thừa nhận việc phân biệt đối xử giữa các con” (Điều 64).
Có thể khẳng định, Hiến pháp năm 1980 là bản Hiến pháp tiến bộ, ở đó quyền của công dân Việt Nam nói chung và quyền của phụ nữ nói riêng đã được khẳng định ở tầm cao hơn, cụ thể hơn.
Hiến pháp năm 1992
Về cơ bản, quyền của phụ nữ trong Hiến pháp năm 1992 kế thừa những quy định tiến bộ của Hiến pháp năm 1980, nhưng nhấn mạnh thêm: "Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ" (Điều 63).
Hiến pháp sửa đổi năm 2013
So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp mới 2013 có nhiều sửa đổi, bổ sung và phát triển, thể hiện tầm quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có cả quyền của phụ nữ. Theo đó, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn, hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em. Đặc biệt, Điều 26 Hiến pháp nhấn mạnh: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.
Như vậy, quyền của phụ nữ Việt Nam ngày càng được phát triển qua các bản Hiến pháp, các quyền cơ bản đó bao gồm: (1) Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; (2) Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; (3) Có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; (4) Quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; (5) Quyền có nơi ở hợp pháp; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; (6) Quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; (7) Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; (8) Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình; (9) Quyền bầu cử và ứng cử; (10) Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; (11) Quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (khi đủ mười tám tuổi trở lên); (12) Quyền khiếu nại, tố cáo; (13) Quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; (14) Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ; quyền tự do kinh doanh; (15) Quyền được bảo đảm an sinh xã hội; (16) Quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc; (17) Quyền kết hôn, ly hôn; (18) Quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh; (19) Quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật…
Quyền của phụ nữ trong các văn bản pháp luật
Quyền cơ bản của phụ nữ theo quy định của Hiến pháp được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật như: Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Cư trú, Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Quốc tịch...
Luật Bình đẳng giới
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó và không bị phân biệt đối xử về giới. Theo đó, Nhà nước bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình; áp dụng những biện pháp thích hợp để xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước.
Nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận, theo xếp hạng năm 2012 của Liên hợp quốc về chỉ số bất bình đẳng giới, Việt Nam xếp thứ 47/187 quốc gia, so với vị trí 58/136 quốc gia năm 2010 (thứ hạng càng gần 0 càng thể hiện sự bình đẳng cao).
Luật Bảo hiểm xã hội
Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, phụ nữ được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội như: Chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, thất nghiệp, mất sức lao động... Bên cạnh đó, Luật còn quy định quyền lợi mang tính đặc thù đối với người phụ nữ như: Lao động nữ được hưởng các chế độ khám thai (nghỉ việc có hưởng lương trợ cấp), nghỉ việc hưởng lương trợ cấp sinh đẻ bằng 100% tiền lương, dưỡng sức sau khi sinh nếu sức khỏe yếu. Ngoài ra, các đối tượng xã hội là phụ nữ cũng được hưởng trợ giúp vật chất với tư cách đối tượng cứu trợ xã hội.
Bộ luật Lao động
Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2013 dành một chương (Chương X) quy định riêng về lao động nữ. Theo đó, Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà; có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hoà cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình. Luật quy định rõ, nghiêm cấm người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam, nữ về tuyển dụng, sử dụng, nâng bậc lương và trả công lao động; lao động nữ được dành thời gian trong thời gian lao động để cho con bú, làm vệ sinh phụ nữ; không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì kết hôn, có thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Đặc biệt, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2013 quy định tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ từ 4 tháng lên thành 6 tháng.
Luật Hôn nhân và gia đình
Luật Hôn nhân và gia đình khẳng định nguyên tắc vợ, chồng bình đẳng. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; vợ chồng có nghĩa vụ cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; có nghĩa vụ sống chung với nhau...
Bộ luật Hình sự
Thể chế hoá các quy định của Hiến pháp về quyền con người Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã quy định những tội phạm liên quan đến phụ nữ, các điều luật bảo vệ quyền của phụ nữ: Hành vi phạm tội đối với phụ nữ có thai là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (khoản 1.h, Điều 48) và cũng là tình tiết tăng nặng định khung: Giết người mà biết là có thai (khoản 1, điểm b, Điều 93), cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ đối với phụ nữ đang có thai (khoản1.d, Điều 104), hành hạ phụ nữ có thai (khoản 2.a, Điều 110), tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý đối với phụ nữ mà biết là đang có thai (khoản 2.d, Điều 197), cưỡng bức, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma tuý đối với phụ nữ mà biết là đang có thai (khoản 2.đ, Điều 200). Trong đó, Bộ luật Hình sự cũng thể hiện sự khoan hồng, tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý tội phạm là nữ giới; có chính sách giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Người phạm tội là phụ nữ có thai được quy định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (khoản 1, Điều 46). Chính sách nhân đạo, khoan hồng được thể hiện cả trong việc áp dụng hình phạt và thi hành án: Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử, không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.
Có thể nói, quyền của phụ nữ Việt Nam trong các bản Hiến pháp và các văn bản pháp luật đều thể hiện rõ 2 yếu tố căn bản đó là “bình đẳng và ưu tiên”. Có những quyền được pháp luật xây dựng bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ trước pháp luật nhằm xoá bỏ sự phân biệt đối xử trong công việc, trong đời sống chính trị, kinh tế và trong đời sống gia đình. Còn quyền ưu tiên (trong việc tuyển dụng, sắp xếp công việc, nghỉ hưu...) có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thể hiện khả năng của mình với việc đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội, đồng thời tránh rủi ro trong nghề nghề nghiệp, trong cuộc sống gia đình và xã hội.
Trên cơ sở thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các văn bản Hiến pháp và pháp luật đã được thông qua, cũng như các Quy định, Chỉ thị, Chiến lược cụ thể, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, hiện nay, vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao. Tỷ lệ cán bộ nữ trong các cấp ủy Đảng, trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng được nâng cao, rất nhiều phụ nữ trở thành nhà chính trị, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn, nghệ sỹ... Nhiều lĩnh vực không thể thiếu sự có mặt của người phụ nữ như giáo dục, dệt, may mặc, dịch vụ. Phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu của đất nước trên từng chặng đường phát triển.
45 năm thực hiện những lời căn dặn nghĩa tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc của Người, chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cũng như sự cố gắng vươn lên của bản thân người phụ nữ Việt Nam, “quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ” đã, đang và sẽ được hiện thực hóa, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ Việt Nam trong nước và trên trường quốc tế, đúng như mong mỏi của Người./.
Đỗ Thị Mỹ An
Bảo tàng Hồ Chí Minh
Tâm Trang (st)