Trong công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tự phê bình và phê bình. Người coi đây là nguyên tắc, quy luật phát triển của Đảng ta, là một trong những phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền, càng phải hết sức coi trọng và phát huy vũ khí sắc bén tự phê bình và phê bình. Theo Người tự kiểm điểm, tự phê bình và phê bình phải thường xuyên như nhu cầu "rửa mặt" hằng ngày. Muốn đoàn kết thì phải tự phê bình, phê bình tốt, nghĩa là xuất phát từ đoàn kết mà phê bình, tự phê bình; phê bình và tự phê bình là để đi đến đoàn kết hơn nữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính"1 và Người yêu cầu Đảng phải giữ vững tư cách và đạo đức cách mạng của mình; "Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên"2.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, tự phê bình và phê bình không phải "vạch lá tìm sâu, bới lông, tìm vết" mà cốt lõi là để giúp nhau cùng tiến bộ, dùng lòng nhân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo, giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm, khen ngợi họ khi có thành tích. Khi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm thì cần kiểm tra, giám sát ngay, làm được như vậy mới giữ được uy tín của tổ chức đảng, mới giữ được cán bộ, tránh tình trạng: "Nếu để sai lầm và khuyết điểm trở nên to tát rồi mới đem ra "chỉnh" một lần, thế là "đập" cán bộ. Cán bộ bị "đập", mất cả lòng tự tin,..."3. Người còn nhắc nhở, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng càng không được làm qua loa, hình thức. Vì, "nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng... Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm Đoàn thể"4.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ một số nội dung chính trong thực hiện tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng như sau:
Một là, đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng thì tự phê bình và phê bình là hết sức cần thiết, đòi hỏi và yêu cầu rất cao để cán bộ, đảng viên phát huy tính tự giác và để bảo đảm cho kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đạt chất lượng, hiệu quả cao. Theo Người, trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, phải dùng cách thức thật thà tự phê bình và phê bình để làm rõ mọi khuyết điểm và tìm cách để khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm ấy. Nếu tiến hành tự phê bình và phê bình tốt, không những cán bộ, đảng viên bày tỏ hết mọi khuyết điểm, tìm cách sửa chữa, càng thêm trọng kỷ luật và lòng phụ trách. Hồ Chí Minh khẳng định, muốn giữ nghiêm kỷ luật của Đảng và muốn sửa chữa sai lầm, khuyết điểm của mình thì thang thuốc hay nhất là phải coi trọng, luôn luôn dùng phê bình và tự phê bình, tự xem xét lại mình thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm thêm lên. Người yêu cầu: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng"5.
Hai là, về nội dung và đối tượng tự phê bình và phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nội dung phê bình bao gồm cả ưu điểm, kết quả, cả khuyết điểm, sai lầm, vi phạm và nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Phê bình và tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình và của mình để làm cho mọi người học ưu điểm của nhau và giúp nhau sửa chữa khuyết điểm. Còn về đối tượng tự phê bình và phê bình là "phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người"6.
Ba là về phương pháp, hình thức tự phê bình và phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh phê bình và tự phê bình để đi đến đoàn kết hơn nữa, là cốt để giúp nhau tiến bộ, không phải để công kích, để nói xấu. Vì vậy, phải phê bình cho đúng, không nên phê bình ẩu, phê bình suông. Người chỉ rõ, cấp trên phải tự phê bình, tự phê bình nhất thiết phải thật thà. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu phê bình và tự phê bình, có như vậy dân chủ mới tốt, kỷ luật mới cao. Muốn cho bớt khuyết điểm, không mắc sai lầm thì trong Đảng phải thực hành nghiêm chỉnh phê bình và tự phê bình. Theo Người, "... phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình để tự mình sửa chữa"7. "Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi"8. Phải biết kết hợp chặt chẽ cả phê bình từ trên xuống, từ dưới lên. Người chỉ rõ, phê bình từ trên xuống và phê bình từ dưới lên, trong lề lối làm việc phải dân chủ, cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới, cấp dưới phải phê bình cấp trên, nhân dân phải phê bình cán bộ, đảng viên. Phê bình phải có thái độ thành khẩn, tính chất xây dựng, phải tiến hành từ trên xuống và từ dưới lên, nhất là phê bình từ dưới lên. Theo Người: "Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn"9. Khi "... phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm"10 và "... phải dùng cách thức thật thà tự phê bình và phê bình, để tỏ rõ hết mọi khuyết điểm và tìm cách sửa chữa những khuyết điểm ấy"11. Khi phê bình cần phải xét nguyên nhân của khuyết điểm, cân nhắc đến ưu điểm, phải đề ra cách sửa chữa. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Bốn là, đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có liên quan và nhân dân trong thực hiện tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: "... các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa"12; "... phải tự phê bình ráo riết, và phải lấy lòng thân ái, lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình"13. Người cũng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải đề cao tự kiểm tra mỗi ngày thông qua tự phê mình thường xuyên, nghiêm khắc với chính bản thân mình. Đó là: "Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt"14 để "… trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng"15.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của quần chúng trong việc phê bình và tự phê bình đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Người vạch rõ do tự phê bình yếu nên lãnh đạo của Đảng còn chưa dân chủ. Quần chúng có ý kiến, muốn phê bình cán bộ, đảng viên cũng sợ, không dám phê bình, làm quần chúng với Đảng xa rời nhau. Người yêu cầu mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Người luôn luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần thường xuyên tự phê bình trước nhân dân, khuyến khích nhân dân phê bình. Khiêm tốn lắng nghe ý kiến của nhân dân để phát huy những việc tốt, sửa chữa những việc sai lầm.
Năm là, đối với ủy ban kiểm tra và cán bộ làm công tác kiểm tra. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn ủy ban kiểm tra và cán bộ kiểm tra phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình. Người chỉ rõ: "… các ủy ban và cán bộ kiểm tra... phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng"16. Muốn vậy, trước hết phải chủ động sửa những khuyết điểm của mình, vì "Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng"17. Đồng thời, không được nể nang, né tránh, "không thiên vị, không thành kiến", không mạnh dạn phê bình với đối tượng kiểm tra, cũng như không dũng cảm tự phê bình với chính mình thì công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng sẽ không có chất lượng, hiệu quả. Người chỉ rõ tác hại của việc này là: "... nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình!"18.
Sáu là, đối với đối tượng kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng khi bị phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu tâm lý của đối tượng kiểm tra, giám sát, bị thi hành kỷ luật. Người căn dặn và mong muốn những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét. Không được sợ phê bình vì "Sợ phê bình, tức là "quan liêu hóa", tức là tự mãn tự túc, tức là "mèo khen mèo dài đuôi"19 và "Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết "cũng la lết quả dưa"20, mà phải thành khẩn tự phê bình với chính mình, tự nhận khuyết điểm, vi phạm; không giấu giếm, khuyết điểm vi phạm của mình. Vì Người cho rằng nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trong Đảng nói chung, trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng nói riêng là hệ thống toàn diện về sự cần thiết, ý nghĩa, tác dụng, quan điểm, nguyên tắc, nội dung, đối tượng, hình thức và phương pháp tự phê bình và phê bình. Lý luận và thực tiễn đã khẳng định tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của một đảng chân chính. Đặc biệt, trong công tác kiểm tra, kỷ luật đảng, tự phê bình và phê bình là biện pháp hữu hiệu để phát hiện và sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm, phát huy ưu điểm, giữ vững uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng với toàn xã hội. Tự phê bình và phê bình là một trong những phương pháp cơ bản cùng với các phương pháp khác bảo đảm việc tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng có chất lượng và hiệu quả./.
CAO VĂN THỐNG
Trích trong “Tự phê bình và phê bình trong Đảng”,
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013.
1, 2, 3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 301, 290, 322, 89-90.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr. 622.
6, 7, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 272, 284, 305.
9, 10, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 53; t. 5, tr. 272, 637.
12, 13, 14, 15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 273, 279.
16, 17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr. 363; t.5, tr. 317.
18, 19, 20. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 301.
Tâm Trang (st)