Hẳn ai cũng biết đặc biệt là những người làm công tác công tác thi đua, khen thưởng đều nhớ câu nói của Bác: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch” để giảng giải mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng một cách chân thực nhất cho quần chúng nhân dân trong điều kiện đất nước mới thành lập, dân trí thấp với trên 85% người dân cả nước không biết chữ. Cách nói của Người rất giản dị nhưng rất gần gũi với người dân, nhưng người lao động chân chất, một nắng hai sương.

Việc lấy hình ảnh gieo trồng và thu hoạch tại thời điểm đó là một sự vận dụng vô cùng sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về thi đua yêu nước. Trên thực tế, trải qua 02 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, từ những phong trào thi đua trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đã xuất hiện bao nhiêu điển hình tiên tiến, những anh hùng trong lao động và sản xuất, hăng hái thi đua lập nhiều thành tích trong chiến đấu, giết giặc ngoại xâm.

Rút ra từ thực tiễn trong quá trình lãnh đạo đất nước, chỉ đạo phong trào thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lời: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới mau thành công”. Khi đất nước đã vững vàng hơn, dân trí được nâng cao hơn, Bác đã chỉ rõ thi đua và khen thưởng là công tác động viên chính trị, giáo dục tư tưởng, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, đều là động lực phát triển xã hội theo hướng tốt đẹp hơn. Nếu thi đua là hành động cách mạng, tự nguyện, tự giác của quần chúng nhân dân có tổ chức của Nhà nước gắn liền với truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc thì khen thưởng lại là chức năng quản lý của Nhà nước, là ghi nhận, biểu dương, khuyến khích, tôn vinh công trạng của nhân dân.

Thi đua là cơ sở của việc khen thưởng. Thi đua tốt thì có nhiều thành tích để khen thưởng. Bình bầu thi đua đúng, công khai, chặt chẽ giúp cho việc khen thưởng được chính xác, động viên. Bình bầu thi đua rộng, nể nang thì dẫn đến việc khen thưởng tràn lan, bình bầu thi đua chiếu lệ cho có, nếu không kiểm tra kỹ thì dẫn đến khen sai, khen không đúng sẽ phản tác dụng. Muốn làm tốt công tác khen thưởng thì phải lãnh đạo tốt phong trào thi đua và tổ chức việc bình bầu danh hiệu thi đua nghiêm túc ngay từ cơ sở.

Khen thưởng phải phản ánh đúng phong trào thi đua. Nơi nào có phong trào thi đua mạnh mẽ, đều khắp thì khen nhiều, phong trào thi đua xuất sắc thì khen cao, phong trào yếu thì ít khen mà khen nhiều là không đúng. Khen thưởng còn nhằm dẫn dắt phong trào thi đua, là định hướng phát triển xã hội. Việc khen thưởng từ phong trào thi đua thể hiện hướng đi đúng của phong trào cần được tiếp tục duy trì và phát huy. Tuy thi đua và khen thưởng có mối quan hệ khăng khít với nhau, tác động qua lại nhưng lại độc lập với nhau, không phụ thuộc chặt chẽ với nhau. Nhờ làm tốt công tác động viên thi đua và khen thưởng đúng và kịp thời mà việc thực hiện các nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu, lao động và học tập đều đạt được những kết quả khả quan, giúp chúng ta có đủ người và lực đánh đuổi giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước, từng bước tiến lên Chủ nghĩa xã hội.

Thực tế trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, phong trào thi đua tuỳ theo nhiệm vụ, tầm quan trọng mà hỗ trợ cho các hoạt động quản lý Nhà nước. Phong trào thi đua cũng có những bước thăng trầm theo từng giai đoạn cách mạng, giai đoạn của lịch sử của dân tộc, đó là điều tất yếu. Nhưng điều quan trọng nhất chính là hiệu quả từ phong trào thi đua đã góp phần tạo nên thành công trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và con người mới. Vai trò của phong trào thi đua trong sự nghiệp cách mạng chung là điều không thể phủ nhận và cần phải được tiếp tục duy trì và phát triển, nâng lên một tầm cao mới sao cho phù hợp với tình hình mới mang tính thời đại. Trước sự phát triển nhanh về kinh tế xã hội, xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế của đất nước, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhận thấy cần phải chuyển biến trong tư tưởng chỉ đạo, nhận thức đối với công tác thi đua khen thưởng. Việc đưa công tác thi đua khen thưởng theo tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước hiện nay là một việc làm cấp bách. Vì vậy, Bộ Chính trị đã có 02 Chỉ thị số 35 và 39/CT-TW và Luật Thi đua, Khen thưởng đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 thág 11 năm 2003 và có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2004.

Cái khó hiện nay là đội ngũ cán bộ, những người làm công tác thi đua khen thưởng còn yếu, còn thiếu kiến thức thực tiễn để nâng cao lý luận trong công tác thi đua. Chúng ta phải cần nghiên cứu lý luận chuyên sâu về thi đua yêu nước theo tư tưởng của Bác kết hợp với nâng cao trình độ tư duy bản thân về kính tế, chính trị, xã hội, các ngành nghề tổng hợp kỹ thuật, tài chính, ngân hàng... để tham mưu cho Đảng và Nhà nước phát động những phong trào thi đua sôi nổi, tạo ra những cuộc vận động lớn huy động được sức mạnh toàn dân, tập trung giải quyết những nhiệm vụ cấp bách, những tồn tại yếu kém từ lâu hướng tới một xã hội công bằng dân chủ và văn minh, để Việt Nam đủ thế và lực khi tham gia hoạt động trong Tổ chức Thương mại thế giới WTO và có thể sánh vai với cường quốc năm châu nhưng không mất đi giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng mong muốn.

Cụ thể là cần nâng cao nhận thức, xây dựng, nghiên cứu lý luận theo tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với với Học tập và làm theo tấm gương Đạo đức Hồ Chí Minh. Kế thừa quan điểm của Bác “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch” ta có thể nghiên cứu sâu hơn mang tính thực tiễn, thời đại hơn. Trong khi cả nước đang phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cơ bản Việt Nam là nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì nhiệm cụ thể của thi đua hiện nay là biện pháp xây dựng con người mới. Con người mới theo quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là có đầy đủ các đức tính cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, là mối quan hệ đối với tự mình.

Hồ Chí Minh quan niệm cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính của con người và Người giải thích cặn kẽ, cụ thể nội dung từng khái niệm.  Cần là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm; phải thấy rõ lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi chúng ta. Kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời giờ, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân mình. Tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ; “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương, hình thức”. Cần, kiệm là phẩm chất của người lao động trong đời sống, trong công tác. Liêm là trong sạch, là “luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân”, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của nhà nước, của nhân dân”; “không tham địa vị, không tham tiền tài…không tham tâng bốc mình…”. Chính là ngay thẳng không tà, là đúng đắn, chính trực. Đối với mình không tự cao, tự đại; đối với người không nịnh trên, khinh dưới, không dối trá, lừa lọc, luôn giữ thái độ trung thành, khiêm tốn, đoàn kết. Đối với việc thì để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà; được giao nhiệm vụ gì quyết làm cho kỳ được, “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm; việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh”. Chí công là hết mực công bằng, công tâm; vô tư là không được có lòng riêng, thiên tư, thiên vị “tư ân, tư huệ hoặc tư thù, tư oán”, đem lòng chí công, vô tư đối với người, với việc. “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Muốn “chí công vô tư” phải chiến thắng chủ nghĩa cá nhân. Cần, kiệm, liêm, chính có mối quan hệ chặt chẽ với chí công vô tư. Tích cực, năng động, sáng tạo trong công việc với tinh thần trách nhiệm cao. Luôn cải tiến phương pháp làm việc để vừa nâng cao năng suất, vừa tiết kiệm sức lao động, thời gian và kinh phí cơ quan; có ý thức tiết kiệm điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, đồng thời sử dụng hiệu quả các trang thiết bị hỗ trợ công tác; không để lãng phí của công, của tập thể. Hết lòng phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân; không nhũng nhiễu, hạch sách nhân dân; không biến của công thành của riêng. Lấy hiệu quả công việc là niềm vui, được phục vụ nhân dân là niềm hạnh phúc, phấn đấu đáu những thành tích cao hơn. Hơn nữa, một đức tính không thể thiếu trong con người mới xã hội chủ nghĩa là cần phải có đạo đức cách mạng, kế thừa truyền thống yêu nước, tự tôn dân tộc, xây dựng tình đoàn kết đồng bào đồng chí trong thi đua lao động sáng tạo, dũng cảm chiến đấu vì lợi ích của nhân dân và của cả dân tộc.

Nếu thi đua là biện pháp xây dựng con người mới thì khen thưởng là công cụ quản lý Nhà nước, quản lý con người mới. Quản lý con người mới được thể hiện ở giai đoạn trong một quá trình ghi nhận các tập thể, cá nhân có công lao thành tích. những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua. Giai đoạn thứ nhất là xây dựng, phát động phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển đất nước, từ phong trào thi đua phát hiện ra những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, ghi nhận biểu dương thích đáng và xây dựng thành mô hình kiểu mẫu để nhân rộng. Từ đó thúc đẩy phong trào thi đua lên một tầm cao mới với nhiều điển hình tiên tiến hơn, thực hiện nhiệm vụ của đất nước nặng nề nhưng vinh quang, cao cả hơn. Giai đoạn thứ hai là thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng những tấm gương sáng, những điển hình tiên tiến đó đển họ không tự mãn, không dừng ở lại những thành tích đã đạt được mà tiếp tục duy trì thành tích cũ và phấn đấu đạt được những thành tích cao hơn.

Có thể khẳng định rằng, trong giai đoạn hiện nay, thi đua là một biện pháp hữu hiệu xây dựng con người mới, con người xã hội chủ nghĩa và khen thưởng là biện pháp quản lý Nhà nước, quản lý con người mới. Một khi chúng ta làm tốt hai công tác này chắc chắn mục tiêu tiến lên xã hội chủ nghĩa của Việt Nam sẽ không xa và xã hội Việt Nam công bằng, dân chủ văn minh là tất yếu./.

Theo banthiduakhenthuongtw.gov.vn

Huyền Anh (st)

Bài viết khác: