Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất thân trong một gia đình khoa bảng, có truyền thống hiếu học, từ nhỏ đã say mê học tập, khao khát tìm tòi cái mới, cái tiến bộ. Người đã sớm nhận ra rằng muốn cứu nước, phải nâng cao dân trí trước hết là cho thanh thiếu niên. Những bài báo đầu tiên Người viết trên đất Pháp đều xoay quanh chủ đề này: Tố cáo chính sách ngu dân của chính quyền thuộc địa, truyền bá những quan điểm giáo dục tiên tiến, kêu gọi, thức tỉnh thanh niên trong nước.
(Ảnh tư liệu, nguồn: Internet)
Đến khi lựa chọn được con đường cách mạng, Người đã quyết tâm trở về, “đi vào quần chúng thức tỉnh họ, tổ chức họ, rèn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh”. Từ những lớp huấn luyện chính trị đầu tiên ở Quảng Châu, các lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh ở biên giới Việt - Trung trước cách mạng, cho đến các lớp học tập, nghiên cứu lý luận cho cán bộ trung cao cấp và trí thức sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn hiện thân như là một người thầy mẫu mực, kiên trì, cần mẫn vun đắp cho sự nghiệp “trồng người”; qua đó đã đào tạo nên thế hệ cán bộ-chiến sĩ trung thành, sáng suốt, và họ đã cùng Người đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ trở thành một dân tộc tự do, độc lập. Trên ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất mà còn là một Nhà giáo dục lớn của dân tộc.
Trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam mới, Người thường xuyên chăm lo xây dựng nền giáo dục của nước nhà: Đi thăm các lớp học xóa mù chữ, các lớp bổ túc văn hóa, thăm các trường từ mẫu giáo, phổ thông, chuyên nghiệp đến các trường đại học, đến thăm và nói chuyện với các lớp bồi dưỡng, tập huấn của giáo viên các cấp; viết thư, thăm hỏi, tặng huy hiệu cho các nhân sĩ, trí thức, các thầy cô giáo có thành tích,... Đến đâu, Người cũng ân cần đưa ra những lời khuyên, chỉ dẫn thiết thực, sâu sắc cho việc dạy và học.
Thành công của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo chính là thể hiện sự thành công của một triết lý giáo dục cách mạng đúng đắn, có giá trị lý luận và thực tiễn cao, không chỉ trong giai đoạn đương thời mà vẫn giữ nguyên tính cập nhật ở thời đại kinh tế tri thức và xã hội thông tin hiện nay. Hệ thống lại những câu nói, những mệnh đề chứa đựng những quan điểm cơ bản nhất có quan hệ đến mục tiêu, nguyên lý, phương châm giáo dục, nội dung và phương pháp dạy học…, có thể khẳng định: Có một triết lý giáo dục Hồ Chí Minh. Đây là một kho báu, cần khai thác, vận dụng quán triệt trên con đường tìm kiếm một triết lý giáo dục hiện đại, tiếp thu tinh hoa thế giới, phù hợp với truyền thống dân tộc, với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay.
1. Về vai trò nền tảng và sứ mệnh trọng đại của giáo dục, Hồ Chí Minh thường không nói những lời to tát mà nói rất giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, thấm thía như:
- Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.
- Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.
- Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta,… phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.
- Dốt nát cũng là kẻ địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm…
- Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch.
- Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang… Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu. Tuy không có gì đột xuất, nhưng rất vẻ vang. Không có tượng đồng bia đá, không có gì là oanh liệt, nhưng làm tròn nhiệm vụ là anh hùng…
- Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người, v.v..
Phải đến thập niên 90 của thế kỷ XX, tư tưởng này của Hồ Chí Minh mới được thế giới bàn đến. Hội nghị quốc tế về “giáo dục cho mọi người”, họp tháng 3-1990, mới khẳng định: “Sự suy đồi về dân trí không tránh khỏi dẫn tới sự suy đồi về kinh tế-xã hội”. Năm 1994, UNESCO đưa ra tuyên bố: “Không có một sự tiến bộ và thành đạt nào có thể tách khỏi sự tiến bộ và thành đạt trong lĩnh vực giáo dục của quốc gia đó”.
Năm 1996, khi UNESCO đưa ra 3 nội dung cho Triết lý giáo dục thế kỷ XXI, trong đó điều đầu tiên là “Phải coi giáo dục là giải pháp hàng đầu để giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội của một quốc gia cũng như của mỗi cá nhân”, thì tư tưởng này đã được Hồ Chí Minh sớm đề cập đến từ cuối những năm 40, giữa những năm 50 của thế kỷ trước.
2. Về mục tiêu của nền giáo dục dân chủ mới, Người từng nói:
- Một nền giáo dục của một nước độc lập…sẽ đào tạo các em nên những người hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em.
- Cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai. Quyết không chịu làm nô lệ.
- Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân phong kiến khác hẳn nhau. Bây giờ phải học để: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu đạo đức… Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh.
-Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: Đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, khoa học-kỹ thuật, lao động và sản xuất”.
- Học để làm việc, làm người, làm cán bộ.
Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại.
Muốn đạt được mục đích thì phải: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
Triết lý giáo dục thế kỷ XXIcủa UNESCO đưa ra năm 1996, đã nêu lên bốn mục tiêu: “Học để biết - Learning to know (sau đổi lại là học để biết cách học - Learning to learn ), Học để làm - Learning to do, Học để cùng chung sống - Learning to live together, và Học để làm người - Learning to be (sau đổi lại là học để sáng tạo: Learning to create). Hồ Chí Minh khi ghi vào sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương năm 1949, cũng đề ra ba mục tiêu, thì đã có hai điều phù hợp với tư duy giáo dục thế kỷ XXI: học để làm việc, học để làm người.
3. Về phương châm, phương pháp dạy và học, Người căn dặn:
- Trong trường học, các thầy nên thi nhau tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực.
- Chúng ta phải sửa đổi cách dạy cho phù hợp với sự đào tạo nhân tài kháng chiến và kiến quốc (Trong hoàn cảnh kháng chiến).
- Nên chú ý làm thế nào cho việc giáo dục liên kết với đời sống của nhân dân, với cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc.
-Về học tập và giảng dạy, phải thực hiện tốt phương châm giáo dục kết hợp với lao động sản xuất. Về giảng dạy, tránh lối dạy nhồi sọ. Chương trình dạy học hiện nay còn có chỗ quá nhiều, quá nặng.
- Phương pháp giáo dục thì theo nguyên tắc tự nguyện tự giác, giải thích, bàn bạc, thuyết phục, chứ không gò bó.
- Các cháu không nên học gạo, không nên học vẹt… Học phải suy nghĩ, phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau.
- Trong Di chúc, Người nhắc nhở sau kháng chiến thắng lợi, phải: Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân.
Đặc biệt, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những quan niệm rất mới, rất hiện đại về cách học. Người yêu cầu:
Trước hết, phải biết tự giác, tự động học tập. Người nói: “Về cách học, phải lấy tự học làm cốt, do thảo luận và chỉ đạo góp vào”. Như vậy, trên thực tế, Hồ Chí Minh đã chủ trương phải bắt đầu từ người học, “phải lấy người học làm trung tâm”, nghĩa là người học (học viên, học sinh) phải biết tự giác, tự động học tập và nghiên cứu - lấy đó làm cốt; sau đó tiến hành thảo luận tập thể (xêmina) rồi kết hợp với bổ sung, nâng cao thêm của giảng viên mà hoàn thiện nhận thức của mình. Đây là cách học phổ biến đang được áp dụng ở nhiều trường trên thế giới, càng lên cao, càng phải triệt để vận dụng cách học 3 khâu này.
Hai là, Người nhấn mạnh: “ Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi: “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều”(1).Tức là Người đòi hỏi phải chống kinh viện, giáo điều, phải rèn luyện tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khuyến khích tự do tư tưởng. Người nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ... Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa raquyền tự do phục tùng chân lý”(2).
Ba là, Người đề ra yêu cầu: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn lý luận với công tác thực tế… Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”(3).Trong thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4-1949, Người đã viết: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy phải học thêm”. Người nói với các thầy giáo: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện… Người huấn luyện nào tự cho mình đã đủ biết cả rồi thì người đó dốt nhất”(4). Nhắc nhở người khác đồng thời với nêu gương tự học của bản thân: “Tôi năm nay đã 71 tuổi, ngày nào cũng phải học…Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”(5). Triết lý giáo dục cho thế kỷ XXI của UNESCO đến năm 1996 mới đề ra khẩu hiệu “Học suốt đời” (Life long learning). Như vậy, Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm “học suốt đời” sớm hơn UNESCO hàng mấy chục năm.
So sánh như vậy chỉ nhằm khẳng định: Nhiều nội dung trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh vẫn đang rất cập nhật, rất hiện đại. Đặt tư duy của Người vào thời chiến tranh lạnh, thời còn đối đầu ý thức hệ giữa 2 phe, chưa phải thời của công nghệ thông tin, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa, hội nhập, hợp tác cùng phát triển như hiện nay, mới thấy triết lý giáo dục của Hồ Chí Minh đã đi trước thời đại khá xa.
Hiện nay, để tư duy lại và thiết kế thành công một triết lý giáo dục mới, đáp ứng được đòi hỏi của giáo dục nước nhà trong thời đại mới, tất nhiên chúng ta phải ra sức học hỏi, tiếp thu tinh hoa giáo dục của nhân loại. Tuy nhiên, sự học hỏi nào, muốn đạt hiệu quả mong muốn, cũng không được thoát ly truyền thống văn hóa dân tộc và hiện tình của đất nước, tức là bên cạnh cái chung của thế giới, vẫn có cái riêng của Việt Nam. Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh chính là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa Việt Nam và thế giới, giữa định hướng XHCN với những giá trị phổ quát của nhân loại.
Triết lý giáo dục là chuyện quốc gia đại sự - là cương lĩnh của một ngành giữ vai trò nền tảng của quốc gia, sự thành công hay thất bại của nó liên quan đến vận mệnh của đất nước, đến tương lai của nhiều thế hệ mai sau, do đó không thể “khoán trắng” cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đã coi giáo dục là “quốc sách hàng đầu” thì cả Đảng, Nhà nước trước hết là những nhà lãnh đạo chủ chốt phải đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
Giáo dục Việt Nam đang trong tình trạng khủng hoảng, lối ra cho nó không phải là vạch ra chiến lược này hay chiến lược khác, đổi mới bộ phận này hay bộ phận kia khi cả con tàu giáo dục của chúng ta chưa có la bàn định hướng thật rõ ràng, nhất quán. Vấn đề cấp bách trước nhất hiện nay là phải sớm tư duy lại, thiết kế một triết lý mới cho giáo dục Việt Nam. Trong công việc này, chúng ta cần vận dụng quán triệt “triết lý giáo dục Hồ Chí Minh”. Nếu cứ để tình trạng trì trệ, lệch hướng của giáo dục kéo dài như hiện nay thì khó tránh khỏi rơi vào nguy cơ mà tổ chức
UNESCO đã cảnh báo từ năm 1994, rằng “những quốc gia nào coi nhẹ giáo dục hoặc không đủ tri thức và khả năng cần thiết để làm giáo dục một cách có hiệu quả thì số phận của quốc gia đó xem như đã an bài và điều đó còn tồi tệ hơn cả sự phá sản”./.
(1), (2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.8, tr.500, 216, 215
(4) Sđd, t.6, tr.46
(5) Sđd, t.10, tr.465
GS Song Thành
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tạp chí Lý luận chính trị điện tử số 6-2014
Thanh Huyền (st)