Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là Lãnh tụ thiên tài, nhà hoạt động chính trị kiệt xuất, người anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại của nhân dân Việt Nam, mà còn là một nhà văn hóa lỗi lạc, người kết tinh tinh hoa văn hóa nhân loại, danh nhân văn hóa thế giới.

Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một di sản tư tưởng quý giá, toàn diện, sâu sắc về mọi mặt của đời sống xã hội, được gọi chung là “tư tưởng Hồ Chí Minh”, trong đó tư tưởng về xây dựng văn hóa và con người giữ một vị trí quan trọng. Có thể nói, đó là sự chắt lọc, tổng họp những giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu những giá trị tiến bộ, tích cực của văn hóa nhân loại để nâng lên tầm minh triết. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và con người vẫn còn nguyên giá trị, là điểm tựa tư duy và lý luận vững chắc, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn để chúng ta học hỏi trong công tác quản lý và điều hành đất nước hôm nay.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển văn hóa

Một trong những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa là xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam. Hồ Chí Minh luôn coi trọng sự nghiệp xây dựng văn hóa nước nhà, coi đó là một phần việc quan trọng của cách mạng. Người viết: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng”1. Người đánh giá cao vai trò dẫn dắt định hướng xã hội của văn hóa: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi.

Vì thế, ngay từ những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám, Người đã liên tiếp viết hai tác phẩm Đời sống mới và Sửa đổi lối làm việc để kêu gọi, động viên, hướng dẫn nhân dân, cán bộ học tập, thực hiện. Người cũng luôn nhấn mạnh, trong công cuộc kiến thiết nước nhà cố bốn vấn đề phải chú ý đến, phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Tư tưởng đó của Người thể hiện rất rõ tầm nhìn duy vật biện chứng về sự phát triển toàn diện đất nước trên mọi lĩnh vực của đời sống.

Người thường nói, “phải làm cho văn hóa ăn sâu vào tâm lý quốc dân” với mong muốn làm sao cho văn hóa bồi bổ, vun đắp những tình cảm lớn như lòng yêu nước, tình yêu thương con người, yêu chân - thiện - mỹ, yêu sự chân thật, ghét những thói hư tật xấu và coi đó là thứ giặc nội xâm rất nguy hiểm. Khi nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” chính là Người muốn nhấn mạnh vai trò soi rọi, mở mang tầm nhìn, trí tuệ, tâm hồn, tình cảm cho con người, văn hóa giúp cho lý trí con người thêm sáng suốt, tình cảm con người thêm cao đẹp.

Quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh là văn hóa phải phụng sự nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở. Người nêu rõ: “Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở. Phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi được tham những, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập”2.

Nền văn hóa mới theo Hồ Chủ tịch có nhiệm vụ xóa bỏ những tàn dư lạc hậu của chế độ cũ và xây dựng nội dung mới của nền văn hóa cách mạng. Trong tác phẩm Đời sống mới, Người chi rõ: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ... Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì ta phải làm”3. Nền văn hóa mới chỉ có thể xác lập khi các tầng lớp nhân dân đều thấm nhuần tinh thần tự giác, tự chủ, tích cực tham gia. Người nói: Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới thì dân tộc nhất định sẽ phú cường.

Là một nhà văn hóa lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc vai trò của văn hóa trong việc nâng cao dân trí. Ngay từ những ngày đầu cách mạng, một trong ba nhiệm vụ cấp bách được Hồ Chủ tịch đề ra là diệt giặc dốt, bởi theo Người "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”4. Với tầm nhìn xa rộng đó, công cuộc bình dân học vụ đã nhanh chóng được triển khai trong toàn quốc, đem lại những kết quả kỳ diệu, đưa dân tộc Việt Nam từ chỗ 80% dân số mù chữ nhanh chóng nâng cao sức mạnh trí tuệ để chiến đấu và kiến thiết đất nước.

Với quan niệm chức năng của nền văn hóa mới là bồi bổ tư tưởng, tình cảm tiến bộ cho quần chúng nhân dân, Hồ Chủ tịch đặc biệt quan tâm đến vai trò của văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ. Người cho rằng, trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy... cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”5.

Về tính chất, nội dung và hình thức của nền văn hóa mới Việt Nam, với quan điểm dân tộc hiện đại, Hồ Chí Minh nêu rõ: “để phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa thì văn hóa phải xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức”6. Người nhấn mạnh, phải phát huy hết cốt cách dân tộc, phải lột cho hết tinh thần dân tộc, “để cổ vũ đồng bào ta và để giáo dục con cháu ta”7; và rằng: “Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”8...

Trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, bên cạnh việc đề cao tính dân tộc, Người cũng luôn chú trọng tới tính khoa học và đại chúng. Người thường nói: Cái văn hóa mới này cần phải có tính khoa học, tính đại chúng, thì mới thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại. Nay nước ta đã được độc lập, tinh thần được giải phóng, cần phải có một nền văn hóa hợp với khoa học và hợp với cả nguyện vọng của nhân dân. Tính đại chúng ở đây chính là hàm nghĩa văn hóa phải của dân, do dân và vì dân. Vì thế, Người thường căn dặn những người làm công tác văn hóa, văn nghệ phải đi sâu vào thực tế cuộc sống, hiểu được tâm tư tình cảm, nguyện vọng, thị hiếu... của nhân dân để từ đó sáng tác phục vụ nhân dân một cách tốt nhất, đồng thời Người cũng luôn uốn nắn, phê bình lối nói, lối viết và lối sáng tác xa rời quần chúng, không phù hợp với trình độ và thị hiếu thẩm mĩ của các tầng lớp nhân dân.

Cùng với việc đề cao và phát huy cái gốc của văn hóa truyền thống, lấy văn hóa xưa để bồi đắp cho văn hóa nay, khôi phục những gì tốt đẹp của quá khứ và loại bỏ dần những gì không tốt, không phù hợp. Người cho rằng, chúng ta phải biết học tập cái hay, cái tốt của văn hóa thế giới, tiếp thu những gì tinh túy của văn hóa nhân loại. Người nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc xây dựng một nền văn hóa “mở”, bắt nhịp với hơi thở của thời đại, phù hợp với trình độ khoa học và văn minh thế giới, hòa cùng dòng chảy của văn hóa nhân loại.

Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa chứa đựng những nội dung phong phú, sâu sắc, có tầm nhìn xa trông rộng liên quan đến những vấn đề căn cốt, quan trọng của đời sống quốc gia như ý thức độc lập, tự cường, quyền làn chủ, bình đẳng, tự do, hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh... Đây là những quan điểm khoa học, hiện đại và đầy tính nhân văn, cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị trong thời kỳ Việt Nam đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế hiện nay.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển con người

Một nội dung không kém phần quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa là xây dựng văn hóa mới phải đi đôi với xây dựng con người mới. Theo Người: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa”9.

Trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, nhân tố quyết định thắng lợi chính là con người. Con người thực sự là nguồn lực của mọi nguồn lực, khởi đầu của mọi sức mạnh, quyết định sự phát triển và phồn thịnh của mỗi quốc gia. Trong tác phẩm Đời sổng mới, Người chi rõ mối quan hệ then chốt này : “Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành làng xấu, nước hèn. Nếu mỗi người đều tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh. Người là gốc của làng nước"10.

Con người mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải là người vừa “hồng” vừa “chuyên", có cả “tài" và “đức", bởi người có tài mà không có đức là người vô dụng. Người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó. Người còn ví người có đức mà không có tài giống như ông bụt ngồi trong chùa, chẳng giúp được cho ai. “Đức" ở đây bao gồm những phẩm chất tốt đẹp của con người, tiêu biểu là các đức tính: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư... “Tài” hàm chứa những gì liên quan đến tư chất, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ... Đạo đức và năng lực phải hòa quyện với nhau, giúp mỗi người thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, đem lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình, cộng đồng và dân tộc.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng con người, Hồ Chí Minh luôn đề cao việc xây dựng đạo đức, coi đức là nền tàng, là cái gốc của người cách mạng. Người cho rằng, đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như cái gốc của cây, như ngọn nguồn của sông suối: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Quả thật, con người dù tài giỏi đến mấy mà kiêu ngạo, vị kỷ, không có tâm, đức thì không thể trở thành một nhân cách văn hóa, không thể phục vụ đất nước, phụng sự nhân dân. Người viết: “Tuy năng lực và công việc của mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ; nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng”11.

Chính vì vậy, theo Người, sự nghiệp xây dựng con người phải bắt đầu từ những phẩm chất này, tạo ra những con người “tài, đức vẹn toàn” để xây dựng đất nước. Người luôn nhắc nhở, giáo dục phải toàn diện: Đức, trí, lao động, thể, mỹ. Những mặt ấy thống nhất với nhau, tạo điều kiện cho nhau, giúp cho con người phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, hoàn thiện mình để đạt được hiệu quả công việc cao nhất, hoàn thành tốt nhất vai trò của một công dân.

Do đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người tập trung vào một nội dung hết sức quan trọng, đó là sự nghiệp “trồng người” hay quá trình làm cho mỗi người “thành người và làm người”. Người nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”12. Thực ra, “trồng người” ở đây là cách diễn đạt rất dễ hiểu của Người về quá trình giáo dục, rèn luyện con người hay quá trình xây dựng con người của chúng ta hiện nay, mà ở đó “Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”13. Mục tiêu của quá trình giáo dục, đào tạo con người chính là: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân”14.

Có thể nói, đây là những quan điểm rất khoa học và toàn diện cả về nội dung lẫn phương thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển con người. Diễn giải ra, đó cũng chính là những yêu cầu cốt yếu đối với con người Việt Nam thời đại hiện nay: Phải có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học, kỹ thuật, pháp luật, đồng thời phải có đạo đức, nhân cách, sức khỏe, có năng lực làm chủ bản thân, làm chủ xã hội để có thể cống hiến tốt nhất cho đất nước và dân tộc.

3. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong điều kiện hiện nay

Những tư tưởng lớn lao, sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, phát triển con người Việt Nam cho đến nay vẫn là điểm tựa lý luận vững chãi cho những người làm công tác văn hóa, có giá trị định hướng vô cùng hữu ích. Trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp, những ảnh hưởng tiêu cực khó lường của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa đang tác động mạnh mẽ đến văn hóa và con người Việt Nam.

Thấm nhuần tư tưởng “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Hồ Chủ tịch, chúng ta đã và đang nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa. Trong những năm qua, ngành văn hóa luôn nỗ lực cố gắng cùng các bộ, ngành khác làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, vào từng cá nhân, gia đình, cộng đồng, trường học, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người. Trong thời gian tới, toàn ngành sẽ cố gắng triển khai trong thực tiễn quan điểm “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng”, “là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước” như Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 14-5-2014 của Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã đề ra.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa và con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, toàn ngành ngày càng chủ động, tích cực, sáng tạo hơn trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa...

Kế thừa tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa Việt Nam dân tộc, khoa học và đại chúng theo tinh thần “Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943”, ngành văn hóa đang tiếp tục nỗ lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; vừa giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, vừa tích cực tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong thời kỳ hội nhập, để văn hóa thực sự trở thành một trụ cột của phát triển bền vững. Bên cạnh việc nỗ lực giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chúng ta cũng kiên quyết xóa bỏ những hủ tục lạc hậu của nền văn hóa cũ. Cùng với việc chối từ những sản phẩm văn hóa độc hại đến từ bên ngoài, chống sự áp đặt các giá trị văn hóa ngoại lai đi ngược với truyền thống dân tộc, chúng ta cũng tránh tư tưởng khép kín, bài ngoại, mở rộng cửa đón những ngọn gió lành của văn hóa nhân loại làm giàu cho văn hóa dân tộc.

Quán triệt tư tưởng “văn nghệ là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ”, ngành văn hóa đang tiếp tục triển khai quan điểm của Đảng: “Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng”15. Trong những năm qua, ngành đã luôn nỗ lực xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách phù hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi khuyến khích tự do sáng tác của các văn nghệ sĩ, phát huy tính chủ thể sáng tạo của nhân dân, đề cao vai trò nòng cốt của đội ngũ trí thức trong xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của con người, của sự nghiệp “trồng người”, đạo đức là cái gốc, có vai trò nền tảng trong xây dựng con người đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Thấm nhuần tư tưởng đó, trong giai đoạn tới, ngành văn hóa sẽ chú trọng hiện thực hóa quan điểm của Đảng: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”16. Trong quá trình phát triển văn hóa phải luôn chú trọng chăm lo xây dựng con người, mà trọng tâm là xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo...

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về “chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa - bốn vấn đề phải coi trọng ngang nhau”, hiện nay ngành văn hóa đang nỗ lực cụ thể hóa quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” như Nghị quyết số 33-NQ/TW đã nêu. Ở đây, văn hóa được hiểu theo nghĩa hẹp, với tư cách là một bộ phận cấu thành nên đời sống xã hội, một thành tố trong cơ cấu bộ máy của mỗi quốc gia, một lĩnh vực trong quản lý nhà nước. Trước đây, nếu như có lúc, có nơi, trong bốn lĩnh vực trọng yếu trên, văn hóa thường bị xem nhẹ, bị coi là “bánh xe thứ năm của sự phát triển”, thì ngày nay vị trí, vai trò của văn hóa ngày càng được khẳng định, đặc biệt là trong phát triển bền vững.

Văn hóa có quan hệ mật thiết và tác động tương hỗ với các lĩnh vực kia. Trong mối quan hệ kinh tế - văn hóa, tuy kinh tế có vai trò quan trọng tạo tiền đề vật chất cho sự phát triển, nhưng văn hóa cũng có tác động ngược trở lại sự phát triển của kinh tế. Với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa không đứng ở ngoài, mà có ở trong kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, văn hóa phải giữ vai trò dẫn dắt, điều tiết sự phát triển kinh tế bằng những mục tiêu nhân văn, bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hóa thì mới đảm bảo sự phát triển bền vững.

Trong mối quan hệ với chính trị, văn hóa giúp cho chính trị tác động vào con người và xã hội bằng súc mạnh của văn hóa, là loại sức mạnh mềm, không dựa vào áp đặt hay cưỡng bức, mà thông qua sự thức tỉnh lương tri, lay động tình cảm, thu phục lòng người. Nếu ở một số quốc gia, trong những giai đoạn lịch sử nhất định, chính trị giữ vai trò thống soái, chi phối, quyết định mọi lĩnh vực khác, thì ngày nay sự phát triển thành công ở một số nước tiên tiến cho thấy khi chính trị dựa trên nền tảng văn hóa, chính trị kết tinh được sức mạnh của văn hóa, nó sẽ có sức cảm hóa gấp bộí, thu phục nhân tâm, khơi dậy tinh thần sáng tạo, ý thức tự giác của các tầng lớp nhân dân. Khi văn hóa được đặt ngang hàng với chính trị, nó sẽ giúp cho quyền lực chính trị kết tinh được cả quyền lực văn hóa, nhờ đó chính trị mang tính nhân văn, chính trị có tính văn hóa, và vì vậy có khả năng to lớn hoán cải, thay đổi đất nước.

Khái niệm xã hội từ phương diện quản lý nhà nước có thể hiểu là những lĩnh vực khác của đời sống quốc gia ngoài kinh tế, chính trị, văn hóa như: Giáo dục, y tế, giao thông, môi trường, lao động, việc làm, dân tộc, tôn giáo, nhà ở, đô thị, dân số, di cư, tệ nạn xã hội, thiên tai, biến đổi khí hậu... Đây là những lĩnh vực then chốt của đời sống xã hội mà Nhà nước phải quan tâm để đảm bảo phúc lợi xã hội, công bằng và tiến bộ xã hội. Do vậy, trong quản lý và điều hành đất nước hiện nay, ở không ít nơi, chính quyền các cấp vẫn thường ưu tiên giải quyết, đầu tư cho các vấn đề xã hội trước, rồi mới đến các vấn đề văn hóa sau. Tuy nhiên, đó là cách tư duy chưa đúng, bởi văn hóa có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Chúng ta đều thấy rõ, vai trò to lớn của y đức đối với ngành y, lương tâm nhà giáo trong ngành giáo dục, nhân phẩm con người trong các lĩnh vực nhạy cảm như báo chí, tòa án, bảo vệ công lý... Thiếu nền tảng văn hóa, không có tính nhân văn của văn hóa, chúng ta sẽ rất khó giải quyết triệt để những vấn đề xã hội, còn khi văn hóa được coi trọng, được phát huy vai trò, nó sẽ góp phần giải quyết đến tận gốc rễ các vấn đề đó, giảm bớt tệ nạn tiêu cực, tăng cường sự ổn định xã hội.

Phần lớn các quốc gia trên thế giới hiện nay đều hướng tới sự phát triển bền vững. Phát triển không phải chỉ là tăng trưởng đơn thuần là phát triển kinh tế với bất kỳ giá nào, thậm chí hy sinh mặt xã hội, mặt văn hóa, hy sinh môi trường sinh thái, mà mục tiêu của phát triển bền vững là nâng cao chất lượng cuộc sống con người, bảo đảm phát triển hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, bảo vệ môi trường sinh thái, sống hòa hợp với tự nhiên. Trong việc giáo dục nhận thức, hành vi, ứng xử của con người với môi trường, yếu tố văn hóa đóng vai trò rất quan trọng. Khả năng bền vững sinh thái của nhân loại trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào “văn hóa sản xuất”, “văn hóa tiêu dùng”, văn hóa ứng xử với môi trường của mỗi cá nhân và cộng đồng...

Có thể nói, suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm cho đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc, xây dựng tình hữu ái chan hòa với các dân tộc trên thế giới. Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân một di sản tư tưởng vĩ đại, trong đó tư tưởng về văn hóa và con người chiếm giữ vị trí quan trọng. Đó là sự chắt lọc, tổng hợp và kết tinh những giá trị tinh hoa của văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông và phương Tây, của truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế. Cho đến nay, những tư tưởng đó vẫn giữ nguyên giá trị, có ý nghĩa lớn lao cả về mặt lý luận và thực tiễn, là kim chỉ nam cho tư duy và hành động của chúng ta trong việc hoạch định các chiến lược, triển khai các kế hoạch xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn tới./.

Ghi chú:

1 Hồ Chi Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.577, 112.

2 Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb.Chính trị quốc gia, H.1993, t3 tr.342.

3 Hồ Chi Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011 t.7 tr 246.

4 Hồ Chi Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011 t.4, tr.7.

5 Hồ Chi Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011 t.7 tr 246.

6 Hồ Chi Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.12 tr 471.

7 Hồ Chi Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011,t.13 tr 392.

8 Hồ Chi Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011,t.3 tr 259.

9 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.12, tr 604.

10 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr 117, 292.

11 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t9, tr.508.

12 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t11, tr.528.

13 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.3, tr.413.

14 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t6, tr.208.

15 Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 14-5-2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

16 Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 14-5-2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hoàng Tuấn Anh/Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Thanh Huống (st)

Bài viết khác: