Trong công việc phải điều tra rõ ràng, cẩn thận, suy tính kỹ lưỡng, làm đến nơi đến chốn; phải đi sâu, đi sát, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể; phải kiên quyết, khẩn trương giải quyết kịp thời, có hiệu quả.

Công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành vừa là một khoa học, vừa là một nghệ thuật. Do đó, trong công việc cần làm một cách kiên quyết, khẩn trương, làm đến nơi đến chốn, không bày biện, làm ít nhưng làm hẳn hoi, làm có trọng điểm và nắm điển hình, phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ. Lãnh đạo phải toàn diện và cụ thể, phải cẩn thận mà nhanh nhẹn, kịp thời, luôn giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại. Trong quản lý, lãnh đạo phải luôn phê phán cái bệnh “hữu danh vô thực”, làm cho có chuyện, làm lấy rồi, làm được ít suýt ra nhiều, làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, đây là những bệnh rất nguy hiểm... Nếu mắc các bệnh này, là dối trá và có tội với Đảng, với nhân dân.

Ngoài ra, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải “biết sử dụng bộ máy, sử dụng những người cộng sự, những cơ quan giúp việc để nắm được những thông tin cần thiết, chính xác, sàng lọc những thông tin sai lệch, những báo cáo dối trá, những phản ảnh lựa chiều thiếu trung thực”. Điều này đòi hỏi, phải xem xét, đối chiếu, so sánh những ý kiến khác nhau để lựa chọn những ý kiến đúng, sàng lọc những thông tin sai lệch. Kết hợp việc điều tra, nghiên cứu của bộ máy giúp việc và của người lãnh đạo; người lãnh đạo phải sáng suốt, tỉnh táo, khách quan, phải dựa vào kết quả điều tra, nghiên cứu chính xác, phải nắm chắc, phải “hiểu thấu” vấn đề mới đi đến quyết định đúng đắn. Nếu quyết định sai, cấp dưới và quần chúng càng tích cực thực hiện thì hậu quả càng lớn, tổn thất càng nhiều.

Tóm lại, mọi việc phải có điều tra, nghiên cứu, phân tích toàn diện; phải tôn trọng quy trình ra quyết định, xây dựng nhiều phương án, tranh thủ ý kiến chuyên gia, Người đã chỉ ra rằng, khi “gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”; “việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”. Đối với những vấn đề mới, phức tạp, đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội cần được làm thử trước khi quyết định. Không ra quyết định khi chưa có thông tin đầy đủ, chưa có phương án tính toán hiệu quả, tránh chủ quan, duy ý chí.

Làm việc phải có mục đích rõ ràng, tập trung; chương trình, kế hoạch đặt ra phải tỉ mỉ, chu đáo, thiết thực, nhìn xa, thấy rộng; nói đi đôi với làm

Cán bộ lãnh đạo, quản lý khi làm việc phải có mục đích rõ ràng để “nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt không bắn trúng đích nào”; phải đặt kế hoạch cho sát, cho phù hợp. Kế hoạch đặt ra để mình và mọi người thực hiện chứ không phải để chiêm ngưỡng, đánh trống bỏ dùi. Tuy nhiên, trong thực tế, một bộ phận không nhỏ cán bộ thường gặp một khuyết điểm là đầu tư nhiều công sức vào việc vạch ra chương trình, kế hoạch to tát, nhưng lại ít tìm cách để thực hiện cho được chương trình, kế hoạch đã đề ra; đặt ra kế hoạch và chương trình không xét rõ năng lực của những người thi hành kế hoạch và chương trình đó. Hơn nữa chương trình, kế hoạch này chưa xong, chưa biết kết quả thực hiện ra sao đã nghĩ đến chương trình, kế hoạch khác. Thành thử việc gì cũng muốn làm mà việc gì làm cũng không triệt để. Do đó, không nên đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được.

Theo Hồ Chí Minh, khi đặt kế hoạch phải nhìn xa. Có nhìn xa mới quyết định đúng đắn thời kỳ nào phải làm công việc gì là chính. Phải thấy rộng. Có thấy rộng mới sắp đặt các hoạt động một cách cân đối. Khi đi vào thực hiện thì phải rất tỉ mỉ, chu đáo, thật sát với mỗi cơ sở. Đó là “một bộ ba” để hoàn thành tốt kế hoạch. Để hoàn thành tốt kế hoạch, điều quan trọng bậc nhất là bồi dưỡng tư tưởng, chính trị cho cán bộ và quần chúng. Phải làm cho mỗi người thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể, ý chí cần kiệm xây dựng nước nhà. Cùng với đó, “dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng và cán bộ ta phải kết hợp tinh thần cách mạng với thái độ khoa học, để hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm nay và chuẩn bị tốt cho kế hoạch những năm sau”, đồng thời, “có chỉ tiêu kế hoạch rồi chưa đủ mà phải có biện pháp cụ thể, vững chắc, phải có tinh thần cố gắng rất cao để thực hiện bằng được kế hoạch đã đề ra. Chỉ tiêu kế hoạch một phần, biện pháp phải hai phần, cố gắng phải ba phần”.

Như vậy, nếu chương trình, kế hoạch có hay đến mấy, nhưng tổ chức thi hành không đúng, thiếu biện pháp thích hợp, bản thân mình thiếu quyết tâm hoặc không biến quyết tâm của lãnh đạo thành quyết tâm của quần chúng, thì mọi chương trình, kế hoạch đều không trở thành hiện thực.

Ngoài ra, phải luôn tích cực, chủ động đấu tranh chống bệnh làm việc theo cách quan liêu, mệnh lệnh, ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo, cũng như “trong Đảng ta có một số người chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được”... Họ quên rằng: Đảng ta và Chính phủ ta làm việc là làm cho dân chúng. Việc gì, cũng vì lợi ích của dân mà làm. Làm theo cách quan liêu đó, thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại. Đồng thời, phải phê phán những cán bộ mắc bệnh “cận thị”, không biết lo tính những kế hoạch hành động then chốt, lâu dài mà chỉ biết chạy theo công việc sự vụ trước mắt.

Phải thường xuyên giúp đỡ, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới

Giúp đỡ, đôn đốc, kiểm tra cấp dưới trong quá trình công tác là ba vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết để cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức; ba điều đó quan hệ chặt chẽ với nhau, “thiếu một trong ba điều đó thì công việc sẽ lúng túng”. Điều này, thể hiện vừa là thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người lãnh đạo, vừa là phương pháp, tác phong công tác, vừa là đạo đức, là tình yêu thương, bao dung, rộng lượng của cấp trên đối với cấp dưới.

Cấp trên phải “giúp đỡ” cả về vật chất, tinh thần, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hướng dẫn cấp dưới hiểu, có biện pháp tiến hành và bình tĩnh, tự tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Mọi nhiệm vụ dù lớn hay nhỏ, cấp trên phải giúp đỡ cấp dưới. Nhiệm vụ càng nặng nề, thì đòi hỏi sự giúp đỡ của cấp trên đối với cấp dưới càng lớn. Trong quá trình cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, cấp trên phải thường xuyên “đôn đốc”, nhắc nhở. Công việc càng nhiều, càng khó khăn, càng mới mẻ thì việc “đôn đốc” phải thường xuyên. Theo Người, “đôn đốc” bao hàm sự động viên, khích lệ và phát huy tinh thần sáng tạo của cấp dưới; “đôn đốc” để bảo đảm cho nhiệm vụ được thực hiện theo đúng thời gian, kế hoạch đã định và đạt kết quả theo kế hoạch đã đề ra.

Đồng thời, với “giúp đỡ, đôn đốc”, cấp trên cần thường xuyên “kiểm tra” cấp dưới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Hồ Chí Minh đã dạy: Giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến. Thế là không biết yêu dấu cán bộ. Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to lớn của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời, để cán bộ càng thêm trọng kỷ luật và lòng phụ trách. Qua “kiểm tra” để cấp trên có phương hướng, biện pháp bồi dưỡng, giáo dục cấp dưới, giúp cấp dưới ngày càng tiến bộ hơn và công việc nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm.

Vậy, “kiểm tra” bằng cách nào? Theo Người, kiểm tra phải có hệ thống; kiểm tra trên cơ sở thực tiễn; kiểm tra phải dùng cách thức thật thà tự phê bình và phê bình. Thế ai là người kiểm tra? Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và oai tín. Nhưng người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra. Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm

Theo Người, “giúp đỡ” không phải là làm thay, làm hộ, dắt tay chỉ việc; “đôn đốc” không phải là thúc dục, vội vàng, làm việc cẩu thả, hấp tấp; “kiểm tra” không phải là không có lòng tin với cấp dưới, không phải là “bới lông tìm vết”, tìm khuyết điểm của cấp dưới. Mục đích cao nhất của “giúp đỡ, đôn đốc, kiểm tra” cấp dưới là nhằm phát huy tính độc lập, sáng tạo, bình tĩnh, tự tin, khắc phục khó khăn, gian khổ để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả cao; thông qua “giúp đỡ, đôn đốc, kiểm tra” cấp dưới còn giúp cho chính bản thân đội ngũ cán bộ tránh được bệnh chủ quan, quan liêu, hách dịch, mệnh lệnh, hành chính đơn thuần… Có thế mới lãnh đạo sát phong trào, mới kịp thời phát hiện những người tốt, việc tốt và những người xấu, việc xấu, phổ biến những kinh nghiệm tốt và sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm.

Trong công tác lãnh đạo phải thường xuyên coi trọng vấn đề tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm để phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm. Tích cực tự học nâng cao kiến thức

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải thường xuyên làm tốt công tác tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm từng việc, từng chủ trương, thấy rõ chỗ hay, chỗ dở, đúng sai, từ đó bổ sung kịp thời những chủ trương chưa đúng, chưa đủ và quan trọng hơn là rút ra những kết luận để bổ sung cho lý luận. Hồ Chí Minh khẳng định: Lý luận do kinh nghiệm cách mạng ở các nước và trong nước ta, do kinh nghiệm từ trước và kinh nghiệm hiện nay gom góp phân tích và kết luận những kinh nghiệm đó thành ra lý luận. Nhưng phải biết khéo lợi dụng kinh nghiệm. Trong công tác cán bộ cũng vậy, kinh nghiệm cho ta biết: mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hoá cũng lòi ra. Hay trong công tác kiểm tra, không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm.

Để lãnh đạo được quần chúng, đội ngũ cán bộ không chỉ biết sử dụng kinh nghiệm được rút ra từ trong quá trình lãnh đạo quần chúng, mà còn phải học hỏi kinh nghiệm của quần chúng. Tức là, người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Do đó, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để bổ sung kinh nghiệm của mình. Vì trong dân chúng có nhiều người, với nhiều kinh nghiệm, người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó. Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt, mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm.

Đồng thời, người lãnh đạo phải tự mình chỉ đạo những người phụ trách trong bộ phận đó, giúp họ giải quyết những vấn đề thực tế, để rút kinh nghiệm. Những người phụ trách trong một cơ quan hoặc một đơn vị bộ đội, cũng chọn vài ba bộ phận, rồi cũng làm theo cách đó. Đó là một cách vừa lãnh đạo, vừa học tập. Bất kỳ người lãnh đạo nào, nếu không học tập nổi những việc thiết thực, những người thiết thực và những bộ phận thiết thực của cấp dưới, để rút kinh nghiệm, thì nhất định không biết chỉ đạo chung cho tất cả các bộ phận.

Để lãnh đạo cho đúng, có hiệu quả thiết thực, Hồ Chí Minh yêu cầu rằng sau mỗi một việc cần phải rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm riêng từng cán bộ, từng địa phương. Kinh nghiệm chung tất cả các cán bộ và các địa phương. Kinh nghiệm thất bại và kinh nghiệm thành công. Rồi tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm ấy cho khắp tất cả cán bộ, tất cả địa phương. Mỗi cán bộ, mỗi địa phương sẽ học những kinh nghiệm hay, tránh những kinh nghiệm dở, áp dụng những kinh nghiệm cũ vào những công việc mới. Như vậy, khuyết điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng thêm, công việc sẽ rất mau tiến bộ. Ngoài ra, Người cũng phê phán việc nhiều nơi có kinh nghiệm, hoặc kinh nghiệm thành công hoặc kinh nghiệm thất bại, nhưng không biết trao đổi cho nơi khác, để tránh cái dở, học cái hay của nhau.

Tác phong làm việc khoa học, theo Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở tác phong vừa làm việc, vừa tự học hỏi để trau dồi và nâng cao tri thức đáp ứng với những yêu cầu mới trong công việc. Người khẳng định: “Học hỏi là một công việc phải tiếp tục suốt đời, suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế... Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”. Vừa làm, vừa tự học, đó là tác phong từ những ngày tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã tiến hành tự học, không thầy, không phương tiện, không thời gian và khi đã làm Chủ tịch Nước, mặc dù tuổi cao, hàng ngày phải giải quyết một khối lượng công việc lớn, nhưng Người vẫn tranh thủ thời gian để bổ sung và nâng cao tri thức cho mình bằng đọc sách, báo, nghe tin tức, thời sự và rút kinh nghiệm từ những công việc thực tiễn, trên cơ sở đó đưa ra sự chỉ đạo phù hợp với từng lĩnh vực và những chính sách đối nội, đối ngoại sát với thực tiễn.

Không chỉ dừng lại là lời huấn thị, là quan điểm về tác phong khoa học, cách làm việc khoa học, mà bản thân Người là một mẫu mực, là hiện thân tiêu biểu và cao đẹp nhất về sự thống nhất giữa lời nói và việc làm. Hay nói cách khác, ở Người giữa quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và thực hành; giữa suy nghĩ và việc làm luôn nhất quán với nhau, ở mọi lúc, mọi nơi. Thực hiện tư tưởng này của Người, thể hiện tinh thần nhân văn cao cả, phương pháp làm việc khoa học, tác phong sâu sát, tỉ mỉ của người cán bộ; là hình thức biểu hiện cao đẹp về “đức” và “tài” của người cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt, trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, khi mà đất nước đang mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế thì việc bồi dưỡng, rèn luyện tác phong khoa học, cách làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, góp phần hoàn thành thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng./.

ThS. Nguyễn Năng Nam

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: