Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao dân chủ và kỷ luật và chính Người là một mẫu mực về tinh thần dân chủ, tôn trọng tập thể, tôn trọng quần chúng nhân dân, luôn luôn quan tâm đến mọi người, gắn bó với nhân dân. Người luôn phê phán “quan cách mạng”, phê phán những biểu hiện quan liêu, coi thường quần chúng, coi thường tập thể, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, coi đó là những căn bệnh khác nhau của chủ nghĩa cá nhân. Người cho rằng, nếu kỷ luật của Đảng lỏng lẻo thì những kẻ cơ hội, những phần tử phản động dễ dàng chui vào hàng ngũ để phá hoại Đảng. Kỷ luật Đảng rõ ràng, chặt chẽ, nghiêm minh là điều kiện quan trọng bảo đảm cho Đảng thật sự là một khối đoàn kết, thống nhất trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh, thực hiện thắng lợi.

Học tập và làm theo Người, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc, pháp luật, kỷ cương. Mọi biểu hiện dân chủ, hình thức, lợi dụng dân chủ để kéo bè, kéo cánh, để làm rối loạn kỷ cương, để cầu danh trục lợi hoặc chuyên quyền độc đoán, đứng trên tập thể, đứng trên quần chúng…. Làm cho nhân dân bất bình, cần phải lên án và loại bỏ và nghiêm trị. Theo Hồ Chí Minh, đối với mọi đảng viên cộng sản, khi nào và ở đâu cũng phải chịu sự phân công, quản lý của tổ chức đảng, phải hành động theo phạm vi kỷ luật của tổ chức, phải báo cáo, phải chấp hành nghị quyết, chỉ thị một cách nghiêm túc, đúng đắn, sáng tạo. Hồ Chí Minh yêu cầu những đảng viên giữ vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu và nếu mắc sai phạm càng phải chịu kỷ luật nghiêm khắc, không được châm chước, bao che cho nhau. Trong bất kỳ trường hợp nào, Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và bình đẳng về mặt công dân trước pháp luật. Để bảo đảm kỷ luật được chặt chẽ, tự giác phải mở rộng, tăng cường dân chủ trong Đảng. Hai mặt dân chủ và kỷ luật trong Đảng phải luôn luôn đi đôi với nhau. Có mở rộng và tăng cường dân chủ trong Đảng thì mới bảo đảm được kỷ luật và có bảo đảm được kỷ luật thì mới tăng cường được dân chủ.

Mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở bất cứ cương vị nào phải gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Trong đấu tranh cách mạng và kháng chiến gian khổ, cán bộ ta biết dựa vào dân, được dân nuôi dưỡng, che chở, đùm bọc, cưu mang… nên rất thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” nhưng khi cách mạng đã thành công rồi, nhiều người lại quên mất công lao của nhân dân, chỉ thấy công lao của cá nhân mình, tinh thần phục cụ nhân dân đã nhường chỗ cho những tính toán vị kỷ, không còn là “đầy tớ” mà lại sách nhiễu, ức hiếp, bòn rút dân, gây cho dân bao khổ sở, oan trái, gây mất ổn định xã hội, họ quên rằng: Mất lòng dân là mất tất cả. Việc học tập đạo đức Hồ Chí Minh là phải trăn trở và thấy trách nhiệm của mình khi dân còn nghèo đói. Không chỉ chia sẻ và đồng cam, cộng khổ với nhân dân, mà còn phải biết tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, tổ chức, động viên, lãnh đạo nhân dân, phấn đấu thoát khỏi đói nghèo. Nhân dân là người thầy nghiêm khắc và nhân ái, luôn luôn đòi hỏi cao ở cán bộ, đảng viên, đồng thời cũng sẵn lòng giúp đỡ cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, phát huy ưu điểm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm.

Học tập đạo đức Hồ Chí Minh là phải rất coi trọng tự phê bình. Người dạy cán bộ, đảng viên và mọi người chúng ta: không sợ khuyết điểm, không sợ phê bình, mà chỉ sợ không nhận ra khuyết điểm, sai lầm và không có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, sẽ dẫn tới khuyết điểm ngày càng to và hư hỏng. Tự phê bình phải được coi trọng, được đặt lên hàng đầu, theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Phải nghiêm khắc với chính mình”. Phê bình phải có mục đích là phải xây dựng tổ chức, xây dựng con người, xây dựng đời sống tình cảm và quan hệ đồng chí, quan hệ xã hội lành mạnh, trong sáng, có lý, có tình. Phải khắc phục bệnh chuộng thành tích, hình thức, thích nghe lời khen, tâng bốc nhau, không dám nói thẳng, nói thật để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đồng thời cũng cần phê phán những biểu hiện xuất phát từ những động cơ cá nhân, vụ lợi mà “đấu đá”, nhân danh phê bình để đả kích, lôi kéo, chia rẽ làm rối loạn nội bộ.

Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI)“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, sau ba năm triển khai và thực hiện rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã có những chuyển biến căn bản tích cực. Ý thức chấp hành kỷ luật, phát huy dân chủ cao độ, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Chính phủ ngày càng được củng cố. Những vụ án kinh tế lớn, những cán bộ dù ở cấp nào, khi vi phạm pháp luật đều bị xử lý một cách khách quan và nghiêm khắc, bảo đảm tính kỷ luật nghiêm minh, phù hợp vói ý Đảng, lòng dân, không bao che, lấp liếm như tinh thần trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc cử tri Hà Nội vào ngày 6.12.2014. Tổng Bí thư nêu rõ Đảng, Nhà nước kiên quyết phòng, chống tham nhũng và lãng phí. Việc phòng, chống tham nhũng được tiến hành ở tất cả các cấp và không có vùng cấm. Tuy nhiên, phải có cách làm phù hợp và quan trọng nhất là hiệu quả. Kết quả chưa được như mong muốn vì tham nhũng là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi phải làm từng bước, xử lý theo đúng pháp luật, nghiêm minh, đây là công việc lâu dài.

Tư tưởng, đạo đưc Hồ Chí Minh là giá trị trường tồn, là đúc kết đỉnh cao của tư tưởng cách mạng triệt để của một nhân cách vĩ đại đã toàn tâm toàn ý phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân, là động lực thúc đẩy xã hội phát triển, tùy theo điều kiện lịch sử của từng thời kì mà có sự vận dụng thích hợp, nhấn mạnh điểm này hay điểm khác cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Là một giảng viên giảng dạy ở trường chính trị, thiết nghĩ để thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh mà trước hết là nâng cao ý thức dân chủ kỷ luật, gắn bó với nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ; đòi hỏi mỗi chúng ta phải cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể, tự rèn luyện bản thân mình, xác định đối tượng mình phục vụ đó là học viên là đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng để từ đó đặt ra các yêu cầu rèn luyện với một số giải pháp sau:

Trước hết, là người giảng viên luôn phải nêu cao tinh thần tự học tập, rèn luyện cả về năng lực và đạo đức nghề nghiệp. Nắm vững quan điểm đường lối của Đảng và Nhà nước để chuyển tải tới học viên gắn với đời sống sinh động của xã hội, bảo đảm chất lượng giảng dạy phù hợp với các đối tượng, thực hiện tốt vấn đề lý luận gắn liền với thực tiễn.

Thứ hai, xác định đối tượng nhân dân phục vụ để tận tâm với nghề nghiệp nhằm trao truyền kiến thức cho học viên để họ nắm vững những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể, xây dựng hệ thống pháp luật và nhà nước pháp quyền, tạo ra đội ngũ chất lượng cán bộ cơ sở vừa vững về quan điểm đường lối vừa nhuần nhuyễn về phương pháp cách mạng đảm bảo thực hiện tốt mọi đường lối, chính sách đề ra.

Thứ ba, giảng viên phải thực sự là tấm gương sáng nâng cao ý thức dân chủ, kỷ luật gắn bó với nhân dân, vì nhân dân phục vụ biểu hiện cụ thể, sinh động, phục vụ nhân dân thông qua các họat động giảng dạy, thông qua các chuẩn mực, đạo đức, năng lực, phong cách của người thầy để học viên học tập noi theo.

Tóm lại, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh “Nâng cao ý thức dân chủ và kỷ luật, gắn bó với nhân dân, vì nhân dân phục vụ” là một nội dung thiết thực, thể hiện triệt để bản chất của nhà nước ta đó là nhà nước của dân, do dân và vì dân, qua đó nhận thức rõ quyền lực thuộc về nhân dân, ý thức dân chủ kỷ luật chính là nền tảng để thực hiện xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay./.

Ths.Trần Hữu Hòa

Khoa Lý luận MLN, TTHCM, Trường Chính trị Lê Duẩn - Quảng trị

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: