Mô hình Chính phủ “dân chủ cộng hòa” thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về một Nhà nước pháp quyền của "dân chúng số nhiều”, của chung toàn thể dân tộc ta.
Mô hình nhà nước của “dân chúng số nhiều”
Độc lập, tự do không chỉ là khát khao ngàn đời, mà còn là tiêu chí hàng đầu của mọi dân tộc trên mỗi chặng đường xây dựng và phát triển.
Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên khi đất nước đã đắm chìm trong vòng nô lệ. Với “một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do”, tháng 6/1911, Hồ Chí Minh đã rời Tổ quốc bôn ba tìm đường cứu nước.
Từ những năm tháng bôn ba khảo nghiệm thực tiễn ở các nước tư bản như Pháp, Anh, Mỹ và việc tổ chức bộ máy của nước Nga Xô Viết… Người đi đến kết luận: “chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”[1].
Mục tiêu xây dựng một nhà nước “của dân chúng số nhiều”… đã được Người thể hiện rõ trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt,… Mục tiêu, “a, Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. b, Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập. c, Dựng ra Chính phủ công nông binh”[2] đã thể hiện rõ khát vọng giành độc lập, tự do và việc lựa chọn mô hình nhà nước của Đảng ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Cuối năm 1939, Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương) đã tập trung hướng toàn bộ cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta vào mục tiêu giải phóng dân tộc và quyết định thay đổi từ mô hình “Chính phủ công nông binh” bằng “Chính phủ Liên bang Cộng hòa dân chủ Đông Dương”[3].
Sau gần 30 năm bôn ba, ngày 28/1/1941, Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước. Trước sự thay đổi của tình hình thế giới và sự phát triển của phong trào cách mạng trong nước, triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (5/1941), Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã quyết định thay đổi chiến lược cách mạng, đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu.
Nghị quyết Trung ương 8 khẳng định: “Sau lúc đánh đuổi được Pháp - Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ. Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà của chung của toàn thể dân tộc” và “Chính phủ ấy do Quốc dân Đại hội cử ra”[4].
Cùng với việc quyết định thay đổi chiến lược cách mạng, tập trung vào mục tiêu giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh và những người cộng sản Việt Nam cũng thay đổi việc lựa chọn từ mô hình Chính phủ công nông binh (1930) thành mô hình Chính phủ dân chủ cộng hòa (1941).
Mô hình Chính phủ “dân chủ cộng hòa” thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về một Nhà nước pháp quyền “của dân chúng số nhiều”, của chung toàn thể dân tộc ta, phù hợp với đất nước và con người Việt Nam, thể hiện sâu sắc tư tưởng “nước lấy dân làm gốc” của Người.
Việc lựa chọn mô hình nhà nước “dân chủ cộng hòa” đã thể hiện vai trò, sự nhạy bén của lãnh tụ Hồ Chí Minh trước sự biến động của tình hình quốc tế và trong nước, đồng thời cho thấy sự sâu sát thực tiễn, tầm nhìn xa của Hồ Chí Minh trong quá trình chuẩn bị cho một cuộc Tổng khởi nghĩa của toàn dân. Điều này có ý nghĩa quyết định đến thành công của công cuộc vận động giải phóng dân tộc trong những năm 1941-1945, đặc biệt là Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân luôn là khát vọng suốt cuộc đời Hồ Chí Minh
Sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Trước sự phát triển của phong trào cách mạng trong nước, “vấn đề tối quan trọng” - vấn đề chính quyền cách mạng các cấp, việc tổ chức nhân dân tiến hành khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc, tiến tới thành lập Chính phủ “dân chủ cộng hòa” đã được thể hiện trong các văn kiện của Đảng giai đoạn từ 1940-1945.
Cụ thể: Một là, trong Chỉ thị ngày 15/8/1942 của Tổng bộ Việt Minh: (1). Lúc vũ trang khởi nghĩa lấy được một địa phương phải thành lập ngay Chính phủ nhân dân ở địa phương ấy,.v.v..(2). Lúc vũ trang khởi nghĩa, lấy được một địa phương khá to, phải thành lập Chính phủ nhân dân lâm thời toàn quốc, v.v.. (3). Lúc vũ trang khởi nghĩa, lấy được toàn quốc thì thành lập Chính phủ nhân dân chính thức toàn quốc do toàn dân bầu ra, v.v...
Hai là, chủ trương của Đảng về việc triệu tập “một cuộc Toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra”.
Ba là, trong Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12/3/1945 của Đảng Cộng sản Đông Dương về vấn đề thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng ở các nhà máy, mỏ, làng, ấp, đường, phố…, Uỷ ban nhân dân cách mạng và Uỷ ban công nhân cách mạng ở những vùng quân du kích hoạt động, và sẽ thành lập “Uỷ ban nhân dân cách mạng Việt Nam theo hình thức một Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam”.
Bốn là, trong Hội nghị quân sự Bắc (15- 20/4/1945) về việc “triệu tập một cuộc đại biểu đại hội gồm có các giới, các đảng phái, các thân sĩ toàn quốc để thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam và tiến tới thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam", v.v..
Từ những chỉ dẫn kịp thời này, dưới ngọn cờ cứu nước của Việt Minh, nhân dân ta đã từ “phá kho thóc giải quyết nạn đói”, tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và khởi nghĩa từng phần, từng bước xây dựng chính quyền nhân dân theo các cấp độ:
A, tại những địa bàn có thôn, xã, tổng, châu “hoàn toàn” do Giải phóng quân làm chủ, Uỷ ban nhân dân cách mạng do nhân dân cử lên (thiết chế tiền Chính phủ). Về thực chất cũng như trên danh nghĩa, đây là một dạng dân chủ trực tiếp về tổ chức và hoạt động của chính quyền nhân dân địa phương.
B, Khu giải phóng gồm sáu tỉnh (Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái) chính thức thành lập ngày 4/6/1945, được xây dựng thành một căn cứ địa cách mạng vững chắc. Hình thức dân chủ trực tiếp nêu trên đã chuyển thành hình thức dân chủ đại diện qua việc đại hội đại biểu toàn dân cử ra Uỷ ban chỉ huy lâm thời của khu có nhiệm vụ lãnh đạo toàn khu về mọi mặt, bao gồm việc kiến lập nền dân chủ cộng hoà và ban bố các quyền phổ thông đầu phiếu, tự do dân chủ, dân tộc tự quyết, nam nữ bình quyền.[5]
Hoạt động của các Uỷ ban, của chính quyền cách mạng ở Khu giải phóng đã đảm bảo quyền lực của nhân dân được thực hiện thông qua các cơ quan đại diện. Diện mạo của Khu giải phóng thực sự là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam dân chủ mới, bước chuyển tiếp lên chính thể dân chủ cộng hòa. Theo luật gia Vũ Đình Hoè, hình thức chính quyền nhân dân được tổ chức và hoạt động trong thực tiễn này là “mầm mống của một chế độ pháp quyền dân chủ tư sản kiểu mới”, tạo điều kiện cho quần chúng tập dượt quản lý và điều hành xã hội, tham gia quyết định những công việc quan trọng của địa phương.
Tháng 8/1945, những điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc đã chín muồi. Không chậm trễ, không để lỡ thời cơ, trước sự biến động của tình hình, Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã nhạy bén, đã có những quyết định táo bạo. Đó là, tổ chức Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng tại Tân Trào (13 - 15/8/1945), quyết định phát động Tổng khởi nghĩa, thi hành Mười chính sách Việt Minh, thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc để thống nhất chỉ huy cuộc chiến đấu, ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước, nhằm kiến lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn độc lập trước khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương giải giáp quân đội Nhật.
Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang chiều ngày 16/8/1945 nhất trí việc phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập và thông qua Mười chính sách của mặt trận Việt Minh. Quốc dân Đại hội quyết định: “Cử ra Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam” (do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch)”[6]
Hồ Chí Minh đã kịp thời chuẩn bị những bước đi vững chắc về cơ sở và tính pháp lý cho sự ra đời của Uỷ ban dân tộc giải phóng - Chính phủ lâm thời, "làm cho mọi người thấy rõ được cả tính hợp pháp lẫn sức mạnh để giữ vai trò lãnh đạo và đà phát triển phong trào"[7] cách mạng. Hồ Chí Minh - con người của những quyết sách lịch sử đã tổ chức thắng lợi Quốc dân Đại hội để quyết định kịp thời chuyển xoay vận nước- sự thành công đầu tiên, minh chứng cho quan điểm của Hồ Chí Minh: quyền lực nhà nước, dù sơ khai cũng phải nhận được sự uỷ nhiệm từ nhân dân, của nhân dân và do nhân dân bầu ra.
Ngay sau đó, để tranh thủ thời cơ, Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước vùng lên khởi nghĩa. Đáp lại lời hiệu triệu của Tổng bộ Việt Minh và Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa, giành lại chính.
Ngày 25/8/1945, Hồ Chí Minh cùng Uỷ ban dân tộc giải phóng về đến Hà Nội. Theo đề nghị của Người, Uỷ ban dân tộc giải phóng tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng trên tinh thần vì quyền lợi tối cao của dân tộc, một số đảng viên cộng sản, kể cả Tổng Bí thư Trường Chinh đã tự nguyện rút khỏi Chính phủ lâm thời, nhường chỗ cho một số nhân sĩ yêu nước, tiến bộ để nêu cao tinh thần đoàn kết vì đại nghĩa.
Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch là hình ảnh tiêu biểu của khối toàn dân đoàn kết, là “một Chính phủ quốc gia thống nhất giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn quốc, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ dân chủ cộng hoà chính thức. Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân và tuyên bố với thế giới việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa./.
TS. Văn Thị Thanh Mai (Ban Tuyên giáo Trung ương)
Theo http://vietnamnet.vn
Thu Hiền (st)
------------
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.2, tr.270
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.3, tr.1
[3]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, t.6, tr.542
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.7, tr.150
[5]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.7, tr. 484, 396, 541
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.7, tr.560-561
[7] Archimedes L.APatti, Tại sao Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, 1995, tr.146