Nhận thức sâu sắc hơn để kiên định, kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành và phát triển gắn liền với quá trình lịch sử cách mạng nước ta và cách mạng thế giới trong thế kỷ XX.

Qua các giai đoạn cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta nhận thức ngày càng toàn diện và sâu sắc. Đảng ta khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ, mặc dù tình hình trong nước và thế giới có những thay đổi nhanh chóng và sâu sắc, nhưng tính đúng đắn, sức sống, sự sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam và xu thế thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị.

Cụ thể là những nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh từ tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, về xây dựng Đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, về xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, về đại đoàn kết dân tộc và xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, đến tư tưởng về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam, về giáo dục, về ngoại giao,… cũng như đạo đức, phong cách của Người đã trở thành những giá trị bền vững.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, sợi chỉ đỏ xuyên suốt, hạt nhân cốt lõi là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó chính là quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Vì vậy, Đảng ta xác định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của mình.

Chúng ta phải tiếp tục đào sâu nghiên cứu, nhận thức sâu sắc hơn, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, để kiên định, kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác-Lênin trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Giá trị nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh được biểu hiện vô cùng đa dạng và phong phú, thấm đượm trong toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, tỏa sáng trong những trước tác, trong từng việc làm, cử chỉ và mối quan tâm sâu sắc, ân cần đối với con người, với nhân dân, đất nước và nhân loại, nhất là nhân dân các dân tộc bị áp bức.

Tất cả đều toát lên tình yêu thương, sự tôn trọng, thái độ khoan dung và niềm tin vào khả năng tự hoàn thiện của con người, khi được giải phóng, giác ngộ lý tưởng cách mạng cao quý.

Hồ Chí Minh chủ trương và suốt đời phấn đấu xây dựng một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít thì hưởng ít, không làm không hưởng, người già yếu hoặc tàn tật được nhà nước giúp đỡ chăm nom, mọi người đều có điều kiện để phát triển toàn diện, phát huy năng lực, sở trường của mình...

Mục đích cao nhất của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là mong muốn con người được giải phóng triệt để và trở thành chủ nhân đích thực của đất nước, của thế giới.

Với ý nghĩa như vậy, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là kết tinh của văn hóa, văn hóa Việt Nam, văn hóa nhân loại. Cũng chính vì vậy, ngay từ tháng 6-1923, lần đầu gặp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tại Mátxcơva, nhà báo Liên Xô Ôxíp Manđenxtam đã khái quát: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa của Châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa tương lai.”

64 năm sau, năm 1987, Hội đồng UNESCO đã ra quyết định phong tặng Hồ Chí Minh danh hiệu “Anh hùng giải phóng dân tộc” và “Nhà văn hóa kiệt xuất” không chỉ của Việt Nam, mà còn của thế giới. Nghị quyết này của UNESCO đã phản ánh sự mong đợi của tất cả những ai yêu chuộng hòa bình, công lý và tiến bộ trên thế giới.

Phải chăng, giá trị nhân văn trong hệ thống các giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện tập trung ở hai nội dung cơ bản:

Một là, giá trị nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện nổi bật trong tư tưởng của Người, lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Ý chí giành độc lập cho dân tộc và cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, vừa là điểm xuất phát, vừa là mục tiêu của tư tưởng Hồ Chí Minh, phản ánh giá trị bản chất của những giá trị nhân văn trong tư tưởng của Người.

Được nuôi dưỡng bởi những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, tận mắt chứng kiến cảnh nô lệ lầm than, đau khổ của đồng bào dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân xâm lược, Hồ Chí Minh đã quyết ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.

Trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, Người đã nhận thấy vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người không chỉ là nhu cầu cấp thiết của Việt Nam mà là đòi hỏi của các dân tộc thuộc địa và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới.

Tiếp thu thế giới quan, phương pháp luận cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, bằng thiên tài trí tuệ, nhận thức đúng xu thế phát triển tất yếu của loài người và tính chất của thời đại, Người đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.”

Trong điều kiện thế giới ở nửa đầu thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hòa thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau.” Người kêu gọi: “Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại!”

Hai là, giá trị nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện trong những tư tưởng của Người trong xây dựng xã hội chủ nghĩa, trong đấu tranh giải quyết mâu thuẫn giữa cái tốt với cái xấu, giữa cái cũ lạc hậu với cái mới tiến bộ, văn minh qua mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.

Trên cơ sở đúc kết quá trình phát triển trong lịch sử dân tộc và nhân loại, từ thực tiễn Việt Nam và thế giới đương đại, Hồ Chí Minh đã khái quát thành chân lý: “Vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả” và: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng.”

Thiện và ác là cặp phạm trù cơ bản thuộc lĩnh vực đạo đức lan sang các lĩnh vực khác hàm chứa tính đối lập giữa cái tốt-nhân văn với cái xấu - phản nhân văn, giữa cái cũ lạc hậu-phản nhân văn với cái mới tiến bộ - nhân văn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời. Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới.”

Hồ Chí Minh được suy tôn là Danh nhân văn hóa thế giới là do những cống hiến to lớn về nhiều mặt, đồng thời do tư tưởng đạo đức sâu sắc, giáo dục đạo đức kiên trì và tấm gương đạo đức sáng ngời của Người.

Nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu đã trích lời một học giả nước ngoài: “Cụ Hồ là một người xây dựng lương tri, xây dựng nó khi nó thiếu, tái tạo nó khi nó mất; Cụ thức tỉnh kẻ mê, ân cần đỡ dậy người trượt ngã, biến vạn ức người dân bình thường thành anh hùng vô danh và hữu danh trong lao động, trên chiến trường, trong ngục tối, trước máy chém...”

Với quan niệm “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu,” Hồ Chí Minh kêu gọi diệt giặc dốt cùng với diệt giặc đói và giặc ngoại xâm. Người chủ trương có phát triển nền giáo dục thì mới xây dựng được chủ nghĩa xã hội, mới tiến kịp được sự phát triển chung của nhân loại.

Với tinh thần “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người,” Hồ Chí Minh chỉ rõ “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.”

Để đạt mục tiêu của chiến lược “trồng người” là giáo dục, đào tạo con em của nhân dân thành những người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà, theo Người, phải xây dựng một nền giáo dục toàn diện để đào tạo những con người có đức, có tài.

Nền giáo dục đó phải kết hợp chặt chẽ giữa học với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, gắn liền giáo dục của nhà trường với gia đình và xã hội, học suốt đời, kết hợp tự học với học trong nhà trường, học trong sách vở và học trong cuộc sống.

Đạo đức mà Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng xuất phát từ ý nghĩa nhân văn cao cả của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.”

Về Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền, Người khẳng định Đảng ta “là đạo đức, là văn minh.” Người chỉ rõ, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa.” Những yêu cầu đạo đức mà Người nêu ra trở thành hệ chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam trong thời đại mới, như: “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, “Phải thật thà thương yêu và hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào”, “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”, phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” và có tinh thần đoàn kết - đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế trong sáng...

Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng đạo đức cách mạng phải gắn chặt với chống chủ nghĩa cá nhân. Khẳng định chủ nghĩa cá nhân “là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu”, Người cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Đồng thời, Người chỉ rõ: Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”…

Ngày nay, tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành tài sản vô giá và là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và những biểu hiện tha hóa về đạo đức trong xã hội, thấm đượm tinh thần nhân văn cao cả.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, là nền tảng tư tưởng để Đảng ta phát triển nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Chủ nghĩa xã hội, theo Hồ Chí Minh chính là “Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành”. “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động thì được nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ”.

Có thể nói, chủ nghĩa xã hội theo Hồ Chí Minh là làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người ai cũng có công ăn, việc làm, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, được phát triển toàn diện.

Theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội “do nhân dân tự xây dựng lấy”, có nghĩa: đó là chế độ xã hội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhân dân làm chủ.

Trong chủ nghĩa xã hội, các dân tộc trong nước đoàn kết, bình đẳng, tương trợ, giúp đỡ nhau, đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, có quan hệ hòa bình, hữu nghị với tất cả các nước, các dân tộc.

Rõ ràng, chủ nghĩa xã hội như vậy không chỉ bảo vệ vững chắc thành quả của độc lập dân tộc, mà còn làm cho nhân dân được hạnh phúc, đồng bào được tự do, còn tạo ra điều kiện phát triển cho cả dân tộc, cho mọi người dân, góp phần xây dựng và phát triển nền hòa bình cho thế giới, hạnh phúc cho nhân dân các dân tộc, hợp tác và phát triển cho các quốc gia.

Trải qua các kỳ Đại hội, đến Đại hội XI, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã hoàn thiện hơn nhận thức về xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới."

Đồng thời, qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đã bổ sung, phát triển phương hướng cơ bản xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đại hội XI của Đảng xác định 8 phương hướng cơ bản, đó là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta để nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị dẫn đường bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh, những giá trị nhân văn và phát triển trong hệ thống các giá trị tư tưởng, đạo đức của Người, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, xây dựng đất nước ta dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển đất nước nhanh, bền vững hơn và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, kế tục xứng đáng và hiện thực hóa tư tưởng vĩ đại, thấm đẫm tinh thần khoa học, cách mạng và nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Đinh Thế Huynh

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

(Theo TTXVN)

Khúc Thị Lan Hương

Bài viết khác: