Kết luận bài Diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, tại Hà Nội, ngày 24-11-1946, sau khi khẳng định: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, Hồ Chí Minh nói: “Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân, để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”(1).

 Đây không phải là lời nói ngẫu hứng mà chắc chắn là có chủ ý nhằm đúc kết khả năng to lớn của văn hóa do chính Người đã trải nghiệm trong suốt cuộc hành trình tìm đường, cứu nước. Phải hơn ba mươi năm sau, đến những ngày bị tù đầy tưởng như vô vọng, song nhờ khả năng kỳ diệu của văn hóa, Người vẫn thốt lên:

“Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

Muốn nên sự nghiệp lớn

Tinh thần phải càng cao”

Có thể nói, Nhật ký trong tù không phải là một tập thơ bình thường mà là thể hiện quá trình trải nghiệm đột phá hiếm có của một tư duy văn hóa mạnh mẽ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh sống còn với kẻ thù, không chỉ để tồn tại mà còn để tiếp tục chiến đấu. Đến lúc này, ở Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã có điều kiện thấy rõ khả năng vô tận của văn hóa và chỉ có văn hóa như một thứ vũ khí diệu kỳ, sắc bén duy nhất đã thực sự giúp Người vượt qua muôn vàn khó khăn ngay cả khi bị tù đày. Trên cơ sở đó, Người thấy cần nêu rõ những vấn đề lý luận cơ bản của văn hóa, phản ánh quá trình phát triển tư duy văn hóa trải qua bốn cấp độ từ thấp lên cao:

Cấp độ thứ nhất, quan niệm về khái niệm văn hóa mang đậm bản chất nhân văn, văn hóa do con người sáng tạo ra nhằm phục vụ chính con người. Do nhu cầu cuộc sống và đòi hỏi của sự sinh tồn ngày càng cao, văn hóa ngày càng phát triển rộng rãi và mạnh mẽ, đáp ứng mọi nhu cầu cấp thiết, bình thường nhất của con người. Do đó, văn hóa không chỉ phát triển mặt tích cực mà còn mang theo cả tiêu cực, phản ánh sự không thuần nhất trong ý thức hệ văn hóa do con người sáng tạo ra.

 Cấp độ thứ hai, văn hóa gắn với sự phát triển mọi xã hội, bao gồm: Tâm lý, luân lý, xã hội, chính trị, kinh tế, như khi Người nói về ý nghĩa của văn hóa; có lúc Người nhấn mạnh: Cả bốn nhân tố phát triển xã hội là chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa phải được coi trọng ngang nhau. Ở cấp độ này, văn hóa không còn là sự phát triển tự nhiên mà đã mang ý thức xã hội sâu sắc, được trừu tượng hóa và được con người vận dụng vào sự phát triển xã hội bền vững.

Cấp độ thứ ba, văn hóa đã được trừu tượng hóa ở tầm cao, văn hóa không chỉ là hệ ý thức xã hội mà còn trở thành sức mạnh tiềm ẩn, có khả năng chỉ đường cho quốc dân đi. Con người không chỉ sáng tạo ra văn hóa mà còn biết sử dụng văn hóa vào mục đích cuộc sống, tạo thành sức mạnh ngày càng cao, như một thứ công cụ xây dựng xã hội mới, một vũ khí chiến thắng mọi kẻ thù.

 Cấp độ thứ tư mới nói đến văn hóa lãnh đạo, văn hóa không chỉ được trừu tượng hóa cao mà đã được hình thành và phát triển thành hệ ý thức gắn liền với xã hội phát triển bền vững, đặc biệt đối với xã hội mới xã hội chủ nghĩa như xã hội ta chỉ có một Đảng cầm quyền của giai cấp công nhân lãnh đạo trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bốn cấp độ đó tạo nên hệ thống lý luận văn hóa từ đơn giản đến phong phú, từ cụ thể đến trừu tượng, từ vị trí thụ động đến vai trò chủ động, tạo nên sức mạnh tiềm ẩn, động lực phát triển xã hội ngày càng cao, càng mạnh, tạo nên sức mạnh mềm như ngày nay.

Không phải là ngẫu nhiên, dưới chú thích tập thơ Nhật ký trong tù, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh lại bỗng nhiên ghi lại những suy tư vàng ngọc nhất về lý luận văn hóa. Phải thấy rằng, mặc dù không ưa nói lý luận, tác giả Nhật ký trong tù vẫn phải nhắc đến những nội dung cơ bản nhất của lý luận văn hóa, từ một định nghĩa chính xác, khoa học, đậm bản chất nhân văn về khái niệm văn hóa, gắn với nhu cầu cuộc sống và đòi hỏi của sự sinh tồn đến ý nghĩa to lớn của nó đối với sự phát triển xã hội bền vững, gắn với tâm lý, luân lý, xã hội, chính trị, kinh tế, nghĩa là văn hóa đã có mặt ở mọi mặt cuộc sống con người, đã thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội trong xây dựng con người mới, nền văn hóa mới gắn với xã hội phát triển bền vững.

Do đó, có thể  nói, đến lúc này, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã hoàn thiện về tư duy lý luận văn hóa gắn với xã hội phát triển bền vững, mà nội dung cơ bản của nó không chỉ bao gồm bốn yếu tố chủ yếu của phát triển; điều quan trọng là phải coi trọng ngang nhau cả bốn yếu tố đó, nhất là phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, gắn liền với phát triển con người thấm nhuần nhân cách văn hóa.

Song, phải đến cuối năm 1946, đến dự và đọc Diễn văn khai mạc  Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Hồ Chí Minh mới có điều kiện khẳng định dứt khoát, rõ ràng, chức năng to lớn của văn hóa, kể cả văn hóa phương Đông lẫn văn hóa phương Tây, mà Người đã từng trải nghiệm: “Tây phương và Đông phương, có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam”(2). Cũng chính vì vậy, từ những năm 30 của thế kỷ trước, nhân sự kiện Chính phủ Trung Quốc xóa bỏ những lễ nghi tưởng niệm Khổng Tử, Hồ Chí Minh không chỉ phê phán mà còn khuyên: “Người Việt Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc tác phẩm của Lênin”(3).

Sớm thấy khả năng chỉ đường của văn hóa và xem văn hóa có thể lãnh đạo quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ, có thể nói, Hồ Chí Minh đã đi trước thời đại khá xa, mang tư duy văn hóa độc đáo, mạnh mẽ, mà thời đại ngày nay gọi là sức mạnh mềm trong phát triển xã hội bền vững.

Với bài Diễn văn quan trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Hồ Chí Minh không chỉ hiệu triệu toàn dân bằng văn hóa soi đường cho quốc dân đi trong cuộc kháng chiến không cân sức chống kẻ thù xâm lược, mà còn nêu bật một triết lý phát triển bền vững thông qua văn hóa, gần như một học thuyết mới mang ý nghĩa và giá trị thời đại, không chỉ gắn với xã hội phát triển bền vững mà còn gắn với việc xây dựng xã hội mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Điều đáng chú ý là, Hồ Chí Minh nêu rõ khái niệm văn hóa chỉ đường, văn hóa lãnh đạo trong bối cảnh cuối năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sắp cận kề, như một sự bùng phát, thăng hoa về trí tuệ trong tư duy văn hóa.      Ngày nay, khi nhu cầu cuộc sống và đòi hỏi của sự sinh tồn ngày càng cao, mọi lĩnh vực văn hóa đã phát triển, trong đó công nghệ thông tin đã trở thành nền tảng của phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, thì văn hóa không còn là điều xa lạ, mới mẻ trong phát triển xã hội bền vững. Hầu như không một quốc gia dân tộc nào lại không thấy văn hóa là nhu cầu phát triển bền vững, là sức mạnh mềm bên cạnh sức mạnh cứng.

Nếu trước đây văn hóa còn là “điều bí ẩn không cùng” như cách nói của        J.Derrida, thì ngày nay người ta đã thấy rõ “điều bí ẩn không cùng” ấy, chính là ở “bí quyết” của sự phát triển bền vững. Hơn nữa, cần phải khẳng định, Hồ Chí Minh là một trong những người đầu tiên khám phá ra “điều bí ẩn không cùng” ấy, khi Người phát hiện ra chức năng to lớn của văn hóa, chức năng chỉ đường cho quốc dân đi, cũng như khi nói đến những nguyên nhân của sự phát triển đất nước. Trả lời phỏng vấn của phóng viên thường trú báo Nhân đạo tại Hà Nội về nghị lực tất thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người nói: “Nhân dân nước chúng tôi có ý chí phi thường là do lòng tự trọng muốn sống làm người chứ không chịu là nô lệ. Điều này càng đúng với những nhà trí thức nước chúng tôi tha thiết với văn hóa dân tộc”. Khi nhà báo hỏi tiếp, nhân tố nào sau hòa bình, đất nước có sự biến đổi, Hồ Chí Minh cũng trả lời: “Có lẽ cần phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa”(4). Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh vị trí của văn hóa thể hiện ở ý chí tự cường, tinh thần yêu nước, quan điểm vì dân, nhất là đạo đức cách mạng, tức là ở chính những con người thấm nhuần nhân cách văn hóa. Vào thời điểm cuối năm 1946, coi văn hóa có thể chỉ đường cho quốc dân đi và tin tưởng ở khả năng văn hóa có thể chiến thắng thực dân, đế quốc, có lẽ, không ai thấy rõ “bí quyết” về sức mạnh văn hóa hơn Hồ Chí Minh.

Song, vấn đề cần nói ở đây không chỉ là văn hóa nói chung như một “bí quyết” của sự phát triển bền vững đối với mọi xã hội. Vấn đề cần chú ý hơn là triết lý văn hóa lãnh đạo trong tư duy văn hóa Hồ Chí Minh. Nếu xem văn hóa là “bí quyết” của sự phát triển bền vững, thì triết lý văn hóa lãnh đạo là “cẩm nang thần kỳ”, như cách nói của Hồ Chí Minh khi Người gặp chủ nghĩa Lênin, về sự lãnh đạo của đảng cầm quyền trong xây dựng xã hội mới. Hồ Chí Minh không nói Đảng lãnh đạo mà lại nói văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ, là phản ánh sự tìm tòi, phát hiện mới trong tư duy văn hóa của Người.

Vấn đề là phải thấy cho được ý nghĩa tích cực và giá trị lý luận của khái niệm văn hóa lãnh đạo, văn hóa từ chỗ chỉ do nhu cầu cuộc sống và đòi hỏi của sinh tồn, tức từ thụ động, nó đã trở thành chủ động, một công cụ, một vũ khí sắc bén, một hệ ý thức phục vụ con người giải phóng khỏi áp bức, bóc lột. Khi phát hiện rõ chức năng văn hóa lãnh đạo, có thể nói, Hồ Chí Minh đã ý thức rõ khả năng giải phóng con người và xã hội bằng chính văn hóa, mà trước đó các vị tiền bối, kể cả  Mác, Ăngghen, Lênin, có thể chưa thấy hết, dù cho mục tiêu giải phóng con người và xã hội, tức ý tưởng hay ý thức hệ giải phóng đã xuất hiện khá sớm.

Như vậy là, từ nay giai cấp công nhân không chỉ có ý thức hệ là ý thức tự giải phóng mà còn có một công cụ hữu hiệu là văn hóa để giải phóng bản thân và xã hội. Điều này Mác, Ăngghen, Lênin có thể đã thấy nhưng chưa thấy hết, chưa nói rõ, do những hạn chế của thời đại. Chẳng hạn, công nghệ thông tin ra đời rõ ràng là do nhu cầu cuộc sống và đòi hỏi của sinh tồn, nhưng thời Mác, Ăngghen, Lênin, công nghệ thông tin chưa phát triển mạnh mẽ như hiện nay khiến các ông có thể chưa thấy hết ý nghĩa tích cực, đột phá của văn hóa. Văn hóa muốn từ thụ động đến chủ động thì bản thân nó phải có sự hậu thuẫn của xã hội, phải do nhu cầu phát triển của trí tuệ và do chính giai cấp công nhân có ý thức một giai cấp tiêu biểu cho trí tuệ ấy.

Chỉ đến thời đại văn minh trí tuệ hiện nay, giai cấp công nhân mới có điều kiện giải phóng, như chính Mác, Ăngghen đã thấy rõ: “Sự giải phóng” là một sự kiện lịch sử, chứ không phải sự kiện tư tưởng, và nó nảy sinh ra từ những điều kiện lịch sử”(5). Nếu nói đến ý tưởng giải phóng loài người thì đã có từ thời Chúa Jêsu, Phật Thích Ca… chứ không chỉ ra đời trong thời đại của Mác, Ăngghen. Do những hạn chế lịch sử, chính Mác, Ăngghen chưa thấy hết ý nghĩa sâu xa và khả năng to lớn, không chỉ của văn hóa mà cả đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc để giải phóng con người và xã hội, như chính các ông đã tự điều chỉnh sau khi ra đời Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

Rõ ràng, ngày nay, trong thời đại văn minh trí tuệ, văn hóa mới thật sự phát triển cao độ, gần như có sự thống nhất với điều kiện lịch sử, trong đó hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin đã trở thành hệ tư tưởng chính thống của giai cấp công nhân trong thời đại cách mạng vô sản. Văn hóa ngày nay thật sự nổi trội khi giai cấp công nhân trở thành giai cấp lãnh đạo, đúng như một dự báo khá thú vị của Juquin(6). Khi nói rằng: “Cái cho phép giai cấp công nhân trở thành một lực lượng lịch sử, đó là văn hóa”(7). Nếu cái cho phép giai cấp công nhân trở thành một lực lượng lịch sử là văn hóa thì cái cho phép Đảng tiên phong của nó – Đảng chân chính của giai cấp công nhân – càng phải là văn hóa.

Dĩ nhiên, “cái cho phép” là một chuyện, còn có “trở thành một lực lượng lịch sử” hay chưa, lại là chuyện khác, bởi điều đó còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện lịch sử - xã hội và tình hình phát triển văn hóa, trình độ dân trí, văn minh trí tuệ, nhất là ý thức giai cấp công nhân về khả năng văn hóa lãnh đạo, cũng như ý thức của Đảng cầm quyền, đội tiên phong của giai cấp công nhân.

Song, điều đó không chỉ phản ánh sự trải nghiệm về văn hóa của Hồ Chí Minh trong phát triển xã hội bền vững, mà còn có thể nói, Người là hiện diện của điều kiện lịch sử, trong đó giai cấp công nhân không chỉ có hệ tư tưởng chính thống của chủ nghĩa Mác – Lênin mà còn có triết lý văn hóa lãnh đạo. Hơn thế nữa, Hồ Chí Minh còn thấy chẳng phải là Đảng nắm quyền lực lãnh đạo mà chính là văn hóa theo nghĩa tích cực của nó, mới thực sự có quyền lực lãnh đạo quốc dân. Nói cách khác, Đảng muốn thực sự cầm quyền, thể hiện quyền lực lãnh đạo, Đảng ấy phải là Đảng tiêu biểu, tiên phong, nổi trội về những tiêu chí cơ bản của văn hóa như Người đòi hỏi: “Đảng là đạo đức, là văn minh”.

Không phải là ngẫu nhiên, vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Đảng ta lãnh đạo đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, Hồ Chí Minh lại viết bài Đảng ta vĩ đại thật nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng. Khẳng định Đảng ta vĩ đại thật, Hồ Chí Minh không quên giải thích: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”, vì “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”(8). Đó chính là những tiêu chí cơ bản nhất của văn hóa mà Đảng ta đã có được trước đây trong sự nghiệp chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Và, chỉ trên cơ sở những tiêu chí cơ bản ấy, Đảng ta mới thực sự lãnh đạo quốc dân thực hiện độc lập, thống nhất, tự cường và tự chủ. Còn ngày nay thì sao?

Đương nhiên, ngày nay, để thực sự vĩ đại thật, Đảng ta càng phải thấy rõ vị trí cực kỳ quan trọng của văn hóa, nhất là văn hóa đạo đức, văn minh trí tuệ. Nếu không như thế thì, như Hồ Chí Minh cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(9). Cho nên, nói văn hóa lãnh đạo, thực chất cũng là văn hóa Đảng, nhưng không chỉ là phong cách, tác phong lãnh đạo như có người hiểu, mà là nói đến những nội dung cơ bản của văn hóa thuộc tôn chỉ, mục đích của Đảng cầm quyền, trước hết là hệ tư tưởng tiên phong của giai cấp công nhân, mà đối với chúng ta là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; là đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; là ý thức vì nước, vì dân, dân chủ và bình đẳng không phải đối với số ít mà là đối với số đông người lao động, như chính Mác, Ăngghen đã tổng kết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, trong đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(10).

Đó cũng là những nội dung cơ bản của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng, khi nêu rõ một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, về việc nhất thiết phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; nhất thiết phải chống tham nhũng, quan liêu và những tiêu cực khác để Đảng ta xứng đáng là đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân, nổi trội về văn hóa, nhất là văn hóa đạo đức, là văn minh trí tuệ, như Hồ Chí Minh đòi hỏi./.

 (1). Xem: Danh ngôn Hồ Chí Minh của PGS.TS. Thành Duy, Nxb. Văn học, H, 2011, tr. 203.

 (2). Xem: Danh ngôn Hồ Chí Minh của PGS.TS. Thành Duy, Sđd, tr.202.

 (3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, (xuất bản lần thứ hai), Nxb. CTQG, 1995, t. 2, tr.454.

 (4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.392.

(5). C.Mác và Ph. Ăngghen: Tuyển tập, Nxb. CTQG, H, 2004, t.1, tr.280.

(6). Pierre Juquin: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp (1985).

 (7). Juquin: Những điều tự phê bình, Nxb. Grosset, Paris, tr.105.

 (8). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 4-5.

 (9). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 557-558.

(10). C.Mác và Ph. Ăngghen: Tuyển tập, Sđd, t.1, tr730.

GS.TS Thành Duy

Theo Tạp chí Tuyên giáo

Huyền Anh (st)

Bài viết khác: