1.Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước xã hội chủ nghĩa có nhiều nội dung, trong đó có nội dung chứa đựng tư tưởng sâu sắc về xây dựng nhà nước kiểu mới - Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Nhà nước pháp quyền, theo Hồ Chí Minh, trước hết phải là nhà nước được tổ chức và hoạt động theo pháp luật, bảo đảm tính tối cao của pháp luật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; là Nhà nước mà bản chất của nó, hoàn toàn xa lạ với kiểu nhà nước cai trị đất nước, thống trị nhân dân và quản lý xã hội bằng quyền hành pháp của Chính phủ, tùy tiện ra các sắc lệnh theo ý chí áp đặt chủ quan và thuận lợi cho sự cai trị chứ không phải là ý nguyện của nhân dân được xây dựng thành luật, đại diện cho ý chí, tâm tư, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Trong xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi mọi tổ chức, mọi công dân đều phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật. Bản thân Người là một tấm gương về thực hiện pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của Đảng. Hồ Chí Minh yêu cầu phải sử dụng pháp luật làm vũ khí sắc bén để trừng trị những kẻ phạm tội, để trấn áp kẻ thù, dù kẻ đó là ai, hiện đang nắm giữ chức vụ gì. Trong Quốc lệnh năm 1946 do Người ký lệnh ban hành, ghi rõ 10 điều phải xử tử nếu: Thông với giặc, phản quốc; trái quân lệnh; ra trận tự ý rút lui; tự ý phá hoại giao thông; phá hoại quân khí; để cho bộ đội hại dân; vô cơ sát hại kiều dân ngoại quốc; trộm cắp của công; hãm hiếp, cướp bóc; can tội bắt cóc, ám sát(1). Trong “phép trị nước” của Hồ Chí Minh, “đức trị”, “nhân trị” và “pháp trị” đều có vị trí quan trọng và được kết hợp chặt chẽ, thống nhất.
Xây dựng một chính quyền Nhà nước mạnh và sáng suốt là tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh; được đúc kết và thể hiện rất rõ trong Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 do Người trực tiếp chỉ đạo xây dựng. Bộ máy Nhà nước của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hướng vào các tiêu chuẩn: Có một chính sách bầu cử phổ thông đầu phiếu trên cơ sở của tự do ứng cử và bầu cử. Xác lập một Quốc hội lập hiến và lập pháp rộng rãi, đại diện cho tiếng nói của quốc dân; một bộ máy nhà nước được phân công rành mạch và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận, nhất là ở cấp Trung ương; một hệ thống chính quyền nhân dân địa phương và tính độc lập của Hội đồng nhân dân và bộ máy hành chính, đứng đầu là Chính phủ; một nền hành chính mạnh, tập trung, vô tư và khách quan, hết lòng phục vụ nhân dân; một nền tư pháp với nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán, thực hiện công bằng và bình đẳng xã hội; một cơ chế kiểm soát quyền lực có hiệu quả trong xét xử do nhân dân thực hiện.
Xây dựng nhà nước do nhân dân lao động là chủ, làm chủlà quan điểm nhất quán, xuyên suốt tư tưởng của Người. Với luận điểm: Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam; “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Hồ Chí Minh đã nêu mệnh đề “dân là chủ Nhà nước”. Theo đó, Người đã sử dụng nhiều lần mệnh đề trên với nhiều chủ đích, thông qua nhiều cách diễn đạt như: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ...”; “Trong Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân...”; “Chế độ của ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ...”; “Nhà nước ta ngày nay là của tất cả những người lao động”(2).
Định nghĩa của Hồ Chí Minh: “dân chủ là dân là chủ, dân làm chủ” rất súc tích, ngắn gọn, mang tầm khái quát cao, phản ánh quá trình phát triển tư tưởng tiến bộ của loài người về vấn đề dân chủ. Theo Người, trong nhà nước dân chủ, nhân dân là người có địa vị cao nhất. Vận dụng quan niệm Nho giáo “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “Trong bầu trời không gì quí bằng nhân dân”.Chỉ có nhân dân, do địa vị tối cao của mình, mới có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của quốc gia dân tộc và đất nước; chỉ có nhân dân mới trở thành chỗ dựa vững chắc của Nhà nước. Người rất tâm đắc với quan niệm của cha ông: “Lật thuyền là dân mà chở thuyền cũng là dân” và quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin “quần chúng nhân dân là động lực chủ yếu của mọi tiến trình lịch sử”, Người khẳng định: “Nhân nghĩa là nhân dân... Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.Người thấy rất rõ vai trò của Nhà nước và sức mạnh của lực lượng nhân dân trong mối quan hệ giữa nhân dân và Nhà nước. Người cho rằng: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không có lực lượng, nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên, Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối”(3).
Chân lý đó được Hồ Chí Minh khẳng định và diễn đạt một cách hết sức đơn giản nhưng sâu sắc: Gốc có vững cây mới bền; xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân. Sự thành bại của cách mạng, sức mạnh của Nhà nước đều gắn với vai trò của quần chúng nhân dân lao động. Trong mọi vấn đề cách mạng, nếu có dân là có tất cả, ngược lại, không có dân thì thất bại trong tầm tay, bày đặt ra trước mắt.
Nhà nước do nhân dân, theo Hồ Chí Minh là trong Nhà nước, “chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”(4). Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nhân dân phải tham gia vào công việc của Nhà nước. Dân tự làm, tự lo, tự kiểm soát thông qua các mối quan hệ xã hội, qua các đoàn thể, các hội quần chúng, chứ không phải nhà nước bao cấp, lo thay, làm thay cho dân.Nhà nước tin dân, dân tin Nhà nước thì việc gì cũng làm được. Người cho rằng,“dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Dân là chủ, còn cán bộ công chức, người cầm quyền chỉ là người được ủy quyền, là công bộc của dân, thay mặt dân giải quyết các công việc chung của đất nước. Người lưu ý rằng, xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân phải theo đúng phương châm: “...Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”(5).
Để giải thích rõ mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, Hồ Chí Minh tự đặt câu hỏi “Chính phủ cộng hòa dân chủ là gì?” và trả lời: “Là đầy tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ là đầy tớ.Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài.Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ.Nhưng dân dùng đầy tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi”(6). Hoặc: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch Nước đều là sự phân công làm đầy tớ cho dân”. Hoặc “Chế độ của ta là chế độ dân chủ.Nhân dân là chủ. Chính phủ là đầy tớ của nhân dân”.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền làm chủ nhà nước của nhân dân có nội dung rất rộng với một cơ chế thực hiện nghiêm ngặt và được cụ thể hóa trong các điều luật. Trước hết, nhân dân làm chủ nhà nước thông qua việc tổ chức, xây dựng nên các cơ quan nhà nước bằng con đường tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu, trực tiếp, bỏ phiếu kín. “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là người công dân thì đều có quyền đi bầu cử... Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thực sự là Chính phủ của nhân dân”(7).
Với tư cách là một nội dung làm chủ nhà nước của nhân dân, quyền bầu cử được ghi rõ trong Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 do Hồ Chí Minh chỉ đạo soạn thảo và ban hành. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền lực tối cao của nhân dân không chỉ thể hiện ở việc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp mà còn ở quyền bãi miễn họ, kiểm soát, giám sát hoạt động của các đại biểu. “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(8).
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân và vì dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền kiểu mới ở Việt Nam. Các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992 đều thể hiện rõ điều đó và nó là một đóng góp lý luận quan trọng vào phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về nhà nước và pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 hiện nay phải quán triệt và thấm nhuần sâu sắc điều đó.
2. Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (từ năm 1976 gọi là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là một tất yếu lịch sử, sản phẩm của sự phát triển chín muồi của các điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan. Nhà nước gắn bó chặt chẽ với nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân. Chính quyền từ trung ương đến cấp xã đều do nhân dân cử ra, thay mặt nhân dân chăm lo xây dựng cuộc sống ấm no, tư do, hanh phúc cho nhân dân. Vì lẽ đó, Nhà nước ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Năm 1976, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được Quốc hội nhất trí đổi tên thành Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; được xây dựng và phát triển theo phương hướng và nội dung nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhà nước ta mang bản chất giai cấp công nhân.
Đó là điểm khác biệt căn bản nhất giữa Nhà nước ta với các loại hình nhà nước khác có trong lịch sử. Trong đó, bản chất giai cấp công nhân giữ vị trí cốt lõi, là hạt nhân chính trị trong các nhân tố cấu thành bản chất của Nhà nước ta; cho nên trong bất luận điều kiện hoàn cảnh nào, giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề có tính quy luật của quá trình xây dựng và bảo vệ Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” là một trong những vấn đề mấu chốt, căn bản nhất của xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân theo tư tương Hồ Chí Minh. Vì vậy, Người luôn coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Người khẳng định: Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 80 năm qua đã khẳng định vị trí, vai trò vô cùng to lớn của cán bộ: nếu có cán bộ tốt, cán bộ ngang tầm, có tâm, có tuệ thì việc xây dựng đường lối, chính sách sẽ đúng đắn và là điều kiện tiên quyết để đưa sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi. Không có đội ngũ cán bộ tốt thì dù có đường lối, chính sách đúng cũng khó có thể biến thành hiện thực được. Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với sinh mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng.
Hiện nay, trong đội ngũ cán bộ, xét cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, bên cạnh những mặt tốt là cơ bản, vẫn còn một số mặt hạn chế, bất cập, chưa ngang tầm với những yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI đã chỉ ra rằng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; mơ hồ về nhận thức, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản; đặc biệt là tình trạng tham nhũng, lãng phí, tệ quan liêu..., chưa được khắc phục; trở thành căn bệnh “nan y” khó chữa, thậm chí là vấn đề “quốc nạn” không thể xem thường. Tình hình trên đã và đang gây tác hại rất lớn đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, gây bất bình trong các tầng lớp nhân dân, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước. Vì vậy, một trong những khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đến sự thành công hay thất bại của sự nghiệp cách mạng nước ta trong thời kỳ mới là quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu, sự ngưỡng mộ, tôn vinh của nhân dân; trong đó đặt trọng tâm vào công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ công chức nhà nước vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Đây cũng là điểm mấu chốt, khâu quyết định để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thật sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ công chức nhà nước, đặc biệt là đối với những người có chức, có quyền, những người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải có tâm, có tầm, có tuệ. Nói cách khác, phải có đức, có tài, trong đó đạo đức luôn là gốc, là tiêu chuẩn số một, tài năng là rất quan trọng. Trong điều kiện hiện nay, tăng cường và đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng theo tinh thần Hội nghị Trung ương 7, khóa XI có ý nghĩa sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn. Bởi vì, sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, có nhân dân là có tất cả. Vì lẽ đó, Đảng ta luôn luôn nhấn mạnh yêu cầu giữ vững và tăng cường mối quan hệ máu thị giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân; xây dựng cho được thế trận lòng dân. Đó là cơ sở vững chắc nhất để tạo ra sức mạnh tổng hợp từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là “chìa khóa” để đi đến thành công, thực hiện tốt mục tiêu: dân giàu, nước mạnh,.dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, mỗi cán bộ công chức, đảng viên phải ra sức học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nêu gương sáng về phẩm chất, năng lực, về lối sống trong sạch, lành mạnh; không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; không lạm dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích riêng cho cá nhân và gia đình, người thân. Đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên thể hiện đầy đủ và sâu sắc trong thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở, căn dặn chúng ta.
“Tài” trong nhân cách người cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng là rất cần, bao hàm ý nghĩa sâu rộng, có thể đề cập dưới rất nhiều góc độ khác nhau. Song dù dưới hình thức nào thì “tài” phải gắn chặt với “đức”, được thể hiện rõ ở năng lực tổ chức thực tiễn, năng lực ra quyết định quản lý, điều hành kịp thời, chính xác và hiệu quả; là khả năng tư duy độc lập sáng tạo, tự chủ, bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng; có hàm lượng trí tuệ cao, có tính quyết đoán khi ra quyết định; dự báo, dự đoán chính xác các tình huống có thể xảy ra; khả năng khai thác, phân tích, xử lý thông tin tốt và sức cảm hóa, quy phục, đoàn kết nhân dân, tổ chức họ thành một khối đoàn kết, thống nhất, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đổi mới, trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý, kết hợp các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển; thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý theo quy hoạch ở các ngành và địa phương; cán bộ chủ chốt từ cấp phường, xã trở lên giữ một chức vụ lãnh đạo ở đơn vị không quá hai nhiệm kỳ liên tục; khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín trong đơn vị, ngành và địa phương. Cho nên, đổi mới và làm lại công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bố trí, sử dụng, đãi ngộ, luân chuyển, v.v..., có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong điều kiện hiện nay, việc tìm kiếm nhân tài cho đất nước nên làm theo tư tưởng của Bác Hồ là “hỏi nhân dân”, “tìm trong nhân dân”, nhất định nhân dân sẽ chỉ cho. Một trong những vấn đề có tính nguyên tắc là không đề cử những cán bộ, đảng viên có biểu hiện tham nhũng, quan liêu, lãng phí, làm sai nguyên tắc đảng mà trái lại, phải tìm, phát hiện được người tiêu biểu về sự trong sáng, tuyệt đối trung thành lới sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của nhân dân ta, có phẩm chất, năng lực tốt; có đức, có tài. Phải coi đây là một trong những biện pháp quan trọng nhất hiện nay để góp phần xây dựng Nhà nước ta thật sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đúng như điều Bác Hồ mong muốn./.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1995, t.4, tr. 163-164.
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.310.
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.56.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, t.5, tr.698.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, t.4, tr.56.
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.60.
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, tập 4, tr.133.
(8) Hồ Chí Minh:Sđd, tập 5, tr.60.
Tác giả: Đại tá, PGS, TS Nguyễn Bá Dương -
Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng
Nguồn: Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng
Thu Phương (st)