Trong lịch sử quan hệ quốc tế giữa các nước trên thế giới, hoạt động ngoại giao được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng quy tụ lại thành hai loại chính là ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân. Khái niệm ngoại giao nhân dân là một khái niệm mở, mọi tổ chức và cá nhân đều có thể là chủ thể của hình thức ngoại giao này. Nếu ngoại giao nhà nước là mối quan hệ giữa chính phủ với chính phủ của các nước có chủ quyền, giữa các nhà lãnh đạo của các nước. Các quan chức làm việc trong các đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của một nước ở nước ngoài là những người đại diện cho chính phủ ở nước sở tại, thì ngoại giao nhân dân là một hình thức hoạt động quan hệ đối ngoại do các tổ chức, các đoàn thể, quần chúng, các tổ chức chính trị xã hội, các hội nghề nghiệp, đoàn thể nhân dân hoặc cá nhân thuộc nhiều lĩnh vực tiến hành, không mang tính chất chính thức của Chính phủ. Ngoại giao nhân dân có nhiều hình thức phong phú: gặp gỡ, các cuộc đi thăm, trao đổi ý kiến… Ngoại giao nhân dân là lực lượng quan trọng của mặt trận ngoại giao và ưu thế của ngoại giao nhân dân là có thể đi đầu, có thể đi trước tại những nước, những khu vực và về một số vấn đề mà ngoại giao chính thức của nhà nước chưa có điều kiện triển khai, hoặc góp phần củng cố, tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa các nước với nhau. Lợi thế của ngoại giao nhân dân là có tiếng nói và được tiến hành với nhiều đối tượng rộng rãi mà công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước không hoặc chưa có điều kiện thuận lợi để thực hiện.
Nhận thức sâu sắc vai trò của ngoại giao nhân dân đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm từ rất sớm và coi là một lực lượng quan trọng trên mặt trận đối ngoại của Đảng, Chính phủ Việt Nam, bởi vì theo Người: “Ngoại giao không chỉ là việc riêng của các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán là những cơ quan chuyên môn phụ trách, mà còn là các tổ chức khác như ngoại thương, văn hóa, thanh niên, phụ nữ, công đoàn cũng đều làm ngoại giao cả”(1). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đối ngoại là công việc chung của toàn Đảng, toàn dân, nên mỗi người dân Việt Nam đều có vinh dự và trách nhiệm là đại diện cho dân tộc mình trước bạn bè thế giới. Hồ Chí Minh chủ trương đối ngoại rộng mở, mở rộng lực lượng theo phương châm “thêm bạn, bớt thù”, tránh đối đầu “không gây thù oán với một ai”, tìm ra những điểm tương đồng, khai thác mọi khả năng có thể nhằm tập hợp lực lượng, hình thành mặt trận đoàn kết ủng hộ Việt Nam theo nhiều tầng, nhiều nấc. Người từng nói: Đường lối tấn công vào lòng người, chinh phục bằng đạo lý, chuyển hóa bằng nhân tình, thuyết phục lòng người để nhân lên sức mạnh của chính nghĩa. Như vậy, với Hồ Chí Minh, ngoại giao không chỉ là sự nghiệp của toàn dân, mà còn phải lôi kéo, thuyết phục bằng chính nghĩa để nhân dân và bạn bè thế giới ủng hộ, giúp đỡ mình. Ngoại giao nhân dân có vai trò quan trọng đối với việc đa phương, đa dạng hóa mối quan hệ quốc tế; thân thiện quan hệ hợp tác với các tổ chức nhân dân, tổ chức phi chính phủ các nước trên thế giới, là cơ sở cho sự thắng lợi của ngoại giao Nhà nước. Ngoại giao nhân dân của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới trong công cuộc chống lại kẻ thù chung vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Có thể nói rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao nhân dân được hình thành trên cơ sở những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc, trong đó đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa, nhân văn trong tư tưởng ngoại giao của cha ông ta và yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam đòi hỏi phải có một phương pháp ứng xử khéo léo để không những đoàn kết nhân dân trong nước, mà còn có thể tập hợp các lực lượng bên ngoài hỗ trợ tích cực cho ta. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành độc lập cho dân tộc, bên cạnh ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân đã góp phần to lớn, phát huy sức mạnh một cách hiệu quả. Với nhiều hình thức sáng tạo và năng động, ngoại giao nhân dân góp phần tranh thủ dư luận thế giới, làm rõ thiện chí hoà bình của Việt Nam và giành được sự ủng hộ to lớn của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Mỹ. Có thể nói trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam chưa bao giờ nhân dân Việt Nam lại được nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Tư tưởng ngoại giao nhân dân của Hồ Chí Minh được thể hiện sâu sắc trong các mối quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới, Người rất chú trọng tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng, xử lý đúng đắn quan hệ với các nước lớn, phấn đấu mở rộng quan hệ quốc tế của Việt Nam theo hướng đa dạng hóa: Nước Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với một ai, khẳng định nhân dân Việt Nam luôn rộng mở chào đón nhân dân các nước trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, một nước láng giềng gần gũi, "núi liền núi, sông liền sông", vừa là đồng chí vừa là anh em với Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, nhân dân Trung Quốc đã luôn ủng hộ về vật chất và tinh thần, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam. Để có được sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc đối với Việt Nam, bên cạnh những thành quả của ngoại giao nhà nước, phải kể đến những đóng góp của ngoại giao nhân dân làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau và tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hai nhà nước và nhân dân hai nước.
Hồ Chí Minh đã đặt nền móng và luôn vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và cũng chính Người là nhà ngoại giao nhân dân tiêu biểu xây đắp, củng cố và làm sâu sắc mối quan hệ giữa hai nhà nước và nhân dân hai nước Viêt - Trung. Trong giai đoạn 1954-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Trung Quốc chính thức và không chính thức 32 lần. Trong những chuyến thăm Trung Quốc với tư cách là một nguyên thủ quốc gia, một chính khách ngoại giao, bên cạnh những buổi gặp gỡ tiếp xúc, hội đàm với các đồng chí lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, Hồ Chí Minh luôn dành thời gian và bố trí chương trình để thăm các địa phương, nông trường, nhà máy, các nhà trẻ, trường học và tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân Trung Quốc, từ các trí thức, những người nông dân đến các cháu thiếu niên nhi đồng ở các địa phương. Bỏ qua các nghi thức ngoại giao, Người đến với những người dân Trung Quốc với sự bình dị, gần gũi, thân thiện, chân thành và đã để lại những hình ảnh, tình cảm tốt đẹp trong các tầng lớp nhân dân Trung Quốc. Cũng từ những chuyến thăm đó, Người đã giúp cho các tầng lớp nhân dân Trung Quốc hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam và góp phần tăng cường ủng hộ, giúp đỡ và làm sâu sắc tình hữu nghị của nhân dân Trung Quốc đối với đất nước Việt Nam.
Bên cạnh những chuyến thăm cấp cao của Đảng và Nhà nước đến Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến các chuyến thăm, giao lưu, hữu nghị của các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể nước ta đến đất nước Trung Quốc. Người cho rằng những chuyến thăm là một trong những kênh ngoại giao nhân dân quan trọng góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, củng cố tình hữu nghị giữa hai đất nước. Trước các chuyến thăm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đến động viên, căn dặn các thành viên trong đoàn, hoặc gửi thư thăm hỏi. Trong bức thư gửi Đoàn văn công của Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân, Bác viết: “Được tin các cháu đi biểu diễn ở Trung Quốc anh em, Bác gửi mấy lời khuyên các cháu: Đoàn kết nội bộ, đoàn kết với anh em Trung Quốc. giữ gìn tốt kỷ luật. Cố gắng biểu diễn tốt. Cố gắng học hỏi các đồng chí Trung Quốc, nhờ các đồng chí Trung Quốc thẳng thắn phê bình để không ngừng tiến bộ”(2) .
Mặc dù bận trăm công ngàn việc trên cương vị là Chủ tịch Nước, Chủ tịch Đảng, Hồ Chí Minh luôn dành thời gian để tiếp đón các đoàn khách Trung Quốc đến thăm Việt Nam. Từ năm 1954 đến năm 1969 Người đã đón tiếp 119 đoàn, không phải là các lãnh đạo cấp cao, cũng không phải là chính khách, mà là các đoàn khách đến với tư cách cá nhân hoặc đến từ các tổ chức, đoàn thể, các hội nghề nghiệp…, họ là những trí thức, công nhân, các vận động viên thể thao, các văn nghệ sĩ, các cháu thiếu niên, nhi đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các đoàn khách đến từ Trung Quốc những tình cảm chân thành, khi Người tiếp khách tại Phủ Chủ tịch, lúc ở giàn hoa, có khi trong ngôi nhà sàn đơn sơ hoặc bên bờ ao cá. Sự gần gũi, hiếu khách của vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam dành cho đoàn khách đến từ Trung Quốc đã có sức lan tỏa rất lớn đối với các tầng lớp nhân dân Trung Quốc. Khi trở về đất nước họ chính là những sứ giả hòa bình chắp cánh cho tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước và nhân dân hai nước.
Trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có những diễn biến phức tạp do các nhà cầm quyền Trung Quốc gây nên, với các hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích của ta ở Biển Đông. Những hành động của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; vi phạm thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Đăc biệt là ngày 01/5/2014, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa Việt Nam, nằm sâu trong vùng 200 hải lý thuộc đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Sự xâm phạm chủ quyền này được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong quan hệ Việt - Trung hơn hai chục năm qua.
Mặc dầu những hành động trên đang tâm phá hoại tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, nhưng nhân dân Việt Nam rất quý trọng và luôn luôn giữ gìn, vun đắp cho mối tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc. Đối với những vấn đề bất đồng về quan điểm hoặc những hành động sai trái do những người lãnh đạo Trung Quốc gây ra đối với Việt Nam, phía Việt Nam đã cố gắng và bền bỉ tìm cách giải quyết bằng con đường hòa bình giữa hai bên. Nhân dân Việt Nam mong muốn tình hữu nghị anh em giữa nhân dân hai nước sớm được khôi phục.
Để duy trì, củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay, bên cạnh tăng cường hơn nữa các hoạt động đối ngoại của Nhà nước, Chính phủ với sự tiếp xúc giữa các lãnh đạo hai nước, cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông, hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế, chúng ta cần tiếp tục tăng cường ngoại giao nhân dân lấy nòng cốt là các đoàn thể trong Mặt trận như công đoàn, thanh niên, phụ nữ, các tổ chức chính trị xã hội, các hội nghề nghiệp,... tham dự các hội nghị quốc tế, thăm và giao lưu với các nước, đặc biệt là Trung Quốc để tuyên truyền giải thích làm cho nhân dân Trung Quốc, dư luận thế giới thấy rõ về mục đích giữ gìn hòa bình, tránh để xảy ra xung đột, tuân thủ luật pháp quốc tế của Việt Nam trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo, từ đó tranh thủ sự đồng tình ủng hộ nhân dân Trung Quốc và dư luận thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam và mong muốn củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Có thể khẳng định, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh mang tính nhân dân sâu sắc, phù hợp với khát vọng hòa bình, tự do, công lý của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đó còn là cơ sở để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới và thực hiện phương pháp ngoại giao “tâm công”, nhằm tuyên truyền cái chính nghĩa của ta trong nhân dân các nước đối phương, trong nhân dân thế giới. Cùng với thời gian, những giá trị tư tưởng của Hồ Chí Minh về ngoại giao nhân dân vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, đặc biệt là việc giải quyết những vấn đề phức tạp trong mối quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là vận dụng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay.
Chú thích:
(1). Nguyễn Dy Niên - Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Nxb CTQG, H, 2002, tr.169
(2) Thư của Bác Hồ gửi Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị QĐND, ngày 11/5/1964(Tư liệu tại Phòng Truyền thống Đoàn Ca múa nhạc Quân đội)
Th.s Nguyễn Anh Minh
PGĐ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chi Minh tại Phủ Chủ tịch
Theo http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/
Huyền Trang (st)