Trong xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Ba mặt xây dựng Đảng này tạo thành thế vững chắc; là cơ sở lý luận và thực tiễn của Đảng, dẫn đến thành công...

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi vấn đề xây dựng Đảng là sự nghiệp của cả cuộc đời; người cán bộ, đảng viên không lúc nào được xa rời sự nghiệp đó. Trong xây dựng Đảng, Người luôn nhấn mạnh đến xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Ba mặt xây dựng Đảng này tạo thành thế vững chắc, là cơ sở lý luận và thực tiễn của Đảng, dẫn đến thành công

Sự nghiệp của cả cuộc đời   

86 năm đã qua (1930-2016) kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đây là đường lối nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập đến nay. Đường lối này mang ý nghĩa khoa học và ý nghĩa chính trị sâu sắc, trở thành khoa học chính trị của Đảng. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức, lãnh đạo và rèn luyện, vẫn vững vàng tiến lên, mặc dù có những giai đoạn Đảng gặp “sóng to, gió lớn”. Mấu chốt thành công trong sự lãnh đạo của Đảng là Đảng một lòng một dạ gắn bó với nhân dân, trung thành với những lợi ích cơ bản của nhân dân, với nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Khi xây dựng một đảng chính trị, các nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học lưu ý là đảng chính trị bao giờ cũng phải theo đuổi mục đích chính trị đến cùng, đó là ý thức hệ của Đảng. Đảng cố gắng giành ảnh hưởng lãnh đạo đối với đời sống chính trị và tổ chức xã hội; ra sức giành và giữ vững chính quyền, không có sự chuệch choạc trong hoạt động của chính quyền để thực hiện đường lối của Đảng.

9 CTHCM voi su nghiep xay dung Dang  phan 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong hang đá tại Việt Bắc, năm 1951. Ảnh tư liệu

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi vấn đề xây dựng Đảng là sự nghiệp của cả cuộc đời, người cán bộ, đảng viên không lúc nào được xa rời sự nghiệp đó.

Trong xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Ba mặt xây dựng Đảng này tạo thành thế vững chắc; là cơ sở lý luận và thực tiễn của Đảng, dẫn đến thành công. Theo Người, muốn xây dựng Đảng tốt, thì phải có người lãnh đạo tốt, người có khả năng tổ chức tốt. Có lần, Người được mời đến nói chuyện với một lớp học bồi dưỡng cán bộ tuyên huấn. Vào đề, Người không "lên lớp" ngay, mà hỏi một cán bộ dự học ngồi ở hàng ghế đầu:

- Chú phát biểu xem thế nào là người lãnh đạo tốt?

- Thưa Bác, người lãnh đạo tốt là người biết tổ chức công việc tốt.

- Chú nói đúng, nhưng cụ thể ra sao?

- Thưa Bác, cụ thể là người lãnh đạo đó phải biết vận dụng sáng tạo chính sách vào trong thực tế ở cơ quan, đơn vị của mình.

Người gật đầu và nói luôn:

- Người lãnh đạo tốt là người biết liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng và người đó, biết liên hợp người lãnh đạo với quần chúng. Như việc chỉnh đốn Đảng, ngoài những kế hoạch chung, mỗi cơ quan chính quyền, mỗi đơn vị bộ đội phải chọn vài ba bộ phận trong cơ quan chính quyền, đơn vị bộ đội, nghiên cứu rõ ràng và xem xét kỹ lưỡng sự phát triển trong những bộ phận đó. Đồng thời, trong vài ba bộ phận, người lãnh đạo lại chọn năm, ba cán bộ, chiến sĩ kiểu mẫu, nghiên cứu kỹ lưỡng lịch sử của họ, kinh nghiệm, tư tưởng, tính nết của họ, sự học tập và công tác của họ để nhân điển hình. Người lãnh đạo phải tự mình chỉ đạo những người phụ trách trong bộ phận đó, giúp họ giải quyết những vấn đề thực tế để rút kinh nghiệm. Đây là kinh nghiệm vừa lãnh đạo, vừa học tập. Áp dụng kinh nghiệm này, nhất định sẽ trở thành người lãnh đạo tốt.

Bác Hồ cũng chỉ ra rằng, bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: Hạng hăng hái; hạng vừa vừa (ở giữa) và hạng kém. Mà trong ba hạng đó, hạng vừa vừa là nhiều hơn cả; hạng hăng hái và hạng kém ít hơn. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với người lãnh đạo là phải biểu dương hạng hăng hái, nâng hạng vừa vừa lên hạng hăng hái và nâng hạng kém thành hạng vừa vừa.

Gắn kết giữa lý luận và thực tiễn

Trong xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn. Người nói: "Từ trước tới nay, Đảng ta đã cố gắng liên hệ chặt chẽ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin với thực tế cách mạng Việt Nam"(1). Ở đây, xét cả về lý luận lẫn thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý cán bộ, đảng viên của Đảng không được bóc tách Chủ nghĩa Mác - Lê-nin ra khỏi đời sống chính trị thực tiễn của Việt Nam. Vấn đề là phải phát triển Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nếu bóc tách Chủ nghĩa Mác - Lê-nin thành một mảng riêng sẽ dẫn đến lý luận chay; còn nếu bóc tách thực tiễn của cách mạng Việt Nam thành một mảng riêng sẽ dẫn đến thực tiễn chay. Vì vậy, mấu chốt của cách mạng Việt Nam là gắn bó giữa lý luận và thực tiễn. Xa rời Chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong lúc này là mất phương hướng, nhưng nếu chỉ minh họa Chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong lúc này là sẽ phạm sai lầm về chỉ đạo thực tiễn. Nhiều lần, Người nhấn mạnh lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông.

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một khoa học - khoa học chính trị-tư tưởng-xã hội, nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Với Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh được vận dụng vào Việt Nam bao giờ cũng là dân tộc gắn với giai cấp, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, dân tộc gắn với thời đại. Chúng ta tiếp thu những tinh túy của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đồng thời cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Đây là tư duy đổi mới, phù hợp với xu thế phát triển của dân tộc và xu thế phát triển của thời đại.

Giữa lý luận và thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nó trong một tổng thể thống nhất gắn bó; cái này không tồn tại nếu không có cái kia và hai cái luôn luôn tác động lẫn nhau, nhưng cơ sở của tác động qua lại này là thực tiễn. Người rất coi trọng hoạt động thực tiễn.

Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại một câu chuyện: Trên đường đi chiến dịch, Người dừng chân ngồi nghỉ bên đường. Tại đây, Người gặp một cán bộ tên là L ở địa phương lên Trung ương (Việt Bắc) họp, cũng dừng chân nghỉ tại đó.

Người hỏi L:

- Mùa màng năm nay thế nào?

L trả lời:

- Việc đó tôi đã động viên nhân dân rồi.

Người hỏi tiếp:

- Rồi sao nữa?

L trả lời:

- Công tác xem chừng khá.

Người lại hỏi:

- Rồi sao nữa?

L trả lời:

- Chắc là có tiến bộ.

Người sốt ruột trước những câu trả lời vu vơ của cán bộ L, nên lại hỏi tiếp:

- Nói tóm lại là địa phương của đồng chí đã cày cấy được bao nhiêu mẫu?

L trả lời:

- Ở vùng chúng tôi, cày cấy hiện nay chưa đâu ra đâu cả.

Người lắc đầu và nói với những người cùng đi: "Trong Đảng ta, có một số người như thế. Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được. Những người như thế cũng không thể dùng vào công việc thực tế"(2).

Sửa đổi lối làm việc

Trong xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, giai đoạn cách mạng này không giống với giai đoạn của cách mạng trước. Mỗi giai đoạn cách mạng đều có những nét phổ biến và những nét đặc thù. Vì vậy, mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng phải luôn luôn biết nhìn lại mình một cách nghiêm túc nhất. Người kêu gọi: "Phải sửa đổi lối làm việc của Đảng"(3). Đó là việc làm nghiêm túc và cũng là cấp bách nhất trong công tác xây dựng Đảng hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Sửa đổi lối làm việc của Đảng, trước hết, ở sự đổi mới tư duy, tiếp đó là sửa đổi đường lối, chính sách nào không còn phù hợp, ở khâu tổ chức thực hiện, ở việc cải tiến quy trình công tác, soạn thảo nghị quyết, báo cáo, công văn, giấy tờ, ở tác phong công tác của cán bộ, đảng viên, ở việc làm của mỗi cán bộ, đảng viên. Người nói rằng, Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, công việc đã có kết quả tốt đẹp. Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn thì thành tích của Đảng còn lớn hơn nữa. "Cán bộ, đảng viên làm việc không đúng, không khéo, thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Khuyết điểm ít thì thành tích nhiều"(4). Vì vậy, Người yêu cầu: "Ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công"(5). Người cho rằng, nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, thì cũng như giấu giếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng. Theo Người, khuyết điểm có nhiều thứ, nhưng nổi lên có ba hạng: Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan; khuyết điểm về quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi; khuyết điểm về cách nói, cách viết, tức là bệnh ba hoa. Người cán bộ, đảng viên phải kiên quyết chữa cho được ba chứng bệnh ấy để cho Đảng khỏe lên, cho mỗi cán bộ, đảng viên mạnh lên, và như vậy, toàn Đảng, toàn dân sẽ mạnh lên.

Có lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi một cán bộ:

- Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, thì phải làm gì?

Người cán bộ đó nói:

- Thưa Bác, chỉ có cách là từng người một, phải tự giác chữa căn bệnh đó.

Người lại hỏi:

- Còn gì nữa?

- Thưa Bác, phải thường xuyên phê bình và tự phê bình.

- Còn gì nữa?

- Thưa Bác, phải tăng cường kiểm soát.

Người gật đầu:

- Chú nói đúng. Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo bao nhiêu, khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm soát khéo về sau khuyết điểm nhất định sẽ bớt đi. Theo Người, muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: Một là, kiểm soát phải có hệ thống, phải làm thường xuyên; cố nhiên, không phải ngồi trong phòng giấy mà kiểm soát, kiểm soát qua báo cáo gửi lên, mà phải đi tận nơi, xem tận chỗ. Hai là, người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín.

 PGS, TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG, Nguyên Phó viện trưởng
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 676.

(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, tr. 326, 327.

(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 272.

(4,5) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, sđd, tr. 273.

(Còn nữa)
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân
Thu Phương (ST)

Bài viết khác: