5 van hoa dao duc nhan van
Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch (Ảnh: Website Cục Di sản Việt Nam)

  Văn hóa đạo đức nhân văn là những giá trị và tính chất tốt đẹp thuộc về văn hóa đạo đức và được hiểu như những chuẩn mực để quy định thái độ mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với tự nhiên và môi trường xung quanh, biểu hiện qua sự tôn trọng và yêu thương con người, thừa nhận quyền phát triển và nhu cầu hạnh phúc gắn liền với sự quan tâm, sự bao dung của mỗi con người. Văn hóa đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh là tổng thể những biểu hiện giá trị đạo đức nhân văn của Người, được thể hiện qua sự tích hợp và vượt trội của những chuẩn mực ý thức, đạo đức, hành vi, nhân cách, phẩm chất. Nó tiêu biểu cho những giá trị văn hoá đạo đức nhân văn của dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh coi đạo đức là nền tảng của mọi hoạt động của đời sống xã hội, là cơ sở hình thành nhân cách ở mỗi con người. Văn hoá đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh được biểu hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau trong di sản tư tưởng đạo đức của Người để lại.

  Một trong những nét nổi bật nhất và xuyên suốt trong văn hóa đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh đó là tình thương yêu con người. Đây là yếu tố cơ bản nhất tạo nên giá trị văn hóa đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh. Đồng chí Phạm Văn Đồng khẳng định: “Hồ Chí Minh là hiện thân của chủ nghĩa nhân văn theo ý nghĩa đầy đủ. Đó là con người yêu thương, kính trọng, tin tưởng, biết đòi hỏi và nâng đỡ con người. Đối với từng người cũng như đối với đông đảo nhân dân lao động, quan tâm đến số phận của mọi người, dù cho đó hôm qua là kẻ thù hoặc người lầm đường lạc lối nay hối cải”(1). Suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành tâm trí, sức lực, tình cảm để thực hiện mục đích đem lại độc lập, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Tình thương yêu con người đã thôi thúc Người đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước để giải phóng con người thoát khỏi áp bức bót lột, lầm than nô lệ.Tư tưởng trong suốt hành trình của cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngoài mục đích cao cả: Tất cả vì hạnh phúc con người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(2).   

Những tháng năm Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch (1954-1969), tấm lòng nhân ái bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được phản ánh sâu sắc ở sự quan tâm và sẻ chia đối với từng con người: Lo toan trước hết cho những con người ở vị trí chiến đấu gian khổ nhất, chia sẻ đau buồn, cảm thông với những người mất mát, hy sinh; khoan dung độ lượng với những người lầm lỗi, khuyết điểm, nay thành thật hối cải; thuyết phục những người do dự, phân vân; trân trọng các cháu thiếu nhi; sống chan hoà, gần gũi với những người giúp việc quanh mình. Tình thương yêu con người ở Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là lòng thương hại, cũng không phải là lòng trắc ẩn mà là sự đồng cảm sâu sắc của những người cùng cảnh ngộ, những đau khổ, hy sinh của đồng bào.

Những tháng năm Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch là những tháng năm đất nước bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc, đồng bào miền Nam chịu nhiều mất mát, hy sinh bởi sự tàn sát dã man của đế quốc Mỹ xâm lược. Người luôn hướng về đồng bào, chiến sỹ miền Nam với tình thương yêu sâu nặng: “Một ngày miền Nam chưa được giải phóng là ngày đó tôi ăn không ngon ngủ không yên”; “ở miền Nam mỗi người, mỗi gia đình đều có những nỗi đau khổ riêng và gộp lại tất cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”(3). Tình thương yêu con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự chăm sóc, lo lắng đối với đồng bào, đồng chí, các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng, các chiến sỹ ngoài mặt trận. Người dành trọn số tiền tiết kiệm của mình mua nước giải khát cho bộ đội phòng không uống. Người chia quà cho các cháu thiếu nhi mỗi Tết Trung thu, Ngày Quốc tế thiếu nhi. Mỗi khi có gió mùa Đông Bắc về, Người nhắc nhở chống rét cho các em nhỏ, cụ già. Người quan tâm đến những ngày giáp hạt của nông dân, thấu hiểu nỗi vất và khó nhọc của những người lao động và tìm mọi cách để góp phần cho cuộc sống người dân bớt đi phần vất vả: Một đêm đông giá rét nghe thấy tiếng chổi tre quét rác, thương sự vất vả của những người lao công quét đường. Người đề nghị các cấp cấp các ngành phải quan tâm và có chế độ bảo hộ lao động cho những người làm công việc vất vả này. Nhân một chuyến thăm Trung Quốc, Người đã xin một loại cây mùa đông ít rụng lá về trồng trong vườn Phủ Chủ tịch, với mong muốn nhân giống trồng trên các đô thị để bớt đi nỗi khó nhọc cho những người lao công quét đường. Một lần khác, khi thăm nước bạn thấy một loại cây có thể quả ép dầu để ăn, nghĩ đến đồng bào ta còn thiếu thốn khó khăn Bác đã xin cây đó về trồng với điều mong muốn giản dị để cho nhân dân bớt khó khăn phần nào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần gũi với cuộc sống của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến và nguyện vọng của dân. Khi có điều kiện và thời gian Người thường đi thực tế xuống các cơ sở thăm hỏi động viên nhân dân. Bác muốn hiểu tâm tư tình cảm của đồng bào, đồng chí và muốn biết cuộc sống của người dân. Trong những chuyến đi thăm cơ sở Người luôn lắng nghe những kiến nghị của quần chúng và đề ra những sáng kiến quan trọng, những ý kiến chỉ đạo sâu sắc, những gợi ý thiết thực, đòi hỏi mọi người có liên quan suy ngẫm và tìm mọi cách thực hiện để cải thiện cuộc sống của nhân dân. Sự gần gũi, chu đáo, ân cần đối với từng con người xuất phát từ cái tâm chân thành, trong sáng, một tấm lòng nhân ái bao la của Người. Trước khi đi xa về với thế giới người hiền, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn những việc cần làm sau khi chiến tranh kết thúc. Việc đầu tiên mà Người quan tâm đó là công việc đối với con người: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (Cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…) Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần“ tự lực cánh sinh”… Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp quyết không họ để bị đói rét…”(4).

  Tình thương yêu con người trong văn hóa đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở sự hy sinh quyền lợi và hạnh phúc của riêng mình vì mọi người, Hêghen nhà triết học cổ điển Đức đã nói "Tình thương là sự đánh mất cái tôi của mình vì một cái khác, nhưng trong sự đánh mất đó lần đầu tiên ta tìm thấy bản thân mình"(5). Vì tình thương yêu con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh cuộc sống riêng của mình cho Tổ quốc, nhân dân, Người chọn cho mình một cuộc sống giản dị, thanh đạm cùng chia sẻ những khó khăn với đất nước và nhân dân. Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Thủ đô Hà Nội giải phóng, Người từ chối ở trong ngôi nhà sang trọng vốn là dinh thự Phủ toàn quyền Pháp ở Đông Dương và đến ở một ngôi nhà bình dân vốn là ngôi nhà của một công nhân thợ điện, rồi sau đó là ngôi nhà sàn gỗ giản dị. Nhà thơ Cu-Ba  Phê Lích Pitarodrighết đã viết: “Có lẽ phải nói đó là tinh thần chí công vô tư. Người chỉ sử dụng cho mình những cái gì tối cần thiết, chứ không phải bất cứ cái gì cần cần thiết: Chiếc giường, tủ quần áo, chiếc bàn, chiếc ghế, cái giá sách, những thứ cần cho công việc và nghỉ ngơi để lấy lại sức làm việc, chỉ thế thôi không gì hơn nữa”(6). Hy sinh cuộc sống gia đình cho tổ quốc, nhân dân, Người sống như một người dân bình thường của đất nước Việt Nam. Bữa cơm hàng ngày của Bác cũng vô cùng đạm bạc với bát canh, quả cà, lát cá kho hoặc vài ba miếng thịt, khi ăn không bao giờ Bác để rơi, bởi Bác biết mỗi một hạt cơm là mồ hôi nước mắt của người nông dân. Những ngày tháng đất nước khó khăn, đời sống nhân dân còn thiếu thốn, Người đề nghị chiều thứ bảy hàng tuần để Bác ăn cháo và Bác vẫn ăn cơm độn ngô. Trong những chuyến đi thăm các địa phương ở xa, bao giờ Bác cũng đề nghị anh em phục vụ chuẩn bị cho Bác cơm nắm để tránh làm phiền tới dân và tốn kém tiền của của nhân dân. Người khuyên: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến đồng bào đói khổ chúng ta không khỏi động lòng”. Tư trang của một vị Chủ tịch nước cũng chỉ khác những người nông dân nghèo nhất. Bác luôn nhắc nhở mọi người: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh, trong lúc nhân dân còn thiếu thốn, nghèo khổ mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp như vậy là không có đạo đức”(7). Có lần ngành văn hóa thông tin đến xin phép dựng nhà lưu niệm về Bác ở Nam Liên (Nghệ An), ở Pác bó (Cao Bằng), nhưng Người đã từ chối, Bác nói: "Các chú thương Bác thì nên lo lấy cái ở, cái ăn, cái mặc của bà con ở đây. Dựng nhà lưu niệm tốt làm gì, nếu bà con ta ở vùng này ăn chưa no, mặc chưa ấm, ở chưa sạch. Phải tổ chức nhà trẻ cho tốt, phải xây dựng trường học, bệnh xá cho tốt. Phải chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho bà con xã viên. Đó là cách lưu niệm tốt nhất"(8).

Văn hóa đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh còn thể hiện ở tấm lòng khoan dung, độ lượng đối với con người. Khoan dung độ lượng cũng xuất phát từ tình thương yêu con người, nó đòi hỏi sự đối xử nhân từ, độ lượng với người khác, sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm mà vẫn tôn trọng nhân cách của họ. Trong những năm Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về tấm lòng khoan dung độ lượng với cán bộ, đồng chí, anh em và những người giúp việc. Khi ai đó có khuyết điểm sai sót, Người nhẹ nhàng, ân cần nhắc nhở, bảo ban có lý, có tình. Người thường phê bình cán bộ tật nóng nảy, cáu gắt với cấp dưới, hách dịch với nhân dân và Người cho rằng nguồn gốc của những tật xấu ấy chính là không tôn trọng con người. Đồng chí Phạm Văn Đồng, người có vinh dự sống gần Bác trong suốt những năm tháng Bác ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch nhớ lại: “Một lỗi lầm của tôi, có ảnh hưởng đến một việc Bác dự định làm, mặc dù vậy, Bác chỉ nói với tôi vẻn vẹn một câu “chú làm hỏng việc”. Phải là một con người giàu lòng khoan dung, độ lượng mới có thể xử sự một cách nhân ái như vậy, chính thái độ này là một bài học mãi mãi ghi sâu trong ký ức tôi”(9). Một lần khác, đồng chí phục vụ đã nhỡ tay làm vỡ món quà mà Bác chuẩn bị tặng một người bạn quốc tế. Nhưng Bác chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở: “Lần sau chú nên cẩn thận hơn” và sau đó Bác lấy món quà khác thay thế. Tấm lòng bao dung độ lượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đối với đồng bào đồng chí.., mà còn đối với những người ở bên kia chiến tuyến, Người đã cởi chiếc áo khoác của mình tặng cho một tù binh Pháp, Người đã viết nhiều bức thư gửi tới những bà mẹ, người vợ, những người phụ nữ có chồng, con, người yêu, tham chiến ở Việt Nam, chia sẻ, cảm thông với những nỗi đau và sự mất mát mà họ phải gánh chịu khi những người thân tử trận tại Việt Nam.

Văn hóa đạo đức nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ ở mối quan hệ giữa Người với người hay nói cách khác là ở tình thương yêu con người, sự bao dung độ lương đối với từng con người, mà còn thể hiện sâu sắc trong mối quan hệ giữa Người với thiên nhiên và môi trường. Hồ Chí Minh rất yêu thiên nhiên và gắn bó với thiên niên từ khi còn nhỏ, những năm bôn ba di tìm đường cứu nước hay khi trở về đất nước, Hồ Chí Minh luôn sống hòa cùng thiên nhiên, thiên nhiên cho Người những cảm xúc thẩm mỹ cao đẹp. Tình cảm của Người với thiên nhiên thật phong phú và nhiều màu sắc, thể hiện một tầm nhìn, một quan niệm triết lý nhân sinh tiến bộ. Mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiên nhiên được thể hiện sâu sắc trong những năm Người sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, mà cụ thể là thái độ ứng xử của Người với môi trường thiên nhiên. Trước hết, mối quan hệ này được thể hiện ở tình yêu của Người dành cho thiên nhiên và cách sử dụng, cải tạo thiên nhiên thành một môi trường sống tuyệt đẹp. Đến với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là đến với một môi trường sống tuyệt vời: Có hồ nước mát, thảm cỏ xanh, có vườn cây đủ các loại: Cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây bóng mát, cây lâu năm, cây cảnh v.v... tất cả đều phát triển bên nhau như một bức tranh thiên nhiên hữu tình: “Cái Nhà sàn của Bác từ nhiều năm nay nhiều người ở nước ta và trên thế giới đã biết và xúc động lúc viếng thăm Nhà sàn ấy. Ở đây, Hồ Chí Minh đã sống với thiên nhiên. Đây không chỉ là khung cảnh mà còn là lối sống đem lại những niềm vui quí báu đối với con người và cái xã hội văn minh ngày nay hầu như muốn tước đoạt với những thành phố khổng lồ, những ngôi nhà cao tầng đầy đủ tiện nghi, trong đó có những thứ không cần thiết, môi trường bị ô nhiễm, phá hoại thiên nhiên và nguy hại cho con người”(10).

Mối quan hệ giữa Người với thiên nhiên và môi trường còn thể hiện qua ý thức và thái độ ứng xử của Bác Hồ đối với môi trường mà cụ thể ở đây, đó là tình cảm và thái độ ứng xử của Bác đối với cỏ cây, hoa lá trong khu vườn Phủ Chủ tịch trong những năm Người ở và làm việc tại đây. Người yêu từng ngọn cỏ, mỗi nhành hoa và “chẳng làm đau một chiếc lá trên cành”. Gần ngôi nhà sàn của Bác có một cây Bụt mọc, đầu năm 1965 các đồng chí phục vụ phát hiện thấy cây bị mối xông và thân bị hỏng sâu vào quá một nửa. Vì cây nằm ở ven đường đi nên sợ cây có thể bị đổ bất ngờ, gây nguy hiểm và mọi người quyết định chặt bỏ. Biết chuyện, Bác không đồng ý, Người bảo: Chặt bỏ một cây thì dễ dàng thôi, nhưng trồng một cây mới thì rất khó. Bởi vậy các chú hãy tìm cách nào đó để chữa cho cây. Anh em phục vụ đã làm theo kinh nghiệm của Bác. Kết quả sau một thời gian cây không bị mối xông và phát triển bình thường. Ở đầu Nhà sàn có cây vú sữa của đồng bào miền Nam tặng Bác đầu Xuân 1955, Bác luôn dành tình yêu thương chăm sóc đặc biệt đến cây vú sữa miền Nam, đầu giờ buổi sáng và sau giờ làm việc buổi chiều Bác luôn dành thời gian chăm tưới cho cây. Mùa đông, lo cho cây bị rét Bác nhắc các anh em phục vụ lấy rơm quấn quanh thân cây để chống rét cho cây.

  Mối quan hệ giữa Người với thiên nhiên và môi trường còn thể hiện ở sự quan tâm và tầm nhìn chiến lược về bảo vệ môi sinh môi trường của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của thiên nhiên cây xanh đối với đời sống con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết quan tâm tới việc giữ gìn, bảo vệ và xây dựng một môi trường sống trong lành cho nhân dân từ rất sớm và Người đã chọn việc trồng cây và bảo vệ cây xanh là đòn bẩy cho hoạt động bảo vệ môi trường. Ngày 28/11/1959, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một sáng kiến quý báu: “Tết trồng cây”. Từ mùa Xuân năm 1960 đã mở đầu phong trào trồng cây lịch sử. Ngay từ buổi đầu phát động Người đã chỉ rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi rất nhiều... trong mươi năm nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, khí hậu điều hoà hơn. Điều đó sẽ góp phần vào việc cải thiện đời sống nhân dân ta”(11). Từ đó, “Tết trồng cây” đã trở thành phong tục tốt đẹp, là một nét đẹp trong văn hoá truyền thống của dân tộc mỗi một năm mới đến. “Tết trồng cây” do Bác phát động từng bước phát huy tiềm năng phong phú, giàu đẹp của thiên nhiên, đất nước, tạo ra những cảnh quan mới có tác dụng trong việc cải thiện môi sinh, bảo vệ môi trường sống cho nhân dân và đất nước.

  Có thể khẳng định văn hóa đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh được biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau từ tình thương yêu con người, yêu thương đồng bào, đồng chí; sự bao dung độ lượng đối với từng con người; sự hy sinh bản thân mình vì mọi người, cho đến tình yêu thiên nhiên và thái độ ứng xử của Người đối với thiên nhiên môi trường sống… Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên một biểu tượng cao đẹp trong đạo của đức nhân văn Hồ Chí Minh với đầy đủ ý nghĩa của nó và đã được thể hiện sâu sắc trong những năm tháng Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch và được kết tinh trong các di sản vật thể và phi vật thể của Người để lại. Đây là những giá trị vô giá về nhân cách, phẩm giá, về chuẩn mực ý thức, chuẩn mực đạo đức và là những bài học sâu sắc, thiết thực về lối sống, phong cách sống, đạo lý làm người đối với mọi tầng lớp nhân dân.

Chú thích

(1) Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh quá khứ- hiện tại - tương lai, Nxb Sự thật, H.1992, tr. 49.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, t.4, tr.100. 

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, t.12, tr.6  .

(4) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tr 41.

(5) Văn hóa XHCN, Nxb CTQG, H.1993, tr137. 

(6)Trước ngôi nhà sàn Bác Hồ- Nghĩ về lối sốngViệt Nam, NxbVH, H.1985, tr.7

(7) Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số tháng 8 năm 1999 , tr.47.

(8) Hà Huy Giáp: Suy nghĩ về đạo lý làm người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.Nxb Sự thật, HN, tr. 40.   

(9) Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb Sự thật, H.1990, tr 67   

(10) Phạm Văn Đồng, Những nhận thức cơ bản về tư tưởng HCM, Nxb CTQG, H.1998 ,tr.31.

(11) HCM toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, t.8, tr.532.

Th.s. Nguyễn Anh Minh
Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Tâm Trang (st)

Bài viết khác: