anh bac

Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: baotanghochiminh.vn)

1. Đoàn kết vì đại nghĩa của dân tộc

Trong cuộc sống của một cộng đồng dân tộc có rất nhiều mối quan hệ phong phú, đan chéo nhau. Bóc tách ra một cách tương đối, chúng ta thấy có những "cặp" như: Cá nhân - tập thể; gia đình - xã hội; bộ phận - toàn thể; giai cấp - dân tộc; quốc gia - quốc tế... Giữa các cặp quan hệ đó đều có hai mặt: Thống nhất và mâu thuẫn. Hồ Chí Minh bao giờ cũng chú trọng nhân lên sự thống nhất trong các mối quan hệ đó.

Một quan điểm lớn trong tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh là: Tổ quốc trên hết. Người chú ý phát huy chữ "đồng" để giải quyết những yếu tố khác biệt. Khi đề cập các mối quan hệ, nhất là mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng dân tộc, Hồ Chí Minh trước hết nói đến sự gắn bó, thống nhất, nhưng nếu có mâu thuẫn thì quan điểm nhất quán của Người là phải hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích chung của Tổ quốc. Điều này được thể hiện ở cả thời chiến lẫn thời bình. Trong thời bình, lợi ích (nhất là lợi ích vật chất) được đặt ra trước tất cả mọi người và có sức tác động lớn.

Mất đoàn kết là mất tất cả! Ở nơi nào mất đoàn kết thì ở đấy bầu không khí chính trị - xã hội bị ô nhiễm với các biểu hiện: Sự nghi kỵ, chia bè cánh, có tình trạng đấu đá, lật đổ, sự thật bị bóp méo, trắng đen lẫn lộn, công việc bê trễ, v.v... Chỉ một đoạn ngắn sau đây mà Hồ Chí Minh đã 6 lần lặp lại hai chữ "đoàn kết": "Đoàn kết là lực lượng mạnh nhất của chúng ta. Chúng ta phải đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ. Đoàn kết giữa Chính phủ và nhân dân. Đoàn kết giữa các tầng lớp trong nhân dân với nhau. Đoàn kết giữa đồng bào toàn quốc, từ Bắc chí Nam... Đoàn kết chặt chẽ lực lượng trong nước và ngoài nước, chúng ta nhất định khắc phục được mọi khó khăn một cách thắng lợi" (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7, Nxb CTQG,H., 1996, tr.364). Trong Di chúc, ở đoạn ngắn viết về Đảng, Hồ Chí Minh cũng đã nhắc đi nhắc lại 5 lần chữ "đoàn kết" (Sđd, t.12, tr. 497).

Không thể có đoàn kết khi không có những điểm tương đồng, không có "mẫu số chung". Ngọn cờ đại nghĩa Hồ Chí Minh được giương lên để tập hợp sức mạnh của toàn dân là bởi những điểm tương đồng đó. Người cho rằng: Để dẫn dắt nhân dân làm nên một sự nghiệp vĩ đại cần phải có một sức lãnh đạo, sức lãnh đạo đó không phải chỉ có một vài người thôi mà phát sinh ra từ sự hiệp lực của nhiều người. Muốn cho mọi người đoàn kết chặt chẽ với nhau thì họ phải cùng một lý tưởng và ý chí, họ phải nuôi một kỳ vọng giống nhau. Khi nào có cùng một ý chí, cùng kỳ vọng thì khi ấy mới có đoàn kết, bằng không thì dẫu có hô hào đoàn kết mấy đi nữa cũng không thể nào đoàn kết được.

Điểm tương đồng, "mẫu số chung" của dân tộc là "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", là xây dựng một đất nước hùng cường, là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, v.v... Đó chính là điểm quy tụ là Bác Hồ luôn để tâm đến, dẫn dắt mọi người đi theo đấu tranh thực hiện cho kỳ được. Chính vì thế mà Hồ Chí Minh đã quy tụ được tuyệt đại đa số nhân dân vào mặt trận dân tộc thống nhất. Trong mặt trận ấy, quyền của mỗi cá nhân, quyền của mỗi cộng đồng đều được đặt vào trong quyền lợi tối cao của dân tộc.

Mặt trận Việt Minh là minh chứng tuyệt đẹp đầu tiên thể hiện tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh vì đại nghĩa của dân tộc. Đảng và Bác Hồ đã nêu lên điểm tương đồng, vì đại nghĩa của dân tộc: Nếu không giành được độc lập dân tộc thì quyền lợi của giai cấp vạn năm cũng không đòi lại được. Cũng vì đại nghĩa của dân tộc mà Hồ Chí Minh đã phát động cuộc kháng chiến toàn dân: "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gốc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước" (Sđd. t.4, 1995, tr. 480).

Vì đại nghĩa dân tộc mà Hồ Chí Minh, với tấm lòng độ lượng, kêu gọi tất cả mọi người, bất kể có quá khứ ra sao, đứng vào mặt trận xây dựng chế độ mới. Đương nhiên, ngoài mục tiêu chung, ngoài điểm tương đồng, còn có tấm lòng chân thành, đại nghĩa cũng như uy tín của cá nhân Hồ Chí Minh. Đứng dưới ngọn cờ đại nghĩa của Hồ Chí Minh, ai cũng thấy yên tâm, tự hào vì đã góp sức mình cho Tổ quốc. Chính vì vậy mà Hồ Chí Minh đã giác ngộ được rất nhiều người từ bỏ mặc cảm, chính kiến, từ bỏ cả vinh hoa phú quý, không ngại gian khổ với mục đích cao đẹp là phục vụ lợi ích tối cao của dân tộc, của cách mạng.

Tấm lòng Bác Hồ là như vậy, không gợn chút riêng tư, tất cả vì quyền lợi của dân tộc, gạt bỏ những dây dợ cá nhân vướng víu dưới chân mình. Người chỉ nghĩ đến Tổ quốc, đến đồng bào, để lại một sự nghiệp mà bất cứ người Việt Nam có lương tri nào cũng phải ngưỡng mộ và muốn học tập. Hồ Chí Minh đã truyền cho Đảng ta một chiến lược: chiến lược đi vào lòng người, tất cả vì hạnh phúc của con người, vì độc lập, tự do cho Tổ quốc Việt Nam.

2. Công - nông - trí là nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc

Đoàn kết ở mọi lúc, mọi nơi, đoàn kết thật rộng rãi, biên độ tập hợp mọi người đoàn kết mở hết cỡ có thể được - đó là quan điểm của Hồ Chí Minh. Chẳng thế mà Bác Hồ đã đề cập phạm vi "đồng bào", "con Rồng, cháu Tiên", nghĩa là mượn hình tượng Mẹ Âu Cơ để "quy nạp" vào phạm vi tối đa cần phải tập hợp. Có người tham gia cách mạng trên chiến khu Việt Bắc rất ngại mình có thành phần xuất thân từ gia đình quan lại phong kiến thì Bác giải tỏa tâm lý: "Con quan thì tốt chứ sao! Bác cũng là con quan đây". Có người là địa chủ, là tư sản, Bác khuyến khích họ tham gia kháng chiến. Thậm chí, có người làm quan trong chế độ cũ, nhưng cũng có thể cải tạo đi theo cách mạng. Chúng ta có lúc thật ngỡ ngàng với cái "biên độ" tập hợp lực lượng đó của Hồ Chí Minh. Dưới khối đoàn kết ấy, mọi người dân Việt Nam yêu nước, dù có quá khứ ra sao, thành phần xuất thân như thế nào đều cảm thấy hòa hợp. Như vậy, lực lượng cách mạng, theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, là những chuỗi số ngày một gia tăng chứ không phải là giảm đi.

Với "biên độ" như vậy, đã có người lo lắng cho "lập trường giai cấp" của Bác. Nhưng, Hồ Chí Minh quan niệm về cái nền, cái nhân, cái lõi của biên độ ấy rất chắc: Đó là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức (gọi tắt là công - nông - trí). Quan điểm về liên minh công - nông - trí của Bác Hồ đã ghi đậm trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ngày 3-2-1930 và sau này được nhắc lại trong nhiều văn kiện. Đây là một điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh so với học thuyết Mác - Lê-nin, vì học thuyết này chỉ đề cập liên minh công - nông, chứ không đề cập "trí".

Chúng ta có thể làm phép so sánh. Phong kiến Việt Nam cũng theo quan điểm nho giáo của Trung Quốc chia xã hội thành hai loại người là tiểu nhân và quân tử. Trong quân tử không có người lao động chân tay và tầng lớp phụ nữ - những người bị nho giáo khinh rẻ và xếp vào "tiểu nhân", "dân ngu khu đen". Còn quân tử, theo nho giáo, gồm các quan lại, trí thức phong kiến, những quan "phụ mẫu" chăn dắt dân. Phong kiến Việt Nam dù sao cũng có những yếu tố tiến bộ khi tiếp thu nho giáo gốc ở Trung Quốc. Những lúc bị xâm lăng thì người lao động chân tay - chủ yếu là nông dân - không bị coi rẻ nữa mà được "khoan thư sức dân", được coi là lực lượng,"chở thuyền và lật thuyền", là những người "áo vải cờ đào" đứng trong đội quân chủ lực ra trận đánh quân thù. Nhưng, nói chung, nòng cốt của xã hội, "những người làm nên lịch sử", không được phong kiến Việt Nam coi là nhân dân lao động, mà lại là vua quan, trí thức phong kiến.

Những người theo tư tưởng tư sản ở Việt Nam quan niệm về dân có tiến bộ hơn. Chẳng hạn, Cụ Phan Bội Châu, trong chủ trương tập hợp lực lượng cách mạng, nêu lên 10 lực lượng như sau: 1) Phú hào; 2) Quý tộc; 3) Sĩ phu; 4) Lính tập, 5) Tín đồ Thiên Chúa giáo; 6) Du đồ hội đảng; 7) Nhi nữ anh sĩ; 8) Thông ngôn; 9) Ký lục; 10) Bồi bếp. Tiến bộ hơn vì cũng đã có binh lính (là những người nông dân mặc áo lính); nhân dân theo đạo Thiên Chúa; phụ nữ... Kể ra thì có nhiều lực lượng nhưng vẫn thiếu, mà lại thiếu hai lực lượng cơ bản nhất của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20 là nông dân và công nhân. Đầu thế kỷ, công nhân Việt Nam đã có, tuy không nhiều, và nó ngày một phát triển do chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Có thể Cụ Phan Bội Châu lúc đầu chưa nhận ra, nhưng nông dân Việt Nam thì ở đâu mà chẳng có, mà có rất đông, khoảng 95% dân số. Về cuối đời, Phan Bội Châu đã kịp nhận ra sức mạnh của công nông, nhưng Cụ đã ở vào thế sức tàn lực kiệt. Lúc ấy, trách nhiệm lịch sử giương cao ngọn cờ cứu nước đã chuyển sang những chiến sĩ theo lập trường cách mạng vô sản mà Bác Hồ đã đào tạo, bồi dưỡng.

Hồ Chí Minh đã thấy rất rõ vai trò cực kỳ to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam. Nó tuy ít về số lượng và công nhân đại công nghiệp, đại cơ khí theo quan niệm của C.Mác lại càng ít, nhưng có đầy đủ những phẩm chất cần có để đóng vai trò quân chủ lực và là người lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Bác Hồ thấy rõ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là người chịu trách nhiệm lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng một nước Việt Nam mới. Xin nhấn mạnh là Bác thấy rõ điều đó không chỉ qua lý luận Mác - Lê-nin mà còn qua sự cảm nhận trực tiếp của bản thân mình khi trở thành người thợ, người làm thuê trong những năm ở Châu Âu, Châu Mỹ. C.Mác và gia đình của ông đã trải qua những thời kỳ khốn khó khi bị trục xuất, khi bị đói kém, khi con cái bị chết... Còn Ph.Ăng-ghen khi viết tác phẩm nổi tiếng Tình cảnh giai cấp công nhân Anh thì bản thân ông không bị lâm vào hoàn cảnh nghèo khó. V.I.Lê-nin, tuy có cuộc đời gian nan nhưng chưa lâm vào hoàn cảnh của người thợ bị bóc lột. Đặc biệt thay, Bác Hồ của chúng ta chủ động, tự nguyện dấn thân vào hàng ngũ của những người thợ, một người trí thức dám chấp nhận gian nan, khổ ải, chối từ con đường giàu sang phú quý để sang Pháp và các nước khác ở Âu, Mỹ lao động chân tay: Làm thủy thủ mà việc cụ thể là đốt lò, tạp vụ... trên tàu; cào tuyết, bồi bàn trong khách sạn; sửa ảnh; vẽ thuê đồ gốm sứ; v.v… Như vậy là Bác đã cảm nhận được trực tiếp thân phận cũng như sức mạnh của những người lao động làm thuê khi được giác ngộ, được tổ chức lại.

Hồ Chí Minh cũng thấy rất rõ vai trò và sức mạnh của giai cấp nông dân Việt Nam. Điều này thì quá rõ, bởi vì Người xuất thân từ gia đình trí thức phong kiến gắn với lao động nông nghiệp (làm ruộng, dệt vải). Đây là nét thường thấy trong hầu hết các gia đình nhà nho ở Việt Nam. Người còn cảm nhận trực tiếp về đời sống, tâm tư và sức mạnh của nông dân. Bản thân Người đã trực tiếp tham gia các cuộc biểu tình đấu tranh của nông dân Thừa Thiên - Huế chống thuế năm 1908.

Hồ Chí Minh còn thấy rõ vai trò của tầng lớp trí thức Việt Nam ở một nước thuộc địa nửa phong kiến và trong điều kiện một nước nghèo, kém phát triển. Họ là tầng lớp rất nhạy cảm với thời cuộc và cũng xuất thân từ những gia đình lao động. Giữa họ với những người lao động không khác nhau là bao và, có thể nói, Bác Hồ là hình ảnh điển hình của mẫu người này.

Nhưng, đứng riêng thì sức mạnh của các giai cấp, tầng lớp đó không được phát huy một cách tốt nhất. Sức mạnh đó chỉ được phát huy khi nằm trong khối đại đoàn kết toàn dân, nhất là trong khối liên minh công - nông - trí. Có thể nói, khối liên minh này ở Việt Nam là cái nền chắc chắn nhất cho chiến lược đại đoàn kết dân tộc. Trong khối liên minh đó, giai cấp công nhân - với đội tiên phong của nó là Đảng Cộng sản Việt Nam - có vai trò lãnh đạo. Trong Mặt trận, Đảng phải tránh khuynh hướng cô độc, hẹp hòi, đồng thời tránh đoàn kết một chiều; nghĩa là phải bảo đảm cả tính rộng rãi và tính vững chắc của khối đại đoàn kết. Đó là hai mặt của một vấn đề có tính nguyên tắc.

3. Đoàn kết lâu dài, thủy chung, chân thành

Muốn cách mạng thành công thì phải có lực lượng. Lực lượng cách mạng lấy từ sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Hồ Chí Minh đã đưa ra thông điệp về tình đoàn kết lâu dài, thủy chung, chân thành. Bản thân Bác Hồ là hiện thân của lòng chân thành trong tất cả các mối quan hệ ứng xử với những người chung quanh. Vì chân thành nên Hồ Chí Minh mới cảm hóa, thuyết phục được nhiều người đi theo cách mạng. Thực tế đã cho thấy có người đến với cách mạng là bởi cảm phục cá nhân con người Hồ Chí Minh.

Đoàn kết chân thành sẽ dẫn đến thủy chung, lâu dài. Người ta không thể đi với cách mạng khi thấy sự bấp bênh, lỏng lẻo trong khối đoàn kết. Trong từng thời kỳ cách mạng, trước những yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau, có thể có sự điều chỉnh trong phương pháp chỉ đạo, tổ chức, bố trí lực lượng, nhưng đại đoàn kết là vấn đề bất di, bất dịch.

Ở đây liên quan đến vấn đề đấu tranh giai cấp. Làm thế nào để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giai cấp mà vẫn giữ được khối đại đoàn kết toàn dân? Trước khi cải cách ruộng đất, Bác chủ trương giảm tô, kêu gọi địa chủ hiến ruộng. Đến lúc cải cách ruộng đất thì chuyển địa chủ thành những người lao động bằng cách tịch thu, trưng thu ruộng đất của họ chia cho những nông dân thiếu ruộng hoặc không có ruộng, chỉ để lại cho họ phần ruộng đất, tài sản nhất định để họ tự lao động bảo đảm cuộc sống. Bằng cách này, giai cấp địa chủ bị "xóa sổ" với tư cách là những người bóc lột. Đó là "đấu tranh giai cấp" kiểu mà Hồ Chí Minh quan niệm. Rất tiếc, trong quá trình thực hiện, nhiều nơi ở miền Bắc nước ta đã phạm phải sai lầm kéo dài và nghiêm trọng. Còn đối với tư sản dân tộc, Hồ Chí Minh chủ trương cải tạo hòa bình, biến những tư sản dân tộc thành người lao động, duy trì các thành phần kinh tế, kể cả thành phần kinh tế tư nhân và công tư hợp doanh... để phát huy khả năng tổ chức quản lý và vốn của họ, v.v… Người cho rằng, chính sách của Chính phủ là: Công tư đều lợi, công nông giúp nhau, lưu thông trong ngoài. "Công" tức là kinh tế quốc doanh và là nền tảng lãnh đạo kinh tế. "Tư" là kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế cá thể của nông dân và thủ công nghiệp. Bác phát biểu về quan hệ chủ thợ: "Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ lợi quyền của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức". Người nói tiếp: "Chủ và thợ đều tự giác tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên" (Sđd, t.7, tr.222).

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh đã phê phán kiểu đấu tranh giai cấp giáo điều: Thấy người ta nói đấu tranh giai cấp mình cũng nói đấu tranh giai cấp mà không tính đến đặc điểm của nước ta! (Xem: Sđd, t.5, 1995, tr.272). Làm cho những người thuộc giai cấp bóc lột đi theo công nhân, đi theo Đảng - đó thực sự là "đấu tranh giai cấp" kiểu Hồ Chí Minh. Đoàn kết trên cơ sở bảo đảm lợi ích cho mọi thành viên, đó là đoàn kết thủy chung, lâu dài và chân thành nhất. Bác Hồ luôn nhất quán như vậy.

Sự nghiệp CNH,HĐH đang thực hiện ở nước ta hiện nay rất cần sức mạnh đại đoàn kết. Trong hành trang mà Đảng và nhân dân ta tiến vào thế kỷ 21 có tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, có ngọn cờ mà Người đã giương cao, tập hợp được các lực lượng, phát huy được sức mạnh của cả dân tộc và thời đại.

PGS. TS. Mạch Quang Thắng
Theo dangcongsan.com.vn
Đức Anh (st)

Bài viết khác: