Ý nghĩa của việc rèn luyện đạo đức công vụ

Đạo đức, hiểu một cách cụ thể là những nguyên tắc, chuẩn mực như những thang giá trị được xã hội thừa nhận. Đạo đức có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi của mỗi người, phù hợp với lợi ích của xã hội, của đất nước. Đạo đức vừa mang tính “bổn phận” được hiểu là “văn hóa bổn phận”, diễn ra một cách tự giác của mỗi cá nhân, đồng thời cũng chịu sự chế định của dư luận xã hội.

Thực hành đạo đức qua nhiều mối quan hệ: Từng người thì lấy mình làm đối tượng như thực hiện các hành vi cần, kiệm, liêm, chính. Trong mối quan hệ với đất nước và nhân dân là trung với nước, hiếu với dân. Quan hệ giữa con người với con người, đó là yêu thương con người, sống có tình có nghĩa. Với nhân loại, đó là tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung.

Đạo đức công vụ không nằm ngoài các lớp quan hệ đó, tức là đạo đức công dân, đạo đức của con người Việt Nam trong thời đại mới. Đồng thời, còn phải thực hành đạo đức của người cán bộ, công chức trong việc thực thi nhiệm vụ của Chính phủ. Trong khi thực hành đạo đức công vụ, tùy theo tính chất nghề nghiệp, vị trí công tác, chức vụ được giao, v.v.. mà yêu cầu, đòi hỏi cũng khác nhau. Người đứng đầu, cán bộ chủ chốt phải có những phẩm chất đạo đức riêng, ví như tính tiên phong, gương mẫu. Là cán bộ, công chức thì ai cũng phải gương mẫu nhưng sự gương mẫu của người đứng đầu khác nhiều so với sự gương mẫu của công chức bình thường. Bởi vì, như ông cha ta đã tổng kết: “nhà dột từ nóc dột xuống”; “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Đạo đức của người cán bộ lãnh đạo, quản lý khác đạo đức của người cán bộ không giữ chức vụ. Đạo đức của cấp tướng khác đạo đức của chiến sĩ binh nhất, binh nhì, v.v... Đó chính là chiều sâu tư duy Hồ Chí Minh khi bàn về con người, bàn về đạo đức của các hạng người khác nhau. Không thể lẫn lộn đạo đức của người này với người khác, vị trí này với vị khác, chức vụ này với chức vụ khác..., nhưng cũng không nên tách bạch một cách siêu hình đạo đức của từng loại người. Bởi vì, tất cả có chung cái nền đạo đức công dân. Đạo đức công dân quan trọng nhất là cần, kiệm, liêm, chính, thiếu một trong bốn đức đó là không thành người, cũng giống như trời thiếu một mùa, đất thiếu một phương. Đạo đức công vụ gắn chặt với đạo đức công dân.

Tuy chiếm một tỷ lệ nhỏ so với số dân, và nhân dân là người làm nên lịch sử nhưng cán bộ lại là gốc của mọi công việc. Mọi việc thành bại liên quan đến cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, đạo đức công vụ giữ một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với đất nước. Một người dân thiếu tu dưỡng đạo đức rất cần được nhắc nhở, phê bình, uốn nắn, nhưng sự tác hại đối với cách mạng chỉ trong một phạm vi hẹp. Còn cán bộ, công chức, nếu suy thoái đạo đức thì không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ, sự thành bại của công tác cách mạng, mà còn liên quan đến sự mất còn của chế độ. Có một thực tế dẫn đến việc rèn luyện đạo đức công vụ có ý nghĩa quan trọng, đó là tiền của, vật tư đều thuộc Nhà nước. Lãng phí, tham ô, tham nhũng tập trung lớn nhất ở khu vực này. Chín mươi phần trăm nông dân, nhưng ít khi, thậm chí không bao giờ ta nghe nói đến người nông dân lãng phí.

Tóm lại, tu dưỡng đạo đức công vụ của cán bộ, công chức có một ý nghĩa lớn lao và tầm quan trọng đặc biệt. Lòng tin của nhân dân đối với Chính phủ nhiều hay ít là ở đây. Nó cũng liên quan đến vị thế cao hay thấp của đất nước so với quốc tế. Đất nước thịnh hay suy là từ đây. Chế độ này còn hay mất cũng từ đây.

Nội dung đạo đức công vụ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh là một lãnh tụ đặc biệt quan tâm tới đạo đức nói chung, đạo đức công vụ nói riêng. Một ngày sau Tuyên ngôn Độc lập, Người đã nói đến nhiệm vụ cấp bách là giáo dục lại nhân dân chúng ta, làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Người đã đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Và nửa tháng sau đó, trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (17/9/1945), Người đã nói đến một trong những khuyết điểm to nhất là hủ hóa. Trong thư Người viết: “Cán bộ ta nhiều người “cúc cung tận tụy”, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư (lấy của chung làm của riêng). Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể”. Tiếp đó, ngày 19/9/1945, Người viết bài Chính phủ là công bộc của dân với tinh thần: “Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì phải làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”.

Một câu hỏi lớn đặt ra ngay từ những ngày đầu, tháng đầu sau ngày độc lập là “Sao cho được lòng dân?”. Và câu trả lời của Hồ Chí Minh là “trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”. Nhận thức được giá trị thành quả cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, của Chính phủ mới, một Chính phủ chỉ có một nhiệm vụ là gánh việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của thực dân, Hồ Chí Minh đã sớm suy nghĩ về quy chế công chức và đạo đức công vụ. Ngày 20/5/1950, Người đã ký Sắc lệnh 76/SL ban hành Quy chế công chức Việt Nam. Trong Lời nói đầu của Quy chế Công chức viết: “Công chức Việt Nam là những công dân Việt Nam giữ một nhiệm vụ trong bộ máy nhà nước của chính quyền nhân dân... Công chức Việt Nam phải đem tất cả sức lực và tâm trí, theo đúng đường lối của Chính phủ và nhằm lợi ích của nhân dân mà làm việc”. Điều 2 của Quy chế Công chức quy định: “Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy nhà nước. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Muốn hiểu đạo đức công vụ trước hết phải nhận thức sâu sắc mục tiêu cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo Người, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Đạo đức công vụ không phải vì đạo đức theo kiểu tư duy nho giáo, dẫn đến “đức trị” và sự tôn sùng cá nhân, ngược lại đạo đức thống nhất với chính trị, phục vụ nhiệm vụ chính trị. Tu dưỡng và rèn luyện đạo đức công vụ phải hướng tới cuộc sống tốt đẹp của nhân dân. Vì vậy, trong quá trình thực hiện những chuẩn mực đạo đức chung như trung với nước, hiếu với dân, cán bộ công chức phải đặt lên hàng đầu ý thức và tinh thần trách nhiệm hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Điều này thuộc phạm trù “văn hóa bổn phận”, tức là quyết tâm và tinh thần phục vụ nhân dân phải thấm sâu vào hành vi hằng ngày của công chức và phải thực hành suốt đời. Cơ sở khoa học, chiều sâu triết lý của phẩm chất đạo đức này xuất phát từ bản chất của chế độ mới - chính thể Dân chủ Cộng hòa, tức là quyền lực tối cao thuộc về nhân dân và dân là chủ, dân làm chủ. Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng “nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra”. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, lương ta hưởng đều từ mồ hôi, nước mắt của dân. Mặt khác, “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Tóm lại, “vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”. Trong vấn đề cán bộ thì đạo đức là gốc. Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không. Theo Hồ Chí Minh, “người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, tự mình đã hủ hóa, xấu xa, thì còn làm nổi việc gì?”

Theo Hồ Chí Minh, nâng cao ý thức trách nhiệm trước hết là phải nhận thức về tính chất, ý nghĩa, tầm quan trọng của công việc mình làm, mà ý nghĩa lớn lao nhất là phải xác định cái gì lợi cho dân là chân lý, phục vụ nhân dân là chân lý, từ đó phải tận tâm, tận lực làm tròn phần việc được giao. Nếu kết quả không tốt thì phải chịu trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu.

Thứ hai, phải có sự ràng buộc giữa lời nói và hành vi của mình, bảo đảm nói đi đôi với làm, nói thì phải làm và làm cho tốt. Nếu nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói một đường làm một nẻo thì người cán bộ công chức phải chịu hậu quả, chịu sự phán xét của nhân dân.

Thứ ba, phải nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nghĩa là người cán bộ phải nghiên cứu, hiểu thấu, thấm nhuần tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng thực hành. Bản thân cán bộ, công chức cũng phải thi đua thực hiện chính sách của nhà nước.

Thứ tư, mọi suy nghĩ và hành động của công chức phải đi đúng đường lối quần chúng. Đi đúng đường lối quần chúng là một nét đặc sắc trong tư duy Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ. Có thể coi đó là minh triết Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ. Bởi vì thông thường chúng ta chỉ nói đến đường lối của Đảng. Hồ Chí Minh cũng nói đến đường lối của Đảng nhưng lại nhấn mạnh “theo đúng đường lối nhân dân” với sáu điều:

“Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết;

Liên hệ chặt chẽ với nhân dân;

Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ;

Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình;

Sẵn sàng học hỏi nhân dân;

Tự mình làm gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính, để nhân dân noi theo”

Thứ năm, phụ trách trước nhân dân. Chúng ta thường đặt việc phụ trách trước Đảng và Chính phủ lên trên hết, thậm chí là duy nhất. Với triết lý về dân “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” và quan điểm dân là gốc, bao nhiêu quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, Hồ Chí Minh có một cách tiếp cận độc đáo về trách nhiệm công chức đối với dân. Người viết: “Có người nói rằng: Mọi việc họ đều phụ trách trước Đảng, trước Chính phủ. Thế là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Họ phụ trách trước Đảng và Chính phủ, đồng thời họ phải phụ trách trước nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc, và cũng phụ trách trước nhân dân. Vì vậy, nếu cán bộ không phụ trách trước nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ”.

Như vậy, đạo đức công vụ, trách nhiệm công chức không phải thụ động, một chiều phụ trách trước Đảng và Chính phủ. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nếu trong những chính sách, những chỉ thị, những khẩu hiệu của cấp trên, có gì khuyết điểm, cán bộ phải có tinh thần phụ trách trước nhân dân mà đề nghị những chỗ nên sửa đổi. Không làm như vậy, tức là cán bộ không phụ trách trước nhân dân, mà cũng không phụ trách trước Đảng và Chính phủ”. Giải thích rõ điều này, Hồ Chí Minh viết: “Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.

Thứ sáu, một biểu hiện cụ thể của quan điểm “theo đúng đường lối nhân dân” là thực hành tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tiết kiệm không đơn thuần chỉ là tiền bạc, vật chất, thời gian. Đối với công chức, một khía cạnh rất quan trọng là sắp xếp, bố trí, phân phối công việc, kể cả phân phối cán bộ. Bởi vì, nói đến tiết kiệm là nói đến năng suất, hiệu quả, là gắn liền với chống lãng phí. Trong công tác cán bộ mà không bố trí đúng người, đúng việc theo kiểu “thợ mộc làm thợ rèn, thợ rèn làm thợ mộc” khiến cho cả hai người đều lúng túng, không hoàn thành nhiệm vụ. Người tài không được sử dụng đúng chỗ là lãng phí chất xám, đây là lãng phí lớn nhất xét dưới góc độ phát triển bền vững.

Cán bộ công chức phải luôn luôn thực hành chữ liêm, chống tham ô, tham nhũng để làm kiểu mẫu cho dân. Một tư duy mang sắc thái Hồ Chí Minh, đó là nhân dân, dù muốn tham nhũng cũng không thể, mà chỉ có thể tham ô. Còn cán bộ - có quyền - mới có điều kiện tham nhũng (Hồ Chí Minh gọi là nhũng lạm). Cán bộ có chức vụ cao càng có điều kiện tham nhũng lớn. Người viết: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Liêm và kiệm đi đôi với nhau. Vì xa xỉ mà sinh ra tham lam. Chiều sâu tư duy Hồ Chí Minh về chữ “bất liêm” của cán bộ công chức hết sức sâu sắc. Đó không chỉ là tham tiền, của cải, vật chất. Những thứ đó chỉ là ngọn. Cái gốc rễ chính là “tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên... Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình... Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm”. Từ cái tham gốc rễ đó dẫn đến “cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút”.

Thực hành đạo đức công vụ đặc biệt phải tẩy sạch bệnh quan liêu. Nguyên nhân của bệnh quan liêu là do “xa nhân dân: Do đó không hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân dân. Khinh nhân dân: Cho là “dân ngu khu đen”, bảo sao làm vậy, không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình. Sợ nhân dân: Khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa. Không tin cậy nhân dân: Họ quên rằng, không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy, làm cũng không xong, có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy, làm cũng được. Không hiểu biết nhân dân: Họ quên rằng nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực (lợi ích gần và lợi ích xa, lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cục). Đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông. Không yêu thương nhân dân: Do đó họ chỉ biết đòi hỏi nhân dân, không thiết thực giúp đỡ nhân dân”.

Biểu hiện của bệnh quan liêu, đối với nhân dân thì chỉ biết dùng mệnh lệnh, ép dân chúng làm. Đối với việc, chỉ biết tổ chức hội nghị, viết nghị quyết, ra chỉ thị. Đối với mình thì nói một đường làm một nẻo, chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự mình, trước mặt quần chúng thì lên mặt “quan cách mạng”. Điều đáng lưu ý là bệnh quan liêu “ấp ủ, dung túng, che chở cho tham ô, lãng phí. Bệnh quan liêu gieo hạt, vun trồng cho tham ô, lãng phí nảy nở”. Vì vậy, muốn trừ sạch tham ô, lãng phí, trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu. Bệnh quan liêu, mệnh lệnh trái hẳn với tinh thần trách nhiệm, trái hẳn với đạo đức công vụ.

Tóm lại, nâng cao ý thức trách nhiệm, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, làm đầy tớ cho dân là nội dung quan trọng nhất của đạo đức công vụ. Điều này đúng với mọi giai đoạn lịch sử. Đạo đức công vụ gắn liền với những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, thể hiện triết lý nhân sinh vì hạnh phúc của nhân dân và sự phồn vinh của đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, đạo đức công vụ được phản ánh rõ nét trong những quy định pháp luật. Điều 8 Hiến pháp 1992 quy định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng. Tinh thần đó của Hiến pháp năm 1992 trở lại đích thực với tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ./.

PGS TS.Bùi Đình Phong

Theo Tạp chí Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Đức Lâm (st)

Bài viết khác: