Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên tiếp cận với học thuyết cách mạng Mác - Lênin và đã vận dụng sáng tạo thành công vào việc lãnh đạo quần chúng, trong đó có lực lượng thanh niên tham gia phong trào cách mạng. Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc; là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm những công việc khó khăn, gian khổ đòi hỏi sự hy sinh, cống hiến và sáng tạo.
Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò, vị trí và xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc. Trong sự nghiệp “trồng người”, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc giáo dục thế hệ trẻ thành những con người vừa “hồng” vừa “chuyên” để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đoàn viên, thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần chăm lo, giáo dục họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”(1).
Trong những thời kỳ cách mạng khác nhau, Đảng ta luôn thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo công tác thanh niên và đoàn thanh niên. Trong tất cả các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc, Đảng ta đều đánh giá công tác thanh niên và đề ra nhiệm vụ lãnh đạo công tác thanh niên. Trong từng giai đoạn, thời kỳ cụ thể, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều có nghị quyết chuyên đề về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên. Kế thừa và phát triển các quan điểm của Đảng, ngày 25/7/2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ra Nghị quyết số 25 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Nghị quyết đánh giá cao vai trò của thanh niên Việt Nam và tầm quan trọng của công tác thanh niên: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho ổn định và phát triển vững bền của đất nước”; và “Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc”. Đây là phương hướng, nhiệm vụ để Đảng, Nhà nước và toàn xã hội chăm lo, phát triển thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, bối cảnh trong nước và quốc tế tạo ra thuận lợi và thời cơ nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức cho công tác vận động, tập hợp và đoàn kết thanh niên. Thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen nhau, tác động nhiều chiều lên các đối tượng thanh niên. Thanh niên Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ có sự chuyển biến cả về số lượng và chất lượng. Thanh niên nông thôn sẽ giảm dần theo sự chuyển đổi nền kinh tế và tốc độ đô thị hóa cũng như tốc độ công nghiệp hóa ngày càng nhanh. Thanh niên học sinh và sinh viên sẽ tăng lên theo chủ trương xã hội hóa học tập và đại chúng hóa đại học. Thanh niên tham gia đi lao động, học tập ở nước ngoài sẽ còn tăng nhanh trong những năm tới. Thanh niên có trình độ văn hóa, tay nghề và chuyên môn cao hơn trước nhờ thực hiện thị trường lao động trong nước và quốc tế. Đồng thời, thanh niên sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn và trực tiếp hơn bởi xu hướng toàn cầu hóa và công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng; có tư tưởng đa chiều và đòi hỏi cao hơn về dân chủ, công khai và công bằng; có nhu cầu và sở thích đa dạng và gần tiếp cận với nhu cầu của thanh niên thế giới. Nhu cầu và nguyện vọng của thanh niên rất đa dạng và nhiều khi vượt lên trên khả năng của đất nước, gia đình và bản thân.
Bên cạnh những thành tựu to lớn của lực lượng thanh niên đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có một bộ phận thanh niên bị tác động bởi lối sống thực dụng và các tệ nạn xã hội, thiếu chí tiến thủ, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội và pháp luật nhà nước. Để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục thanh niên trong giai đoạn hiện nay, làm cho thanh niên thực sự là rường cột của nước nhà, vững bước tiến công vào khoa học công nghệ, cần làm rõ để thực hành có hiệu quả một số quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác thanh niên.
Tính nhất quán trong tư tưởng và chính sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự quan tâm đặc biệt đến các "công việc đối với con người”, đối với việc giáo dục, bồi dưỡng con người, trong đó, giáo dục, bồi dưỡng thế hệ thanh niên chiếm một vị trí quan trọng. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác giáo dục thanh niên được thể hiện trên một số mặt sau đây:
Thứ nhất, về vai trò của thanh niên đối với xã hội.
Thanh niên Việt Nam là một tầng lớp xã hội rộng lớn, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tất cả các cuộc cách mạng do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, thanh niên bao giờ cũng là lực lượng xung kích, đi đầu. Khi nghiên cứu về thanh niên, C. Mác đã kết luận: Do những quy luật khách quan của xã hội, thanh niên bao giờ cũng giữ vai trò xã hội quan trọng trong việc kế thừa và phát triển những thành tựu của người đi trước. Bất kể giai cấp lãnh đạo nào và bất kể thời kỳ nào, thanh niên cũng là đối tượng để các giai cấp tranh thủ và lôi kéo họ về phía mình(2).
Khi bàn về vai trò của thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tuổi trẻ là mùa xuân của cuộc đời(3), tuổi trẻ là lực lượng quyết định vận mệnh của dân tộc, sự phát triển của đất nước. Người luôn tin tưởng ở tiềm năng, sức mạnh to lớn của thế hệ trẻ trong cuộc đấu tranh cách mạng và sự phát triển xã hội. Tuổi trẻ Việt Nam là lực lượng đông đảo, hùng hậu, dũng cảm; có những ưu thế nổi trội: trẻ, khoẻ, chiếm số đông trong xã hội, hăng hái nhiệt tình, nhanh nhạy trong tiếp thu cái mới. Thế hệ trẻ tiêu biểu cho sức sống, sức phát triển của dân tộc, nếu được chăm sóc, rèn luyện có thể đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, Người cũng nhận thấy, trong quá trình thống trị Đông Dương và Việt Nam, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách ngu dân, áp đặt nền văn hoá nô dịch đã làm tàn tạ, mê muội thế hệ trẻ Việt Nam, đó là điều hết sức nguy hiểm. Vì thế, trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản năm 1925, Người viết: "Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”(4). Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, chỉ có thể giành độc lập dân tộc khi giác ngộ được quần chúng nhân dân, mà trước hết là thức tỉnh, giác ngộ thanh niên, hướng cuộc đấu tranh của họ đi đúng quỹ đạo của cách mạng vô sản, từ đó thức tỉnh dân tộc.
Tháng 12/1924 tại Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp xúc với những thanh niên yêu nước trong nhóm Tâm tâm xã và tổ chức ra một nhóm cách mạng đầu tiên. Việc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, mở lớp đào tạo về chủ nghĩa Mác-Lênin chính là những bước chuẩn bị đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng - nhân tố con người, nhân tố thanh niên - những hạt giống đầu tiên cho cách mạng Việt Nam.
Bằng các hoạt động tích cực và hiệu quả, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã nhanh chóng phát triển thành một lực lượng chính trị độc lập, giác ngộ được nhiều người yêu nước đi theo đường lối của Nguyễn Ái Quốc, góp phần đưa phong trào công - nông phát triển, trở thành tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Được tin tưởng và đào tạo, giáo dục, thanh niên thực sự đã trở thành lực lượng quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đội ngũ hậu bị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sớm thấy được sức mạnh của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Ngay trong ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng gửi gắm vào thế hệ trẻ, rằng tương lai của non sông Việt Nam phụ thuộc "một phần lớn ở công học tập của các em”(5).
Tháng 8/1947, Người khẳng định: "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà... Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cho cái tương lai đó"; "Thanh niên ta rất hăng hái. Ta biết tập hợp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ”(6).
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, hạt nhân để tập hợp thanh niên, giáo dục thanh niên là Đoàn thanh niên Cộng sản, vì thế Người rất quan tâm đến việc thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản. Và chỉ một năm sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đoàn thanh niên Cộng sản đã được thành lập. Về chức năng, nhiệm vụ của Đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Đoàn thanh niên là cánh tay và đội hậu bị của Đảng, là người phụ trách dìu dắt nhi đồng"(7). Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Đoàn thanh niên cần phải thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng Đoàn vững mạnh, tìm ra nhiều phương thức hoạt động để tổ chức, tập hợp rộng rãi thanh niên. Đảng phải chăm lo giáo dục cho họ, đào tạo họ trở thành người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, về vấn đề giáo dục thanh niên.
Tin tưởng vào bản chất và sức mạnh của thanh niên nhưng phải giáo dục để họ trở thành lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên phải được giáo dục vừa "hồng", vừa "chuyên". Với một tầm nhìn chiến lược, ngày 22/7/1926, Người đã viết thư gửi Ủy ban Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Lênin xin phép gửi một số thiếu nhi Việt Nam sang Liên Xô học tập "để các em được tiếp thu một nền giáo dục cộng sản chủ nghĩa tốt đẹp".
Hơn một tháng sau khi giành được chính quyền, Người đã yêu cầu Chính phủ thực hiện cấp tốc việc nâng cao dân trí, xem việc diệt giặc dốt cũng cấp bách như diệt giặc đói và giặc ngoại xâm. Bồi dưỡng thế hệ thanh niên là công việc hết sức công phu và bền bỉ, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.
Thanh niên phải được giáo dục một cách toàn diện. Người yêu cầu: "Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất"(8). Người đặc biệt coi trọng giáo dục đạo đức, xem đó là nền tảng của con người cách mạng.
"Những người cộng sản chúng ta không được một phút nào quên được lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới"(9). Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ tức là phải dạy cho họ biết yêu nước thương nòi, biết tự lực tự cường, không chịu thua kém ai; làm cho thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; xây dựng niềm tin ở tương lai của đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin... Người căn dặn: Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có máy móc, có kỹ thuật, có văn hoá... thanh niên phải học và học cho giỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu nhà trường khi giảng dạy phải coi trọng các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, các môn kỹ thuật để khi ra trường các em có kiến thức toàn diện tham gia vào sự nghiệp xây dựng nước nhà. Phải giáo dục thế hệ trẻ tình yêu lao động, quý trọng người lao động, có thái độ trân trọng đối với người lao động.
Thứ ba, về phương pháp giáo dục thanh niên.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, học phải đi đôi với hành, giáo dục gắn liền với xã hội. Học để hành, để phục vụ cuộc sống. Người phê phán lối học vẹt. Học phải có suy nghĩ, thực hành, thí nghiệm. Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội. "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong"(10).
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của gia đình trong việc giáo dục thanh niên. Người coi việc giáo dục thanh niên là một khoa học: "Óc của người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ”(11). Điều đó đòi hỏi giáo dục thanh niên phải có nội dung, chương trình phù hợp. Người chỉ rõ những nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ đối với mỗi cấp học. Đối với thanh niên, phải tự giác, tự động, "cần phải làm đầu tàu, gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước. Đâu Đảng cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên".
Người cũng nghiêm túc chỉ rõ bệnh ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, anh hùng của thanh niên. "Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư, tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình... Chống thói quen xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối khoe khoang". "Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi ích gì cho người"(12).
Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác giáo dục thanh niên là một hệ thống hoàn chỉnh. Những quan điểm đó thể hiện một sự quan tâm đặc biệt đối với thanh niên, thể hiện một tầm nhìn chiến lược đối với lực lượng quan trọng này. Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, trong công tác lãnh đạo thanh niên, những quan điểm đó vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa chỉ đạo hoạt động của chúng ta trong công tác lý luận cũng như trong hoạt động thực tiễn. Trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người trong công tác thanh niên, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào những cống hiến to lớn của thanh niên đối với sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
ThS. Phạm Văn Quốc
Theo http://tcnn.vn
Thu Hiền (st)
--------------------------------
Ghi chú:
(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H. 2000, tr.510.
(2) C.Mác - Ph.Ăngghen, tuyển tập, tập 36, Nxb Sự thật, H.1980, tr.23.
(3), (5) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4 Nxb CTQG, H.1995, tr.30; tr.32.
(4) Sđd, tập 2, Nxb CTQG, H.1995, tr.133,
(6), (7), (8), (9) Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, H. 1980, tr.80; tr.83, tr.84, tr.85.
(10), (12) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H.1995, tr.293; tr.445.
(11) Sđd, tập 10, Nxb CTQG, H.1995, tr.621.
Tài liệu tham khảo:
1. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H.1999.
2. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 2, 4, 9, 10, Nxb CTQG, H.1995.
3. TS. Trần Văn Miều “Vận động, tập hợp, đoàn kết thanh niên- cơ sở lý luận và thực tiễn”, Tạp chí điện tử thanh niên, ngày 27/2/2011.