Nói về người cách mạng và Đảng cách mạng, nhà đại văn hào Trung Quốc là ông Lỗ Tấn có câu thơ:
“Hoành my lãnh đối thiên phu chỉ, Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu”.
Xin tạm dịch là:
“Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ,
Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”.
“Nghìn lực sĩ” có nghĩa là những kẻ địch mạnh, thí dụ: Lũ thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ. Cũng có nghĩa là những sự khó khăn gian khổ.
“Các nhi đồng” nghĩa là quần chúng nhân dân hiền lành, đông đảo. Cũng có nghĩa là những công việc ích quốc, lợi dân.
Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”.
“Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam”, 3/3/1951, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.6, tr.184-185).
“…người đảng viên, dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng.
Mỗi đảng viên là một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành. Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo.
Mà muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình, thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu. Thế là làm cho dân tin Đảng, phục Đảng, yêu Đảng và làm theo chính sách của Đảng và của Chính phủ.
Đảng viên nào không được dân tin, dân phục, dân yêu thì chưa xứng đáng là một người đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam.
Vì vậy, mỗi đảng viên phải luôn luôn cố gắng”.
(“Người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam phải thế nào?”, 25/3/1951, Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, tr.189-190).
“Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân. Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Phải làm thế nào để khi mình chưa đến, thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc. Muốn vậy, bộ đội phải giúp đỡ dân, thương yêu dân. Mỗi quân nhân phải là một cán bộ tuyên truyền bằng việc làm của quân đội. Trong mấy chiến dịch vừa qua, nói chung bộ đội ta đã biết giúp đỡ dân, thương yêu dân. Nhưng cũng còn có chú dọa nạt dân, mượn của dân không trả, mua rẻ của dân. Phải sửa chữa những khuyết điểm ấy. Dân như nước, quân như cá. Phải làm cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mình mới đánh thắng giặc”.
(“Bài nói tại Hội nghị kiểm thảo chiến dịch đường số 18”, 04/5/1951, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.6, tr.207).
“Cách mạng cũng như một bộ máy, phải có phân công, người làm việc này, người làm việc khác nhưng việc nào cũng cần thiết, cũng quan trọng. Thí dụ trong một cái đồng hồ, những cái kim thì chạy suốt ngày đêm, những chữ số thì suốt đời đứng một chỗ. Nếu những chữ số cũng muốn chạy như cái kim, hay là cái kim cũng muốn đứng lại như chữ số thì không thành cái đồng hồ nữa”.
(“Thư gửi lớp cán bộ cung cấp”, 02/9/1951, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.6, tr.296).
“Có người cho đạo đức cũ và đạo đức mới không có gì khác nhau. Nói như vậy là lầm to. Đạo đức cũ và đạo đức mới khác nhau nhiều.
Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngẩng lên trời. Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính, nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước cho dân”.
(“Bài nói chuyện tại Trường Chính trị trung cấp quân đội”, 25/10/1951, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.6, tr.320-321).
“Để thực hiện chính sách, làm trọn nhiệm vụ, cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động mà còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng. Lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình…Tóm lại, phải đi đúng đường lối quần chúng. Thế là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đối với Chính phủ, đối với nhân dân.
Bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư tự lợi là trái hẳn với tinh thần trách nhiệm”.
(“Tinh thần trách nhiệm”, 13/12/1951, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.6, tr.346).
“Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nghĩa là con em ruột thịt của nhân dân. Đánh giặc để tranh lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc, để bảo vệ tự do hạnh phúc của nhân dân. Ngoài lợi ích của nhân dân, quân đội ta không có lợi ích nào khác.
Quân đội ta biết rằng: Cơm quân đội ăn, áo quân đội mặc, vũ khí quân đội dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân tăng gia sản xuất, đóng thuế nông nghiệp mà có. Nhân dân thức khuya dậy sớm, ăn gió nằm sương, để đắp đường sửa cầu cho bộ đội đi. Nhân dân không quản trèo đèo lội suối, không quản khó nhọc gian lao, để chuyên chở súng đạn cho bộ đội đánh giặc. Tóm lại, quân đội sinh trưởng, thắng lợi, là nhờ nhân dân ra sức giúp đỡ. Vì thế, bộ đội rất biết ơn và yêu mến nhân dân.
Về phía nhân dân thì ai cũng biết rằng: Có quân đội đánh giặc và giữ làng giữ nước, mình mới được yên ổn làm ăn, Tổ quốc mới được thống nhất, độc lập. Trong công cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân hy sinh là hy sinh một phần của cải và thời giờ. Của cải hết, có thể lại làm ra; thời giờ qua, thời giờ lại đến. Nhưng bộ đội hy sinh là hy sinh xương máu, có khi hy sinh cả tính mệnh. Cụt chân, gẫy tay, chân tay không thể mọc lại; người chết không thể sống lại. Đó là một sự hy sinh tuyệt đối. Đồng bào biết rằng: Các chiến sỹ trong bộ đội ai cũng có cha mẹ anh em, ai cũng có gia đình thân thích. Nhưng họ đã không ngại rời cha mẹ, xa quê hương, ra xông pha bom đạn, để phụng sự đại gia đình dân tộc gồm cả gia đình của mỗi đồng bào. Do đó nhân dân rất biết ơn và yêu mến bộ đội”.
(“Tình đoàn kết quân dân ngày thêm bền chặt”, 3/3/1952, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.6, tr.426-427).
“Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là nhân công làm đày tớ cho dân.
Đó là vinh dự cao nhất. Nếu có thành tích gì thì Chủ tịch và người nấu cơm phải chia nhau cái vinh dự ấy. Tóm lại không có việc sang, hèn. Công việc gì làm tròn, bổ ích cho kháng chiến, cho nhân dân đều là công việc sang, công việc gì bên ngoài có vẻ loè loẹt mà không làm tròn là công việc xấu”.
(“Bài nói tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất”, tháng 6 năm 1952, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.6, tr.515).
“Quần chúng rất nhiều sáng kiến, họ hiểu biết rất mau, nhất là những cái thuộc về quyền lợi của họ. Cán bộ phải tìm hiểu quần chúng, phải học hỏi quần chúng để lãnh đạo quần chúng. Cán bộ phải kiên nhẫn, quyết tâm, phải chí công vô tư. Nếu tự tư, tự lợi, lập trường không vững, tư tưởng không thông, thì tài giỏi gì cũng vô dụng, vì quần chúng rất thông minh. Ai ra sức phục vụ, ai tự tư, tự lợi, họ biết ngay, không giấu được họ”.
(“Bài nói tại Hội nghị nông vận và dân vận toàn quốc”, 5/2/1953, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.7, tr.28).
“Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tuỵ của nhân dân”.
(“Lời kêu gọi nhân dân Ngày Thủ đô giải phóng”, 10/10/1954, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.7, tr.361-362).
“Chủ nghĩa xã hội là cái gì? Là mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do. Nhưng nếu muốn tách riêng một mình mà ngồi ăn no, mặc ấm, người khác mặc kệ, thế là không tốt. Mình muốn ăn no, mặc ấm, cũng cần làm sao cho tất cả mọi người được ăn no mặc ấm, như thế mới đúng. Muốn như vậy, phải ra sức công tác, ra sức lao động sản xuất.
Tiền đồ của mỗi người nằm trong tiền đồ chung của dân tộc”.
(“Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo dục”, tháng 6 năm 1957, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.8, tr.396).
…Đảng viên và cán bộ ta nói chung là trung thành, tận tụy, hăng hái. Nhưng một số đảng viên và cán bộ còn có bệnh công thần, suy tị, ỷ lại, tiêu cực không gương mẫu, đầy rẫy chủ nghĩa cá nhân.
Từ nay về sau, tất cả các đảng viên, cán bộ và chi bộ phải thường thường ôn lại, tự liên hệ và giữ đúng những tiêu chuẩn của người đảng viên:
1. Suốt đời kiên quyết phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.
2. Rèn luyện tư tưởng vô sản, sửa chữa những tư tưởng sai lầm. Kiên quyết đứng hẳn trên lập trường giai cấp công nhân, không đứng chân trong chân ngoài.
3. Đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết. Biết đem lợi riêng, lợi ích của cá nhân phục tùng lợi ích chung của cách mạng.
4. Tuyệt đối chấp hành nghị quyết và kỷ luật của Đảng.
5. Liên hệ chặt chẽ với quần chúng.
6. Luôn luôn cố gắng học tập, thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình đồng chí mình.
Phải giữ đúng những tiêu chuẩn đó mới xứng đáng là người đảng viên”.
(Bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ Kiến An”, 18/1/1960, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.10, tr. 33-34).
Phải thấu suốt chính sách của Đảng và Chính phủ. Phải đi đúng đường lối quần chúng.
Phải thật sự gần gũi nhân dân, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân dân, học hỏi kinh nghiệm của nhân dân.
Phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của quần chúng.
Phải thiết thực quan tâm đến đời sống của nhân dân.
Phải cần, kiệm, liêm, chính. Phải gương mẫu. Phải có tinh thần trách nhiệm cao độ.
Phải chống quan liêu, mệnh lệnh, hình thức. Chống tham ô lãng phí.
Phải làm đúng những điều đó mới xứng là người đày tớ trung thành của nhân dân, người cán bộ tốt của Đảng và Chính phủ”.
(Bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ Kiến An”, 18/1/1960, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.10, tr. 36).
“Những người được cử vào Quốc hội khóa II sẽ luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đày tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”.
(Lời phát biểu tại Đại hội nhân dân Thủ đô chào mừng các vị ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ra mắt cử tri”, 14/4/1960, Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.10, tr. 132).
(Theo Tài liệu tham khảo “Hồ Chí Minh về suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị” - Ban Tuyên giáo Trung ương).
Tâm Trang (st)