(Ảnh nguồn: Internet)
“Muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói. Do ý kiến và đề nghị lẻ tẻ của dân chúng, ta phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành. Như vậy, vừa nâng cao trình độ của dân chúng, mà cũng nâng cao kinh nghiệm của mình.
Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh.
Họ so sánh bây giờ và họ so sánh thời kỳ đã qua. Họ so sánh từng việc và họ so sánh toàn bộ phận. Do sự so sánh, họ thấy chỗ khác nhau, họ thấy mối mâu thuẫn. Rồi lại do đó, họ kết luận, họ đề ra cách giải quyết.
Dân chúng so sánh đúng, giải quyết đúng, là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy.
Vì sự so sánh kỹ càng đó, mà cách giải quyết của dân chúng bao giờ cũng gọn gàng, hợp lý, công bình.
Đối với cán bộ cũng vậy. Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lầm lỗi mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng cũng do cách so sánh đó, mà họ biết rõ ràng.
Vì vậy, để cho dân chúng phê bình cán bộ, dựa theo ý kiến họ mà cất nhắc cán bộ, nhất định không xảy ra việc thiên tư, thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng. Đồng thời, do sự dùi mài của dân chúng, cán bộ và dân chúng đều tiến bộ, lại do đó, cán bộ và dân chúng đoàn kết chặt chẽ thêm.
Cố nhiên, dân chúng không nhất luật như nhau. Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiền tiến, có lớp chừng chừng, có lớp lạc hậu.
Tuy vậy, khi đem vấn đề ra bàn trước dân chúng, họ đem các ý kiến khác nhau so sánh. So đi sánh lại, sẽ lòi ra một ý kiến mà mọi người đều tán thành, hoặc số đông người tán thành. Ý kiến đó, lại bị họ so sánh tỉ mỉ từng đoạn, họ thêm điểm hay vào, bỏ điểm dở đi. Ý kiến đó trở nên ý kiến đầy đủ, thiết thực.
Sau khi bàn bạc, so sánh, thêm thắt thành một ý kiến đầy đủ, ý kiến đó tức là cái kích thước nó tỏ rõ sự phát triển trình độ của dân chúng trong nơi đó, trong lúc đó. Theo ý kiến đó mà làm, nhất định thành công. Làm không kịp ý kiến đó, là đầu cơ, nhút nhát. Làm quá ý kiến đó là mạo hiểm, hẹp hòi, “tả”.
Có nhiều cách hỏi ý kiến dân chúng. Nói chuyện với từng người. Nói chuyện với đông người. Khai hội, nói chuyện với tầng lớp này, nói chuyện với tầng lớp khác, với mọi tầng lớp.
Nếu ta chịu khó, chịu suy nghĩ, bất kỳ nói chuyện với ai cũng có ích cho tư tưởng của ta. Cố nhiên, không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo. Người cán bộ cũng phải dùng cách so sánh của dân chúng mà tự mình so sánh. Nghĩa là đem các ý kiến khác nhau để so sánh kỹ, phân tích kỹ các nội dung của các tầng lớp xã hội có cái ý kiến đó. Tìm ra mối mâu thuẫn trong những ý kiến khác nhau đó. Xem rõ cái nào đúng, cái nào sai. Chọn lấy ý kiến đúng, đưa ra cho dân chúng bàn bạc, lựa chọn lại, để nâng cao dần dần sự giác ngộ của dân chúng.
Thế gọi là: Tập trung ý kiến, ra sức thi hành. So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học. Mỗi công việc, chúng ta đều phải làm như thế. Làm như thế mới tránh khỏi cái độc đoán, mới tránh khỏi sai lầm.
Nghĩa là: Nói chuyện và bàn bạc với cán bộ như thế cũng chưa đủ, còn phải nói chuyện và bàn bạc với những phần tử hăng hái trong quần chúng. Nói chuyện và bàn bạc với những phần tử hăng hái trong quần chúng cũng chưa đủ, còn phải nói chuyện và bàn bạc với nhân dân. Đó là một vấn đề rất trọng yếu cho cách làm việc của Đảng.
Từ trước đến nay, nhiều nơi công việc không chạy, chính vì cán bộ không thực hành theo nguyên tắc đó. Nếu không làm theo nguyên tắc đó, thì dù chính sách hay trăm phần trăm, cũng hóa ra vô dụng.
Chúng ta phải kiên quyết bỏ sạch lối quan liêu, lối chật hẹp, lối mệnh lệnh. Chúng ta phải kiên quyết thực hành theo nguyên tắc sau đây:
1. Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng.
2. Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta.
3. Chớ khư khư giữ theo “sáo cũ”. Luôn luôn phải theo tình hình thiết thực của dân chúng nơi đó và lúc đó, theo trình độ giác ngộ của dân chúng, theo sự tình nguyện của dân chúng mà tổ chức họ, tùy hoàn cảnh thiết thực trong nơi đó, và lúc đó, đưa ra tranh đấu.
4. Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng. Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hóa nó thành cách chỉ đạo nhân dân.
5. “Phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Trước kia, việc gì cũng từ “trên dội xuống”. Từ nay việc gì cũng phải từ “dưới nhoi lên”.
Làm như thế, chính sách, cán bộ và nhân dân sẽ nhất trí, mà Đảng ta sẽ phát triển rất mau chóng và vững vàng”.
(“Sửa đổi lối làm việc”, tháng 10 năm 1947, Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr.295-298).
“Tư cách người công an cách mệnh là :
Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, không khéo.
(“Tư cách người công an cách mệnh”,Tháng 3 năm 1948, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.2, tr.406-407).
“Gốc có vững cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
(“6 điều không nên và 6 điều nên làm”, 05/4/1948, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.5, tr.410).
“Trong mọi việc, chúng ta chỉ có một mục đích, là phụng sự đồng bào, phụng sự Tổ quốc. Chúng ta chỉ có một phương châm, là chí công vô tư”.
“Thư gửi các ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, các tỉnh, quận và xã ở Nam Bộ”, 15/9/1948, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.5, tr.498).
“Học để làm việc, làm người, làm cán bộ.
Học để phụng sự Đoàn thể, “giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.
Muốn đạt được mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.
(“Lời ghi ở trang đầu quyển sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương”, tháng 9 năm 1949, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.5, tr.684).
“NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
(“Dân vận”, 15-10-1949, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.5, tr.698).
“Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng: Có đạo đức cách mạng thì mới hy sinh tận tụy với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng đưa cách mạng tới thắng lợi hoàn toàn”.
“Nói về công tác huấn luyện và học tập”, tháng 5 năm 1950, Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, tr.50).
“Thang thuốc chữa bệnh quan liêu:
Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết.
Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân.
Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình.
Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”.
“Phải tẩy sạch bệnh quan liêu”, 2/9/1950, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.5, tr.498).
“Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Những người mà:
- Giàu sang không thể quyến rũ,
- Nghèo khó không thể chuyển lay,
- Uy lực không thể khuất phục.
(Theo Tài liệu tham khảo “Hồ Chí Minh về suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tuỵ, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị” - Ban Tuyên giáo Trung ương).
Tâm Trang (st)