Một trong những vấn đề chi phối toàn bộ hệ thống tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh chính là chủ nghĩa nhân văn. Đây là ngọn nguồn, cơ sở, nền tảng quy định toàn bộ mục đích sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người. Với “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”1, Người đã “hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”, đấu tranh cho nghiệp giải phóng con người. Sâu thẳm trong khát vọng lớn lao đó của Người chính là tấm lòng yêu thương con người hết mực, trước hết là tình yêu thương nhân dân lao động và khát vọng cháy bỏng giải phóng họ khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công, xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa.
Chủ nghĩa nhân văn được biểu hiện trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh không chỉ biểu hiện ở tình yêu thương con người, thương yêu nhân dân sâu sắc, mà còn biểu hiện ở việc chăm lo, bồi dưỡng, phát huy sức mạnh của con người, của nhân dân, giải phóng và mang lại hạnh phúc cho con người. Đó là chủ nghĩa nhân văn khoa học, hiện thực và cách mạng; hay là chủ nghĩa nhân văn hành động nhằm giải phóng và phát triển con người, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn của Đảng, dân tộc ta, mãi mãi là nguồn sáng bất tận soi rọi vào mỗi tâm hồn con người Việt Nam, hướng đến với chân, thiện, mỹ của cuộc sống.
Chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh thuộc phạm trù của chủ nghĩa nhân văn mácxít (chủ nghĩa nhân văn cộng sản), nhưng mang đậm dấu ấn và là đỉnh cao của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Người khẳng định: “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa… Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà. Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”2. Trong thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, hoạt động cách mạng và thể hiện nhất quán như chính Người nói. Đồng thời, Người cũng luôn có ý thức truyền cảm đến cán bộ, đảng viên và nhân dân ta một cách sống có tình có nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc ấy.
Chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh được hình thành, từ khi Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, được định hình từ năm 1920 khi Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và khẳng định một cách dứt khoát với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do vậy có thể nói, chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh gắn liền với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng ra đời với sự nghiệp cách mạng cao cả là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, xây dựng một xã hội không có áp bức, bóc lột, xây dựng một chế độ xã hội lấy con người và phát triển con người làm trung tâm, các lợi ích, nhu cầu làm người được thoả mãn, các năng lực của con người được phát huy vì lợi ích chung của cộng đồng. Vì vậy, chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh biểu hiện ở những đặc trưng cơ bản sau:
Thứ nhất, chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh hướng tới giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người và gắn liền với mục tiêu“độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Đây là đặc trưng cơ bản và xuyên suốt nhất của chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh. Xuất phát từ những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhằm hướng tới mục tiêu giải phóng con người, mà trước tiên là giải phóng những người lao động khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công. Hồ Chí Minh cho rằng, mục tiêu giải phóng con người thì phải nằm trong mục tiêu giải phóng dân tộc.
Vì vậy, theo Hồ Chí Minh, với những dân tộc chưa được độc lập thì trước hết phải giải phóng dân tộc. Bởi lẽ, dân tộc chưa được độc lập thì nhân dân không thể có tự do, hạnh phúc, không thể được giải phóng. Nếu nước mất thì ai cũng phải làm nô lệ. Dân tộc có được độc lập thì mới có cơ sở, điều kiện để mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, tức là mới có điều kiện, cơ sở để giải phóng được nhân dân lao động khỏi mọi hình thức áp bức, bất công, bóc lột trên thực tế. Nhưng độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội thì độc lập dân tộc mới bền vững, hạnh phúc, tự do của nhân dân mới đạt được thực sự, người lao động mới được hoàn toàn giải phóng. Người thường nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”3. “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”4. Để thực sự giải phóng được nhân dân lao động ở nước ta, theo Hồ Chí Minh: “Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư nhân, đối với thủ công nghiệp. Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hoá cao và và đời sống tươi vui hạnh phúc. Chúng ta lại phải tiến hành những nhiệm vụ đó trong điều kiện đặc biệt của nước ta, nghĩa là trên cơ sở của một xã hội vừa mới thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, hết sức lạc hậu..”5. Rõ ràng, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh gắn bó hữu cơ với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cũng vì vậy, chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản chân chính.
Thứ hai, chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh khẳng định con người là vốn quý nhất, coi con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển.
Đây là nội dung quan trọng trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, thể hiện quan điểm của Người về vị trí, vai trò của con người đối với sự phát triển của lịch sử. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh không chỉ là tình yêu thương con người, mà còn là tấm lòng bao dung, độ lượng, là niềm tin vào sức mạnh, phẩm giá con người, trước hết nhân dân lao động. Tình yêu thương con người, tấm lòng bao dung, độ lượng và niềm tin vào sức mạnh, phẩm giá con người có sự thống nhất hữu cơ với nhau trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Vì yêu thương con người, nên Hồ Chí Minh rất khoan dung, độ lượng với người khác dù người đó là ai. Ngay cả những người lầm đường, lạc lối đã có lúc đi ngược lại lợi ích của dân tộc, Hồ Chí Minh vẫn thể hiện sự bao dung, độ lượng, vị tha. Đối với những người do hoàn cảnh đưa đẩy mà lầm đường, lạc lối, Hồ Chí Minh cũng muốn cảm hoá họ, lôi cuốn họ về với nhân dân. Sự cảm hoá của Người rất giản dị, mộc mạc nhưng thấm đượm lòng nhân ái, khoan dung, đức độ. Người viết: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ”6. Với nguỵ binh, Người cũng thể hiện sự bao dung, độ lượng muốn họ bỏ Pháp quay về với nhân dân, Tổ quốc. Lời kêu gọi của Người đối với những nguỵ binh đã thể hiện rất rõ sự cảm thông, lòng vị tha, nhân từ: “Tôi biết rằng: Các người đều là con dân nước Việt, song vì bị Pháp bắt buộc, hoặc bị chúng lừa gạt, cho nên đi lính cho chúng. Chứ thật không ai muốn “cõng rắn bắt gà nhà”, “rước voi giày mả tổ”, chống lại Tổ quốc, để mang tiếng Việt gian”7. Đối với tù binh, Hồ Chí Minh có thái độ khoan hồng, độ lượng với họ vì theo Người, họ cũng là người. Vào tháng 12 năm 1946, trong thư Gửi các tù binh Pháp, Hồ Chí Minh đã viết: “Tôi rất lấy làm phiền lòng vì thấy các người đang ở trong tình thế này. Tôi coi các người như là bạn của tôi”8. Dễ mấy khi, chúng ta thấy một vị Chủ tịch nước mà viết cho tù bình đối phương những lời như vậy? Phải là một người có tấm lòng bao dung, độ lượng, nhân ái bao la mới có thể viết được như vậy. Với những người lính Pháp tử trận, Hồ Chí Minh cũng dành sự thương xót chân tình, đầy tình người: “Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”9. Đối với con người nói chung, Hồ Chí Minh luôn khuyến khích, nâng đỡ, khơi dậy ở con người mặt tốt, giúp họ vươn lên, khẳng định mình.
Hồ Chí Minh có được tấm lòng bao dung, độ lượng là bởi Người có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh, phẩm giá, tính hướng thiện của con người, trước hết là của quần chúng nhân dân lao động. Hồ Chí Minh tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân, bởi lẽ, Người thấy được sức mạnh vĩ đại ở dân. Nhiều lần, Người khẳng định: sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, công cuộc phấn đấu cho tự do, hạnh phúc của con người phải do chính tay con người thực hiện, “phải đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Người thường nhắc lại nhiều lần câu nói của đồng bào Quảng Bình: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trong Di chúc, Người còn căn dặn cán bộ, đảng viên rằng: cuộc kháng chiến chống Mỹ và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là hết sức khó khăn, gian khổ, nhưng “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”10. Chính niềm tin mãnh liệt vào quần chúng nhân dân của Hồ Chí Minh đã cảm hoá được lòng người, thu phục được nhân tâm của nhiều nhân sĩ, trí thức có tên tuổi cũng như những quan chức cao cấp của các chế độ cũ.
Như vậy, từ niềm tin vào sức mạnh, phẩm giá của con người, trước hết của nhân dân là điểm tựa vững chắc cho tấm lòng bao dung, độ lượng của Người, đến quan điểm con người vừa là mục tiêu giải phóng, vừa là động lực của cách mạng, chúng ta thấy rõ tấm lòng bao dung, độ lượng, niềm tin vào sức mạnh, phẩm giá con người lại càng củng cố, nâng cao tình yêu thương con người ở Hồ Chí Minh. Đó cũng là nét đặc sắc rất riêng trong chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh.
Thứ ba, chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn hành động.
Chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh không chỉ là một triết lý đơn thuần theo nghĩa thông thường, mà như C.Mác nói trong Luận cương Phoiơbắc, đó là triết lý hành động - cải tạo thế giới. Xét về bản chất, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh thuộc phạm trù của chủ nghĩa nhân văn mácxít. Điều này được thể hiện ở lý tưởng cách mạng, ý thức cách mạng, ý chí đấu tranh vì xã hội mới, vì tự do và hạnh phúc của mọi người, tức là ý thức thực hiện chân lý, biến chân lý được giác ngộ thành thực tiễn cuộc sống. Mọi suy tư, mọi hành động là phải vì con người, cho con người và do con người; không phải là con người trừu tượng mà là con người cụ thể, con người gắn với hoàn cảnh xã hội mang trong mình những quan hệ xã hội nhất định; cũng không phải là thiểu số những con người mà là số đông những người lao động chân chính, nếu không nói là tất cả mọi người có trên cõi đời này. Chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh có sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lý luận và thực tiễn, giữa nói và làm, nhằm “biến” những tư tưởng, ý chí, tình cảm yêu thương con người thành những hành động cụ thể, thiết thực để giải phóng con người chứ không phải là những “lời nói suông”, những câu khẩu hiệu giải phóng con người chung chung. Chủ nghĩa nhân văn hành động này nhằm mục tiêu giải phóng con người mà trước hết là những người lao động trên thực tế. Vì vậy, chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh khác với những tư tưởng thương người của tôn giáo cũng như những tư tưởng nhân văn thời kỳ Khai sáng của Châu Âu. Ngay từ khi còn trẻ, Người đã nhận thấy các phong trào yêu nước như phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du, hay các hình thức đấu tranh của Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn, Nguyễn Thái Học đều không mang lại kết quả. Cho nên Người đã sớm ý thức được rằng “muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”11. Nghĩa là muốn cứu nước, giúp đồng bào đánh đổ thực dân để giải phóng dân tộc, trên cơ sở đó giải phóng nhân dân thì không thể ngồi im chờ đợi mà phải đi tìm đường cứu nước, phải hành động. Giáo sư Trần Văn Giàu nhận xét về chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh: “Cho phép tôi hiểu rằng tầm cỡ của một hiền triết chưa chắc ở chỗ giải đáp mối tương quan giữa tồn tại và tư tưởng, ở chỗ xác định thế giới là thực tại hay ảo ảnh, khả tri hay bất khả tri, ở chỗ lựa chọn giáo điều quen thuộc hay sáng tạo mới lạ; mà chung quy là ở mức quan tâm đến con người, con người thật đang phải sống trên quả đất này và chắc còn sống lâu dài đến vô tận thời gian, lấy đó làm trung tâm của mọi suy tư và chủ đích của mọi hành động. Cụ Hồ thuộc loại hiền triết đó”12.
Thứ tư, chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh gắn liền với việc “chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, thực hiện chiến lược “trồng người”.
Từ việc khẳng định con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng. Hồ Chí Minh cho rằng cần phải xây dựng con người toàn diện đức, trí, thể, mỹ; con người cần phải được trang bị kiến thức văn hoá và đặc biệt là có nhân cách, đạo đức, vừa “hồng” vừa “chuyên”. Người cho rằng: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”13. Điều đó tưởng như duy tâm khi nghĩ rằng con người xã hội công nghiệp chỉ hình thành khi đã có chủ nghĩa xã hội hiện thực. Nhưng, với tư duy biện chứng, chúng ta sẽ thấy chủ nghĩa xã hội không phải tự nhiên mà có, nó chỉ hình thành do con người ý thức được nó và thực hiện được nó. Để có được những con người như vậy, Hồ Chí Minh cho rằng mỗi người phải tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ hàng ngày, gắn với thực tiễn cách mạng. Các tổ chức chính trị đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giáo dục phẩm chất đạo đức, lý tưởng cách mạng và tình cảm cao đẹp cho con người. Hồ Chí Minh cũng chú trọng các phong trào thi đua yêu nước, người tốt việc tốt. Bởi vì theo Người, thông qua các phong trào đó sẽ làm xuất hiện những điển hình tiên tiến, những con người mới xã hội chủ nghĩa.
Đó là triết lý hành động của Mác mà Hồ Chí Minh đã tiếp thu một cách tích cực và sáng tạo. Từ đó, Người chủ trương xây dựng con người phát triển toàn diện, chủ trương chính sách “trồng người”, nhìn xa trông rộng, đưa ra quan niệm “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”14. Cũng từ đó, Người chủ trương cải tạo xã hội tận gốc, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân một cách quyết liệt. Đây cũng là thể hiện quan niệm xây dựng con người lý tưởng giác ngộ chủ nghĩa cộng sản nhằm đảm bảo cho sự nghiệp cách mạng vô sản thành công. Nhưng, với Hồ Chí Minh, con người lý tưởng ấy lại xuất hiện ở một đất nước sản xuất nhỏ chưa qua giai đoạn xây dựng và phát triển xã hội công nghiệp. Do đó, con người ở đây thường mang nặng tư tưởng sản xuất nhỏ, chịu ảnh hưởng mặt tiêu cực của người nông dân. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh chủ trương phải cải tạo xã hội tận gốc và đòi hỏi xây dựng một đội ngũ cán bộ giác ngộ cách mạng có đạo đức cách mạng vững vàng, kiên định. Người đã từng nói: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”15. Tính nhất quán, chiều sâu trong tư tưởng nhân văn, trong chiến lược “trồng người” của Hồ Chí Minh được thể hiện đậm nét trong Di chúc: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
Những nét đặc sắc trên của chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh thống nhất hữu cơ với nhau, bổ sung cho nhau làm nên nét riêng chỉ có trong chủ nghĩa nhân văn của Người, có giá trị hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Bởi lẽ, Đảng ta cũng không có mục đích nào khác ngoài mục đích phục vụ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, phục vụ nhân dân. Chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng của Người có sức lay động hàng triệu triệu con tim và khối óc không chỉ biết cảm thông, chia sẻ với nỗi đau, sự nhọc nhằn của con người mà quan trọng hơn là thức tỉnh mọi người đứng lên đấu tranh cho cuộc sống hạnh phúc, ấm no của mỗi người. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh còn có giá trị thức tỉnh nhân dân các dân tộc trong cuộc đấu tranh chống nạn áp bức dân tộc, bất công xã hội, chống nghèo đói, lạc hậu, dốt nát, hướng tới độc lập tự do, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, dân tộc và nhân loại. Xin được mượn lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Người để kết thúc bài viết này: “Cũng giống như học thuyết Mác, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn là “linh hồn”, “ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam”, “lương tâm của thời đại”, có sức sống bền vững và có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân Việt Nam và nhiều dân tộc trên toàn thế giới, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai, chính là vì tư tưởng của Người đã... thấm đượm chủ nghĩa nhân văn cao cả,.. Và cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là một tấm gương, một biểu hiện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa nhân đạo cộng sản”16./.
TS. Doãn Thị Chín
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Theo http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Tâm Trang (st)