Khi đánh giá về những cống hiến nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc chiến đấu chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”(1).  Trong những giá trị di sản quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề thực hiện sự đoàn kết, hợp tác quốc tế có ý nghĩa sâu sắc đối với công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ hiện nay.

1. Thiết lập quan hệ hòa bình, hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên trì đấu tranh cho nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời Người luôn chú trọng thiết lập mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, bình đẳng với các nước trên thế giới. Tư tưởng hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và hợp tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng đến điều hòa sự đa dạng về xu hướng chính trị, chế độ xã hội giữa các nước để các dân tộc tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, qua đó mở rộng sự hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước. Hai năm sau khi nước nhà giành được độc lập (tháng 9/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu chủ trương Việt Nam “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Trong bản Di chúc (1969), điều mong muốn cuối cùng của Người là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(2). Với hơn 1000 từ, bản Di chúc chứa đựng tầm tư duy chiến lược, thể hiện tầm vóc của một trí tuệ lớn và ánh sáng của niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng; nêu lên những định hướng lớn để chấn hưng đất nước sau chiến tranh, xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cơ sở để thiết lập quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác là các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, có mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị với các nước nhưng hòa bình, hữu nghị không thể tách rời các quyền dân tộc cơ bản: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Người nhấn mạnh: “Tinh thần yêu nước là kiên quyết giữ gìn quyền độc lập, tự do và đất đai toàn vẹn của nước mình”(3). Trong Lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Chính phủ các nước trên thế giới ngày 14/01/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”(4). Khi thăm Trung Quốc tháng 6/1955, một lần nữa Người khẳng định: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi và chung sống hòa bình”(5). Đây là thông điệp về hòa bình, hợp tác, hữu nghị, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhau của nhân dân Việt Nam với thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần tuyên bố tán thành năm nguyên tắc chung sống hòa bình, cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau. Người đã đi thăm nhiều nước trên thế giới, tranh thủ mọi cơ hội, kể cả những cơ hội nhỏ nhất để thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác, hòa bình giữa dân tộc Việt Nam với các quốc gia trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau và hai bên cùng có lợi. Trong buổi tiếp ông Giăng Xanhtơny, Tổng đại diện Chính phủ Pháp tại Hà Nội ngày 26/3/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là sẵn sàng hợp tác với nước Pháp trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị và tôn trọng chủ quyền dân tộc của nhau. Cơ sở và phương pháp tốt nhất cho việc phát triển mối quan hệ Việt - Pháp là sự hiểu biết, lòng trung thực, tin cậy lẫn nhau, bình đẳng và hai bên cùng có lợi(6).

Vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ý chí, quyết tâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời Người cũng bày tỏ thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam, sẵn sàng tạo điều kiện cho quân Mỹ về nước nếu họ từ bỏ mưu đồ xâm lược Việt Nam. Ngày 25/8/1969, đúng một tuần trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời Tổng thống Mỹ Richard Nixơn, vạch trần tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, chỉ rõ quyết tâm của nhân dân Việt Nam là “quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình”. Người nhấn mạnh: “Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hoà bình của nhân dân thế giới”(7).

2. Đoàn kết và hợp tác quốc tế phải trên cơ sở giữ vững đường lối độc lập, tự chủ; kết hợp với đấu tranh khôn khéo để thực hiện các mục tiêu cách mạng, bảo vệ quyền lợi quốc gia và lợi ích dân tộc chân chính

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu trưng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng, một chiến sĩ xuất sắc trong phong trào cộng sản và giải phóng dân tộc thế kỷ XX. Người để lại nhiều bài học về nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo và đổi mới, “tuyệt đối không nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều”, đề cao nguyên tắc tự phê bình và phê bình, đoàn kết gắn với đấu tranh, giữ vững tính chiến đấu của một đảng cộng sản.

Trong cuộc đấu tranh chống lại những kẻ thù lớn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc tăng cường đoàn kết và tranh thủ mọi sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, coi đây là một vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam. Với các đảng cộng sản và công nhân quốc tế, Người chủ trương xác lập mối quan hệ độc lập, bình đẳng, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ cao nhất song kiên trì giữ vững quan điểm của mình, chịu trách nhiệm với dân tộc mình và với phong trào cách mạng thế giới. Với bản lĩnh, kinh nghiệm và bề dày hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết và khôn khéo đấu tranh chống mọi sự áp đặt trong quan hệ quốc tế, đấu tranh khắc phục những biểu hiện của tư tưởng “nước lớn”, “đảng lớn”, “chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi”, xâm phạm lợi ích chính đáng của các dân tộc. Người nhấn mạnh: “Các đảng dù lớn dù nhỏ đều độc lập và bình đẳng, đồng thời đoàn kết nhất trí, giúp đỡ lẫn nhau”(8).

Trước những bất đồng giữa một số đảng cộng sản trên thế giới vào thập niên 60 của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết lòng chăm lo bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đoàn kết giữa các đảng cộng sản. Tại Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa (từ ngày 14 đến ngày 16/11/1957 tại Mátxcơva), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải đoàn kết, thống nhất các đảng mác-xít lêninnít về mặt tư tưởng nhằm củng cố, phát triển phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Với cách mạng Việt Nam, Người nêu rõ: “Giờ đây, nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi là đảm bảo sự thống nhất vững chắc của Đảng chúng tôi, của toàn thể nhân dân chúng tôi, tăng cường giáo dục Đảng và toàn thể nhân dân theo tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa quốc tế vô sản và tình yêu đất nước… nhằm thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước chúng tôi”(9).  Những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc hòa giải mâu thuẫn, bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc để đi đến bản Tuyên bố cuối cùng ở Hội nghị 81 Đảng Cộng sản năm 1960 tại Mátxcơva là một trong những đóng góp to lớn của Người vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Phát biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ 16, khóa III (tháng 5/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế”(10).

Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự trăn trở, ưu phiền, lo lắng và cảm thấy “đau lòng” khi nói về sự bất hòa giữa các đảng cộng sản trong phong trào cách mạng thế giới: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!”(11). Người mong rằng: “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”(12). Là người luôn coi trọng tình nghĩa, sự thủy chung, chân thành đoàn kết với tất cả các đảng cộng sản và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ nguyện vọng đến ngày thắng lợi hoàn hoàn, Người sẽ thay mặt nhân dân cả nước đi thăm và cảm ơn các nước anh em và bè bạn trên thế giới đã tận tình ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong kháng chiến. Theo Người: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”(13).

Trải qua biến động thời cuộc và những thử thách lịch sử, quan điểm và chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thiết lập quan hệ hòa bình, đoàn kết, hợp tác quốc tế, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn còn vẹn nguyên giá trị trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển đảo Việt Nam hiện nay. “Điều mà Người dạy chúng ta lớn hơn hết, là luôn luôn kết hợp lý luận với thực tiễn… Người dạy chúng ta mỗi khi tình hình đổi mới, điều kiện mới của cuộc vận động cách mạng đã nảy sinh, hàng ngũ kẻ thù và hàng ngũ bạn đồng minh của cách mạng đã có chỗ biến hóa, thì lập tức phải xem xét lại chủ trương, chính sách và khẩu hiệu cách mạng, căn cứ vào tình hình mới mà định phương châm, chiến lược, sách lược, không nên bám lấy những khuôn khổ cũ kỹ và lỗi thời”(14).

Sau 30 năm tiến hành đường lối đổi mới, nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương hình thành nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng nhưng tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, nhất là tranh giành ảnh hưởng, tranh chấp chủ quyền biển, đảo, tài nguyên… Những diễn biến phức tạp trên biển Đông, trong đó có việc tranh chấp chủ quyền biển, đảo, tài nguyên đặt ra những thách thức nghiêm trọng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới. Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế”(15).

Tổng kết lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”(16). Độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam đã được xây đắp và khẳng định trong suốt chiều dài dựng nước gắn liền với giữ nước của dân tộc Việt Nam, là những giá trị thiêng liêng nhất và bất khả xâm phạm. Trong cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn và phức tạp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cần nhận thức và quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết và hợp tác quốc tế; đề cao chính nghĩa, lẽ phải của Việt Nam, vận dụng những giá trị và cơ sở pháp lý quốc tế để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới./.

TS. Lê Nhị Hòa - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo http://tcnn.vn

Thu Hiền (st)

--------------------------------------

Ghi chú:

(1) Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, H.1990, tr.5.

(2), (11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 30, Nxb. CTQG, H.2004, tr.273; tr.271.

(3) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 7, Nxb. CTQG, H.2000, tr.227.

(4) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 6 (xuất bản lần thứ hai), Nxb. CTQG, H.2000, tr.8.

(5) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 8, Nxb. CTQG, H.2000, tr.5.

(6), (9) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, tập 6 (xuất bản lần thứ hai, có sửa chữa, bổ sung), Nxb. CTQG, H.2008, tr.56; tr.557.

(7) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Nxb. CTQG, H.2000, tr.489.

(8) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 10, Nxb. CTQG, H.2000, tr.235.

(10) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, tập 10, Nxb. CTQG, H.2009, tr.352.

(12), (13) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Nxb. CTQG, H.2002, tr.511-512; tr.554.

(14) Trường Chinh, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Tác phẩm chọn lọc, tập 1 (in lần thứ hai), Nxb. ST, H.1976, tr.184-185.

(15) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H.2011, tr.83-84.

(16) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 3, Nxb. CTQG, H.2000, tr.217.

Bài viết khác: