Thứ sáu, 29/03/2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng ta. Với cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước nên người luôn quan tâm nâng cao vị thế và vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, coi đó là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp "Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới"(1). Trước mỗi bước chuyển giai đoạn cách mạng, hoặc trong các dịp tổng kết thực tiễn cách mạng, Người đều chú ý nêu ra những luận điểm có tính định hướng, tính quy luật trong việc nâng cao vị thế và vai trò cầm quyền của Đảng ta. Tư tưởng của Người đến nay vẫn tiếp tục là kim chỉ nam cho Đảng ta với tư cách là một đảng cầm quyền.

DangCSVN
Ảnh: internet

1. Đảng phải hoạch định đường lối, quyết sách chính trị đúng đắn, đáp ứng lợi ích của giai cấp, nhân dân lao động, dân tộc, xu thế phát triển của dân tộc và thời đại

Nguy cơ số một đối với một đảng cầm quyền là đưa ra các chủ trương, đường lối không hợp lòng dân, không  phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, của dân tộc, xu hướng phát triển của thời đại, dẫn đến khủng hoảng, người dân mất niềm tin và bạn bè quốc tế e ngại. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng đường lối đúng cũng giống như chân lý: "Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý"(2). Đường lối đúng của Đảng là phải đem lại lợi ích cho Tổ quốc, cho nhân dân. Mọi công tác của Đảng phải luôn đứng về phía quần chúng. Khi khẳng định vai trò cầm quyền của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị của nhân dân"(3). Trong dịp tổng kết 30 năm hoạt động của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Sở dĩ đạt được những thắng lợi ấy là vì: Đảng ta luôn luôn đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp và của nhân dân, biết vận dụng lý luận Mác - Lênin vào tình hình thực tế của nước ta và đề ra đường lối, chính sách đúng đắn. Đảng ta không ngừng đấu tranh chống những khuynh hướng cải lương của giai cấp tư sản và những khuynh hướng manh động của tầng lớp tiểu tư sản trong phong trào dân tộc; chống luận điệu "tả" của bọn Tơrốtxkít trong phong trào công nhân; chống những khuynh hướng "hữu" và "tả" trong Đảng khi quy định và chấp hành chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng ở mỗi thời kỳ". Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ vận dụng sáng tạo, mà còn bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa, phát triển tinh hoa văn hóa, tư tưởng của dân tộc và nhân loại trong hoạch định đường lối, chính sách của Đảng; luôn khắc phục hoặc đấu tranh thắng lợi với những khuynh hướng giáo điều, tả khuynh, hữu khuynh và những luận điệu sai trái của các lực lượng thù địch để đưa được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

2. Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm

Ngày 05/1/1960, nói chuyện tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại. Thực tế, khi ấy hầu như người dân nào được hỏi về đời sống của mình, đều vui vẻ khẳng định nhờ ơn Đảng và Chính phủ, chúng tôi mới có ngày nay. Sở dĩ, Đảng ta được nhân dân tin tưởng như vậy không chỉ vì Đảng có đường lối đúng, mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh"(4). Đạo đức đó có tính văn hóa cao, có tính văn minh hiện đại, thấm sâu trong đường lối, chính sách của Đảng, trong toàn bộ mục đích, phương thức hoạt động, phương thức cầm quyền của Đảng, cũng như trong mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, người cách mạng phải có đủ tài và đức. Trong đó, đức là gốc, là cái quyết định uy tín và năng lực lãnh đạo của người cách mạng. "Không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"(5). Để giữ vững, làm tốt vai trò của một đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng vấn đề tư cách của một đảng chân chính cách mạng, chú trọng xây dựng đảng về mặt đạo đức. Trong cuốn Sửa đổi lối làm việc, Người nêu ra 12 điều quy định Tư cách của đảng chân chính cách mạng. Trong đó, những phẩm chất về năng lực cầm quyền gắn bó chặt chẽ với những phẩm chất đạo đức cách mạng và khẳng định: Muốn cho Đảng được vững bền/ Mười hai điều đó chớ quên điều nào. Trong Di chúc, Người căn dặn: "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"(6).

3. Làm tròn vai trò người lãnh đạo của dân tộc và người phục vụ nhân dân, toàn tâm toàn ý vì nhân dân, gắn bó với nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, để là một đảng cầm quyền vững mạnh, Đảng phải phấn đấu để "Trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc"(7). Theo Người, để nâng cao năng lực cầm quyền, Đảng phải không ngừng tự đổi mới, nâng tầm trí tuệ, không ngừng phát triển tư duy lý luận và tổng kết thực tiễn.

Tầm trí tuệ, tức là trình độ trí tuệ của Đảng gắn với mỗi giai đoạn lịch sử nhất định, là sự kết hợp chặt chẽ của các yếu tố: Năng lực tư duy, tri thức tích lũy được, sự sáng tạo phát hiện ra cái mới, sự vận dụng các yếu tố của trí tuệ vào cuộc sống. Nâng tầm trí tuệ của Đảng, trình độ lý luận của Đảng là phương thức hiệu quả nhất để khắc phục bệnh giáo điều, chủ quan, hẹp hòi, duy ý chí. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh hoa văn hóa tư tưởng của dân tộc và nhân loại trong tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta cũng như các Đảng Cộng sản trên thế giới để bổ sung, phát triển học thuyết Mác - Lênin, giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình cầm quyền của Đảng, từ đó tìm ra bản chất, quy luật vận động cơ bản của thực tiễn cách mạng nước ta trong mỗi thời kỳ cách mạng, kịp thời sửa đổi, bổ sung những chủ trương, chính sách không còn phù hợp.

Xa dân, mất lòng dân là nguy cơ thứ 2 của một đảng cầm quyền. Do đó, vị thế cầm quyền và vai trò cầm quyền của Đảng được củng cố và nâng lên bởi sự gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Đảng phải là người đầy tớ trung thành, hết lòng, hết sức, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, đồng thời là nhân tố quyết định vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là: "có sự lãnh đạo của một Đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân"(8). Trong 12 tiêu chí của một đảng cách mạng chân chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thì có đến 7 điều quy định tư cách của Đảng, phương thức cầm quyền của Đảng thể hiện sự toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, gắn bó với nhân dân của một đảng cầm quyền(9).

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng chẳng những lãnh đạo quần chúng, mà còn phải học hỏi quần chúng, phát huy quyền làm chủ của quần chúng nhân dân. Đảng ta có thể tự hào là người mở đường cho nhân dân ta tiến lên một tương lai rực rỡ. Song, tất cả những thắng lợi của cách mạng không phải là công lao riêng của Đảng mà là công lao chung của toàn thể đồng bào ta trong cả nước. "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân"(10).

4. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thoái hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên

Quan liêu, tham nhũng, lãng phí và chủ nghĩa cá nhân phát triển trong cán bộ, đảng viên là nguy cơ thứ 3 với một đảng cầm quyền. Do đó, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chống chủ nghĩa cá nhân, khắc phục sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên là mối quan tâm hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, Nhà nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người khẳng định: Quan liêu, tham ô, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân là "bạn đồng minh của thực dân, phong kiến", là "giặc nội xâm", là "kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ"(11). Còn "Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân"(12). Quan liêu, tham nhũng, lãng phí gây thiệt hại nặng nề cho đất nước về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và đạo đức, trực tiếp làm suy yếu vị thế, vai trò, uy tín của Đảng cầm quyền, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với đảng và với chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gương mẫu thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và chủ nghĩa cá nhân với tinh thần cách mạng triệt để và tinh thần dân chủ cao độ. Với phương châm: "Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề gì"(13).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công"(14). Dân chủ tức là nhân dân làm chủ. Cán bộ, đảng viên là người được giao quản lý tài sản để thực hiện các nhiệm vụ do nhân dân giao phó. Vì vậy, nhân dân có quyền và nghĩa vụ giám sát, giúp cán bộ, đảng viên thực hiện chữ liêm, đồng thời, phê bình cán bộ, đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, tham ô, lãng phí của cán bộ, đảng viên. Sự tham gia của quần chúng quyết định sự thành công của công cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: cũng như mọi việc khác, việc “chống” này phải động viên quần chúng, thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng.

Chủ nghĩa cá nhân phát triển là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống trong cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng chủ nghĩa cá nhân đẻ ra nhiều cái xấu thiên hình vạn trạng, ví dụ như các bệnh: địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, óc quân phiệt quan liêu, óc hẹp hòi, ham chuộng hình thức, làm việc lối bàn giấy, tự do vô kỷ luật, ích kỷ, hủ hóa, lười biếng, ham danh vị, ba hoa, kiêu ngạo.v.v... Người cho rằng, cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân. Muốn có đạo đức cách mạng, thì nhất định phải "tẩy rửa", "quét sạch", "chống", "tiêu diệt" chủ nghĩa cá nhân. Mà, không phải chỉ có chống một lần mà hết được chủ nghĩa cá nhân. Chống chủ nghĩa cá nhân là một cuộc đấu tranh gay go, lâu dài và phức tạp. Trước hết, trong Đảng có chống được chủ nghĩa cá nhân, mới có thể thực sự nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; Đảng mới thực sự là đạo đức, là văn minh, mới nâng cao được vai trò, vị thế cầm quyền của Đảng.

5. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém"(15). Bất cứ chính sách, công tác gì có cán bộ tốt thì thành công. Ngược lại, cán bộ xấu, yếu kém thì Đảng mất uy tín, công việc không thành công mà thất bại. Để nâng cao được vị thế và vai trò của đảng cầm quyền, Đảng ta cần xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có tài, có đức, đặc biệt là xây dựng được đội ngũ lãnh đạo chủ chốt cấp chiến lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, coi đó là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng và là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Người đã trực tiếp đào tạo, xây dựng nên nhiều thế hệ cán bộ tận tụy vì Đảng, vì dân, kiên cường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ qua các giai đoạn cách mạng.

Tư tưởng bao trùm công tác cán bộ của Người là: "Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta"(16). "Phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi"(17).

Theo phương châm đó, Người chỉ cho Đảng ta thấy rõ những nội dung và biện pháp cần thiết trong các khâu đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, sử dụng cán bộ; cách đánh giá, phân phối, đề bạt, cất nhắc cán bộ trong công tác xây dựng Đảng và Nhà nước(18).

6. Tăng cường đoàn kết, mở rộng dân chủ, giữ vững kỷ luật, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng

Đại đoàn kết là một tư tưởng chiến lược xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người tổng kết: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Bởi đoàn kết làm nên sức mạnh, còn chia rẽ thì suy yếu. Trước hết là đoàn kết trong nội bộ Đảng. Đảng có đoàn kết thống nhất mới có cơ sở mang tính quyết định để đi đến chữ đoàn kết thứ hai rộng lớn hơn là đoàn kết toàn dân tộc. Có đoàn kết toàn dân tộc mới đi đến đoàn kết quốc tế, nghĩa là đoàn kết dân tộc ta với các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, hình thành khối đại đoàn kết có sức mạnh to lớn để hoàn thành mọi nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoàn kết được toàn Đảng, toàn dân tộc với đại đoàn kết quốc tế nên đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng ta: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình"(19).

Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng việc thực hiện dân chủ hóa đời sống sinh hoạt xã hội, phát huy quyền dân chủ của nhân dân, vì đó là chiếc "chìa khóa vạn năng" giúp Đảng, Nhà nước giải quyết mọi khó khăn. Muốn vậy, trước hết phải thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng. Ngay cả "nạn giặc nội xâm" cực kỳ nguy hiểm và phức tạp cũng có thể khắc phục được một khi thực hành dân chủ rộng rãi và đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng, đồng thời phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân trong việc kiểm tra, giám sát, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và lãng phí trên cơ sở luật pháp được thực hiện nghiêm minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra phương hướng nâng cao vị thế, vai trò cầm quyền của Đảng: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau"(20).

Đề cao thực hành dân chủ trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở sức mạnh của Đảng chính là ở sự tập trung thống nhất, ở kỷ luật sắt của Đảng. Muốn mọi chính sách của Đảng thực hiện được thì phải có kỷ luật. Kỷ luật của Đảng là tự nguyện, tự giác; đã tự nguyện, tự giác là kỷ luật sắt, rất nghiêm, tất cả đảng viên già trẻ, trên dưới đều phải tuân theo. Nếu không giữ gìn nghiêm túc kỷ luật là giảm bớt lực lượng của Đảng, khó thực hiện được nhiệm vụ. Cho nên giữ vững kỷ luật Đảng là một biện pháp nâng cao vị thế, vai trò của đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người. Đó là nhờ có kỷ luật. Kỷ luật của ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác. Các đồng chí chúng ta cần phải ra sức giữ gìn kỷ luật sắt của Đảng"(21).

7. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh dưới sự lãnh đạo chặt chẽ, sáng suốt của Đảng

Từ năm 1945 đến năm 1969, trên cương vị Chủ tịch Nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ tư tưởng và năng lực cầm quyền của Người và của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã đặt nền móng tư tưởng và trực tiếp lãnh đạo việc xây dựng một nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân ở nước ta. Vai trò và năng lực cầm quyền của Đảng thể hiện tập trung ở chỗ xây dựng được một chính quyền mạnh, có năng lực quản lý cao. Ở nước ta, đó là cả một hệ thống nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự là của dân, do dân, vì dân trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hiện nay, nâng cao vị thế, vai trò cầm quyền của Đảng chính là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng với Nhà nước theo những phương thức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra và thực hiện hiệu quả. Đó là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng với Nhà nước thông qua nâng cao chất lượng hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách lớn cho Nhà nước; không ngừng tăng cường, đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với hoạt động của bộ máy nhà nước. Đảng cử những cán bộ, đảng viên xuất sắc nhất nắm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước và trong toàn bộ hệ thống chính trị. Vị thế, vai trò, năng lực cầm quyền của Đảng được nâng cao bởi hoạt động quản lý có hiệu quả của bộ máy nhà nước, có các cán bộ, đảng viên xuất sắc gương mẫu trong việc thực thi nhiệm vụ quản lý xã hội phục vụ nhân dân với tinh thần: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(22). Bộ máy nhà nước và đội ngũ công chức cần thực sự phát huy vai trò "dân là chủ" theo tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thật sự là nhà nước dân chủ của dân, do dân, vì dân. Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân: nhân dân nắm quyền lực nhà nước, nhân dân tổ chức quyền lực nhà nước, nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước. Nhà nước thực sự quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật, hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật với tinh thần pháp luật là tối thượng. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp pháp luật và đạo đức trong hoạt động và xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu quả./.

PGS. TS. Nguyễn Thế Thắng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Khu vực I

Theo http://tcnn.vn

Thu Hiền (st)

----------------------------

Ghi chú:

(1), (6), (8), (19), (20), Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr.614, tr.622, tr.391, tr.622, tr.622.

(2) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 10, tr.378.

(3), (5), (9), (15), (16), (17), (18), Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 5, tr.290, tr.292, tr.289-290, tr.313, tr.319, tr.315.

(4), (10) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 12, tr.403; tr.672.

(7) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 9, tr.412.

(11), (13), (14) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 7, tr.357.

(12) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 11, tr.609.

(21) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 6, tr.17.

(22) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 4, tr.65.

Bài viết khác: