Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự thống nhất giữa đạo đức và chính trị có giá trị lý luận và thực tiễn quan trọng. Sự thống nhất đó bắt nguồn từ bản chất của cách mạng vô sản, là cơ sở của những hành động cách mạng. Nó thể hiện sâu sắc ở phẩm chất, nhân cách của người cán bộ cách mạng. Bởi vậy, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức và tạo nên những nhân cách mẫu mực; tự giác giáo dục và rèn luyện bản thân, kết hợp lòng yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng… là những nhiệm vụ thường xuyên của người cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt 75 năm qua luôn gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của một con người đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại. Đó là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - "Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới". Từ một người yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành người cộng sản, Hồ Chí Minh không những đã tiếp thu nội dung lý luận chính trị, mà còn tiếp thu cả tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp của các lãnh tụ bậc thầy của giai cấp vô sản. Trên cơ sở đó, Người đã đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng nền đạo đức mới - đạo đức cách mạng Việt Nam. Đạo đức mới ra đời đã nhanh chóng trở thành vũ khí tinh thần sắc bén của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta trong cuộc đấu tranh để giành và giữ vững độc lập dân tộc, xóa bỏ tận gốc mọi tàn tích của chế độ xã hội cũ; đã đáp ứng được nhu cầu của cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là điều mà các kiểu đạo đức cũ của giai cấp thống trị, bóc lột trước đây không thể nào có được. Ở đây, bài viết tập trung phân tích làm rõ giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về sự thống nhất giữa đạo đức và chính trị; qua đó, khẳng định ý nghĩa của các nhân tố chính trị - tinh thần trong việc giải quyết các nhiệm vụ lịch sử.
Từ năm 1930 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam luôn kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, gắn giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội với giải phóng con người. Những giá trị mà sự nghiệp cách mạng vĩ đại ấy mang lại là vô cùng lớn lao, giàu tính nhân đạo và nhân văn. Có thể khẳng định rằng, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã trở thành mục tiêu chung để mọi hoạt động chính trị và đạo đức cùng hướng tới thực hiện. Hồ Chí Minh chỉ rõ tiêu chuẩn chính trị hàng đầu của người cách mạng là "quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng"(1). Tiêu chuẩn ấy phải được nhận thức, chuyển hóa thành lý tưởng đạo đức cao cả, tình cảm đạo đức đẹp đẽ: "Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người"(2).
Như vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng không chỉ dừng lại ở những quy tắc, chuẩn mực sống của các cá nhân trong quan hệ sinh hoạt hàng ngày, mà còn hàm chứa thái độ của mỗi người trong việc giải quyết các mối quan hệ xã hội phong phú. Nó đòi hỏi ở mỗi người tính tự nguyện, đức hy sinh, chứa đựng những giá trị xã hội lớn lao, mang nội dung nhân văn sâu sắc. Lý tưởng chính trị cách mạng ấy đã trở thành tình cảm đạo đức cao cả. Thật cảm động khi Người nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành"(3). Điều “ham muốn” đó của Người hoàn toàn không vì cá nhân mình, mà vì tất cả mọi người, vì nhân dân. Và do vậy, nó thể hiện tình cảm đạo đức trong sáng, lý tưởng đạo đức cách mạng cao cả phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và cũng là mục tiêu, lý tưởng chính trị của Đảng, của cách mạng Việt Nam - đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.
Sự thống nhất giữa lý tưởng chính trị và đạo đức cách mạng cao đẹp là cơ sở của những hành động cách mạng dũng cảm, kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh quên mình cho lý tưởng; là định hướng để mỗi người tự giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ, nghĩa vụ và quyền lợi, nghĩa vụ pháp lý và nghĩa vụ đạo đức trước vận mệnh dân tộc và hạnh phúc nhân dân. Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: "… chính trị là đức, chuyên môn là tài", "tài là văn hoá, chuyên môn, đức là chính trị"(4). Do vậy, cần phải nhận thức rằng, việc giải quyết và thực hiện đúng đắn, có hiệu quả những nhiệm vụ chính trị cách mạng cũng có nghĩa là mang lại những giá trị đạo đức sâu sắc. Theo Hồ Chí Minh, một trong những lý do khiến anh em bầu bạn khắp năm châu yêu mến và ca ngợi đất nước, con người Việt Nam chính là “vì cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của nhân ta do Đảng ta lãnh đạo là chí công vô tư, mình vì mọi người”(5).
Người còn chỉ rõ sự thống nhất giữa đạo đức và chính trị cách mạng có nguồn gốc sâu xa từ bản chất tốt đẹp của cách mạng vô sản. Sau nhiều năm bôn ba, trải nghiệm cuộc sống và nghiên cứu lý luận, Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc chân lý của thời đại hiện nay là chỉ có đi theo con đường cách mạng vô sản, gắn giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, xoá bỏ tận gốc mọi áp bức, bóc lột, bất công thì con người mới thực sự được giải phóng. Đó là sự nghiệp cách mạng vĩ đại nhất của nhân loại cần lao, trong đó hàm chứa những giá trị nhân đạo cao cả, nhân văn sâu sắc. Chế độ mới là môi trường tốt đẹp tạo ra những tiền đề kinh tế - xã hội cho sự thống nhất giữa đạo đức và chính trị.
Trong xã hội cũ, các giai cấp thống trị tìm mọi cách áp đặt các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức của giai cấp mình cho toàn xã hội, nhằm sử dụng tối đa sức mạnh tinh thần của đạo đức phục vụ cho mục tiêu chính trị, duy trì xã hội trong trật tự bóc lột, vị kỷ của chúng. Trong xã hội đó, bóc lột, mâu thuẫn đối kháng là bản chất của chế độ xã hội; chính trị chỉ là những thủ đoạn của thiểu số thống trị xã hội sử dụng để nô dịch đa số quần chúng lao động. Hồ Chí Minh nhận định rằng trong xã hội có giai cấp bóc lột, thống trị, chỉ có lợi ích của giai cấp thống trị là được thoả mãn, còn lợi ích cá nhân của quần chúng lao động thì bị giày xéo. Trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, mục tiêu chính trị cao cả là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã được nhân dân giác ngộ, chuyển hoá thành nhu cầu, tình cảm, lương tâm, nghĩa vụ đạo đức và nguyện chiến đấu hy sinh cho quyền lợi của dân tộc, lợi ích của nhân dân. Hồ Chí Minh gọi đó là đạo đức cách mạng và “đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người"(6). Trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, giai cấp công nhân đã sáng tạo ra đạo đức của mình để giác ngộ, nâng cao nhiệt tình cách mạng của khối quần chúng đông đảo đoàn kết xung quanh Đảng, đấu tranh cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Sự thống nhất giữa đạo đức và chính trị được thể hiện sâu sắc trước hết trong phẩm chất, nhân cách của người cán bộ cách mạng. Do vậy, trau dồi đạo đức cách mạng là yêu cầu nền tảng của mỗi con người, trước hết là đối với người cán bộ cách mạng. Người căn dặn rằng, người cán bộ cách mạng phải có và luôn giữ vững đạo đức cách mạng, bởi vì, "tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó, còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân"(7). Sự thống nhất hữu cơ giữa chính trị và đạo đức được thể hiện sinh động, sâu sắc, bền vững trong phẩm chất, nhân cách của người cách mạng. Có thể nói, trong sự nghiệp cách mạng lớn lao này, sự quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân là phẩm chất cao quý của người cách mạng, là nhân tố bảo đảm cho sự thắng lợi của Đảng, của giai cấp, của nhân dân.
Bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, tạo nên những nhân cách mẫu mực phải là công việc thường xuyên đối với người cách mạng. Hồ Chí Minh quan niệm rằng, người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình, chí hiếu nhất. Vì thế, Người rất coi trọng việc bồi dưỡng chính trị, rèn luyện đạo đức mới. Đặc biệt, đối với người cán bộ giữ cương vị lãnh đạo lại càng cần phải tích cực trau dồi phẩm chất chính trị - đạo đức, hoàn thiện nhân cách để có khả năng cảm hóa, tập hợp quần chúng thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị của cách mạng. Do vậy, việc bồi dưỡng thế giới quan Mác - Lênin phải gắn liền với giáo dục nhân sinh quan cộng sản. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình”(8). Giáo dục cán bộ, đảng viên, trước hết đó là công việc của Đảng. Người căn dặn: “Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”(9).
Giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng là xây dựng cái nền tảng, cái "gốc" vững chắc của người cán bộ cách mạng. Công việc đó cần được tiến hành đồng thời với bồi dưỡng lý luận chính trị cách mạng. Bài học đầu tiên đối với người cách mạng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phải là bài học về đạo đức cách mạng. Không phải ngẫu nhiên mà Người đặt “Tư cách một người cách mệnh” là bài mở đầu của cuốn Đường cách mệnh (năm 1927). Trong Di chúc (năm 1969), Người không quên nhắc nhở việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng và yêu cầu họ “phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"(10).
Là lãnh tụ của Đảng, của dân tộc, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn hướng về quần chúng nhân dân để giáo dục, tuyên truyền, thức tỉnh và tổ chức quần chúng tạo thành một khối đoàn kết thống nhất, để "lấy sức ta mà giải phóng cho ta". Người khéo léo kết hợp các biện pháp để từng bước nâng cao tư tưởng và tình cảm cách mạng, nâng cao chủ nghĩa yêu nước, lòng nhân đạo, tinh thần tương thân, tương ái... trong nhân dân. Qua đó, làm nảy nở những tư tưởng và tình cảm đạo đức cao đẹp ở mỗi người, tạo thành chất keo gắn kết cả dân tộc thành một khối thống nhất có sức mạnh to lớn đưa cách mạng tới thành công; đồng thời, tạo nên nét đẹp quan hệ giữa người với người trong xã hội mới.
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao tinh thần tự giác trong tự giáo dục, tự rèn luyện, toàn tâm, toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Rèn luyện đạo đức cách mạng là một công việc khó khăn, lâu dài, gian khổ đòi hỏi tinh thần nỗ lực, bền bỉ, kiên trì. Đó phải là công việc suốt đời. Sức mạnh và sự hấp dẫn của đạo đức cách mạng không chỉ bởi lý tưởng cao cả, mà còn bởi hành vi cao đẹp của người cán bộ có sức lôi cuốn quần chúng noi theo. Bởi vậy, người cán bộ phải thể hiện đạo đức cách mạng qua hành động thực tiễn, phải trở thành mẫu mực trong mọi công việc: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(11).
Trong nội dung giáo dục cần bao gồm hệ thống các phẩm chất, chuẩn mực đạo đức cách mạng phong phú mang nội dung chính trị sâu sắc. Trong đó, phẩm chất chính trị - đạo đức hàng đầu, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, là “Trung với nước, hiếu với dân”. Chuẩn mực đạo đức mới ấy khẳng định trách nhiệm chính trị và nghĩa vụ đạo đức của mỗi cá nhân đối với Tổ quốc và nhân dân. Đạo trung - hiếu đó được biểu hiện sinh động trong thực tiễn cuộc sống, là sẵn sàng phấn đấu "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng", là "cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh", là phụng sự cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.
Cùng với phẩm chất đạo đức nền tảng đó, Hồ Chí Minh còn luôn nhắc nhở mọi người, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây được coi là những phẩm chất đặc trưng, cần có của con người trong lao động, xây dựng đất nước; là hệ tiêu chí đánh giá con người mới xã hội chủ nghĩa. Những phẩm chất đó trở thành yêu cầu, nội dung của đời sống mới, của thi đua ái quốc, biến sự nghiệp cách mạng thành sự nghiệp của quần chúng.
Sự thống nhất giữa đạo đức và chính trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn đòi hỏi luôn kết hợp chặt chẽ giữa lòng yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng. Yêu quý nhân dân nước mình, đồng thời phải kính trọng, yêu quý, giúp đỡ nhân dân nước bạn, thể hiện tinh thần đoàn kết "bốn phương vô sản đều là anh em". Chúng ta không chỉ làm tốt nhiệm vụ cách mạng trong nước, mà còn phải luôn sẵn sàng làm tròn nghĩa vụ quốc tế trên tinh thần: "giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình"; thực hiện đúng tinh thần "chí công vô tư, mình vì mọi người", vì sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Xuyên suốt tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là tình thương yêu con người và vì con người, thể hiện sự kế thừa và phát triển đạo lý làm người, bản chất nhân văn trong đạo đức truyền thống dân tộc. Lòng nhân ái, vị tha, bao dung của Hồ Chí Minh đối với con người được nâng lên thành chủ nghĩa nhân đạo cộng sản; biểu hiện thành tinh thần quyết tâm đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng con người, trả lại cho con người những giá trị chân chính. Tư tưởng và nhân cách vĩ đại của Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đèn pha soi sáng, là động lực tinh thần to lớn thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Tại Đại hội lần thứ IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam.
(1) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t. 9. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 287.
(2) Hồ Chí Minh. Sđd., t.9, tr 293.
(3) Hồ Chí Minh. Sđd., t.4, tr 161.
(4) Hồ Chí Minh. Sđd., t. 9, tr 492.
(5) Hồ Chí Minh. Sđd., t.12, tr 557.
(6) Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr 252.
(7) Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr 254.
(8) Hồ Chí Minh. Sđd., t.9, tr 292.
(9) Hồ Chí Minh. Sđd., t.12, tr.439.
(10) Hồ Chí Minh. Sđd., t.12, tr 510.
(11) Hồ Chí Minh. Sđd., t.1, tr 263.
Theo http://philosophy.vass.gov.vn/ (Viện Triết học)
Minh Nguyệt (st)