Trong tư tưởng đạo đức của mình, Hồ Chí Minh đã phát triển các giá trị đạo đức dân tộc, tiếp biến tinh hoa đạo đức của nhân loại, xác lập nhiều chuẩn mực đạo đức mới trong văn hoá Việt Nam. Các tư tưởng về công bằng, bình đẳng xã hội; về sự kết hợp giữa lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân; về chủ nghĩa yêu nước kiểu mới, về lòng khoan dung và nhân đạo; về đạo đức sinh thái… dựa trên nội dung mới của phạm trù thiện - ác, lương tâm, vinh dự, trách nhiệm xã hội và ý nghĩa cuộc sống đã nâng nền văn hoá Việt Nam lên một giai đoạn phát triển mới, đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Vì vậy, việc giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là giải pháp lớn trong lịch trình xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XXI.

buoc-phat-trien-dao-duc
Ảnh tư liệu

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là biểu trưng cho một trình độ đạo đức mới trong văn hóa Việt Nam. Nó định hướng lại các quan hệ đạo đức truyền thống, kiến tạo lại các lối ứng xử giữa con người và con người, giữa con người và tự nhiên. Tư tưởng Hồ Chí Minh “về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau... soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi”(1). Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một tài sản tinh thần vô giá để chúng ta xây dựng xã hội mới trong thế kỷ XXI.

Là một nhà văn hoá lớn, Hồ Chí Minh đã tiếp biến những giá trị tích cực của cả hai nền đạo đức Đông - Tây, tạo nên sắc thái mới cho các giá trị đạo đức của thời đại mang tên Người.

Hồ Chí Minh suy tư về các giá trị đạo đức của Khổng Tử, của Nho giáo và đi đến kết luận: “Về căn bản, chủ nghĩa Khổng Tử là sự bình yên trong xã hội không bao giờ thay đổi”(2). Hồ Chí Minh cũng đã suy tư rất nhiều về đạo đức Phật giáo. Người hiểu rất rõ nền văn hóa gắn liền với sự tu tâm, giản dị và các đóng góp của tăng ni, phật tử ở nước ta cho cách mạng, nhưng triết lý bất bạo động, diệt dục và không sát sinh của đạo đức Phật giáo tạo ra một lối sống thiếu tích cực trong việc cải tạo xã hội. Do đó, Người cho rằng: “Ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng chẳng làm lợi cho loài người”(3). Mong muốn kết hợp giữa các giá trị đạo đức Đông - Tây, tiếp biến vào văn hóa Việt Nam cho phù hợp với thời cuộc mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rằng: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo của Zêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng; chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Zêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu hạnh phúc cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này tôi tin rằng họ nhất định sống chung với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm một người học trò nhỏ của các vị ấy”(4).

Thế kỷ XX, loài người chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Trong xu thế đó, nhân dân Việt Nam cần phải xác lập các chuẩn mực đạo đức mới. Các chuẩn mực này sẽ kết hợp được các giá trị đạo đức tích cực của nền văn hóa truyền thống dân tộc với các giá trị đạo đức của loài người tạo nên sự tiến bộ đạo đức trong tiến trình phát triển của xã hội Việt Nam, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Khi lựa chọn giải pháp kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để giải quyết quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh đã quan tâm sâu sắc đến các giá trị đạo đức làm cơ sở cho sự phát triển trên một chiều rộng và bám sâu vào mọi quan hệ xã hội. Trên nền tảng quyền con người, quyền dân tộc cơ bản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thức tỉnh ý thức đạo đức dân tộc và tạo tiền đề để ý thức đó nối liền một mạch với thời đại mới mà trước đó, đạo đức Nho giáo, Phật giáo không thể thực hiện được.

Chủ nghĩa yêu nước kiểu cũ trong văn hóa Việt Nam có một phạm vi hoạt động hạn hẹp. Trên quan điểm tiến bộ đạo đức, Hồ Chí Minh đã đưa chủ nghĩa yêu nước này “thành một bộ phận của tinh thần quốc tế”(5). Tư tưởng này là nền tảng quan trọng của toàn bộ sự tiến bộ đạo đức trong nền văn hóa mới ở Việt Nam. Nó xác lập chủ nghĩa yêu nước chân chính, đan kết, tiếp biến các giá trị đạo đức tiến bộ của loài người, gạt bỏ các mặt đạo đức lạc hậu và củng cố ý thức đạo đức mới. Việc kết hợp các giá trị đạo đức dân tộc với các giá trị đạo đức của thời đại do Hồ Chí Minh khởi xướng đã tạo ra những xung lượng rất mới chi phối các quan hệ ứng xử, các hành vi và ý thức đạo đức trong nhân dân, tạo điều kiện cho việc xác lập các quy chuẩn đạo đức mới.

Khi đấu tranh cho quyền dân tộc cơ bản, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vừa dựa trên nền tảng chủ nghĩa nhân văn Việt Nam, vừa dựa trên các thành tựu về quyền con người mà loài người tiến bộ đã đạt được. Đạo đức Phật giáo tuy mang lại cho lối sống Việt Nam truyền thống sự giác ngộ và giác tha, đức tính giản dị và tiết kiệm, không ham danh, ham lợi và ham quyền song nhiều thiện nam, tín nữ vẫn sống rất bất hạnh do các thế lực vô đạo đức tạo nên. Đạo đức Nho giáo với lời khuyên con người hãy cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ đã đi vào đời sống thường nhật của xã hội Việt Nam truyền thống, song cho đến trước Cách mạng Tháng Tám, đạo đức ấy vẫn duy trì sự bất bình đẳng thế hệ, bất bình đẳng giới tính, bất bình đẳng dân tộc, kìm trói xã hội trong sự bình yên. Đạo đức Lão Trang với khát vọng khoan dung và hướng thiện từng có ảnh hưởng nhất định đến văn hóa truyền thống người Việt, song sự chờ thời, ở ẩn theo triết học tự nhiên của Lão Tử đã không thể giải phóng nhân dân Việt Nam khỏi những tầng áp bức bóc lột. Sự thất bại của đạo đức Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo trước sự xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam đã minh chứng cho điều đó. Nhận thức được điều này, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam hướng các giá trị đạo đức cổ truyền Việt Nam tới một nền đạo đức mới, từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống đến chủ nghĩa xã hội. Trong các tác phẩm của mình, từ Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Kách mệnh đến Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh luôn hướng tới việc xây dựng các quan hệ đạo đức mới, nhằm giải phóng nhân cách, xác lập một hệ chuẩn mực đạo đức mới công bằng hơn, bình đẳng hơn trong xã hội.

Nội dung các quan hệ đạo đức mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết được phản ánh trong việc đổi mới các quan hệ giữa con người với con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng, xác lập và mở rộng nội hàm của các khái niệm, các phạm trù đạo đức truyền thống. Người bàn tới phạm trù cơ bản nhất của đạo đức học: Phạm trù Thiện Ác. Người viết rằng: “Thiện nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân.

Trong xã hội có thiện và cũng có ác.

Theo nghĩa rộng thì cả thế giới và trong một nước có thiện và có ác. Theo nghĩa hẹp thì bản thân và tư tưởng mỗi người cũng có thiện và có ác.

Thiện và ác là hai cái mâu thuẫn, luôn luôn đấu tranh gay gắt với nhau. Cuộc đấu tranh ấy phải trường kỳ gian khổ, nhưng cuối cùng thì ác nhất định bại, thiện nhất định thắng thực hành chí công, vô tư, cần kiệm liêm chính, thế là thiện. Nếu phạm phải quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lười biếng thế là ác(6).

Trong thời đại của mình, Hồ Chí Minh phải giải quyết một khối lượng lớn các vấn đề có liên quan bản chất đến việc xây dựng các quan hệ đạo đức: truyền thống và hiện đại; dân tộc và quốc tế; cá nhân và xã hội; dân tộc và tộc người; con người và tự nhiên; con người và khoa học - kỹ thuật. Người xác lập tổng thể các mối quan hệ của đạo đức và xác lập ý thức đạo đức mới trên các chiều cạnh của con người đối với tự nhiên, con người đối với xã hội, với gia đình, với bản thân, với truyền thống, với dân tộc, với quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đến mối quan hệ giữa đạo đức sinh thái và đạo đức xã hội. Theo đó, “vì sự nghiệp mười năm phải trồng cây. Vì sự nghiệp trăm năm phải trồng người”: Trồng cây là bản chất đầu tiên của đạo đức sinh thái và trồng người là bản chất đầu tiên của đạo đức xã hội.

Đây là một tư tưởng lớn và toàn diện về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng này có một tầm chiến lược sâu rộng trong ứng xử đạo đức của con người với tự nhiên và xã hội. Xã hội cũ đã hình thành các chuẩn mực đạo đức cũng như giáo dục đạo đức không toàn diện. Nền đạo đức cũ xác lập được các phạm trù thiện, ác, lương tâm, danh dự, nghĩa vụ, trách nhiệm nhưng không xác lập được hệ chuẩn mực bình đẳng xã hội. Sự bất bình đẳng dân tộc, bất bình đẳng giai cấp, bất bình đẳng giới tính, bất bình đẳng thế hệ, sự thiếu công bằng giữa người dân và người có chức có quyền làm cho các phong tục, các tập quán xã hội bị kìm trói. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã tiến hành cuộc cải tạo xã hội rộng lớn nhằm xác lập một ý thức đạo đức mới đủ khả năng thúc đẩy những nhân tố tiến bộ xuất hiện, tạo nên các cách ứng xử, các quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người và tự nhiên rất mới.

Trước hết, Hồ Chí Minh xác lập ý thức về quyền bình đẳng xã hội rộng lớn. Các chuẩn mực đạo đức mới mà Hồ Chí Minh nêu lên khi định hướng nền văn hóa mới vừa xác định, vừa hỗ trợ cho hệ giá trị về quyền bình đẳng dân tộc trong một quốc gia đa dân tộc; xác lập các khuynh hướng ưu tiên trong các quan hệ giai cấp; xác định quyền bình đẳng công dân; xóa bỏ sự phân biệt giới tính trong các lợi ích và nghĩa vụ xã hội. Từ đó, mới tạo ra một hệ chuẩn mực đạo đức mới nhằm phát triển mọi nhân cách sống, lao động và sáng tạo vì mục tiêu cao đẹp của nhân dân và Tổ quốc. Chuẩn mực mới làm cho người này đối xử với người khác có văn hóa hơn, con người đối xử với tự nhiên đúng đắn hơn.

Trong xã hội ta, trước Hồ Chí Minh, chưa có một nhà đạo đức và một học thuyết đạo đức nào giải quyết thành công vấn đề bình đẳng và công bằng xã hội. Cái hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, người lao động trí óc và lao động chân tay, người làm nghề này và làm nghề khác trong nền văn hóa truyền thống được các chuẩn mực đạo đức cũ quy định một cách bất công. Những chuẩn mực này thường ưu tiên cho xã hội thượng lưu, cho người giàu, người thống trị. Ý thức được rằng, không giải quyết thành công các chuẩn mực về công bằng xã hội sẽ không thể có tiến bộ xã hội, Hồ Chí Minh có quyết tâm rất cao xóa bỏ các hệ thống chuẩn mực đạo đức bất công trước đây. Khát vọng về công bằng xã hội, về nghĩa vụ công dân nằm sâu trong ý tưởng về quyền lực của nhân dân, về sức mạnh của nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức mới phải gắn liền với sự tham gia đông đảo của nhân dân làm chủ xã hội. Hồ Chí Minh từng viết rằng: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(7). Nhân dân là hòn đá tảng để xây dựng và kiểm tra các quan hệ đạo đức mới và sự tiến bộ của mọi quan hệ đạo đức xã hội.

Để xác lập quyền lực của một trật tự xã hội mới, đảm bảo cho hệ chuẩn đạo đức mới phát huy các năng lượng và đan kết các giá trị trong văn hóa mới Việt Nam, Hồ Chí Minh, một mặt, phát huy toàn bộ khả năng của nhân dân trong việc làm chủ xã hội; mặt khác, răn đe một chủ nghĩa cực quyền có thể uy hiếp và nạt nộ dân, tạo nên các phản đạo đức chống lại sự tiến bộ xã hội. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, để hình thành các quan hệ đạo đức mới ở thời đại mới, đạo đức phải gắn với pháp luật.

Nhà nước ta, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là một nhà nước pháp quyền, mặc dầu Người rất coi trọng đạo đức. Sự tiến bộ đạo đức trong nền văn hóa mới là sự gắn liền ý thức đạo đức công dân với nhà nước pháp quyền. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan hệ xã hội căn bản phải được điều chỉnh bằng pháp luật chứ không phải là bằng đạo lý. Người từng lên án mạnh mẽ nạn bè phái, cảm tình riêng không những chỉ làm thiệt hại đến lợi ích chung mà còn tổn hại sâu sắc đến văn hóa đạo đức xã hội và nhân phẩm con người. Đã có lần, Hồ Chí Minh viết rằng: “Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ, từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở ủy ban làng đông lắm, phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong, thì dùng pháp luật mà trị(8). Do đó, khi quan tâm giáo dục đạo đức cho nhân dân, Người đã gắn liền với giáo dục pháp luật. Văn hóa cổ truyền người Việt đã quen đức trị như pháp trị và đặc trưng của đức trị là uy quyền. Đó là một cơ chế đạo đức do sắc lệnh và sắc chỉ của nhà vua xác lập và buộc dư luận cộng đồng phải tuân theo. Sau Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước ta đã lãnh đạo nhân dân bằng luật pháp, mở rộng quyền để “nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, và dùng quyền dân chủ của mình”(9).

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề trung tâm của các quan hệ đạo đức mới là vấn đề lợi ích.Đó là lợi ích cơ bản của dân tộc, của những người lao động, của số đông bị áp bức, bóc lột, bị dồn nén bất công. Hồ Chí Minh quan tâm đến ba nhóm lợi ích: lợi ích tập thể, lợi ích cá nhân và sự hội nhập giữa lợi ích tập thể với cá nhân.

Lợi ích tập thể tồn tại một cách khách quan, đó là lợi ích chung của cộng đồng. Người coi sự cộng đồng về lợi ích có tác dụng thúc đẩy chủ nghĩa nhân đạo phát triển. Sự cộng đồng những lợi ích cơ bản sẽ định hướng các mục tiêu, các lý tưởng, tạo một cơ sở vững chắc cho tiến bộ xã hội.

Tuy quan tâm sâu sắc đến các lợi ích chung, nhưng Hồ Chí Minh cũng coi lợi ích cá nhân là một thực thể tồn tại đích thực trong cơ cấu đạo đức mới. Người nói rằng “đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải giày xéo lên lợi ích cá nhân”(10). Theo đó, mọi quan hệ đạo đức phải đặt trên cơ sở phát triển hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, dựa trên nền tảng khoan dung. Cộng đồng là cơ sở để phát triển cá nhân và cá nhân có trách nhiệm đối với cộng đồng.

Ở bất cứ xã hội nào, các phẩm chất đạo đức đều gắn với những mẫu hình con người đại diện cho nó. Trong xã hội phong kiến, bậc trượng phu, người quân tử, kẻ sĩ với các đặc điểm nhân cách của họ là đặc trưng cho nền đạo đức ấy. Xã hội ta, Hồ Chí Minh quan tâm đến mẫu hình người cách mạng với các phẩm chất đạo đức cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, trung với nước, hiếu với dân.

Ngay từ năm 1927, trong những trang mở đầu tác phẩm Đường Kách mệnh, Hồ Chí Minh cho rằng, đạo đức cách mạng sẽ tạo nội lực quan trọng cho quá trình cách mạng và vì lẽ đó, Người rất quan tâm đến việc tu dưỡng đạo đức người cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, người cách mạng phải cần kiệm, cẩn thận, nhẫn nại, vị công, vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói phải làm... Khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến đạo đức người cách mạng. Người cho rằng, đạo đức cách mạng là cái gốc của sự phát triển xã hội mới. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Người đã cảnh báo tình trạng cán bộ “lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm đạo đức”(11).

Việc quan tâm sâu sắc tới đạo đức người cách mạng là một bộ phận trong lý tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, trung với Đảng, hiếu với dân khi đã trở thành phẩm chất đạo đức của người cách mạng thì diện mạo văn hóa xã hội sẽ khác hẳn cái chất “nho nhã” của xã hội cũ. Theo Người, “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất, chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngẩng lên trời. Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần kiệm liêm chính nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần kiệm liêm chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho dân để lợi cho đất nước, cho dân”(12).

Trong thời đại mình, Hồ Chí Minh hiểu rõ rằng, cần phải xây dựng các quan hệ đạo đức gắn liền với khoa học - kỹ thuật. Kiểu người nắm khoa học kỹ thuật thì chỉ có thời đại ta mới có; vì lẽ đó, từ rất lâu, Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề “dạy bảo các cháu thiếu niên về khoa học, kỹ thuật, làm cho các cháu ngay từ thuở nhỏ đã biết yêu khoa học để mai sau các cháu trở thành người có thói quen sinh hoạt và làm việc theo khoa học”(13). Đặt việc sống và làm việc theo khoa học như một giá trị đạo đức mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định dấu ấn của thời đại trong tiến bộ đạo đức. Thời đại khoa học, chuẩn mực đạo đức đánh giá con người cần gắn với tiến bộ khoa học. Cuộc chiến đấu cho tư duy khoa học, chống lại bảo thủ, đưa đất nước tiến lên là một trách nhiệm đạo đức trong xã hội ta. Đó là tư tưởng đạo đức tiến bộ của Hồ Chí Minh trong văn hóa mới Việt Nam. Nếu tách rời các đánh giá đạo đức ra khỏi cơ sở khoa học của thời đại, tôn sùng các chuẩn mực đạo đức bảo thủ sẽ có nguy cơ tạo ra các phản văn hóa trong các quan hệ đạo đức mới; vì vậy, Người tìm mọi cách để giáo dục quan điểm phát triển toàn diện trong giáo dục. Nhiều lần, Người nói rằng, mỗi công dân phải có đức, có tài, phải vừa hồng, vừa chuyên.

Tư tưởng đạo đức lớn nhất của Hồ Chí Minh là tư tưởng khoan dung. Tư tưởng này là sự nối tiếp các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam và gắn liền với thời đại khoa học mới. Hồ Chí Minh đã đưa ra một tư tưởng nhân đạo và khoan dung sâu rộng. Người viết: “Ta thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người, phải cho mọi người đều biết thương cha mẹ”(14).

Tư tưởng khoan dung của Hồ Chí Minh có ảnh hưởng sâu sắc tới mọi quan hệ của xã hội. Khi thành lập Chính phủ Lâm thời năm 1946, Người đã đoàn kết mọi lực lượng để xây dựng đất nước. Khi lãnh đạo nhân dân chống thực dân Pháp, Người có chính sách đại đoàn kết dân tộc và khi xây dựng xã hội mới, phát triển đất nước, Người đã có chính sách đoàn kết công - nông - trí.

Tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh xuất phát từ một tấm lòng bao la như “sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng của nó nhỏ hẹp”(15). Tình yêu bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đối với con người mà còn đối với cả tự nhiên. Người đề xuất ý tưởng trồng cây và bảo vệ môi trường sống, Người đặt vấn đề đạo đức sinh thái ngay từ khi bắt đầu đô thị hóa, công nghiệp hóa.

Chúng ta đang xây dựng một xã hội mới, các quan hệ đạo đức xã hội đã chuyển động mạnh. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm cho nhiều chuẩn mực đạo đức truyền thống biến đổi rất sâu sắc. Các quan hệ anh em, họ hàng, gia đình, quê hương, do đó, cũng đang lỏng lẻo dần. Xây dựng các quan hệ đạo đức mới vì sự tiến bộ xã hội không phải là xóa bỏ hoàn toàn cái cũ hay giữ lại hoàn toàn cái cũ. Thời đại mới có các nguyên lý xuất phát mới. Việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc không phải là quay về với cái cũ. Tư tưởng mới, hiện thực mới đòi hỏi một hệ giá trị đạo đức mới gắn liền với khoa học và pháp luật. Chỉ có dựa trên tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, gắn với khoa học và pháp luật, chúng ta mới làm trong sạch được các quan hệ đạo đức và xây dựng các giá trị đạo đức mới. Khi các giá trị đạo đức mới xuất hiện trên cơ sở của các giá trị khoa học và quan hệ pháp luật thì diện mạo xã hội mới sẽ tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn. Để cho đạo đức ngấm sâu vào các quan hệ gia đình, nơi cộng đồng, làng xã, phố phường, chúng ta cần phải có một chiến lược xây dựng những con người tốt, việc tốt theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là giải pháp lớn trong lịch trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI.

 Đỗ  Huy

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 21.

(2) Hồ Chí Minh. Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Nxb Văn học, Hà Nội, 1981, tr.476 - 477.

(3) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.9. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.172.

(4) Dẫn theo: Phan Văn Các. Nho giáo xưa và nay. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.

(5) Hồ Chí Minh. Sđd., t.6, tr.172.

(6) Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.276 – 277.

(7)Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr. 698.

(8) Theo: Tạp chí Cộng sản, số 10, 1992, tr.24.

(9)Hồ Chí Minh. Nói về dân chủ và đạo đức cách mạng. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1967, tr.84.

(10) Hồ Chí Minh. Sđd., t.9, tr.291.

(11) Hồ Chí Minh. Sđd., t.4, tr.57.

(12) Hồ Chí Minh  Sđd., t.6, tr.320 –321.

(13)Hồ Chí Minh. Sđd., t.11, tr.80.

(14) Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr.640. 

(15) Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr.644

Theo Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Minh Nguyệt (st)

Bài viết khác: