Thứ sáu, 29/03/2024

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, nhà tư tưởng lớn của thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sâc về những vấn đề cơ bản của cach mạng Việt Nam mà nội dung cốt lõi là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ bắt đầu từ con người và cũng trở lại về với con người. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và vì quần chúng, trong đó, phụ nữ là một lực lượng quan trọng. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng là phải giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền. Đây cũng chính là một trong những nội dung cơ bản thể hiện tính nhân văn cao cả trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

     Thứ nhất, Hồ Chí Minh chỉ rõ vì sao phải giải phóng phụ nữ?

     Trên con đường đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, tình cảnh người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ các dân tộc bị áp bức là nỗi đau trăn trở đối với Bác. Người cảm nhận sâu sắc thân phận của người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, nhất là trong xã hội còn chịu ảnh hưởng tàn dư của chế độ phong kiến và đô hộ, áp bức của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Trong hàng loạt bài viết của mình, Hồ Chí Minh đã tố cáo tội ác man rợ của chế độ thực dân đối với người phụ nữ. Trong bài “Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp” đăng trên báo Lơ Paria (Người cùng khổ) ngày 1-8-1922, Người viết: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ lại càng bỉ ổi hơn nữa”. Người gọi chế độ thực dân là chế độ “ăn cướp và hiếp dâm”. Do đó, chỉ khi nào đánh đuổi được bọn thực dân cướp nước, giành độc lập dân tộc, người phụ nữ mới được giải phóng. Vậy nên, sự nghiệp giải phóng phụ nữ trước hết phải gắn liền với giải phóng dân tộc. Cách mạng xã hội chủ nghĩa theo Người là cuộc cách mạng giải phóng con người, do đó nếu không giải phóng phụ nữ, một phần nửa xã hội thì không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội. Và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thật sự đem lại lợi ích, chăm lo lợi ích cho con người, trong đó phụ nữ được chăm lo, được giải phóng. Nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ là huy động phụ nữ tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo ra nhiều cơ hội cho phụ nữ vươn lên, thật sự bình đẳng với nam giới.

     Hơn nữa, phụ nữ là một lực lượng quan trọng trong đời sống xã hội con người. Bác từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”... ''Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng"... "Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại". Cùng với hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc cũng như trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác luôn đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng “nửa thế giới” khỏi “xiềng xích nô lệ”, phải cởi trói cho phụ nữ. C.Mác khẳng định: "Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tấn bộ ra thế nào?". V.I.Lê-nin cho rằng: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”. Bác khẳng định:“Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”. “Những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia”.

     Phải giải phóng phụ nữ còn bởi lẽ trong xã hội Việt Nam còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ tư tưởng phong kiến Phương Bắc do hậu quả của nghìn năm Bắc thuộc, đặc biệt là tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”. Đó là những quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “phụ nhân nan hóa”; quan niệm về “tam tòng”, phu xướng, phụ tùy… Những quan niệm này cùng với những quy định hà khắc của xã hội phong kiến đối với phụ nữ đã không những trói buộc họ trong bổn phận làm vợ, làm mẹ, không cho họ có cơ hội và điều kiện được học hành, được tham gia các hoạt động ngoài xã hội mà còn làm cho họ tự tha hóa, tự trói mình trong tâm lý tự ty, an phận, cam chịu. Là nhà nhân văn chủ nghĩa cao cả, nhà văn hóa kiệt xuất, Hồ Chí Minh không những chủ trương phải giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền mà Người con yêu cầu Đảng và Chính phủ phải tạo điều kiện cho phụ nữ được học hành, được tham gia mọi hoạt động xã hội bình đẳng như nam giới. Người còn động viên, khích lệ chị em tự cố gẳng vươn lên, tự mình thoát khỏi tâm lý tự ty, an phận, phụ thuộc. Tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng CNXH. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ty và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập… Phụ nữ phải nhận rõ địa vị người làm chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng CNXH”.

     Về thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh Thái Bình năm 1966 – Quê hương của chị Hai Năm tấn, sau khi phân tích tình hình, chỉ rõ nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, Bác nhấn mạnh: “Một điều nữa Bác cần nói là: Phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lênin dạy chúng ta: Phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ". Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Người biểu dương tinh thần chiến đấu, hy sinh và căn dặn toàn dân ta phải quan tâm, chăm sóc phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”.

    Thứ hai, nội dung giải phóng phụ nữ.

    Giải phóng phụ nữ trước hết là giải phóng về chính trị. Bởi vì nước mất, nhà tan, phụ nữ là người bị đọa đày đau khổ nhất. Dân tộc được giải phóng thì phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong việc ứng cử và bầu cử vào các cơ quan dân cử, hệ thống chính trị theo Hiến pháp, pháp luật. Trong các văn kiện thành lập Ðảng tháng 2 năm 1930, Bác Hồ đã nêu một chủ trương lớn về phương diện xã hội "thực hiện nam nữ bình quyền". Ðây là một trong bốn điểm Chánh cương đề ra. Ðiều đó chứng tỏ ngay từ khi thành lập Ðảng, vấn đề giải phóng phụ nữ được Bác Hồ và Ðảng ta hết sức coi trọng, trở thành một nội dung quan trọng trong đường lối cách mạng, giải phóng dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thành công, trong Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945, Bác trịnh trọng tuyên bố với thế giới và quốc dân đồng bào: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Những quyền ấy được Bác trích trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, song trong xã hội Mỹ chỉ những người đàn ông da trắng, theo đạo Tin Lành, có tài sản mới được bầu cử. Còn các giai tầng khác mãi đến đầu thế kỷ 19 và phụ nữ Mỹ đến năm 1920 (sau 144 năm giành độc lập) mới giành được quyền đi bầu cử. Đối với người Mỹ da đen thì tới phong trào đòi quyền dân chủ diễn ra những năm 1960 mới giành được quyền bầu cử đầy đủ và đến năm 1971 các công dân trẻ tuổi mới được trao quyền bầu cử khi Hoa Kỳ hạ tuổi bầu cử từ 21 xuống 18 tuổi... Song, với Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ thì “tất cả mọi người” Việt Nam đều là những người có quyền đi bầu cử Quốc hội vào ngày 6-1-1946: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”. Và Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 “… tuyên bố với thế giới: Phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”.

    Hai là, giải phóng về xã hội. Phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong việc tham gia công việc xã hội. Đồng thời bình đẳng trong hôn nhân với chế độ một vợ một chồng. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng Hiến pháp và Luật Hôn nhân và Gia đình. Bác nhiều lần bày tỏ chính kiến trước công luận là phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến và đầu óc gia trưởng, tư tưởng tư sản, trọng nam khinh nữ. Đồng thời phụ nữ phải tự giải phóng, tự vươn lên làm tốt vai trò của mình trong chế độ mới, chú trọng thiên chức của người phụ nữ trong gia đình. Người chỉ rõ: "Công bằng cho phụ nữ là sự phân công một cách hợp lý công việc đến từng người, tùy theo khả năng, hoàn cảnh cá nhân và sức khỏe. Sự bình đẳng phải được thể hiện trên mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội".

     Ba là, giải phóng tâm lý tự ti, đầu óc phụ thuộc bởi thân phận người phụ nữ trong chế độ cũ, phát huy phẩm chất truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong điều kiện xã hội mới, thật sự giải phóng tư tưởng, giải phóng năng lực để người phụ nữ vươn lên làm chủ bản thân, gia đình, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội. Bác nhắc nhở phụ nữ phải vươn lên để bình đẳng với nam giới về trình độ, về năng lực quản lý kinh tế và quản lý xã hội. Muốn vậy phụ nữ phải cố gắng học tập, chủ động quyết tâm khắc phục khó khăn, phải tự tin, tự lực, tự cường, không nên tự ty, ngồi chờ Chính phủ giải phóng cho mình. Người khẳng định: “Dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực như việc lái các con tàu vũ trụ Phương Đông”.

      Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên khắp cả nước, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trở thành biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống Pháp và Mỹ, hàng triệu phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng vạn, hàng nghìn anh hùng, liệt sĩ là nữ mà tên tuổi của họ còn ghi mãi trong sử vàng dân tộc. Trong bài nói chuyện nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bác nói: “Phó tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Thực hiện những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã bằng các việc làm, hành động cụ thể như thông qua các khung chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, đồng thời luật hóa các quy định liên quan trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (tiêu biểu là CEDAW - Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ) qua các văn bản pháp luật tiêu biểu như: Luật Cán bộ, công chức, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân… Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua năm 2006 đánh dấu bước ngoặt và có tính đột phá trong sự nghiệp bình đẳng giới ở Việt Nam. Đây là văn bản luật quy định tập trung nhất các nội dung về bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ. Điểm nổi bật của Luật này là: Lần đầu tiên hình thành nên cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở Việt Nam; quy định bắt buộc quy trình lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật và yêu cầu các cơ quan chức năng xây dựng các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới… Ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đổi mới công tác phụ nữ, để phụ nữ tham gia đóng góp ngày càng nhiều và có hiệu quả hơn cho sự phát triển của đất nước, gia đình và xã hội. Nghị quyết ghi rõ: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40%, các cơ quan đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ...”.

Chính phủ đã xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch đặc thù riêng cho phụ nữ như: Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2001- 2010; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 với mục tiêu tổng quát là: “Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”; thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào chiến lược, kế hoạch, các chương trình chung của quốc gia như: Chiến lược toàn diện tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010...

Bộ máy tổ chức thực thi bình đẳng giới ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Nếu cách đây 10 năm, Việt Nam mới chỉ có một tổ chức phối hợp liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ được thành lập từ Trung ương tới địa phương, thì đến nay, sau khi Luật Bình đẳng giới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-7-2007, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới đã được hình thành và đi vào hoạt động. Hiện nay, bộ máy quốc gia về bình đẳng giới ở Việt Nam gồm có: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Nhóm Nữ nghị sĩ Việt Nam cũng tích cực tham gia thực hiện công tác này.

Luôn ghi nhớ công ơn, sự quan tâm của Bác cũng như của Đảng và Nhà nước dành cho phụ nữ, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã luôn cố gắng hết mình phấn đấu đóng góp công sức vào sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Trong giai đoan hiện nay, với sự phát triển chung của xã hội, phụ nữ ta lại càng phải phấn đấu hết mình để vượt qua khó khăn, thách thức, đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại. Hiện nay, phụ nữ tham gia hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều người được giao đảm nhiệm các vị trí quan trọng của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp từ Trung ương đến địa phương. Trong hơn thập kỷ qua Phó Chủ tịch nước luôn là nữ. Nhiệm kỳ 2004-2009, lần đầu tiên Quốc hội có một Phó Chủ tịch Quốc hội là nữ. Trong Quốc hội, Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 25%. Số đại biểu nữ giữ các trọng trách quan trọng trong các cơ quan của Quốc hội đã tăng lên. Trong khối cơ quan Đảng, ở cấp Trung ương, nhiệm kỳ 2005 - 2011, tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng (kể cả ủy viên dự khuyết) là 10%, tăng so với nhiệm kỳ 2001- 2005 (8,6%), tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng là 20% (2/10 đồng chí). Ở địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2004 - 2011 đạt 23,9%, cấp huyện là 23,01% và cấp xã là 19,5%. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng tăng nhẹ: Ở cấp tỉnh, tỷ lệ nữ ủy viên chiếm 11,75% so với tỷ lệ 11,3% của nhiệm kỳ trước, nữ ủy viên Ban Thường vụ chiếm 7%, có 5 nữ bí thư Tỉnh ủy. Ở cấp huyện và xã, tỷ lệ này lần lượt đạt 14,7% (so với 12,9%) và đạt 15,1% (so với 11,9%). Trong khối cơ quan hành chính nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức nữ tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong nhiệm kỳ 2007 - 2011, tỷ lệ nữ bộ trưởng và tương đương là 4,5%, thứ trưởng và tương đương là 8,4%.

Ngày càng nhiều phụ nữ trở thành nhà chính trị, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn, nghệ sỹ... Nhiều lĩnh vực không thể thiếu sự có mặt của người phụ nữ như giáo dục, dệt, may mặc, dịch vụ. Phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu của đất nước trên từng chặng đường phát triển. Vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao./.

Tác giả : Ths. Nguyễn Thị Chiên

Trường Chính Trị Nghệ An

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: