Tư tưởng về chế độ dân chủ nhân dân là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Nội dung căn bản của tư tưởng đó không những là dân chủ về chính trị, về xã hội, mà cả về kinh tế - lĩnh vực có tính nền tảng của sự phát triển xã hội. Có thể khẳng định rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về chế độ dân chủ nhân dân chứa đựng giá trị khoa học to lớn, tính nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng. Tư tưởng đó của Người được Đảng và nhân dân ta kế thừa, phát huy trong sự nghiệp đổi mới nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Ảnh tư liệu
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chế độ dân chủ nhân dân là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ hệ thống tư tưởng của Người. Số lượng những trang viết về chế độ dân chủ nhân dân chiếm một phần khá lớn trong các tác phẩm của Hồ Chí Minh và ở đó, chứa đựng những giá trị tư tưởng to lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng xã hội Việt Nam theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh hiện nay.
Hạt nhân của tư tưởng Hồ Chí Minh về chế độ dân chủ nhân dân là tư tưởng dân chủ. Tư tưởng dân chủ của Người biểu hiện tập trung trong đoạn văn sau:
“NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(1).
Với những nội dung trên, khái niệm “nước ta” mà Hồ Chí Minh sử dụng trong mệnh đề “Nước ta là nước dân chủ” cần được hiểu theo hai lớp nghĩa không tách rời nhau, đó là nhà nước (theo nghĩa bộ máy nhà nước) và xã hội. Cho nên, khi nói “nước ta là nước dân chủ” cũng tức là nói “nhà nước dân chủ” và “xã hội dân chủ”; trong đó, nhà nước và xã hội đồng nhất với nhau dựa trên thực thể là “dân chủ”.
“Dân” trong “dân chủ” là khái niệm chỉ toàn thể nhân dân Việt Nam, không trừ bất cứ giai cấp, tầng lớp nào còn thừa nhận mình là người dân Việt Nam. Năm 1953, trong tác phẩm Thường thức chính trị, Hồ Chí Minh xác định nhân dân là bốn giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử yêu nước khác. Người phân biệt rõ nhân dân với quốc dân: Trong quốc dân, ngoài nhân dân, còn “những bọn phản động chưa đến nỗi bị xử tử”(2).
“Dân chủ”, theo Hồ Chí Minh, trước hết là dân chủ về mặt chính trị, nghĩa là: “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy”(3). Nhà nước dân chủ có nội dung đặc trưng là quyền lực thuộc về nhân dân và do nhân dân tổ chức nên. Nhà nước dân chủ ấy đương nhiên không phải là đứng trên nhân dân, càng không phải là đối lập với nhân dân, mà là công cụ quyền lực của nhân dân, tồn tại và hoạt động vì nhân dân. Nhà nước ấy, nói theo ngôn ngữ của C.Mác, là sự “tự quy định của nhân dân”(4); trong đó, hiến pháp, pháp luật là sự thể chế hoá ý chí của nhân dân. Như vậy, theo quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhà nước dân chủ chính là nhà nước pháp quyền.
Trong một nhà nước với tư cách cơ quan quyền lực công, cán bộ nhà nước đương nhiên phải là "công bộc của dân". Hồ Chí Minh viết: “Chính phủ Cộng hoà Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(5) và chỉ rõ rằng, các cơ quan của Chính phủ đều là công bộc của dân, có trách nhiệm gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân. Theo đó, Người yêu cầu nhà nước ta phải làm tất cả những việc gì có lợi cho dân; đồng thời, phải tránh tất cả những việc gì có hại đến dân.
Nhà nước và pháp luật là của nhân dân, cán bộ là công bộc của dân thì trong quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, phương thức ứng xử của cán bộ không phải là dùng mệnh lệnh để bắt buộc dân mà trước hết phải làm sao để "được lòng dân". Trong Bài nói chuyện tại buổi Lễ tốt nghiệp khoá V Trường Huấn luyện Cán bộ Việt Nam (11/1945), Hồ Chí Minh viết: “... anh em phải làm sao cho dân yêu mến. Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”(6). Cụ thể là, người cán bộ nhà nước phải chú ý giải quyết những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân, phải chăm lo những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân; đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, phải có một thái độ mềm dẻo khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách.
“Dân chủ”, theo Hồ Chí Minh, còn có nghĩa là dân chủ về mặt xã hội, nghĩa là nhân dân làm chủ tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tất cả các hoạt động xã hội, các quá trình xã hội, các phong trào xã hội hay nói một cách khái quát là “Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc” và “Công việc đổi mới, xây dựng” đều thuộc trách nhiệm, công việc của dân, tức là do dân làm chủ.
Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, dân chủ bao gồm hai mặt thống nhất chặt chẽ với nhau: Quyền làm chủ và trách nhiệm làm chủ. Người cho rằng, các đoàn thể, như Hội đồng nhân dân, Mặt trận, Công đoàn, Hội nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, v.v. là những tổ chức của nhân dân, phấn đấu và bênh vực cho quyền lợi của dân, liên lạc mật thiết giữa nhân dân với Chính phủ. Bởi vậy, đồng bào cần hiểu rõ và khéo dùng quyền dân chủ của mình. Quyền lợi luôn gắn liền với nghĩa vụ, “cho nên mọi người cần phải hăng hái làm tròn nghĩa vụ của mình trong mọi công việc kháng chiến, cứu nước, xây dựng nước nhà”(7).
“Quyền làm chủ” và “trách nhiệm làm chủ” của nhân dân là hai nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ. Vận dụng sáng tạo quan điểm duy vật biện chứng về lịch sử, Hồ Chí Minh đã nhận thức được “lôgíc đặc thù” của xã hội Việt Nam, đó là quan hệ biện chứng giữa dân tộc và giai cấp. Như chúng ta đã biết, dưới chế độ thuộc địa, mặc dù các chính sách thực dân đã bước đầu đưa tới sự phân hoá giai cấp ở Việt Nam, song trong nội bộ nhân dân Việt Nam, các giai cấp chưa hoàn toàn định hình xét trên cả hai phương diện địa vị kinh tế- xã hội cũng như trình độ tự giác giai cấp, và xung đột lợi ích giữa các “giai cấp” ấy đã giảm thiểu. Điều này đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc đoàn kết toàn thể nhân dân. Mâu thuẫn ở Việt Nam trong giai đoạn đó, xét về mặt giai cấp, tập trung ở mâu thuẫn giữa nông dân Việt Nam với “chúa đất” người Pháp và giữa công nhân Việt Nam với các nhà tư bản Pháp; xét về mặt dân tộc, là mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp. Nếu người lao động Việt Nam vừa là giai cấp bị áp bức, vừa là nhân dân của dân tộc bị áp bức thì thực dân Pháp vừa là kẻ áp bức giai cấp, vừa là kẻ áp bức dân tộc, và vì thế, cách mạng Việt Nam vừa mang tính chất “giai cấp cách mạng”, vừa mang tính chất “dân tộc cách mạng”.
Theo Hồ Chí Minh, sự phân chia các giai cấp ở Việt Nam có thể trở nên rõ nét và mâu thuẫn giai cấp trong nội bộ nhân dân có thể xuất hiện và trở nên điển hình như ở phương Tây với một điều kiện là cấu trúc kinh tế truyền thống của xã hội bị thay đổi do tác động của chủ nghĩa tư bản phương Tây(8). Tuy nhiên, trong hiện thực, điều này cũng có thể không xảy ra nếu chủ thể hoạt động thực tiễn (Đảng ta và nhân dân ta) nhận thức được và thúc đẩy xã hội Việt Nam tiếp tục “tiến triển” theo quy luật đặc thù vốn có của nó. Quy luật phát triển chung của xã hội loài người, như Hồ Chí Minh khái quát, là từ cộng sản nguyên thuỷ đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản, đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản). Nhưng, tuỳ hoàn cảnh cụ thể mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau. Có nước thì đi thẳng đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) và có nước thì phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội (cộng sản)(9). Điều đó có nghĩa là, ở các nước Châu Âu, mặc dù “đấu tranh giai cấp” có khác nhau, song sự phân chia xã hội thành các giai cấp và quan hệ đối kháng về mặt giai cấp là điển hình, và lịch sử của các xã hội ấy là “lịch sử đấu tranh giai cấp”, do vậy, các nước ấy sẽ “phải” kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Còn Việt Nam, do những đặc điểm lịch sử riêng của mình nên “không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”, mà sẽ trải qua “chế độ dân chủ nhân dân”. Chính trong chế độ dân chủ nhân dân, với việc các giai cấp(10), tầng lớp thực hiện quyền làm chủ và trách nhiệm làm chủ tương xứng với đặc điểm giai cấp của mình - thực chất đây là quá trình tự cải tạo của các giai cấp, đặc điểm truyền thống sẽ có điều kiện chi phối mạnh, tính chất phân chia và đối kháng mới bước đầu xuất hiện do sự tác động của chủ nghĩa tư bản phương Tây trong chế độ thuộc địa sẽ dần được thay thế bằng đoàn kết. Đó là lý do vì sao Hồ Chí Minh cho rằng, thông qua việc xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, xã hội Việt Nam sẽ dần dần không còn quan hệ đối kháng giai cấp và khi xã hội đạt đến trình độ phát triển ấy thì cũng có nghĩa là chủ nghĩa xã hội đã được thiết lập.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền làm chủ và trách nhiệm làm chủ của các giai cấp, tầng lớp nhân dân luôn gắn bó mật thiết với nhau. Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức là:
Tuân theo pháp luật nhà nước.
Tuân theo kỷ luật lao động.
Giữ gìn trật tự chung.
Đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung.
Hăng hái tham gia công việc chung.
Bảo vệ tài sản công cộng.
Bảo vệ Tổ quốc”(11). Cụ thể là, nông dân làm chủ nông thôn, làm chủ xóm làng, làm chủ hợp tác xã, coi công việc của hợp tác xã như công việc của mình, biết giữ gìn của công, chăm lo việc tập thể như chăm lo công việc gia đình; cán bộ và công nhân phải nhận rõ mình là người chủ nước nhà, là chủ xí nghiệp, phải yêu quý máy móc như yêu quý con mình. Tựu trung lại, “nhân dân lao động là người chủ tập thể của tất cả những của cải vật chất và văn hoá, đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Bởi vậy mọi người đều phải thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “mình vì mọi người, mọi người vì mình”(12).
Có thể thấy rằng, khi nêu ra vấn đề quyền làm chủ gắn liền với trách nhiệm làm chủ của mọi tầng lớp nhân dân lao động, Hồ Chí Minh đã thấy rõ vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân, nhấn mạnh khả năng cải tạo xã hội, cải tạo bản thân mình của quần chúng nhân dân thông qua hoạt động thực tiễn trên cơ sở nhận thức và hành động phù hợp với quy luật xã hội. Mặc dù cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, song bước đầu chúng tôi cho rằng, Hồ Chí Minh đã chỉ ra được quy luật vận động riêng của Việt Nam, đó là quy luật phát triển của dân tộc không hoàn toàn mang nội dung giai cấp và đấu tranh giai cấp điển hình theo kiểu phương Tây. Có thể nói, đây là một đóng góp rất quan trọng của Người đối với việc phát triển lý luận mácxít về quy luật vận động của lịch sử.
Sự phân tích trên cho thấy, “dân chủ” là tính chất chung của toàn bộ đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Nhân dân trực tiếp làm chủ xã hội và thông qua bộ máy nhà nước để thực hiện quyền làm chủ của mình. Trong một chế độ xã hội như vậy, nhà nước thực sự thâm nhập vào tất cả các mặt của đời sống xã hội chứ không chỉ giới hạn ở đời sống chính trị. Đó thực chất là sự triển khai nội dung “dân chủ” trong tất cả các mặt của đời sống xã hội.
Nhà nước dân chủ theo nghĩa ấy đồng nhất trở lại với xã hội đúng như dự báo của C.Mác. Do nội dung “dân chủ”, nhà nước và pháp luật thực sự là hiện thân cho lợi ích chung, ý chí chung của toàn thể nhân dân. Và, khi mà lợi ích và ý chí của toàn thể nhân dân là nội dung được hiện hình ra ở nhà nước và pháp luật, thì pháp quyền theo nghĩa triệt để nhất - như C.Mác đã chỉ ra trong Phê phán triết học pháp quyền của Hêgen, sẽ xuất hiện.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước - xã hội dân chủ chính là nhà nước - xã hội của thời kỳ quá độ. Nó được tổ chức theo nguyên tắc sức mạnh của nhân dân trở thành quyền lực, biểu hiện ra dưới hình thức luật và thực thi bằng bộ máy nhà nước. Nhà nước như thế thực sự là nhà nước pháp quyền. Theo quan điểm của C.Mác, nhà nước ấy không còn tính chính trị thuần tuý.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chế độ dân chủ nhân dân được xây dựng trên cơ sở vận dụng phương pháp biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin để nhận thức quy luật vận động của xã hội Việt Nam. Tư tưởng đó của Người chứa đựng những giá trị khoa học và tính nhân văn sâu sắc.
Hồ Chí Minh không nói tới vấn đề “quyền uy tuyệt đối của pháp luật đối với nhà nước và xã hội”. Là một nhà mácxít chân chính, một học trò xuất sắc của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin, Người hiểu rõ không có nhà nước hay pháp luật trừu tượng. Nếu pháp luật chỉ là hiện thân cho ý chí của giai cấp bóc lột dưới hình thức ý chí chung, thì sự thống trị tuyệt đối của pháp luật ấy trong xã hội sẽ là bi kịch cho các tầng lớp nhân dân lao động và vì thế, không thể chấp nhận loại "pháp quyền" đó. Chỉ khi nào nhà nước, pháp luật với tính cách đại diện cho lợi ích chung và ý chí chung của toàn thể nhân dân thì khi đó, một cách khách quan, pháp luật ấy sẽ chi phối xã hội một cách tuyệt đối, pháp quyền thật sự mới được xác lập. Trong điều kiện như vậy, pháp luật tuy vẫn đóng vai trò rất quan trọng, song nó không còn là sự lựa chọn duy nhất để tổ chức và điều hành xã hội. Ở Hồ Chí Minh, sự vận hành của chế độ dân chủ nhân dân không phải chỉ dựa vào pháp luật, mà còn dựa vào một hệ thống các biện pháp cách mạng khác, như thực hiện và đẩy mạnh công tác dân vận, giáo dục nhân dân để nhân dân có đủ điều kiện phát huy quyền và trách nhiệm làm chủ của mình, v.v.. Đó cũng là những biểu hiện của chế độ dân chủ thực sự.
Dân chủ không phải là một khái niệm trừu tượng, càng không phải là một mô hình duy nhất có thể áp dụng vào mọi quốc gia, dân tộc và trong mọi thời đại. Dân chủ là một giá trị thực tiễn mà các dân tộc sẽ đạt tới theo cách của mình, phù hợp với những đặc điểm đã được định hình của dân tộc ấy qua quá trình tồn tại và phát triển. Ở Việt Nam, chế độ dân chủ nhân dân là một nấc thang trong quá trình phát triển của dân tộc, là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh cách mạng nhằm xây dựng một xã hội mới. Nó không chỉ phủ định chế độ quân chủ đã tồn tại hàng ngàn năm, mà còn phủ định chế độ thực dân - một chế độ xã hội “phi nhân tính” do thực dân Pháp áp đặt vào Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chế độ dân chủ nhân dân và sự hiện hữu của chế độ ấy trong đời sống thực tiễn của xã hội Việt Nam kể từ sau Cách mạng Tháng Tám, một mặt, phù hợp với quy luật phát triển của thời đại; mặt khác, hiện thực hoá nguyện vọng và lợi ích của toàn thể dân tộc. Chế độ dân chủ nhân dân, theo Hồ Chí Minh, là bước quá độ, chuẩn bị những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội cần thiết để thực hiện bước chuyển sang chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tư tưởng của Người về chế độ dân chủ nhân dân chứa đựng những giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, được Đảng và nhân dân ta kế thừa, phát huy trong sự nghiệp đổi mới đất nước nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
(1) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.5. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 698.
(2) Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr. 219.
(3) Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr. 218 - 219.
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.349.
(5) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.5. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 60.
(6) Hồ Chí Minh. Sđd., t.4, tr. 101.
(7) Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr. 219.
(8) Xem “Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ” và “Đường Kách mệnh”.
(9) Xem: Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.7. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 247.
(10) Theo chúng tôi, khái niệm “giai cấp” mà Hồ Chí Minh sử dụng, và ngày nay chúng ta sử dụng để phân tích cấu trúc xã hội Việt Nam không hoàn toàn trùng khớp với khái niệm giai cấp khi được sử dụng để phân tích cấu trúc xã hội phương Tây. Đây là điều rất quan trọng, cần chú ý, và đã được Hồ Chí Minh nói rõ trong tác phẩm Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ (1924) và nhiều tác phẩm khác trong giai đoạn này.
(11) Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr. 452.
(12) Hồ Chí Minh. Sđd., t.10, tr. 310
Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học X Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam ã hội Việt Nam
Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học XLạiã hội Việt The
Lại Quốc Khánh
Theo Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Huyền Trang (st)