Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tuyên truyền, giáo dục đạo đức có hiệu quả nhất mà Đảng ta đã vận dụng qua các thời kỳ cách mạng. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần quán triệt hơn nữa tư tưởng, tấm gương của Người trong công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng. Bởi, trong công cuộc đổi mới hôm nay, công tác tuyên truyền, giáo dục có một vị trí, vai trò rất lớn. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là tuyên truyền, giáo dục đường lối chính trị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị.
Nói đến công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước là giáo dục tư tưởng chính trị, quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân, phục vụ lợi ích của giai cấp và dân tộc. Thông qua hoạt động tuyên truyền, giáo dục phải phân tích, làm sáng tỏ cơ sở khoa học, căn cứ lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, qua đó cung cấp cho đối tượng một thế giới quan khoa học, phương pháp luận đúng đắn và những thông tin chân thực, những tri thức cần thiết hướng dẫn cho hành động cải tạo hiện thực, giải quyết những mâu thuẫn, những vấn đề phức tạp do thực tiễn đặt ra, đồng thời giúp cho đối tượng có được những vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh tư tưởng để chống lại những âm mưu, thủ đoạn và hành vi thâm độc của các thế lực thù địch đang muốn tìm mọi cách phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi ngược lại con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Để đạt được mục đích đó khi đi tuyên truyền, giáo dục chúng ta cần phải xác định rõ một số tiêu chí sau:
Thứ nhất, người đi tuyên truyền, giáo dục phải xác định rõ mục đích và đối tượng tuyên truyền, giáo dục.
Mục đích của công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng là nhằm biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những tri thức khoa học thành niềm tin, thành hành động cụ thể, xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước, làm cho cuộc sống mỗi người ngày càng tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Muốn làm được điều đó, người đi tuyên truyền phải nắm vững tâm lý của đối tượng được tuyên truyền. Tức là, người tuyên truyền phải xác định rõ đối tượng mình muốn truyên truyền, giáo dục là ai?, họ có nhu cầu gì?, tâm tư, nguyện vọng của họ như thế nào?, đời sống vật chất, tinh thần của họ hiện tại ra sao?….Trên cơ sở đó, người tuyên truyền hoạch định cụ thể nội dung, lựa chọn thời gian, địa điểm và cách thức, phương tiện tuyên truyền như thế nào cho phù hợp với nhận thức, điều kiện của họ. Khi bàn đến vấn đề này, Hồ Chí Minh đã từng dạy những người đi tuyên truyền, giáo dục: “Người đi tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem?. Nói cho ai nghe?. Nếu không vậy thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem. Người tuyên truyền không điều tra, không phân tích, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định sẽ thất bại. Chẳng những các người phụ trách, tuyên truyền, những người viết báo, viết sách, những người nghệ sĩ là những người tuyên truyền, mà tất cả cán bộ, đảng viên, hễ những người có tiếp xúc với quần chúng đều là người tuyên truyền của Đảng. Vì vậy ai cũng phải học nói, nhất là học nói cho quần chúng hiểu”(1).
Thứ hai, người tuyên truyền, giáo dục phải lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp và cách thức tuyên truyền, tác động đến đối tượng phải thật hay và hấp dẫn, dễ tiếp nhận.
Nội dung hay, có chất lượng, có ý nghĩa là bài nói, bài viết, sản phẩm dùng để tuyên truyền, giáo dục phải đảm bảo các tiêu chí: Đúng đắn về quan điểm và thông tin mới mẻ, phong phú, hấp dẫn, có ý nghĩa tích cực, tiến bộ, nhân văn và đặc biệt phải thiết thực, bổ ích đối với đối tượng, giúp họ thay đổi nhận thức và hành vi, hướng đến cái chân, thiện, mỹ. Nội dung dù phong phú, sâu sắc đến mấy, nhưng người nghe không thể hiểu, không thể nhớ, không thể áp dụng được, không thiết thực và bổ ích, không tạo được dấu ấn thì không thể nói nội dung tuyên truyền đó là hay và có chất lượng được.
Đương nhiên, chất lượng tuyên truyền không chỉ bị quy định và phụ thuộc vào nội dung tuyên truyền. Cùng một nội dung nhưng được chuyển tải bằng những hình thức, phương pháp tuyên truyền khác nhau sẽ mang lại hiệu quả khác nhau với những đối tượng khác nhau. Vì vậy, cùng với nội dung hay thì hình thức và phương pháp thể hiện phù hợp cũng được coi là một tiêu chí để xem xét chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục. Hiện nay, việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, chính trị, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được thực hiện qua nhiều kênh, nhiều hình thức và tổ chức khác nhau: Trong sinh hoạt các đoàn thể chính trị - xã hội, các nhóm dân cư, qua các phương tiện thông tin đại chúng (sách, báo, phát thanh, truyền hình…), qua các thể loại văn học, nghệ thuật, bằng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, qua tuyên truyền miệng….Kinh nhgiệm cho thấy mỗi hình thức, thể loại đều có những thế mạnh và những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, dù bằng hình thức nào, thể loại nào thì tuyên truyền, giáo dục muốn đạt hiệu quả cao đều phải có phương pháp tốt, nghĩa là phương pháp phải phù hợp với nội dung và đối tượng. Ngôn ngữ thường dùng trong tuyên truyền, dù nói hay viết, đều phải đảm bảo yêu cầu: Ngắn gọn, giản dị, rõ ràng, sinh động và hấp dẫn, phù hợp với quảng đại quần chúng nhân dân, để mọi người dễ hiểu, dễ nhớ và làm theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh là mẫu mực của việc thực hiện những yêu cầu này trong cách nói và cách viết của mình. Người dạy rằng: “Tuyên truyền cũng thế, huấn luyện cũng thế, phải làm sao cho dễ hiểu, nói sao để người ta hiểu được, hiểu để làm”(2). Để đạt được điều đó theo Hồ Chí Minh, trong tuyên truyền phải “nói thiết thực, nói đúng lúc. Khi trình độ dân trí đồng bào ta còn thấp, Hồ Chí Minh thường hay dùng phương pháp so sánh và đưa ra những ví dụ đơn giản, gần gũi với đời thường khi diễn đạt những vấn đề lý luận, chính trị trừu tượng, khô khan. Đặc biệt nước ta là một quốc gia đa dân tộc, mỗi thành phần dân tộc lại có một truyền thống văn hoá, tâm lý, phong tục, tập quán, lối sống, ngôn ngữ với những sắc thái riêng, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là điều cần lưu ý khi lựa chọn nội dung và phương pháp tuyên truyền. Hồ Chí Minh dạy rằng: “Một tỉnh có đồng bào Thái, đồng bào Mèo thì tuyên truyền, huấn luyện đối với đồng bào Thái khác, đối với đồng bào Mèo khác, phải có sự thay đổi cho thích hợp”(3). Những vấn đề chính trị, các Nghị quyết, văn bản pháp luật thường dùng văn chính luận, ngôn ngữ phổ thông, cô đọng, khái quát, đôi khi là trừu tượng, khó hiểu đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, Hồ Chí Minh căn dặn những cán bộ tuyên truyền phải tìm cách diễn đạt “nôm na” để đồng bào dễ hiểu, dễ làm theo. Theo Hồ Chí Minh, “nếu cứ nói nào là “làm cách mạng xã hội chủ nghĩa”, nào là “tiến lên chủ nghĩa xã hội”, nào là “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, đồng bào các dân tộc thiểu số khó hiểu, ít người hiểu. Phải nói rõ xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải làm cái gì?. Nói nôm na để cho người ta dễ hiểu, hiểu để người ta làm được. Không nên lúc nào cũng trích Mác, cũng trích Lê nin”(4). Hồ Chí Minh còn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên và những người trực tiếp làm công tác tuyên truyền, giáo dục phải biết cách nói của quần chúng “mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ tư tưởng và lòng ao ước của quần chúng”, “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ chớ nói, chớ viết”(5). Vì điều kiện vùng dân tộc, vùng miền núi có nhiều đặc điểm đặc thù so với các vùng khác nên Hồ Chí Minh đòi hỏi việc tuyên truyền, giáo dục và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách cũng phải có những nội dung, hình thức và bước đi phù hợp. Người dạy: “Miền núi đất rộng người thưa, tình hình vùng này không giống tình hình vùng khác. Vì vậy, áp dụng chủ trương và chính sách phải thật sát với tình hình thực tế ở mỗi nơi. Tuyệt đối chớ rập khuôn, chớ máy móc, chớ nóng vội” (6).
Thứ ba, một trong những tiêu chí cơ bản để xem xét, đánh giá chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng là mức độ thuyết phục đối tượng.
Thuyết phục tức là công tác tuyên truyền, giáo dục phải đi sâu vào tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là với đối tượng cụ thể ít nhiều có thắc mắc, băn khoăn, do dự…., để giúp họ hiểu rõ vấn đề, đi đến đồng cảm, thông suốt, ủng hộ và tự nguyện tiếp nhận chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, “tâm phục, khẩu phục”, từ đó quyết tâm, tự giác thực hiện và tuyên truyền, vận động người khác cùng thực hiện. Để đạt được điều đó, công tác tuyên truyền, giáo dục phải gắn với thực tiễn, hiểu rõ đối tượng, từng bước nâng cao nhận thức, tư tưởng, tình cảm của họ. Đặc biệt không nên tuyên truyền một chiều, theo kiểu áp đặt mà phải đảm bảo thông tin hai chiều, sử dụng đa dạng các hình thức thông tin phản hồi từ cơ sở, coi trọng ý kiến của quần chúng nhân dân. Thông tin phản hồi được thu nhận qua nhiều hình thức như: toạ đàm, đối thoại, trao đổi, phê bình, góp ý….Thông qua đây chúng ta sẽ biết được các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước sau khi được tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân đã phát huy tác dụng và có ảnh hưởng như thế nào, có vấn đề gì đặt ra qua kiểm nghiệm cần đổi mới, bổ sung, hoàn thiện….Đương nhiên để thông tin hai chiều phát huy tác dụng thì những câu hỏi, ý kiến thắc mắc của dân về chế độ, chính sách, quy định, về các thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng….cần được các cơ quan chức năng giải đáp, trả lời, làm sáng tỏ. Có như vậy, quần chúng mới được thông suốt, giải toả khúc mắc trong tư tưởng, nhận thức. Hồ Chí Minh đã có lần phê bình cách tuyên truyền qua các báo cáo theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, “im hơi lặng tiếng”. Người viết: “Các báo cáo thường đăng lời phê bình của nhân dân nhưng nhiều khi như “nước đổ đầu vịt”, cán bộ, cơ quan và các đoàn thể được phê bình cứ im hơi lặng tiếng, không tự kiểm điểm, không đăng báo tự phê bình và hứa sửa chữa”(7). Người yêu cầu: “Mong rằng các cơ quan hay địa phương có những vấn đề mà báo đã nêu lên phát biểu ý kiến, nói rõ chỗ nào báo phê bình đúng, chỗ nào sai và có khuyết điểm thì phải sửa như thế nào”(8). Để thuyết phục người nghe, những người đi tuyên truyền, nhất là tuyên truyền miệng, phải lắng nghe, theo dõi thái độ, phản ứng của đối tượng được tuyên truyền, tránh tác phong xa rời quần chúng, tự cho mình là bề trên, thông thạo, chỉ có bổn phận “dạy dỗ”, giáo hoá người dưới. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chớ có tưởng đi tuyên truyền là đi dạy người ta chứ không cần học lại người ta; lãnh đạo người ta chứ không chịu người ta phê bình”(9). Người căn dặn “cán bộ tuyên truyền phải luôn bám sát cơ sở, “phải biết chịu kham khổ”, “phải biết nhẫn nại”, “Về đức tính này cần phải học người đi truyền giáo”(10).
Một trong những phương pháp tuyên truyền, giáo dục có sức thuyết phục cao chính là nêu gương người tốt, việc tốt, giáo dục bằng việc làm, hành động cụ thể, nói đi đôi với làm, thông qua người thật, việc thật, những điều “tai nghe, mắt thấy”. Đây là phương pháp sinh thời Hồ Chí Minh rất quan tâm và thường xuyên sử dụng trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Theo Người: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng cuộc sống mới, con người mới”(11).
Từ những tiêu chí và phân tích trên chúng ta có thể rút ra một số biện pháp tác động chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng hiện nay là:
- Một là: Điều tra, nắm bắt, dự báo tình hình, diễn biến tư tưởng của quần chúng.
- Hai là: Tăng cường giáo dục tư tưởng, giáo dục niềm tin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
- Ba là: Kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, lời nói với việc làm….
- Bốn là: Luôn chủ động và đấu tranh không khoan nhượng với các âm mưu, thủ đoạn phá hoại về tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động thù địch đối với chủ nghĩa xã hội và dân tộc Việt Nam
- Năm là: Đấu tranh chống các tư tưởng phản động, lạc hậu và tâm lý mê tín dị đoan.
- Sáu là: Không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách và nâng cao uy tín của cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ tuyên truyền ở cơ sở.
Tóm lại, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, yếu tố ảnh hưởng chủ yếu nhất là phẩm chất và năng lực của người đi tuyên truyền, giáo dục. Chính vì vậy, muốn tuyên truyền, giáo dục có hiệu quả người đi tuyên truyền phải không ngừng bồi dưỡng phẩm chất đạo đức và nâng cao năng lực, uy tín cho bản thân.
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay và trước nhiều biến cố khó lường về tình hình chính trị - xã hội trên trường quốc tế. Bên cạnh các thế lực thù địch đã, đang và vẫn sẽ tìm mọi cách chống lại CNXH, Đảng ta và nhân dân ta vẫn kiên định với con đường đã chọn, quyết tâm đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh trong xu thế hội nhập. Quyết tâm đó có trở thành hiện thực hay không phần nhiều phụ thuộc vào công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng - phụ thuộc vào phẩm chất, năng lực của người đi tuyên truyền, giáo dục.
Thấm nhuần tư tưởng, tấm gương tuyên tuyền, giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tin rằng công tác tuyên truyền, giáo dục sẽ đạt được kết quả như mong muốn, góp phần đưa đất nước đến những thắng lợi mới, to lớn hơn trong công cuộc đổi mới, hội nhập hiện nay./.
Chú thích:
(1)Hồ Chí Minh: Toàn tập, t5, Nxb CTQG, H, 1996, tr300-301
(2),(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t11, Nxb CTQG, H, 1996, tr128
(4), Sđd, t11, tr130
(5), Sđd, t5, tr306
(6), Sđd, t10, tr611
(7), (80), Sđd, t8, tr238; tr10
(9), (10), Sđd, t4, tr264
(11),Sđd, t12, t558
Th.s Nguyễn Thị Loan - Phòng KH-TT-TL
Theo http://truongchinhtrina.gov.vn/
Khúc Thị Lan Hương (st)