Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ chính trị vĩ đại, đồng thời là nhà quân sự xuất sắc của dân tộc ta, người sáng lập, giáo dục và rèn luyện các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người đã dày công nghiên cứu, kế thừa và phát triển truyền thống quân sự của cha ông, tiếp thu tinh hoa quân sự của nhân loại, nhất là tư tưởng quân sự ưu việt của Lê - nin, kinh nghiệm chiến tranh cách mạng của Trung Quốc, Liên Xô, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ hiện đại. Tư duy quân sự của Người không chỉ thể hiện qua những tác phẩm có giá trị về nghệ thuật quân sự, mà còn đặc biệt thể hiện rất sáng tạo trong thực tiễn chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, với một tầm nhìn vượt thời đại, một tinh thần nhân văn cao cả, một tấm lòng luôn luôn hướng về nhân dân, về đất nước.

1. Truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc bao giờ cũng được phát huy cùng sự trường tồn của dân tộc ấy. Quá trình đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam đã từng bước hình thành và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, với những chiến công hiển hách vang dội lịch sử của dân tộc như: Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền trước quân Nam Hán (năm 938) là một điển hình cho nghệ thuật đánh bằng mưu kế, thắng bằng thế, thời; cuộc kháng chiến chống Tống (thế kỷ XI) của nhà Lý kết hợp hai cách  đánh  “công”  và  “phòng”  (tiến  công và phòng ngự) trên cả quy mô chiến lược và chiến thuật để đánh bại chiến lược tiến công chớp nhoáng của địch; nhà Trần đã phát huy sức mạnh của “cả nước đánh giặc”, vận dụng linh hoạt các cách đánh: Đánh nhỏ, đánh phân tán và đánh lớn, đánh tập trung, kết hợp chặt chẽ các hoạt động tác chiến của các lực lượng: Quân triều đình, quân các lộ, các vương hầu và dân binh… để ba lần đánh bại quân Nguyên Mông (1258, 1285, 1287- 1288); cuộc kháng chiến ròng rã 10 năm chống quân Minh (1418 - 1427) của Lê Lợi - Nguyễn Trãi thắng lợi vì chiến lược “mưu phạt tâm công” (đánh vào lòng người), dựa vào dân, xây dựng lực lượng nghĩa quân từ nhân dân để tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân đánh giặc; chiến tích trận Thăng Long đại thắng quân Thanh (cuối năm 1788) thể hiện tài năng, đỉnh cao nghệ thuật quân sự của Quang Trung - Nguyễn Huệ với sự kết hợp giữa đánh chính diện (chính binh) với bao vây vu hồi, đánh vào sau lưng địch (kỳ binh) - một nghệ thuật hay và hiểm, có tính bất ngờ cao, tính thời cơ lớn...

Tiếp theo là cuộc chiến đấu chống các nước đế quốc xâm lược đã phát triển và hoàn thiện nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhất là từ khi lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng. Đến thời đại Hồ Chí Minh, nghệ thuật đó đã bao hàm những nội dung chủ yếu sau đây: Toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt; “Kiên quyết không ngừng thế tiến công” bằng nhiều lực lượng, nhiều hình thức đấu tranh; Phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân; lấy ít địch nhiều, nhỏ đánh lớn, đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa; Kết hợp chặt chẽ lực, thế, thời, mưu; Đánh địch bằng mọi lực lượng, mọi qui mô, mọi cách, mọi vũ khí; Kết hợp đánh du kích với đánh tập trung, đánh tiêu hao với đánh tiêu diệt...

Bên cạnh đó, cùng với quá trình nghiên cứu, học tập học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu tiếp thu lý luận quân sự mácxít. Những đặc điểm về tư duy quân sự của các nhà kinh điển mácxít, đặc biệt là Lênin, đã được Hồ Chí Minh kế thừa và nâng lên tầm cao mới, phù hợp với tư duy quân sự phương Đông và Việt Nam. Sự tiếp thu và kế thừa đó được thể hiện qua các tác phẩm của Hồ Chí Minh như: “Kinh nghiệm du kích Tàu”, “Kinh nghiệm du kích Nga”, “Kinh nghiệm du kích Pháp”, “Con đường giải phóng”, “Cách đánh du kích” (4 tập), “Binh pháp Tôn Tử”, “Cách huấn luyện cán bộ quân sự của Khổng Minh”... Tư duy quân sự Hồ Chí Minh còn được thể hiện trong thực tiễn chỉ đạo khởi nghĩa và chiến tranh, ở sự hoạt động phong phú, sáng tạo của những học trò của Người trong hoạt động quân sự. Sự chỉ dẫn của Người đối với Tổng tư lệnh quân đội Võ Nguyên Giáp và Người cho những ý kiến để Tổng Bí thư Trường Chinh viết tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”... đã chứng tỏ điều đó.
Cũng trên hành trình tìm đường cứu nước, tư duy quân sự Hồ Chí Minh hình thành và phát triển trên cơ sở tiếp thu tinh hoa quân sự của thế giới. Trong thời gian sống ở Pháp, Người đã say mê nghiên cứu nền quân sự Pháp, kẻ thực dân đang thống trị nước ta. Người đặc biệt quan tâm đến thời kỳ lịch sử 1792-1804 là lúc thành lập nước Pháp Cộng hoà lần thứ nhất, quan tâm đến Công xã Pari, đến danh tướng Napôlêông Lui Bônapác. Người nhận xét “cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi”(1).

Với cách mạng Tháng Mười Nga,  Hồ Chí Minh nghiên cứu kỹ nguyên nhân nổ ra, phương pháp lãnh đạo của Lê - nin và Đảng Bônsêvic Nga, quá trình từ cách mạng năm 1905 đến cách mạng tháng Hai và cách mạng tháng Mười năm 1917... Qua đó, Người đã đúc rút những vấn đề cốt tử có quan hệ đến khởi nghĩa ở Việt Nam như: “Muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”(2).

Sống ở Trung Quốc nhiều năm, qua nhiều thời kỳ chính trị khác nhau, đầy những biến động phức tạp, Hồ Chí Minh không chỉ coi Trung Quốc như là một căn cứ địa, hậu phương của cách mạng Việt Nam, mà Người còn tích cực tham gia cách mạng Trung Quốc và quan tâm tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo, kinh nghiệm chiến đấu của đất nước này. Trong lĩnh vực quân sự Người rất am hiểu binh pháp Tôn Tử, Khổng Minh..., về du kích, về Bát lộ quân... Đặc biệt, thấy ở Binh pháp Tôn Tử những tác dụng lớn đối với cán bộ và nhân dân ta, Người đã dành thời gian để dịch và Mặt trận Việt Minh xuất bản lần đầu vào tháng 2-1945. Sau đó, năm 1946, trong tình hình phải đối phó với âm mưu của Tưởng và xâm lược của thực dân Pháp, Người lại viết những bài ngắn đăng trên báo Cứu quốc tới 17 số (từ 17/5 - 15/11/1946) đề cập đến nhiều phương diện, chiến lược, chiến thuật khác nhau, dưới dạng các binh pháp của Tôn Tử nhưng có chỉ dẫn, chú thích cụ thể. Những địa danh Pháp, Nga, Trung Quốc, những sự kiện quân sự, những danh tướng, nhà binh pháp nổi tiếng nêu trên, chưa phải tất cả những gì về quân sự mà Hồ Chí Minh nghiên cứu. Nhưng thông qua những vấn đề đó, chứng tỏ Người sớm có ý thức làm giàu kiến thức quân sự và tạo nên tư duy quân sự của mình, trên cơ sở chọn lọc những gì phù hợp với con người Việt Nam, phù hợp với mục tiêu cách mạng mà Người đang theo đuổi. Có thể khẳng định, tư duy quân sự truyền thống, nghệ thuật đánh giặc giữ nước; Học thuyết quân sự Mác-Lênin; tinh hoa quân sự cổ, kim, Đông, Tây là những yếu tố quan trọng góp phần hình thành tư duy quân sự Hồ Chí Minh. Nhưng sẽ thiếu đi một yếu tố - mà là yếu tố quyết định nhất - nếu không nói đến, đó là tư chất thông minh sáng tạo cùng với chí căm thù quân xâm lược, quyết tâm giải phóng đồng bào ở Người. Với tinh thần ham hiểu biết và học hỏi, với tư duy độc lập sáng tạo, Hồ Chí Minh đã sớm hình thành chí hướng lớn lao và quyết tâm tìm con đường đi cho riêng mình: “Cái mà dân tộc cần trước tiên chưa phải là súng đạn, của cải, mà là cách đuổi giặc cứu nước, là làm cách mạng, hay nói cách khác là lý luận cách mạng và phương pháp cách mạng”(3). Ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Người đã trải qua 10 năm tìm tòi, nghiên cứu, hoạt động thực tiễn trước khi đến được với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm thấy ở đó “cẩm nang thần kỳ” để giải phóng dân tộc, thấm nhuần các nguyên lý cơ bản, tư tưởng nhân đạo, nhân văn, lý tưởng giải phóng nhân loại, xây dựng một xã hội tốt đẹp trong đời sống hiện thực và tin tưởng nhân loại cuối cùng sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Trở về nước, Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đã lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 và hai cuộc chiến tranh cách mạng chống Pháp, chống Mỹ. Người đã dồn hết trí tuệ và năng lực cho hoạch định đường lối quân sự và chỉ đạo công cuộc giải phóng dân tộc. Dưới sự chỉ đạo của Người, nền quân sự Việt Nam phát triển vượt bậc, đưa tới những thắng lợi vang dội thế kỷ XX, được thế giới ca ngợi, buộc kẻ thù phải kính nể trước tài thao lược quân sự của một dân tộc anh hùng. Từ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đó, cùng với thực tiễn chiến đấu giành và giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc của nhân dân ta mà tư duy quân sự Hồ Chí Minh không ngừng rèn luyện và phát triển.

Khẳng định rằng, tư duy quân sự Hồ Chí Minh tạo nên bởi nhiều nguồn nêu trên, nhưng không phải là con số cộng, góp nhặt ở mỗi nguồn một ít, mà là những tinh hoa quân sự được chắt lọc, lựa chọn phù hợp với yêu cầu chiến đấu, với mục tiêu cách mạng, với tính cách con người Việt Nam và tính cách Hồ Chí Minh. Vì vậy, nghiên cứu tư duy quân sự Hồ Chí Minh ta như thấy ở trong đó tư duy quân sự của người Việt Nam, người phương Đông; lại thấy tư duy quân sự cách mạng kiểu Lênin; thấy mưu kế, tài thao lược của các danh tướng quân sự thế giới..., nhưng lại rất đậm nét Hồ Chí Minh với những đặc điểm của tư duy quân sự rõ ràng.

2. Mục tiêu cách mạng phải đạt tới như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nhân dân ta phải giành lấy độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, tiến lên chủ nghĩa xã hội, để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tư duy quân sự Hồ Chí Minh đặt trong phương hướng thực hiện mục tiêu cách mạng là nguồn gốc phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam. Mục tiêu cách mạng đó có sự hấp dẫn kỳ diệu, không những thu hút được đông đảo già, trẻ, gái, trai thuộc đủ các tầng lớp, giai cấp trong xã hội lên trận tuyến đấu tranh mà còn làm nảy nở tinh thần chiến đấu kiên cường, mưu trí, sáng tạo của nhân dân trong phương thức tiêu diệt kẻ thù. Tấn công địch toàn diện cả về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoại giao...; đánh địch khắp mọi nơi: nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; đánh địch bằng mọi thứ vũ khí tự tạo, vũ khí hiện đại và cả vũ khí thu được của địch; đánh địch đóng quân tại chỗ cũng như lúc hành quân; gặp địch là đánh, bám thắt lưng địch mà đánh, một người cũng tiến công... làm cho kẻ thù ăn không ngon, ngủ không yên, ngày đêm lo sợ, giảm sút ý chí chiến đấu. Nhằm thực hiện mục tiêu cách mạng, Hồ Chí Minh chủ trương đánh lâu dài cho đến khi thực hiện được mục tiêu đề ra mới ngừng chiến đấu. Người nói rõ: “Địch muốn dùng cách đánh mau, thắng mau. Nếu chiến tranh kéo dài, hao binh tổn tướng, chúng sẽ thất bại. Vậy ta dùng chiến lược trường kỳ kháng chiến, để phát triển lực lượng, tăng thêm kinh nghiệm... Thế địch như lửa. Thế ta như nước. Nước nhất định thắng lửa”(4). Để thực hiện mục tiêu cách mạng, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Đây là hình thức tổ chức thích hợp nhất để phát huy sức mạnh của cả dân tộc, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh nước ta, phù hợp với nghệ thuật quân sự và cách đánh của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội ta luôn được quan tâm xây dựng thành một quân đội kiểu mới, một quân đội nhân dân “trung thành với mục đích cách mạng: Giữ cho nước nhà được độc lập, nòi giống được tự do”(5). Đó là đội quân của những chiến sĩ “dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”(6).

Để giữ vững bản chất của quân đội cách mạng, Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi quân đội phải thực hiện công bằng, bình đẳng, dân chủ, không phân biệt cấp, chức trong rèn luyện và chấp hành kỷ luật quân sự, kiên quyết chống tệ quan liêu, thói mệnh lệnh hành chính, tự do vô kỷ luật, công thần, kiêu ngạo. Mỗi chiến sĩ phải “luôn luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo đức: trí, dũng, liêm, trung của Giải phóng quân”(7); còn đối với chiến sĩ, “chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”(8). Những biểu hiện cán bộ thiếu quan tâm sâu sát đến đời sống, sinh hoạt của chiến sĩ, khen thưởng, xử phạt thiếu công minh, chính xác, kịp thời, thích ai thì thưởng, ghét ai thì phạt, sử dụng những hình phạt thô bạo, xúc phạm đến nhân cách chiến sĩ… là hoàn toàn trái với tư tưởng nhân văn về quân sự của Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở Đảng ta và nhân dân ta phải quan tâm chu đáo đến lực lượng vũ trang nhân dân và chính Người là hiện thân sinh động của sự quan tâm to lớn và đặc biệt sâu sắc đến cán bộ, chiến sĩ. Người đã đích thân ra trận trong Chiến dịch Thu - Đông năm 1950; Người trực tiếp kiểm tra nhiều cuộc thao diễn quân sự của các đơn vị quân đội; Người gửi thư thăm hỏi, động viên, khen thưởng kịp thời mỗi khi bộ đội ra trận, đi chiến dịch hay giành được chiến công; Người  dành tiền tiết kiệm tặng bộ đội phòng không mua nước uống cho đỡ khát; Người gặp gỡ cán bộ cao cấp toàn quân trước lúc đi xa về với thế giới người hiền... Sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ, của nhân dân là cơ sở là nền tảng xây dựng, bồi đắp bản chất truyền thống tốt đẹp của các lực lượng vũ trang, xây dựng và bồi đắp hình ảnh cao quý: “Bộ đội Cụ Hồ”.

Nhấn mạnh vai trò của con người trong hoạt động quân sự và đấu tranh vũ trang, nhưng Hồ Chí Minh không tuyệt đối hóa vai trò của con người. Người đặt con người trong mối quan hệ tổng hòa với các nhân tố khác như trang bị kỹ thuật, hậu phương chiến tranh, chế độ chính sách... và đặc biệt Người khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự thương yêu đùm bọc của nhân dân là những điều kiện quyết định để phát huy vai trò và sức mạnh của quân đội. Trong buổi đầu thành lập đội quân đầu tiên của cách mạng Việt Nam, nhấn mạnh nguyên tắc lấy dân làm gốc, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Chỉ có dựa vào dân, quân đội ta mới có thể phát triển được nhanh chóng vững mạnh. Người khẳng định sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là sự nghiệp của toàn dân, tất cả quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân đồng thời rút ra kết luận: “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”(9).

Toàn dân, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là toàn thể dân tộc, là mọi công dân nước Việt, mọi người con Lạc cháu Hồng. Điều này được Người nói rõ trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”(10). Như vậy, có thể thấy tư tưởng Hồ Chí Minh về lực lượng toàn dân trong đấu tranh vũ trang đã mở biên độ ra rất rộng đến toàn thể dân tộc Việt Nam. Quan điểm này phản ánh rõ nét sự phát triển sáng tạo trong tư duy quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sáng tạo này vừa nắm được cái hồn của nhận thức đấu tranh giai cấp, vừa nắm được cái thực của đất nước, của dân tộc và nhờ đó đã hóa giải một cách hết sức tài tình, khôn ngoan những đối kháng về lợi ích bộ phận trong những hoàn cảnh nhất định để phục vụ tập trung cho quyền lợi của dân tộc, của đất nước. Với tư duy quân sự sáng tạo đó, Hồ Chí Minh không chờ kết thúc chiến tranh mới chăm lo sức dân, mà ngay trong quá trình chiến tranh đã thực hiện “kháng chiến đi đôi với kiến quốc”, bồi dưỡng sức dân. Người chủ trương vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng và giữ gìn lực lượng, hạn chế hy sinh về người, giảm thiểu thiệt hại về của. Điều đó xuất phát từ tính nhân văn cao cả, nhưng đồng thời cũng rất khoa học, rất biện chứng bởi có giữ gìn được lực lượng mới kháng chiến được lâu dài, mới có nguồn sinh lực để xây dựng chế độ mới. Tiến hành giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất, đẩy mạnh sản xuất trong vùng giải phóng và giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình nghèo là nhằm mục đích đó. Thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, lực ta còn yếu, để ngăn cản bước tiến của kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi “tiêu thổ kháng chiến” nhưng vào cuối cuộc chiến tranh, thắng lợi gần như chắc chắn, thì chủ trương của Người là bảo vệ các thành phố, các cơ sở công nghiệp trước khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Những việc làm như vậy trong thực tế tuy chưa cải thiện và nâng cao đời sống rõ rệt, nhưng ảnh hưởng và hiệu quả rất lớn, làm cho nhân dân và bộ đội, đặc biệt là nông dân, hết sức phấn khởi, hăng hái tham gia kháng chiến.
Thực hiện chủ trương bồi dưỡng sức dân ngay trong kháng chiến, Hồ Chí Minh kêu gọi thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và trong điều kiện có thể, giảm bớt sự đóng góp cho nhân dân. Theo đó, Người yêu cầu các cơ quan Đảng, Nhà nước đẩy mạnh sản xuất tự túc. Riêng với quân đội, Người dành tình cảm và chăm lo đặc biệt, đảm bảo cán bộ chiến sĩ ăn no, mặc ấm, trang bị vũ khí đầy đủ để chiến đấu. Người còn yêu cầu các cấp ủy Đảng, Nhà nước chăm lo hậu phương quân đội để họ yên lòng đánh giặc. Nhưng Người cũng yêu cầu quân đội phải làm tốt ba chức năng: Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất. Điều đó cũng có hàm ý, quân đội trong điều kiện có thể được cần phải tham gia sản xuất, làm kinh tế, góp phần giúp đỡ nhân dân.

3. Với lòng yêu thương con người Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn dùng cách đánh ít đổ máu nhất, hay nói cách khác, tư tưởng Hồ Chí Minh về bạo lực cách mạng luôn luôn thống nhất với tư tưởng nhân văn và hòa bình. Mặc dù đã làm hết sức mình để tránh một cuộc chiến tranh đổ máu nhưng khi kẻ thù ngoan cố gây chiến tranh xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết kêu gọi toàn quân, toàn dân chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong khi tiến hành chiến tranh, Người không bỏ lỡ cơ hội đàm phán hòa bình với địch để kết thúc sớm chiến tranh trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ nước ta. Rất nhiều bức điện văn, thư từ mà Người đã nỗ lực viết và gửi cho Liên hiệp quốc, cho các nước đồng minh, cho Quốc hội, Chính phủ các nước Pháp, Mỹ, cho các trí thức, nhân sĩ Pháp, Mỹ, cho dân chúng và cả tù binh Pháp, Mỹ... để họ hiểu rõ thiện chí hòa bình, hòa hiếu và hợp tác của nhân dân Việt Nam và có hành động thiết thực để sớm kết thúc các cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa mà Pháp, Mỹ đã gây ra ở Việt Nam: “Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình” (Lời kêu gọi Liên hợp quốc, đầu tháng 12-1946); “Một sự hòa bình hợp công lý còn có thể cứu vãn được tình thế” (Thư gửi tướng Leclerc); “Tôi yêu Tổ quốc và đồng bào tôi, tôi cũng yêu nước Pháp và nhân dân Pháp. Vì vậy tôi thiết tha kêu gọi Quốc hội và Chính phủ Pháp nghĩ đến lợi quyền chung tối cao của hai dân tộc Pháp - Việt, hạ lệnh cho đương cục Pháp khôi phục tình trạng trước ngày 20-11-1946, để cùng Chính phủ Việt Nam thi hành Tạm ước, để xây đắp sự cộng tác Pháp - Việt thân thiện và lâu dài” (Lời kêu gọi gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp); “Nhân dân Việt Nam rất quý trọng tình hữu nghị với nhân dân Mỹ vĩ đại đang tiếp tục những truyền thống của Hoa Thịnh Đốn và Lincôn đấu tranh cho độc lập dân tộc và dân chủ” (Lời chúc đầu năm gửi nhân dân Mỹ); “Nhân dân Mỹ có truyền thống yêu chuộng công lý, tự do và hoà bình. Nhân dân Việt Nam rất quý trọng nhân dân Mỹ, muốn đoàn kết với nhân dân Mỹ đang đấu tranh cho các quyền dân chủ và chống chiến tranh xâm lược Việt Nam” (Thư trả lời một công dân Mỹ); “Nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện trước sự đe doạ của bom đạn. Sự nghiệp của chúng tôi là chính nghĩa. Mong Chính phủ Mỹ hãy hành động hợp với lẽ phải” (Thư trả lời Tổng thống Mỹ Giônxơn)... Tư tưởng nhân đạo và hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở việc yêu quý thanh niên Pháp, Mỹ cũng như thanh niên Việt Nam, những lớp người tài năng và triển vọng đang rất cần cho công cuộc xây dựng của mỗi nước. Với tấm lòng bác ái, nhân hậu và tinh thần yêu chuộng hòa bình giữa các dân tộc, khi nói về thanh niên nước Pháp, nước Mỹ và những người lính bị đưa đi chết uổng trong các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, Người đã nhiều lần dùng những lời lẽ rất thân tình, thấu vào tâm can người đọc, người nghe: “Theo tinh thần bốn bể đều là anh em, tôi yêu mến thanh niên Pháp cũng như yêu mến thanh niên Việt Nam. Đối với tôi, sinh mệnh của một người Pháp hay sinh mệnh của một người Việt Nam đều đáng quý như nhau. Tôi thành thực mong muốn thanh niên Pháp và thanh niên Việt Nam hiểu biết lẫn nhau và yêu mến nhau như anh em”(11); “Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”(12); “Tôi vô cùng công phẫn trước những tổn thất và tàn phá do quân Mỹ gây ra cho nhân dân và đất nước chúng tôi; tôi cũng rất xúc động thấy ngày càng có nhiều thanh niên Mỹ chết vô ích ở Việt Nam vì chính sách của nhà cầm quyền Mỹ”(13)...

Tấm lòng nhân ái bao dung Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự độ lượng với tù binh. Trong thư gửi tù binh Pháp nhân lễ Nôen năm 1950, Người viết: “Các bạn thân mến… nhân dân Việt Nam xem các bạn như những người bạn và tìm mọi cách để cuộc sống các bạn được tốt hơn”. Còn trong thư gửi tù binh người châu Phi, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi họ là “các bạn của tôi” và còn nhắn nhủ “trong số các bạn thế nào chẳng có người còn cha mẹ già và con nhỏ. Hãy gửi cho họ những cái hôn thắm thiết của già Hồ”. Tấm lòng chân thành cùng sự mẫn cảm chính trị đề cao chính nghĩa, đạo lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo ra sức cảm hoá mãnh liệt. Đại uý Gadinhốp, bị bắt làm tù binh trong trận đánh ở Hoà Bình ngày 7/1/1952, đã viết thư kêu gọi các bạn đồng ngũ như sau: “Quân đội Việt trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam luôn gắn liền với những chiến công chói lọi thế kỷ XX của một quân đội anh hùng mà Người có công sáng lập và xây dựng. Ôn lại tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự để thấu hiểu sâu sắc hơn tấm lòng, tình cảm và sự quan tâm của Người đối với lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là cách thiết thực nhất để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Nam nhất định sẽ thu được thắng lợi cuối cùng, vì họ đấu tranh cho một lý tưởng cao quý, có một mục đích chung và được xây dựng trên nguyên tắc kỷ luật tự giác. Hoàn toàn đã rõ ràng quân đội Việt Nam sẽ tiêu diệt đội quân viễn chinh Pháp. Nhưng quân đội Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận những kẻ nào trong các bạn muốn chạy sang phía họ. Những sĩ quan, hạ sĩ quan, binh lính Pháp muốn chạy sang phía quân đội Việt Nam, thì sẽ được đối xử như bạn hữu và sẽ được tự do”(14).

Đã hơn 40 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, nhớ về Hồ Chí Minh và thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ trong lịch sử dân tộc, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam luôn gắn liền với những chiến công chói lọi thế kỷ XX của một quân đội anh hùng mà Người có công sáng lập và xây dựng. Ôn lại tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự để thấu hiểu sâu sắc hơn tấm lòng, tình cảm và sự quan tâm của Người đối với lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là cách thiết thực nhất để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam./.

Chú thích:

1.    Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.2, tr.296

2.    Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.2, tr.304

3.    Phạm Xanh: Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác -Lênin ở Việt Nam (1921-1930), Nxb Thông tin lý luận, H.1990, tr.17.

4.    Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.179

5.    Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.4, tr.38

6.    Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.292

7.    Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.371

8.    Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr. 484

9.    Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.2, tr.297

10.    Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.4, tr.534

11.    Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.4, tr.346

12.    Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.4, tr.510

13.    Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.15, tr.602

14.    Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, t.6, tr.410

Theo http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: