Phong cách thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những đặc điểm riêng có trong cách nghĩ và hành động của Người. Trong đó, mọi suy nghĩ, hành động của Người luôn dựa trên thực tiễn sinh động của cuộc sống. Phong cách thực tiễn của Người là sự vận dụng nhuần nhuyễn quan điểm thực tiễn, trở thành nguyên tắc trong suy nghĩ và hành động. Học tập phong cách thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất lớn trong đấu tranh chống bệnh giáo điều trong cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay.

phong cach thu tien ho chi minh

Ảnh minh họa: internet

1. Phong cách thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hành trình tìm đường cứu nước và quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu hiện sâu sắc của phong cách thực tiễn. Người luôn hướng nhận thức của mình vào thực tiễn xã hội Việt Nam trong quá trình đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin; luôn tiếp thu, chắt lọc những yếu tố phù hợp với thực tiễn Việt Nam để giải quyết những vấn đề cách mạng Việt Nam đang đặt ra. Khi ở cương vị là lãnh đạo cao nhất của nhà nước, mặc dù phải giải quyết bộn bề công việc của chính quyền non trẻ, nhưng Người luôn luôn sâu sát thực tế, gắn bó với cơ sở, gần gũi với nhân dân. Từ năm 1955 đến năm 1965, Người đã nhiều lần đi thăm, tiếp xúc với cán bộ, bộ đội, công nhân, giáo viên, bác sĩ, nông dân, các cụ phụ lão, các cháu thanh, thiếu niên nhi đồng, các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, các hợp tác xã, bệnh viện, trường học…

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam bị chế độ thực dân đặt ách thống trị và thực hiện chính sách bóc lột hà khắc. Nhân dân Việt Nam sống hết sức cơ cực, vừa chịu áp bức của phong kiến, vừa chịu ách đô hộ của thực dân. Đứng trước hoàn cảnh đất nước bị giặc ngoại xâm áp bức, với truyền thống yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất, các phong trào yêu nước đã nổ ra ở khắp nơi. Nhưng các phong trào đó đều thất bại vì không lôi kéo được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và không phản ánh đúng được xu thế của thời đại. Tình hình đó đã đặt ra yêu cầu phải tìm được con đường mới đúng đắn phù hợp cho dân tộc. Thực tiễn đó đã thôi thúc người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành không thể rập khuôn theo những lối mòn về con đường cứu nước của những bậc tiền bối, mà phải căn cứ vào những điều kiện cụ thể trong nước và thế giới để có hướng đi đúng. Trong khi đó, ở phương Tây, cuộc cách mạng tư sản diễn ra mạnh mẽ, nhân dân các nước đó đã được “tự do, bình đẳng”. Thực tiễn các nước phương Tây đã thôi thúc Người phải sang tận nơi để tìm hiểu tường tận rồi từ đó trở về “cởi ách” cho dân tộc mình. Phong cách thực tiễn của Người được thể hiện trong câu trả lời một nhà báo Liên Xô: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái… Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn náu đằng sau những chữ ấy”(1). Từ hoàn cảnh đất nước khi đó đã đặt ra yêu cầu bức thiết cần phải tìm ra một lối đi mới đưa cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi chính là điểm xuất phát trong suy nghĩ của Người để tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc.

Suốt quá trình tìm đường cứu nước cho đến khi giành được chính quyền, lãnh đạo chính quyền, xây dựng nhà nước mới, Người luôn xuất phát từ thực tiễn để rút ra những nhận định, giải đáp những yêu cầu của thực tiễn, khái quát thành lý luận chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Trong cuộc hành trình qua các châu lục, từ Châu Âu đến Châu Phi, Châu Mỹ La tinh, qua các nước từ Việt Nam đến Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Anh… Người luôn muốn tìm hiểu thực tiễn cuộc sống của nhân dân lao động, bằng việc trực tiếp làm những công việc của họ. Thực tiễn cuộc sống của nhân dân các nước thuộc địa và các nước tư bản đã giúp Người có những nhận thức mới. Đó là những tài liệu sống vô cùng quý giá, chân thực cho những bài tố cáo tội ác của thực dân, là cơ sở để Người viết “Bản án chế độ thực dân Pháp”; đồng thời, là cơ sở để Người phác họa con đường cách mạng Việt Nam thể hiện trong các văn kiện quan trọng như: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ tóm tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những dữ liệu của thực tiễn cùng với quá trình nghiên cứu lý luận của chủ nghĩa Mác là cơ sở quan trọng giúp Người đề ra tư tưởng cách mạng tự lực cánh sinh: “Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”(2). Sau này, Người tiếp tục khẳng định, một dân tộc cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập. Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trên cơ sở của thực tiễn để đề ra lý luận giải đáp các vấn đề thực tiễn đặt ra.

Phong cách thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở việc Người luôn quán triệt quan điểm thực tiễn trong nhận thức và hành động. Khi đến với chủ nghĩa Mác, Người không áp dụng một cách máy móc, giáo điều, mà luôn đứng trên “mảnh đất hiện thực” cách mạng Việt Nam, trên nền của văn hóa phương Đông để vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin. Người luôn tư duy biện chứng, bổ sung, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác trên cơ sở những vấn đề thực tiễn ở nước ta nói riêng và các nước phương Đông nói chung. Vì vậy, khi còn hoạt động ở nước ngoài, Người từng viết: “Dù sao cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử Châu Âu. Mà Châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại. Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”(3). Như vậy, quan điểm thực tiễn luôn được Người quán triệt sâu sắc và triệt để, đảm bảo lý luận thống nhất với thực tiễn, bổ sung phát triển lý luận trên cơ sở thực tiễn và phù hợp với thực tiễn.

Quá trình lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng không nên coi lý luận về chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa Mác là kinh thánh, là những công thức có sẵn, cứng nhắc, mà phải luôn luôn xuất phát từ thực tiễn của đất nước để vận dụng lý luận đó vào nước ta cho phù hợp: “Tuy chúng ta đã có những kinh nghiệm dồi dào của các nước anh em, nhưng chúng ta không thể áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách máy móc, bởi vì nước ta có những đặc điểm riêng của ta”(4). Với đặc điểm từ một nước nông nghiệp lạc hậu, điểm xuất phát thấp đi lên chủ nghĩa xã hội càng phải lựa chọn hình thái, bước đi thích hợp; tiến dần từng bước lên chủ nghĩa xã hội. Người nêu rõ quan điểm: "Chủ nghĩa xã hội không thể làm mau được mà phải làm dần dần”(5). Phải sử dụng đúng đắn các thành phần kinh tế, kể cả kinh tế tư bản tư nhân, các nhà tư sản. Không phải bắt ép mà thuyết phục các nhà tư sản. “Các nhà tư sản sẽ hợp tác với Chính phủ để sản xuất dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Phải hướng về phía ấy, mà công tư hợp doanh cũng còn phải tiến lên nữa. Các nhà tư sản sẽ thấy công tư hợp doanh có lợi, không có hại, dần dần họ thấy nhất định phải tiến lên chủ nghĩa xã hội”(6). Quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ hoàn cảnh đất nước, đây là công việc to lớn “đó là cả một công tác tổ chức và giáo dục”(7). Tất cả nhân dân cố gắng thì mới tiến mau được. Nếu không xuất phát từ thực tiễn, không nhận thức sâu sắc những đặc điểm hoàn cảnh của đất nước và rập khuôn cách làm của nước ngoài thì có thể không thành công. Lựa chọn phương pháp, con đường đi phù hợp đòi hỏi phải sáng tạo. Từ tháng 7/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác… Ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội"(8).

Trong mọi hoàn cảnh, phong cách thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phương châm chỉ đạo hành động của Người, đó là phải luôn phân tích tình hình cụ thể của lịch sử, vận dụng sáng tạo lý luận vào những hoàn cảnh cụ thể để đưa ra những quyết sách đúng đắn cho cách mạng thành công. Sự phân tích cụ thể tình hình đối với toàn bộ vấn đề giải phóng dân tộc và giải phóng thuộc địa đã đưa tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi dấu ấn vào lịch sử. Trong “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ” gửi Quốc tế Cộng sản để kiến nghị về chiến lược và sách lược của phong trào cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây”(9). Quan điểm thực tiễn đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh có một cái nhìn tổng quát bối cảnh xã hội và thực trạng giai cấp ở phương Đông không giống các xã hội phương Tây.

Từ tư duy biện chứng đó, Người khẳng định: Đối với các dân tộc thuộc địa ở phương Đông “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”(10) và trong cách mạng giải phóng dân tộc, “người ta sẽ không thể làm được cho người An Nam nếu không dựa trên động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ”(11). Từ luận điểm đó, Người đã kiến nghị về cương lĩnh hành động của Quốc tế Cộng sản: “Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản… Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi… nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”(12). Như vậy, nếu không có tư duy biện chứng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không thấy được sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc ở phương Đông, không tìm thấy động lực để đoàn kết mọi thành phần tạo ra sức mạnh to lớn mà những người cộng sản phải nắm lấy để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

Sự vận dụng nhuần nhuyễn quan điểm thực tiễn đã tạo nên phong cách thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Giá trị của phong cách thực tiễn trong khắc phục bệnh giáo điều của cán bộ, đảng viên

Trong phong cách thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không có một biểu hiện nào của căn bệnh giáo điều. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra căn bệnh giáo điều này ở một số cán bộ, đảng viên, Người phê phán lối tiếp thu lý luận và kinh nghiệm theo kiểu “thuộc lòng từng câu từng chữ, đem kinh nghiệm của các nước anh em áp dụng một cách máy móc”(13). Theo Người, một số cán bộ ta chỉ biết học tập lý luận mà không liên hệ với thực tiễn, tuyệt đối hóa vai trò của tri thức lý luận, tách rời lý luận khỏi thực tiễn, lúc đó cán bộ ta tự biến mình thành “cái hòm đựng sách” - giáo điều về lý luận. Học tập và áp dụng kinh nghiệm một cách rập khuôn, máy móc, cứng nhắc, thiếu sáng tạo và không chú ý đến điều kiện lịch sử cụ thể, làm ảnh hưởng không tốt đến chất lượng, hiệu quả hoạt động cải tạo hiện thực. Bệnh giáo điều là do lối tư duy giáo điều của những người sản xuất nhỏ, trong một nền sản xuất nhỏ, không tính đến những điều mới trong thực tiễn, những điều kiện lịch sử cụ thể.

Bệnh giáo điều ở Việt Nam xuất hiện dưới dạng “hàn lâm”, “kinh viện”, xa rời thực tiễn, coi trọng sách vở (đến mức lạm dụng sách); nghiên cứu học tập lý luận nhưng không “tiêu hóa” được sách. Việc coi trọng (đến mức sùng bái) sách vở “kinh điển” chính là do đọc sách quá ít hoặc không đọc đến nơi đến chốn... Lối học tập đó sẽ dẫn đến sự hình thành trong tư duy một hình thức cực đoan. Trích dẫn dần dần để thay thế cho suy nghĩ, cho lập luận lôgic. Những bài viết thoạt nhìn có vẻ giống như lý luận nhưng thực chất chỉ là tổng số những trích dẫn, sao chép suy nghĩ của người khác. Hoặc lý luận chỉ là tổng số những công thức máy móc, đơn điệu, phiến diện, làm cho lý luận biến thành “màu xám”, không có sức sống, xa rời thực tiễn, không giúp ích gì trong việc lý giải, chỉ đạo thực tiễn. Từ đó, xuất hiện tư tưởng coi thường lý luận hoặc nói một đằng, làm một nẻo. Nói chỉ là nói lý luận suông, làm thì theo kinh nghiệm vụn vặt của cá nhân. Bệnh giáo điều hiện nay vẫn tồn tại không ít trong một bộ phận cán bộ, đảng viên gây hậu quả không nhỏ cho quá trình tổ chức triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

3. Một số giải pháp chống bệnh giáo điều trong cán bộ, đảng viên hiện nay

Tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong cán bộ, đảng viên; trong đó cần đấu tranh khắc phục bệnh giáo điều theo cách phong cách thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để việc học tập, rèn luyện theo phong cách thực tiễn của Người có hiệu quả cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần thay đổi nhận thức về việc học tập lý luận nhằm nâng cao trình độ tư duy lý luận, chống giáo điều về lý luận, tăng tính thực tiễn trong học tập lý luận. 

Tăng tính thực tiễn là gắn các tri thức lý luận với thực tiễn công tác, thực tiễn đất nước, làm cho thống nhất giữa lý luận và thực tiễn nhằm tăng hiệu quả hoạt động thực tiễn công tác của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán việc học tập lý luận mà không gắn với thực tiễn của cán bộ, đảng viên, là coi việc học tập lý luận chỉ để gắn cái “mác”, để có cái “bằng”, học tập để nói cho “có vẻ” lý luận; học lý luận để biết “dăm câu ba chữ” dùng làm “trang sức” hoặc để lòe người khác, chứ không để nâng cao trình độ lý luận, nâng cao trình độ tư duy lên tầm lý luận; giải thích và chỉ đạo, hướng dẫn thực tiễn bằng lý luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu chống và phê phán kiểu học thuộc lòng chủ nghĩa Mác - Lênin, đó chính là cách “học sách vở Mác - Lênin nhưng không học tinh thần Mác - Lênin”(14). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là “phải học tinh thần của chủ nghĩa Mác -Lênin, học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác -Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”(15). Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần phải tăng tính thực tiễn trong học tập lý luận, nghĩa là học lý luận để phục vụ thực tiễn làm việc, từ đó khắc phục được bệnh giáo điều lý luận. Người chỉ ra: “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm”(16). Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin trước hết để biết, để làm người, rồi mới làm cán bộ và phụng sự Tổ quốc, nhân dân, giai cấp. Người cán bộ, đảng viên phải có thái độ đúng đắn mới có thể khắc phục được bệnh giáo điều trong nghiên cứu, học tập lý luận. Như vậy, thay đổi nhận thức về việc học tập lý luận là quán triệt quan điểm thực tiễn để chống bệnh giáo điều trong học tập lý luận.

Thứ hai, cần vận dụng lý luận một cách sáng tạo và hiệu quả vào thực tiễn để nâng cao hiệu quả công tác.

Học tập lý luận cốt là vận dụng vào thực tiễn, phục vụ cải tạo thực tiễn, nếu không sẽ trở nên giáo điều về lý luận. Vận dụng ở đây không đơn giản là dùng những kiến thức lý luận đã học để áp dụng vào thực tế mà để phân tích, mổ xẻ thực tiễn. Phải đem những điều học được để phân tích và giải quyết các vấn đề thực tế trong công tác của bản thân mình và của Đảng, như vậy thì việc nghiên cứu, học tập, vận dụng lý luận mới có hiệu quả. Khi đem những kiến thức lý luận áp dụng vào thực tiễn phải phân tích những điều kiện cụ thể của thực tiễn để lựa chọn lý luận nào và kinh nghiệm thực tiễn nào vào cải tạo thực tiễn.

Người căn dặn cán bộ, đảng viên: Khi nghiên cứu, học tập và vận dụng kinh nghiệm của các nước vào thực tiễn cách mạng nước ta phải căn cứ vào thực tiễn đất nước để tìm ra hướng đi riêng cho mình; biết lựa chọn kinh nghiệm nào cho phù hợp, nếu không sẽ phạm phải giáo điều khi vận dụng kinh nghiệm: “Không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều”(17). Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu ngoài việc nâng cao nhận thức trong học tập lý luận, cán bộ, đảng viên phải luôn luôn nhấn mạnh nguyên tắc lý luận liên hệ với thực tế và tính lịch sử cụ thể khi vận dụng kinh nghiệm của các nước vào nước mình.

Thứ ba, thường xuyên tổng kết kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận, làm giàu tri thức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải biết tổng kết kinh nghiệm thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác “… công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái thìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”(18). Người nhấn mạnh: “… cần phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ, làm cho nó đầy đủ dồi dào thêm”(19). Đó chính là quá trình tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận. Làm được như vậy có nghĩa là làm cho lý luận được “bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động”(20). Đồng thời, thực tiễn mới sẽ được chỉ đạo, soi đường, dẫn dắt bởi lý luận mới. Đây là biểu hiện sinh động của việc quán triệt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, “tổng kết để làm cho nhận thức của chúng ta đối với các vấn đề đó được nâng cao hơn và công tác có kết quả hơn”(21).

Phong cách thực tiễn là một trong những nét nổi bật trong hệ thống phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phong cách thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dựa trên thực tiễn và xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn Việt Nam để tiếp thu chọn lọc những gì hợp lý, đúng đắn và định hướng cho quá trình tìm ra hệ thống lý luận cũng như phương pháp cách mạng để giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam. Đó là một phong cách hành động khoa học, lấy thực tiễn là cơ sở, điểm xuất phát của quá trình nhận thức chân lý. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó nghiên cứu và học tập phong cách thực tiễn của Người là rất cần thiết đối với mỗi người, bởi đó là phương thức góp phần loại bỏ căn bệnh giáo điều trong cán bộ, đảng viên hiện nay./.

ThS. Nguyễn Hồng Điệp - Bộ Quốc phòng

---------------------------------

Ghi chú:

(1) Ôxíp Manđenxtam, Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản - Nguyễn Ái Quốc, báo Ogoniok, Liên Xô, số 39, ngày 23/12/1923.

(2) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H.2011, tr.138.

(3), (9),(10),(11),(12) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 1, tr.510; tr.508-509; tr.511; tr.513; tr.513.

(4),(13),(14),(15),(16),(17),(20),(21) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 11, tr.97; tr.95; tr.611; tr.95; tr.611; tr.97; tr.95; tr.96.

(5),(6),(7),(8) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 10, tr.390; tr.391; tr.392; tr.391.

(18),(19) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr.283; tr.511.

Theo http://tcnn.vn/

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: