1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh”
Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, bắt nguồn trước hết từ việc Đảng đã lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Hồ Chí Minh luôn luôn giáo dục, lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta, đề ra và lãnh đạo thực hiện trên thực tế để Đảng luôn luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”.
Với những giá trị bền vững, phổ biến, học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh có ý nghĩa quan trọng, củng cố niềm tự hào đối với Hồ Chí Minh, lãnh tụ anh minh của Đảng và dân tộc ta, anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất. Đồng thời, qua đó góp phần tăng thêm niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới; kiên định và tin tưởng vào con đường phát triển của đất nước mà Hồ Chí Minh, Đảng và dân tộc ta đã lựa chọn.
Học tập và làm theo quan điểm Hồ Chí Minh, Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mạng Việt Nam trước hết phải có Đảng. Đảng có vững, cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa chủ nghĩa ấy. “Chủ nghĩa” mà Người đề cập ở đây là hệ thống lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, như “trí khôn” của con người, như cái “bàn chỉ nam” của con tàu, giúp Đảng hoạch định cương lĩnh, đường lối, chủ trương, định ra mục tiêu, các phương pháp cách mạng cho phù hợp, tổ chức thực hiện có hiệu quả để đạt mục tiêu. Đó là “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”, vì mang bản chất khoa học và cách mạng, nêu một thế giới quan và phương pháp luận như là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam đúng đắn cho giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Hơn 86 năm qua, do lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đứng vững trước mọi thử thách, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo phát triển đất nước.
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể với tinh thần chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo.
Một là, phương pháp học tập, nhận thức, nâng cao trình độ lý luận Mác - Lênin phải luôn luôn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, trình độ của từng đối tượng, không kinh viện, không biến các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin thành các công thức; phải hiểu đúng để hành động đúng.
Hai là, phải vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin cho phù hợp với từng lúc và từng nơi, từng lĩnh vực, từng đối tượng; đề phòng và khắc phục cả giáo điều lẫn xa rời các nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Giáo điều là con đường chết khi vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin; đồng thời lấy cớ vận dụng sáng tạo và phát triển để xa rời các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng là sự biểu hiện thoái hoá, biến chất của một đảng cộng sản.
Ba là, Đảng phải luôn luôn học tập, kế thừa những kinh nghiệm tốt của các đảng cộng sản khác, đồng thời phải thường xuyên tổng kết thực tiễn cách mạng để làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, làm giàu trí tuệ của mình. Trong đó, có những vấn đề tổng kết từ thực tiễn, từ hoàn cảnh, đặc điểm của đảng mình và bổ sung vào chủ nghĩa Mác - Lênin những vấn đề lý luận mới.
Bốn là, Đảng ta phải đấu tranh chống những luận điểm cơ hội, xuyên tạc, xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin bị các thế lực chống cộng, thù địch phản bác; bị những kẻ cơ hội, xét lại xuyên tạc; đồng thời bị những người vận dụng kém bản lĩnh và kém phẩm chất, năng lực làm sai lệch. Chú trọng bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin bằng cách nâng cao tầm trí tuệ, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin.
Năm là, Đảng ta phải dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin để xây dựng khối đoàn kết trong phong trào cộng sản quốc tế. Điều này phản ánh rõ nhất quan điểm của Hồ Chí Minh trong bản “Di chúc” khi Người mong muốn Đảng ta ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình.
Học tập và làm theo quan điểm Hồ Chí Minh thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng: Tuân thủ nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng theo những nguyên tắc của V.I.Lê-nin, Hồ Chí Minh chú trọng thực hiện các nguyên tắc: Nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nguyên tắc tự phê bình và phê bình; kỷ luật nghiêm minh, tự giác; đoàn kết, thống nhất trong Đảng để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh.
Học tập và làm theo quan điểm Hồ Chí Minh thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện tư cách cán bộ, đảng viên để xứng đáng Đảng “là đạo đức, là văn minh”. Người “rèn” đạo đức cán bộ, đảng viên trong thực tế chứ không chỉ dừng lại những quy định trong Điều lệ Đảng, trong đó chú trọng các phẩm chất: trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Xây dựng Đảng về đạo đức cách mạng là một nội dung đặc sắc trong Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam, là bước phát triển sáng tạo của Người so với học thuyết của V.I.Lê-nin về đảng kiểu mới của giai cấp vô sản.
Học tập và làm theo quan điểm Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của cán bộ, công tác cán bộ. Hồ Chí Minh khẳng định rằng: cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém. Quần chúng nhân dân là những người làm nên lịch sử. Nhưng, mặt khác, những cán bộ lãnh đạo, quản lý lại là đầu tàu, có tác dụng hướng dẫn, tập hợp, vận động nhân dân để hành động đạt mục tiêu của cách mạng. Với ý nghĩa như như vậy, cả cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng đến công tác cán bộ, từ đánh giá, lựa chọn, huấn luyện, thử thách, rèn luyện, sử dụng, đãi ngộ... Người yêu cầu rất cao, rất cụ thể đối với cán bộ, đảng viên. Đó là những người, về tư cách, phải suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, phải đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết và lên trước hết; đời tư phải trong sáng, phải là một tấm gương sáng trong cuộc sống; phải có 5 điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Cán bộ, đảng viên, ngoài việc phải hoàn thành tốt công việc chung của Đảng phải còn là một thành viên tốt của gia đình, là một người công dân tốt, kiểu mẫu ở khu dân cư và ngoài xã hội, sống cuộc sống chan hòa, gần gũi với mọi người chung quanh trong cùng bản làng, phum, sóc, thôn xóm... Về năng lực, phải có năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân; có mối liên hệ mật thiết với nhân dân; luôn luôn học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt; phải có phong cách tốt, có tinh thần trách nhiệm cao khi thực hiện nhiệm vụ chính trị, luôn luôn đổi mới trên cơ sở có nhiều sáng kiến; thường xuyên tổng kết công tác, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.
Để làm tốt công tác cán bộ, theo Hồ Chí Minh: Phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ để lựa chọn và sử dụng đúng cán bộ, vì đó là yêu cầu xuất phát để tiến hành các mặt khác của công tác cán bộ. Hồ Chí Minh cho rằng, cứ mỗi lần xem xét lại cán bộ, một mặt sẽ tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác thì những người yếu kém sẽ bị lòi ra. Hồ Chí Minh yêu cầu người làm công tác cán bộ khi đánh giá, xem xét cán bộ phải “tự biết mình”, tức là biết được “sự phải trái của mình”, sửa chữa những khuyết điểm của mình, để “mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”, như thế mới không phạm những căn bệnh: 1) Tự cao tự đại; 2) Ưa người ta nịnh mình; 3) Do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người; 4) Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau. Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, xem xét một cán bộ không nên chỉ xem xét mặt bên ngoài, xem xét qua một việc, mà phải xem xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ đó; xem xét cán bộ phải xem xét cả lịch sử của họ, toàn bộ công việc của họ.
Hồ Chí Minh căn dặn phải “dùng người đúng chỗ, đúng việc”, giống như dùng gỗ, người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được. Người phê bình: thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người, thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao, thành thử hai người đều lúng túng, nếu biết tùy tài mà dùng người thì hai người đều thành công. Hồ Chí Minh phê bình nghiêm khắc tệ “kéo bè kéo cánh” trong công tác cán bộ: Tệ này phát sinh từ bệnh bè phái, ai hợp với mình thì thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau; ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là người xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Khuyết điểm này, như Hồ Chí Minh chỉ ra, nó rất tai hại, làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình, làm hại sự thống nhất, làm mất sự thân ái, đoàn kết đồng chí, gây ra những mối nghi ngờ.
Hồ Chí Minh nêu quan điểm toàn diện khi xem xét để đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Đó là khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy phù hợp với việc gì; phải chống chủ nghĩa biệt phái, cục bộ, địa phương, hẹp hòi, lợi dụng chức quyền để đưa anh em, họ hàng, bạn bè thân quen vào chức này chức nọ. Người phê phán những bệnh: 1) Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, vì cho họ tốt hơn người bên ngoài; 2) Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực; 3) Ham dùng những người tính tình hợp với mình mà tránh những người tính tình không hợp với mình.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một công việc quan trọng, phải được tiến hành thường xuyên, nhất là phải xem xét thật kỹ trước khi đề bạt cán bộ; sau khi đã đề bạt rồi thì phải theo dõi, giúp đỡ, kiểm tra cán bộ đó; nếu không như thế thì hỏng việc. Hồ Chí Minh cho rằng, đây là công việc gốc của Đảng.
Học tập và làm theo quan điểm Hồ Chí Minh tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và nhân dân. Đảng ta sinh ra từ trong lòng dân tộc Việt Nam, yêu cầu của tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là xuất phát từ bản chất của vấn đề mối quan hệ bền chặt vốn có, là yêu cầu tự nhiên của Đảng ta trong quy luật ra đời và phát triển của Đảng. Nhân dân có vai trò cực kỳ to lớn trong đời sống chính trị - xã hội. Quyền lực của dân đứng ở vị trí tối thư ợng trong hệ thống quyền lực của đất nước. Tất cả quyền lực trong xã hội Việt Nam đều được cấu tạo trên cơ sở quyền lực của nhân dân và đều xuất phát từ vị trí, vai trò của nhân dân. Tất cả các tổ chức của Đảng, từ cấp cao nhất cho đến cấp cơ sở, đều hoạt động trên cái nền nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Cấp cơ sở là cấp cuối cùng trong hệ thống bộ máy của Đảng, cũng như các chi bộ - các tế bào của Đảng - là tổ chức gần dân nhất, nằm trong nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. Các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải chăm lo xây dựng và tăng cường mối quan hệ gắn bó với nhân dân. Đây là yêu cầu đối với mọi tổ chức đảng, ở tất cả các thời kỳ cách mạng, nhưng trong thời kỳ Đảng cầm quyền thì yêu cầu này càng đặc biệt nổi rõ hơn. Do đó: 1) Đảng phải thường xuyên lắng nghe ý kiến của nhân dân, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; kiên quyết khắc phục bệnh quan liêu trong tổ chức đảng và đảng viên. 2) Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. 3) Đảng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân. 4) Thường xuyên vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
2. Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng
Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội không tự nhiên mà có và không phải cứ tự nhận mà được. Vai trò đó có được là do năng lực lãnh đạo, tầm trí tuệ, sức chiến đấu của Đảng luôn luôn được nâng cao, do sự phấn đấu bền bỉ của Đảng vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự tiến bộ trên nhân loại. Nhưng Đảng ta sẽ mất vai trò lãnh đạo toàn xã hội và sẽ không được nhân dân tín nhiệm, nếu yếu kém, không trong sạch, vững mạnh. Do đó, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn bản thân Đảng là một yêu cầu của chính sự nghiệp cách mạng trong tất cả các thời kỳ, để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng “là đạo đức, văn minh”. Đây là quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh, là sự quan tâm hằng ngày của Người nhằm giáo dục cho toàn Đảng tinh thần luôn luôn rèn luyện, phấn đấu, để chiếm trọn sự tin yêu của nhân dân.
Sự cầm quyền của Đảng ta là do nhân dân giao phó, cho nên, Đảng phải luôn luôn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, việc thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn càng phải được chú ý và trở thành quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng chủ yếu trên những nội dung: Một là, tăng cường công tác xây dựng Đảng cả về chính trị; tư tưởng; tổ chức; phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như đối với xã hội nói chung; đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên... làm cho Đảng luôn luôn xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc Việt Nam. Hai là, Đảng phải luôn luôn chú ý đề phòng và khắc phục những biểu hiện tiêu cực, thoái hóa, biến chất, luôn luôn giữ gìn Đảng thật trong sạch, vững mạnh. Đảng không sợ sai lầm, khuyết điểm mà vấn đề quan trọng nhất đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng là ở chỗ nhận biết sai lầm, khuyết điểm để ra sức sửa chữa. Ba là, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên để đội ngũ này luôn luôn toàn tâm, toàn ý phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phải là những người vừa có đức, vừa có tài. Bốn là, Đảng phải vươn lên đáp ứng kịp yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới do sự biến đổi của tình hình trong nước và quốc tế; phải chú trọng nâng cao tầm trí tuệ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình.
Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện hiện nay có những đặc điểm rất mới. Đây là thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra một cách nhanh chóng dưới sự tác động nhiều mặt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đất nước đứng trước thời cơ và thách thức lớn của sự phát triển. Với việc tham gia ngày càng nhiều và chủ động, tích cực vào các tổ chức quốc tế, Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hẹp dần khoảng cách tụt hậu để phát triển. Sau 30 năm Đảng lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, đất nước đã thu được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, thế và lực đã mạnh lên nhiều. Mạnh ở đây không chỉ biểu hiện ở tốc độ tăng trưởng cao mà còn ở trình độ, ở tư duy bắt nhịp kịp với tư duy phát triển của thế giới. Đó là, hơn bao giờ hết, con người Việt Nam đang khát khao cống hiến nhằm đưa đất nước tiến nhanh và bền vững, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đảng ta tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đã nâng cao được năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình trong điều kiện mới. Ba yếu tố thời, thế và lực đang đan xen, tác động mạnh mẽ với nhau; thời do thế và lực đưa lại; thế và lực tác động thúc đẩy thời mau xuất hiện, trong bối cảnh đó, việc học tập và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cần tập trung vào một số vấn đề căn cốt nhất.
Trước hết, phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở nắm bắt một cách chính xác tình hình để đề ra đường lối, chủ trương, quyết sách phù hợp với điều kiện mới. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch, có tính chất sống còn của Đảng và cách mạng Việt Nam. Tình hình trong nước và quốc tế ở hiện tại và trong tương lai gần diễn biến rất nhanh chóng, ẩn chứa nhiều yếu tố phong phú, phức tạp, khó lường, nên Đảng cần phải nắm chắc, để kịp thời đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, song cũng cần tránh sự hấp tấp, vội vàng. Bài học quý giá trong những năm qua chính là Đảng ta đã giải quyết thành công khi đổi mới đường lối đối ngoại trước tình hình biến chuyển mau lẹ của thế giới, làm cho đất nước có những bước đi phù hợp để tiến nhanh hơn.
Trong đổi mới, vừa phải chú ý đến những vấn đề mới nảy sinh, kịp thời nghiên cứu, tổng kết để mạnh dạn bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, vừa phải cẩn trọng. Bảo thủ, trì trệ, không chịu bổ sung, phát triển cương lĩnh, đường lối, chủ trương khi tình hình trong nước và quốc tế có sự biến chuyển là không xứng đáng với một đội tiên phong, một Đảng năng động, sáng tạo, một chủ thể khởi xướng đổi mới toàn diện đất nước, đưa đất nước Việt Nam tiến nhanh, mạnh, bền vững, đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong 30 năm qua.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác xây dựng đảng thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện về mọi mặt. Nguy cơ lớn nhất của Việt Nam trong một tương lai gần là nguy cơ Đảng bị suy yếu, vai trò cầm quyền bị suy giảm, thậm chí bị mất, dẫn đến mất chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, tức là nguy cơ nước ta trượt khỏi con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Do đó, hãy bắt đầu từ bản thân Đảng, coi chăm lo xây dựng Đảng là điều kiện tối cần thiết và là điều kiện tiên quyết để giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa; làm cho cán bộ, đảng viên thấu hiểu sâu sắc tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam lại xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Tính chất then chốt của nhiệm vụ đó là yêu cầu Đảng phải chú trọng nâng cao tầm trí tuệ và năng lực lãnh đạo cũng như sức chiến đấu của mình trong giai đoạn cực kỳ quan trọng của hội nhập quốc tế. Chưa bao giờ mà trí tuệ và bản lĩnh của Đảng ta được thử thách một cách gay gắt như trong thời kỳ này, bởi vì sự nghiệp xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa đặt ra yêu cầu cho Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam phải có tầm nhìn và năng lực sáng tạo vượt bậc.
Xây dựng đường lối đúng trong thời kỳ hội nhập quốc tế, trong xu thế toàn cầu hóa, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ khó, nhưng biết dựa vào trí tuệ của tập thể, mạnh dạn đổi mới, đổi mới có nguyên tắc, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ lãnh đạo nhân dân, tổ chức thực hiện, để biến những điều đúng đắn trong đường lối thành hiện thực. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng cơ bản nhất vẫn là năng lực, trí tuệ, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ đức - tài, đầy tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân tộc, năng động, dám nghĩ, dám làm.
Muốn vậy, cần đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, tiếp tục đổi mới công tác cán bộ hơn nữa, vì đó là nhân tố con người, một nhân tố có ý nghĩa quyết định đến thành bại của cả một sự nghiệp cách mạng. Kiên quyết khắc phục tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kiên quyết phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực khác ở trong Đảng và ngoài xã hội. Những yếu tố bên trong và bên ngoài trong bốn nguy cơ mà Đảng ta đã vạch ra từ trước đến nay vẫn đan xen nhau, chuyển hoá cho nhau. Trong nhiều yếu tố cần đặc biệt chú ý trong quá trình vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì yếu tố từ bản thân Đảng ta là cần chú ý hơn cả. Nếu từ phía bên trong (tức là Đảng ta) mạnh thì phía bên ngoài, sự chống phá của các thế lực thù địch, không thể nào làm cho Đảng ta suy yếu và mất vai trò cầm quyền được. Ngược lại, nếu bên trong suy yếu, thì trong quá trình hội nhập quốc tế, “diễn biến hoà bình” rất dễ biến thành nguy cơ “tự diễn biến hoà bình”.
Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền...; biểu hiện của gia tăng cơ hội chủ nghĩa với nhiều kiểu “chạy”: chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy tội, chạy bằng cấp...; sự gia tăng của bệnh quan liêu, của 4 biểu hiện: nói nhiều làm ít; nói thì hay nhưng làm thì dở; nói mà không làm; nói một đằng làm một nẻo; là bệnh thích nghe thành tích, ngại nghe sự thật... mà hậu quả tai hại của các căn bệnh đó đã rõ: chúng làm cho nhiều chủ trương, chính sách, quyết sách của nhiều tổ chức đảng không phù hợp với thực tế; tình trạng vô trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo xảy ra không ít, thậm chí một số tổ chức đảng bị tê liệt.
Những vấn đề trên nếu giải quyết không tốt, thì sự cầm quyền, năng lực cầm quyền của Đảng ta sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì vậy, phải kiên quyết và kịp thời giải quyết những tiêu cực đã xâm nhập vào cơ thể Đảng, Nhà nước, không để các tiêu cực phức tạp và biểu hiện tinh vi hơn.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền chỉ là đứng vị trí thứ hai sau khi có nội dung lãnh đạo, xét theo quy trình hoạt động của một đảng cầm quyền. Nhưng, không thể phủ nhận được tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như lãnh đạo đối với toàn xã hội. Vì vậy, trong khi tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, càng phải đặt trọng tâm vào việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Vai trò của Nhà nước trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế càng ngày càng nổi rõ. Điều đó không chỉ phản ánh điểm nhấn rằng, nói đến “cầm quyền” của bất kỳ đảng chính trị nào, trong đó có Đảng ta, là trước hết nói đến Đảng lãnh đạo Nhà nước; rằng, trong xã hội nói chung và nhà nước pháp quyền nói riêng, Nhà nước là trung tâm quyền lực, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền và quyền lực của đại đa số nhân dân, thực hiện chức năng đối nội, đối ngoại.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thực thi chức năng, nhiệm vụ cầm quyền của mình trong sự tiếp thu những ý kiến của các tổ chức đoàn thể; và chính qua đó, Đảng tự nhìn lại chính mình để bổ sung, phát triển, điều chỉnh đường lối, chủ trương, để đổi mới phương thức lãnh đạo của mình đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Thứ tư, giải quyết tốt mối quan hệ với nhân dân. Tất cả quyền lực trong xã hội Việt Nam đều được cấu tạo trên cơ sở quyền lực của nhân dân và đều xuất phát từ vị trí, vai trò của nhân dân. Vấn đề dân vận tư ởng đơn giản nhưng thực tế không phải hiện nay ở đâu, kể cả cấp cơ sở, đều làm tốt. Vẫn còn nhiều, rất nhiều hạn chế, vấp váp, do đó làm tổn hại đến uy tín của Đảng trước nhân dân. Những phản ứng gay gắt của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với chính quyền các cấp, rõ nhất là cấp cơ sở; hàng loạt “điểm nóng” chủ yếu xuất phát từ khiếu kiện giải quyết vấn đề nhà, đất ở nhiều địa phương... đã không còn là hiện tượng đơn lẻ. Trong khi đó, vị trí và vai trò cầm quyền của Đảng đã chế định một thực tế là tuyệt đại đa số những ngư ời có chức, có quyền là đảng viên, do đó, nếu không chú ý tu dưỡng, rèn luyện theo phẩm chất cộng sản thì đảng viên có chức, có quyền rất dễ xa dân, hách dịch, cửa quyền đối với dân. Đồng thời, trên thực tế khi vận hành cơ chế thực thi quyền lực của xã hội trong vai trò cầm quyền, nhiều tổ chức đảng và đảng viên đã không chú trọng bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của dân; vẫn còn không ít nạn sách nhiễu, vòi vĩnh, đòi ăn của đút lót, đặc biệt là nạn tham nhũng ngày càng tinh vi và nghiêm trọng hơn, chưa phòng và chống được một cách có hiệu quả.
Từ trước đến nay, Đảng đã có rất nhiều nghị quyết, chỉ thị về tăng cường mối quan hệ giữa Đảng đối với nhân dân và một bài học rút ra từ thực tế là: Nếu dân xa Đảng, Đảng xa dân thì Đảng sẽ bị mất hết sức sống, bởi vì, sức mạnh của Đảng là từ sức mạnh của nhân dân. Vì vậy, phải bắt tay vào hành động, hành động một cách tích cực, kiên quyết, có hiệu quả và phải bắt đầu từ cấp tổ chức cơ sở đảng là cấp gần dân nhất; phải tích cực hơn nữa trong việc chống quan liêu, chống việc cán bộ, đảng viên hành dân, ức hiếp dân, không tự đặt mình vào vị trí đày tớ của dân...
Suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh đã dành tâm sức lãnh đạo, rèn luyện Đảng, đã để lại cho các thế hệ của Đảng ta di sản tư tưởng lớn lao, có ý nghĩa soi đường, chỉ lối vô cùng quan trọng. Không những để lại di sản tư tưởng mà Người còn để lại triết lý hành động vì Đảng, vì Dân, vì sự tiến bộ của nhân loại bằng tấm gương sáng không chút bụi mờ của mình. Hồ Chí Minh là một người cộng sản, nêu tấm gương sáng cho toàn Đảng, cho mọi thế hệ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã sống một cuộc sống hiến dâng - đó là hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng con người; đã sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện một tổ chức tiên phong cho sự nghiệp đó là Đảng Cộng sản Việt Nam - một Đảng thường xuyên tự chỉnh đốn và đổi mới để luôn trong sạch, vững mạnh.
PGS,TS. Phạm Ngọc Anh
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử
Tâm Trang (st)