Đúng vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Anh hùng dân tộc vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, chiến sỹ cộng sản quốc tế lỗi lạc. Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta như non cao, biển rộng. Người đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Ở Hồ Chí Minh, tư tưởng, đạo đức, phong cách thống nhất biện chứng, làm thành diện mạo nhân cách văn hóa, nhất là văn hóa lãnh đạo.
Từ tổng kết những kết quả đạt được từ thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW (năm 2006), chỉ thị 03-CT/TW (năm 2011), ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Chỉ thị 05-CT/TW “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05). Đây là lần đầu tiên (kể từ năm 1951), Đảng ta đặt vấn đề học tập và làm theo di sản Hồ Chí Minh một cách toàn diện trong cấu trúc tổng thể.
1. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Những giá trị cốt lõi, bền vững
Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu: Tư tưởng Hồ Chí Minh; đạo đức Hồ Chí Minh; phong cách Hồ Chí Minh. Đó là di sản vô cùng đa dạng và phong phú, thấm đượm trong toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; tỏa sáng trong những trước tác, trong từng việc làm, cử chỉ và mối quan tâm sâu sắc, ân cần đối với con người, với nhân dân, đất nước và nhân loại, nhất là nhân dân các dân tộc bị áp bức.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của những năm bôn ba, lăn lộn trong hoạt động thực tiễn, nghiên cứu, học tập, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Từ đó, Hồ Chí Minh đã có những sáng tạo lớn, đặc sắc về lý luận, hiện thực hóa, làm phong phú, giàu có chủ nghĩa Mác - Lênin.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta. Tiếp cận tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là một hệ thống tri thức tổng hợp các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn, theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, cần tập trung đẩy mạnh học tập và làm theo các nội dung cốt yếu nhất gắn liền với những nội dung cơ bản của công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần nghị quyết Đại hội XII của Đảng như:
(1) Tư tưởng Hồ Chí Minh về mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiến tạo một xã hội vì con người và các giá trị làm người; (2) Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; (3) Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị ở Việt Nam, hình thành một Chính phủ kiến tạo, liêm khiết, quản trị tốt và giải trình trách nhiệm trước nhân dân; (4) Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hiện hệ thống chính sách xã hội trong điều kiện Việt Nam; (5) Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa và con người Việt Nam; (6) Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Đặc biệt, cần chú trọng nắm bắt cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh: Tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập, tự do, hạnh phúc. Đây chính là hệ giá trị nền móng phát triển bền vững, có khả năng giải quyết được những nhiệm vụ thực tiễn của cách mạng Việt Nam.
Giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá, mãi mãi soi đường cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi.
Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một tấm gương vô cùng trong sáng và cao thượng, kết tinh của tinh hoa văn hóa Việt Nam. Người không chỉ là một nhà tư tưởng lỗi lạc về văn hóa, sáng tạo ra một nền văn hóa mới, văn hóa cách mạng Việt Nam, kiến tạo ra một thời đại mới trong lịch sử phát triển của nền văn hóa dân tộc, mà chính bản thân Người, cuộc sống của Người, những việc làm bình thường hằng ngày của Người là hiện thân của nền văn hóa Việt Nam, là mẫu mực của con người Việt Nam. Tư tưởng, tâm hồn, cốt cách của Người là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, kết tinh những giá trị văn hóa phương Đông và phương Tây, truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế.
Đạo đức là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu và xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh. Người không những đã để lại những tác phẩm lý luận về đạo đức, mà còn là hiện thân mẫu mực của những hành vi đạo đức. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, những giá trị của tư tưởng đạo đức phương Đông và phương Tây, đặc biệt quan trọng là những tư tưởng đạo đức của học thuyết Mác- Lênin. Hồ Chí Minh đã thực sự làm một cuộc cách mạng trên lĩnh vực đạo đức ở Việt Nam. Trong đó, theo Người đạo đức là gốc, là nguồn, là nền tảng, biểu hiện tập trung thông qua ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với công việc. Đức là gốc, nhưng đức và tài phải kết hợp, phải đi đôi với nhau; người cách mạng phải có cả đức và tài mới hoàn thành được trọng trách Đảng và nhân dân giao phó.
Cuộc đời Hồ Chí Minh là một biểu tượng sáng trong, cao đẹp về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nước, yêu nhân dân tha thiết, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Người để lại cho chúng ta một tấm lòng nhân hậu, một tình cảm chan chứa yêu thương, vì nước, vì dân, vì Đảng; một trí tuệ anh minh, mẫn tiệp; một tầm nhìn xa rộng, sâu sắc; một mẫu mực tuyệt vời về phong cách tư duy, phong cách diễn đạt, phong cách làm việc, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt; sự nhất quán giữa tư tưởng và hành động, giữa nói và làm.
Về mặt đạo đức, trong thời gian tới cần tập trung vào các chủ đề: (1) Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân; (2) Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ra sức làm việc cho Đảng, thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, giữ nghiêm kỷ luật Đảng; (3) Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, vì Đảng, vì dân mà hy sinh quên mình, gương mẫu trong mọi việc; (4) Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hòa mình với nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp thu sự phê bình và chịu sự giám sát của nhân dân; (5) Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không ngừng học tập, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao trình độ, tư tưởng, cải tiến công tác, cùng giúp nhau tiến bộ.
Đặc biệt, cần chú trọng quán triệt, làm theo những giá trị cốt lõi của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư (dĩ công vi thượng), tất cả vì con người.
Cuộc đời Hồ Chí Minh xuất phát từ một triết lý nhân sinh lấy khiêm tốn, giản dị làm nền; lấy chừng mực đức độ làm chuẩn; lấy trong sạch thanh cao làm vui; lấy gắn bó con người, thiên nhiên làm niềm say mê vô tận; là tình thương yêu con người quyện với tình yêu thiên nhiên tạo nên tinh thần lạc quan của người chiến sĩ, kết hợp chặt chẽ với những rung động say mê của một tâm hồn nghệ sĩ...
Phong cách có liên quan chặt chẽ với đạo đức, đạo đức được thể hiện qua phong cách, qua phong cách có thể đánh giá được đạo đức, đánh giá được nhân cách của một con người. Phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể, tạo thành một hệ thống bao gồm: Phong cách tư duy, phong cách diễn đạt, phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt, v.v..
Về phong cách Hồ Chí Minh, cần được nghiên cứu thấu đáo, quán triệt và làm theo một cách toàn diện, bao gồm: (1) Học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh; (2) Học tập và làm theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh; (3) Học tập và làm theo phong cách làm việc Hồ Chí Minh; (4) Học tập và làm theo phong cách ứng xử Hồ Chí Minh; (5) Học tập và làm theo phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh.
Trong đó, cốt lõi của phong cách Hồ Chí Minh là phong cách khoa học, dân chủ, quần chúng, hài hòa, nêu gương.
2. Tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi con người, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải trở thành nhu cầu nội tại, tự giác, là nhiệm vụ rất quan trọng và thường xuyên, nhằm tự giáo dục, rèn luyện bản thân mình. Trước hết là hoàn thiện nhân cách làm người, trên nền tảng đó, mới nói đến việc trở thành nhân cách cộng sản, làm người cán bộ, xứng đáng là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, là “người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Theo tinh thần Chỉ thị 05 ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII, muốn việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, thiết thực, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thực tiễn mang tính liên hoàn. Ngoài việc phát huy những kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện và nhân rộng các cách làm hay, các mô hình sáng tạo trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong những năm qua, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt các nhóm giải pháp cơ bản sau:
Nhóm giải pháp về nhận thức tư tưởng
Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành tự giác, thường xuyên, phải nâng cao nhận thức, phải suy nghĩ đúng, theo lương tâm và lẽ phải, ít nhất là hai điều căn bản:
Một là, nhận thức đúng các giá trị mang tính bền vững của di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những giá trị này được thể hiện qua các tác phẩm, bài nói, bài viết và nhất là qua quan hệ, việc làm, ứng xử của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mặc dầu thời gian qua, bằng nhiều con đường khác nhau, mỗi đảng viên, cán bộ, ít hay nhiều đã được biết đến các giá trị của di sản Hồ Chí Minh. Nhưng theo chúng tôi, những hiểu biết này chưa mang tính hệ thống, chắp vá và quan trọng nhất là chưa lý giải đến ngọn ngành chiều sâu khoa học của từng giá trị nền móng hàm chứa trong di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Giáo dục mới dừng lại ở việc truyền đạt các tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn. Người đi tuyên truyền cũng chưa thật sự thấu hiểu, cảm nhận sâu sắc những gì viết ra để biến thành đam mê, khát vọng, tình cảm máu thịt. Vì thế, người nghe cũng chưa thực sự thẩm thấu khi tiếp nhận những tri thức về di sản đạo đức Hồ Chí Minh.
Việc nhận thức đúng giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đặt ra nhu cầu rất lớn: Phải tổ chức nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh một cách căn bản, có hệ thống, theo cả chiều rộng và chiều sâu. Muốn vậy, phải bắt đầu từ công tác tư liệu, biên soạn tài liệu. Chúng ta phải xây dựng được hệ thống tư liệu đầy đủ nhất, chuẩn xác nhất theo khả năng hiện có, về di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thiếu nguồn tư liệu chuẩn xác được thẩm định thì không bao giờ có được một cái nhìn toàn cục, hệ thống, đầy đủ về giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ không biết chắc chắn sẽ dẫn đến không hiểu; từ không biết, không hiểu sẽ không có khả năng hướng dẫn thực hành. Cho đến nay, trên cả bình diện vĩ mô và vi mô (nguồn tư liệu chung và nguồn tư liệu có liên quan đến các địa phương, các ngành, các lĩnh vực hoạt động), nguồn tư liệu thuộc lĩnh vực này cũng làm chưa được tốt, thiếu sự kiểm định, dễ dẫn đến những thông tin không chính xác, phản giáo dục, thậm chí là xuyên tạc.
Nghiên cứu di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải đạt đến yêu cầu của một chuyên ngành khoa học thì mới cung cấp cứ liệu cho việc triển khai học tập và làm theo. Về tư tưởng - lý luận, từ nghiên cứu cơ bản phải khái quát được các quan điểm của Hồ Chí Minh thành các nguyên lý mang tính bền vững, phổ biến. Về thực tiễn, phải chắt lọc, tinh lọc các nguồn tư liệu có liên quan đến cuộc đời, con người Hồ Chí Minh mà khái quát thành các giá trị chuẩn mực đạo đức tiêu biểu.
Trên phương diện lý thuyết và thực tiễn, đã đến lúc chúng ta cần biên soạn bộ giáo trình “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cho các loại hình đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhất là hệ thống các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị.
Hai là, nhận thức sự cần thiết phải tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Điều kiện thực tế hiện tại và thực trạng đáng báo động về đạo đức trong Đảng và đạo đức xã hội đặt ra nhu cầu giáo dục di sản đạo đức Hồ Chí Minh nhằm trang bị cho mỗi người cái căn cốt, gốc rễ, nền móng để hình thành bản lĩnh đủ sức đề kháng, chống trả lại sự tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, xu thế hội nhập quốc tế và sự lan truyền có hại của suy thoái, tha hóa đạo đức trong đời sống hiện nay. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là tạo lập môi trường để trong đó làm lành mạnh hóa quan hệ xã hội mang tính người, để mỗi người dễ trở thành người tốt, khó thành người xấu. Bởi vì, nói như một nhà báo nước ngoài: Người ta không thể trở thành một Hồ Chí Minh, nhưng ở Hồ Chí Minh, người ta có thể học được một điều gì đó để làm cho mình trở thành tốt hơn, người hơn!
Nhóm giải pháp về chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện
Lãnh đạo, chỉ đạo thuộc về chức năng của các tổ chức đảng các cấp. Trên cơ sở nhận thức đúng, thống nhất, các tổ chức đảng triển khai lãnh đạo xây dựng chương trình hành động với các bước đi, lộ trình xác thực, cụ thể. Quan trọng nhất là chỉ đạo hình thành các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức, phong cách cho đơn vị, cá nhân, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, chức năng công tác đang đảm nhiệm. Về nguyên tắc, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chú trọng vào các chuẩn mực đạo đức nền móng. Cụ thể: Một là, thực hiện tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh ở tầm triết lý nhân sinh “Trung với nước, hiếu với dân”; Hai là, thực hiện đúng lời dạy: "Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư", nêu cao phẩm giá con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Ba là, nâng cao ý thức dân chủ và kỷ luật, gắn bó với nhân dân, vì nhân dân phục vụ; Bốn là, học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, tiếp tục phát huy chủ nghĩa yêu nước gắn chặt với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc trong điều kiện toàn cầu hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Nhóm giải pháp về kiểm tra, đánh giá, tổng kết thực tiễn
Như Hồ Chí Minh từng căn dặn: Tổ chức học tập, làm theo mà thiếu khâu kiểm tra, đánh giá thì coi như không tổ chức học tập. Trước hết, việc kiểm tra học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải bắt đầu từ trong tổ chức đảng: Thường xuyên, có hệ thống, từ trên xuống, từ dưới lên; tổ chức đảng giám sát, kiểm tra đảng viên; đảng viên kiểm tra, giám sát lẫn nhau; đảng viên thường giám sát đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Điều mấu chốt là hình thành được đội ngũ những người đi kiểm tra có phẩm chất, năng lực, hiểu biết công việc và trên thực tế, họ đã là những con người thực hành tốt tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh.
Mặt khác, phải đặt sự tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh dưới sự giám sát của nhân dân. Tin dân, nghe dân và xử lý những điều dân góp ý đúng sẽ giúp cán bộ, đảng viên chú trọng thực hành tư tưởng, phương pháp, nói ít làm nhiều, làm hay hơn nói, trở thành tấm gương sáng trước mặt quần chúng.
Thêm vào đó, trong từng thời kỳ, mỗi đơn vị, cá nhân, mỗi ngành, mỗi cấp cần phải có sự tổng kết, rút kinh nghiệm làm căn cứ cho việc đánh giá xếp loại; nêu ra được những việc làm hay, cách làm tốt, có hiệu quả; chỉ rõ những bất cập, hạn chế, hình thức; biểu dương những gương điển hình, tiên tiến phải gắn với việc phê bình, kỷ luật những cá nhân làm chưa tốt góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Khen thưởng, kỷ luật chính xác, công tâm, khách quan, có tình có lý cũng là một trong những động lực quan trọng để đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào thực chất, thực tế trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày, liên tục..
Cần xây dựng, xuất bản thường xuyên bộ sách về tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như Bác Hồ đã chỉ đạo làm sách “Người tốt, việc tốt” trước đây.
Sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Hơn lúc nào hết, hiện nay, vấn đề tư tưởng, phương pháp, phong cách, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức đúng đắn, tiến bộ; đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện và tăng cường quản lý tư tưởng, nhận thức, thế giới quan, phương pháp luận trong Đảng và trong nhân dân trở thành nhu cầu sống còn. Kế thừa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, tha hóa nhân cách, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm lành mạnh hệ thống quan hệ xã hội; xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam mới theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Từ đó, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại như tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định và vạch ra.
Trên cả bình diện lý thuyết và thực tiễn, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị là một quyết định sáng suốt, kịp thời, chắc chắn nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội!
PGS, TS. Phạm Ngọc Anh
Thu Hiền (st)