“Muốn xây dựng một xã hội mới và tốt đẹp, thì cần phải tiêu diệt những thói hư, tật xấu của xã hội cũ còn sót lại. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.

“Bài nói tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”, 27-7-1963,
 Hồ Chí Minh toàn tập, t.11, tr. 110.

“Vì sao Cao Bằng, Lạng Sơn chỉ còn có được khoảng 50% số hộ vào hợp tác xã? Có phải vì đồng bào nông dân không thích Hợp tác xã không? – Không phải. Thế thì vì ai?

Các chú phải trả lời: Là vì tôi. Mỗi người phải nhận lấy phần trách nhiệm của mình, mà không nên nói lãnh đạo chung chung. Trung ương cũng lãnh đạo, Tỉnh ủy cũng lãnh đạo”.

“Bài nói tại Hội nghị truyên giáo miền núi”, 31-8-1963,
Hồ Chí Minh toàn tập, t.11, tr. 131.

“Một điều rất quan trọng nữa là các đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải gìn giữ tác phong gian khổ phấn đấu, phải không ngừng nâng cao chí khí cách mạng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Có như thế mới xứng đáng với đồng bào miền Nam đang chiến đấu vô cùng anh dũng chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng để giải phóng miền Nam và hoà bình thống nhất nước nhà.

Nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”.

“Nói chuyện tại phiên họp Hội đồng Chính phủ cuối năm 1963”,
 26-12-1963, Hồ Chí Minh toàn tập, t.11, tr.186.

“Cán bộ phải gương mẫu, chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng vì dân, thực hành dân chủ, làm trọn công việc, tham gia lao động, luôn luôn rèn luyện lập trường, tư tưởng và đạo đức cách mạng, đi sâu vào nghiệp vụ, kỹ thuật”.

“Thư gửi Đại hội Hợp tác xã và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến vùng đồng bằng miền Bắc”, 13-1-1964, Hồ Chí Minh toàn tập, t.11, tr.197.

“Hết lòng hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đặt lợi ích của Đảng và lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân.

… Luôn luôn thắt chặt quan hệ với quần chúng, học tập quần chúng, tìm hiểu, lắng nghe nguyện vọng và ý kiến của quần chúng để phản ánh cho Đảng và kịp thời giải quyết một cách thích đáng. Ra sức tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối, chính sách của Đảng trong quần chúng, tổ chức quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách và nghị quyết của Đảng; phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng.

… Gương mẫu trong lao động sản xuất, trong công tác, trong việc chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ, trong việc bảo vệ tài sản của Nhà nước và của tập thể; thực hành tiết kiệm, tích cực đấu tranh chống lãng phí, tham ô.

… Thực hành tự phê và phê bình; kiên quyết đấu tranh với mọi tư tưởng và hành động ở trong Đảng và ngoài Đảng có hại đến lợi ích chung của Đảng, của cách mạng”.

“Mừng Đảng ta 24 tuổi”, 3-2-1964, Hồ Chí Minh toàn tập, t.11, tr.203.

“Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”.

“Bài nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội”, 21-10-1964.

Hồ Chí Minh toàn tập, t.11, tr.329.

“Biết bao đảng viên cộng sản là anh hùng, chiến sĩ trên mặt trận sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và trong các ngành hoạt động khác. Họ không đòi danh đòi lợi. Họ một lòng một dạ phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Họ là những đảng viên bình thường nhưng phẩm chất cách mạng của họ thật là cao quý. Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng ấy của giai cấp và của dân tộc”.

“Bài nói tại Hội nghị chỉnh huấn do Trung ương triệu tập”, 22-1-1965, Hồ Chí Minh toàn tập, t.11, tr.373.

“Các chú vẫn thường nói: Nhân dân ta rất anh hùng, ra ngõ gặp anh hùng. Điều đó rất đúng. Có thể nói trong mỗi nhà đều có anh hùng, như thế ra ngõ mới gặp anh hùng chứ! Nhìn lại lịch sử mấy nghìn năm của ông cha ta, ta cũng thấy điều đó. Cứ mỗi lần có những thử thách lớn thì nhân dân ta lại tỏ rõ khí phách, nêu cao phẩm chất tốt đẹp của mình”.

“Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt””,
 tháng 6 năm 1968, Hồ Chí Minh toàn tập, t.12, tr.547.

“Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc!”.

“Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt””,
tháng 6 năm 1968, Hồ Chí Minh toàn tập, t.12, tr.549.

“Chúng ta đánh giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn hình muôn vẻ của hàng chục triệu con người như thế, chứ không phải chỉ bằng một vài việc làm nổi bật và vang dội của một số cá nhân anh hùng”.

“Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt””, tháng 6 năm 1968, Hồ Chí Minh toàn tập, t.12, tr.550-551.

“Người cộng sản chúng ta không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là: Suốt đời làm cách mạng phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới. Một ngày nào mà miền Nam ta chưa được giải phóng, Tổ quốc ta chưa được thống nhất, nhân dân ta chưa được sung sướng, yên vui thì tất cả chúng ta vẫn phải đem hết tinh thần và nghị lực mà phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng hoàn toàn thắng lợi”.

“Bài nói ở lớp huấn luyện đảng viên mới”, 14-5-1966,
Hồ Chí Minh toàn tập, t.12, tr.93.

“Các cán bộ và chiến sĩ Công an nhân dân phải ra sức trau dồi:

+ Đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân.

+ Tác phong phải thật khách quan, thiết thực, phải tăng cường công tác điều tra nghiên cứu tổng kết và trao đổi kinh nghiệm giữa các ngành công an”.

“Bài nói tại Đại hội thi đua lực lượng Công an nhân dân”,
12-10-1966, Hồ Chí Minh toàn tập, t.12, tr.145-146.

“… đảng viên gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nội bộ thực sự đoàn kết; chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, lãnh đạo tốt sản xuất và chiến đấu; một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đối với Đảng thì cũng cố tốt và phát triển tốt”.

“Bài nói tại Hội nghị tổng kết ba năm  xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở “bốn tốt””, tháng 4 năm 1966, Hồ Chí Minh toàn tập, t.12, tr.77.

“1- Trung với nước, hiếu với dân, vì sự nghiệp chống Mỹ, vì chủ nghĩa xã hội, luôn luôn nêu cao tinh thần hy sinh chiến đấu, lao động quên mình.

2- Chấp hành triệt để đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, hăng hái thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống.

3- Quyết tâm đi sâu vào khoa học- kỹ thuật và nghiệp vụ, phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ra sức học tập và vận dụng tốt sáng kiến và kinh nghiệm tiên tiến, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả chiến đấu.

4- Nêu cao ý thức tập thể và làm chủ tập thể, ý thức tổ chức và kỹ luật, đoàn kết đồng chí, đoàn kết nhân dân, đi đường lối quần chúng.

5- Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, khiêm tốn giản dị, gương mẫu về mọi mặt”.

“Nội dung chủ nghĩa anh hùng cách mạng của chúng ta”,
 tháng 4 năm 1966, Hồ Chí Minh toàn tập, t.12, tr.90. 

“… đã là đảng viên thì phải cố thành một đảng viên “bốn tốt”, tức là phải hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, làm đúng chính sách của Đảng, nếu không thì vào làm gì? Đảng không bắt buộc ai vào Đảng cả. Vào thì có nhiệm vụ, có trách nhiệm của đảng viên, nếu sợ không phục vụ được nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hay là khoan hãy vào.

Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên.

Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: Mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân, Bác nhấn mạnh: Làm đày tớ nhân dân chứ không phải là “quan” nhân dân.

Lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt”.

“Bài nói với cán bộ tỉnh Hà Tây”, 10-02-1967, Hồ Chí Minh toàn tập, t.12, tr.22”

(Theo Tài liệu tham khảo “Hồ Chí Minh về suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tuỵ, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị” - Ban Tuyên giáo Trung ương).

Tâm Trang (st)

 

 

Bài viết khác: