Qua 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ Chính trị, có thể thấy, toàn xã hội đều biết tới chủ trương lớn của Đảng ta về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc thực hiện Chỉ thị 05 dần đi vào cuộc sống, trở nên thiết thực, gần gũi hơn. Ngày càng xuất hiện nhiều cách làm hay, kinh nghiệm quý, nhiều người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo Bác. Tác phong công tác gần dân, sát dân, vì dân, nói đi đôi với làm… được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Hiểu đúng để hành động đúng
Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền - đó là giá trị cốt lõi của tư tưởng tưởng Hồ Chí Minh về lấy việc làm thiết thực để chứng minh cho đạo đức cách mạng, giáo huấn lôi cuốn, thuyết phục mọi người hành động vì sự nghiệp chung của đất nước. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, một người phải biết học nhiều người. Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên để giáo dục lẫn nhau, lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục lớn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với bà con nông dân. Ảnh: Tư liệu
Thế nhưng, muốn hành động đúng, phải hiểu đúng về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vì vậy, một trong những ưu tiên đầu tiên để đưa Chỉ thị 05 vào cuộc sống, đó là phải tổ chức, quán triệt những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Mai Văn Ninh, một năm qua, việc triển khai học tập đã diễn ra với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể tổ chức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nghe báo cáo viên qua hình thức hội nghị trực tuyến hoặc truyền hình trực tiếp. Nhiều cửa hàng, siêu thị, các chợ, nhân dân tạm dừng các hoạt động mua bán để dành thời gian nghe báo cáo viên truyền đạt về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ.
Ở nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị (nhất là trong lực lượng vũ trang, các cơ quan Trung ương, các tỉnh, TP lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai… đến các tỉnh miền núi, biên giới, địa bàn khó khăn như Lào Cai, Bắc Kạn, Lai Châu, Quảng Trị…) đều tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, giao lưu làm sâu sắc hơn những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thẳng thắn thảo luận, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, những việc làm cụ thể để nhân rộng, tạo sức lan tỏa từ các điển hình tiêu biểu.
Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đã tổ chức sưu tầm, biên soạn, viết lời bình 366 lời dạy, câu nói, bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng với từng ngày, từng tháng trong các năm và phát động toàn quân tổ chức học tập và làm theo, góp phần đưa việc học và làm theo Bác thật gần gũi, ai cũng có thể học được và làm theo được những việc thật cụ thể, rất bình dị, nhưng thiết thực, hiệu quả. Đảng bộ Quân đội và toàn quân cũng đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong học tập và làm theo Bác. Tiêu biểu là mô hình tự soi, tự sửa; thực hiện theo chức trách, nêu gương trong hành động…
Từ tấm gương bình dị tạo sức lan tỏa sâu rộng
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được đa số cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể. Tại Bình Phước, tinh thần, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được nâng lên, nhất là trong giải quyết công việc đối với người dân và doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh. Nhiều lãnh đạo các cấp thường xuyên đi cơ sở, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội đều đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành nội dung quan trọng trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội các cấp. Nhiều tỉnh, thành phố, ban, bộ, ngành đã thẳng thắn nhìn nhận rõ vấn đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết được khá nhiều bức xúc, nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chọn nội dung đề cao vai trò của cấp ủy, thường vụ cấp ủy và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phụ trách trên tinh thần sát cơ sở, sát nhiệm vụ, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Tỉnh ủy Cà Mau chọn 2 nhiệm vụ đột phá là cải cách hành chính và đẩy mạnh việc học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức, lối sống trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức…
Đáng mừng hơn cả, từ các tỉnh, thành phố đã ghi nhận 168 tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu về học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ở mỗi lĩnh vực khác nhau, mỗi cá nhân, tập thể đều có những cách học tập, cách làm theo gương Bác khác nhau, nhưng tựu chung đều hướng đến chân - thiện - mỹ. Đó là tinh thần tự lực cánh sinh không đầu hàng số phận; là sự năng động, sáng tạo, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; là luôn sống với tâm niệm yêu thương người như bản thân, là những người âm thầm chăm lo, bồi dưỡng thế hệ tương lai, là tin vào Đảng, dựa vào dân nguyện cống hiến đức - tài vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn như lời Người mong đợi.
Nhờ những tấm gương này, việc tốt sẽ ngày càng nở rộ và lan tỏa mạnh mẽ trong mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy lòng tự hào, tinh thần tích cực, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân như tâm nguyện sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp.
Đề cao vai trò của người đứng đầu Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền của cả hệ thống chính trị: “Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn nữa những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điểm mấu chốt để đạt được yêu cầu trên là phải thúc đẩy hình thành cho ý thức tự giác, trách nhiệm cá nhân và tình cảm yêu kính Bác ở mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân, trước hết là người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Thực tế, triển khai thực hiện việc học tập và làm theo Bác từ Chỉ thị 03 - CT/TW của Bộ Chính trị Khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ Chính trị Khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho thấy vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định sự thành bại trong tổ chức thực hiện ở từng đơn vị. Ở địa phương, đơn vị nào, đồng chí bí thư cấp ủy hiểu sâu sắc về yêu cầu vì sao phải học và làm theo Bác, ý thức đầy đủ về trách nhiệm nêu gương học trước, làm trước, thì ở nơi đó, việc thực hiện Chỉ thị 05 - CT/TW có nhiều sáng tạo và đạt được kết quả cụ thể. Ở nơi nào các chức sắc tôn giáo hiểu rõ tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, kính yêu Bác, thì ở đó giáo dân một lòng học Bác, làm theo Bác. Ở doanh nghiệp nào, người chủ nhận thức được rõ việc học Bác và làm theo Bác, giúp cho mỗi công nhân của họ cần, kiệm hơn, trách nhiệm hơn, cố gắng, sáng tạo hơn, thì ở đó việc học và làm theo Bác được thường xuyên quan tâm, động viên. Vì vậy, phải bắt đầu từ người đứng đầu và đề cao vai trò của người đứng đầu của tất cả các cấp, các ngành. Đồng chí Võ Văn Thưởng Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương |
Anh Thảo
Hà Minh (st)