Trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều để lại những dấu ấn riêng, đặc biệt, trong quá trình kiến tạo đời sống mới. Người không chỉ vạch ra đường lối có tính chiến lược mà còn là tấm gương sáng trong việc thực hiện lối sống mới.

hoc tap tu tuong xay dung loi song
Bác Hồ đang sử dụng máy cày ở khu ruộng của Sở Nông Lâm, Hà Nội, tháng 7-1960.
Ảnh: Tư liệu

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra cho dân tộc ta một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Ngay trong những ngày đầu độc lập, Nhà nước Dân chủ Nhân dân vừa ra đời đã phải tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt cho sự tồn tại của mình. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, khó khăn chồng chất lại một lần nữa thử thách nhân dân ta: Nền tài chính đất nước kiệt quệ, nạn đói đe dọa, đại đa số nhân dân không biết chữ… Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 03-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra sáu nhiệm vụ cấp bách, trong đó có nhiệm vụ xây dựng lối sống mới cho phù hợp với chế độ mới: “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. 

Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”(1).

Ngày 03-4-1946, Ủy ban vận động đời sống mới Trung ương được thành lập. Đến đầu năm 1947, dù cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra quyết liệt, với bút danh Tân Sinh (nghĩa là đời sống mới, cuộc sống mới, cách sinh hoạt mới...), Người đã viết và cho xuất bản tác phẩm Đời sống mới (20-3-2017) với mục tiêu xây dựng một lối sống mới phù hợp với điều kiện mới của cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Trong tác phẩm, Người chỉ rõ sự cần thiết phải xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân ta: “Trong lúc này, người thì lo đánh giặc, người thì lo phá hoại, người thì lo tản cư, toàn dân ai cũng khó nhọc vất vả. Kêu gọi thực hành đời sống mới, chẳng không hợp thời sao? Hợp thời lắm. Chính trong lúc này càng phải thực hành đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính”(2). Đây cũng chính là nhiệm vụ cấp bách sau khi giành được độc lập: Giáo dục lại tinh thần nhân dân. Theo Người, xây dựng đời sống là trực tiếp góp phần xây dựng lối sống mới và nếp sống mới.

1. Nội dung xây dựng lối sống mới

Hồ Chí Minh cho rằng, lối sống mới là lối sống có lý tưởng, có đạo đức, văn minh, tiên tiến, kết hợp tinh hoa của văn hóa dân tộc và nhân loại. Lối sống bao gồm lối sống riêng của từng cá nhân và lối sống chung từng nhóm người, rộng hơn là toàn xã hội.

Người mong muốn nhân dân ta có lối sống khiêm tốn, giản dị, chừng mực, ngăn nắp, vệ sinh, yêu lao động, quý trọng thời gian, ít lòng tham muốn về vật chất, chức quyền, danh lợi. Trong quan hệ với đồng chí, anh em thì chân tình, ân cần, yêu quý và trân trọng con người; đối với mình thì nghiêm khắc; đối với người thì khoan dung, độ lượng.

Xây dựng lối sống mới, theo Hồ Chí Minh phải bắt đầu từ những điều cơ bản nhất nhưng cũng đơn giản nhất mà mọi người đều phải thực hành đó là ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc. Người viết: “Bất kỳ ai, muốn sống thì phải có bốn điều ăn, mặc, ở, đi lại. Muốn có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, đường đi, thì phải làm. Từ trước đến giờ, ta vẫn có làm, vẫn có cơm, áo, nhà, đường sá. Nhưng vì làm chưa hợp lý cho nên số đông dân ta ăn đói, mặc rách, nhà cửa chật hẹp, đường sá gập ghềnh. Người nghèo khổ thì nhiều, người no ấm thì ít. Đời sống mới không phải cao xa gì, cũng không phải khó khăn gì. Nó không bảo ai phải hy sinh chút gì. Nó chỉ sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc. Sửa đổi được những điều đó, thì mọi người đều được hưởng hạnh phúc”(3). Người còn chỉ ra sự cần thiết phải “mới hóa” những thói quen, tập tục trong sinh hoạt văn hóa; trong hội hè, cưới hỏi, ma chay, giỗ Tết; trong ăn, mặc, ở; trong ứng xử ở môi trường gia đình và xã hội…

Xây dựng lối sống mới trong sinh hoạt - tức là phong cách sinh hoạt(Hồ Chí Minh gọi là trong “ăn, mặc, ở, đi lại”). Đất nước ta vừa được giải phóng, hậu quả của nạn đói năm 1945 vẫn còn, đời sống kinh tế của nhân dân còn nghèo, khó khăn, thiếu thốn, nên cách ăn, mặc, ở, đi lại vừa hợp lý, sạch sẽ, vừa tiết kiệm lại bảo đảm sức khỏe, hợp vệ sinh.

Hồ Chí Minh phê phán những tục lệ tốn kém, lãng phí “như đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi”. Người cho rằng, trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy không có đạo đức: “Đồng bào mình còn tục lệ ma chay, cưới hỏi ăn uống lu bù. Mình ăn vài bữa, nhưng nhà có con cưới hỏi, có người chết thì mắc nợ phải đi vay. Phải bán trâu bán ruộng. Thế là xa xỉ. Không tốt”(4).

Giáo dục nhân dân thực hành lối sống mới, Hồ Chí Minh là tấm gương sáng trong thực hiện cần kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư trong lối sống hàng ngày. Dù ở hoàn cảnh, vị trí nào, Người vẫn ăn uống đạm bạc, tiết kiệm. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Hà Nội phải ăn cơm độn, Người nói với anh em phục vụ “Nhân dân ăn thế nào Bác cũng ăn như thế”(5). Có món ăn ngon, Người thường sẻ đều cho những người cùng đi, để phần cho người đi vắng... Khi ăn xong, bao giờ Người cũng sắp xếp lại mâm bát cho gọn ghẽ, thể hiện sự tôn trọng đối với những người phục vụ mình.

Hồ Chí Minh yêu cầu cách mặc phải gọn gàng, sạch sẽ, giản đơn, không xa xỉ, loè loẹt. Người thường mặc giản dị nhưng vẫn lịch sự và tao nhã. Khi ở miền núi, Người mặc bộ đồ chàm như một ông ké người Nùng. Đến với nông dân, Người mặc bộ cánh nâu, khăn mặt vắt vai như một lão nông. Đi chiến dịch, Người mặc bộ quân phục như một chiến sĩ. Hành trang của vị Chủ tịch nước, thượng khách của nước Pháp, chỉ vỏn vẹn hai bộ quần áo, một bộ ka ki, một bộ bằng dạ, xếp vừa gọn trong chiếc va li nhỏ. Dùng lâu, quần áo đã cũ, sờn nhưng Người vẫn sử dụng, không chịu cho may bộ mới...

Về chỗ ở, Người yêu cầu phải sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. “Trong nhà ngoài vườn, luôn luôn sạch sẽ gọn gàng”, “đường sá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi. Phải có cầu xia chung, hoặc cầu xia riêng từng nhà. Đã khỏi hôi thối, ruồi nhặng, lại có phân tốt”(6). Hồ Chí Minh quan tâm từ vấn đề vệ sinh, y tế, đến việc chăm sóc các em nhỏ, tắm rửa cho các em vùng cao... Đặc biệt, Hồ Chí Minh sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên. Lúc ở Pác Bó, Người sống với con người và thiên nhiên “trên có núi, dưới có sông; có đất ta trồng, có bãi ta chơi; nhà thoáng ráo, kín mái; gần dân, không gần đường”, lúc trở về Hà Nội, Người chọn sống ở Nhà sàn, Người từ chối không vào ở trong Dinh Toàn quyền. Trong sinh hoạt đời thường, những gì có thể làm được Người đều tự làm, không làm phiền đến người khác. Đi cơ sở, Người đi một cách lặng lẽ, chủ động, luôn dặn dò các đồng chí ở Văn phòng Chính phủ chuẩn bị mọi thứ để ăn trưa nếu làm việc quá giờ.

Xây dựng lối sống mới trong công việc - phong cách, tác phong làm việc (Hồ Chí Minh gọi là “trong cách làm việc”). Theo Người: “Cách làm việc, phải siêng năng, có ngăn nắp, có tinh thần phụ trách, đã làm việc gì, thì làm cho kỳ được, làm đến nơi đến chốn. Chớ làm dối”(7). Phong cách làm việc Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thực hành dân chủ, lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”; thường xuyên tổ chức việc kiểm tra, kiểm soát cụ thể các công việc, “phải đi tận nơi, xem tận chỗ”; đó là phong cách quần chúng, luôn luôn gần dân, tin dân, trọng dân, dựa vào dân, gắn bó với nhân dân; đặc biệt là phong cách nêu gương vì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(8),“lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(9).

 Hồ Chí Minh luôn thể hiện cách làm việc có chương trình, kế hoạch, từ lớn đến nhỏ, từ dài hạn, trung hạn đến ngắn hạn, từ tháng, tuần đến ngày, giờ nào việc nấy; nêu cao tấm gương trung thực, thẳng thắn, thực sự cầu thị, sẵn sàng nhận lỗi trước nhân dân khi mình làm sai; rất không bằng lòng với thói quen chậm chạp, tùy tiện, không đúng giờ của nhiều cán bộ ta.

Tháng 11-1945, đến dự lễ tốt nghiệp khóa V Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Cách tôi làm việc đúng giờ. Tôi khuyên anh em làm việc phải cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”(10). Người phê bình một vị tướng đến chậm để mọi người phải đợi, coi 10 phút đến chậm ấy phải “nhân lên với 500 người đợi chú ở đây”…

Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh, đó là “phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”(11); luôn luôn đổi mới, không chấp nhận tư duy “lối mòn”, kinh nghiệm chủ nghĩa, mà phải luôn cải tiến để ngày càng tốt hơn.

2. Đối tượng và phạm vi xây dựng lối sống mới

Xây dựng lối sống mới là công việc của mọi người dân, bắt đầu từ mỗi người, mỗi gia đình, làng xã; trong trường học, đơn vị bộ đội, cơ quan. Như một phương pháp luận của tư duy, Hồ Chí Minh luôn đi từ cái riêng đến cái chung, từ mỗi con người, mỗi cá nhân đến cộng đồng, Người nhấn mạnh: “Do nhiều người nhóm lại mà thành làng. Do nhiều làng nhóm lại mà thành nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành làng xấu, nước hèn. Nếu mỗi người đều tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh. Người là gốc của làng nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường”(12).

Hồ Chí Minh cho rằng, bất kỳ ai, ở địa vị nào cũng phải tham gia xây dựng đời sống mới, lối sống mới, không kể già hay trẻ, gái hay trai, giàu hay nghèo… Người cũng đưa ra vấn đề về cách ăn mặc, cách làm việc, cách cư xử đối với mỗi người và yêu cầu mọi người phải ham học để nâng cao dân trí, có học mới có tiến bộ.

Đối với mỗi gia đình thì phải trên thuận dưới hòa, không thiên tư thiên ái, có kế hoạch, có ngăn nắp, cưới hỏi, giỗ Tết phải giản đơn và tiết kiệm: “Đối với xóm giềng, phải thân mật và sẵn lòng giúp đỡ. Đối với việc làng việc nước, phải hăng hái làm gương”(13). Cha mẹ phải quan tâm giáo dục con cái về học hành, đạo đức, thực hiện nam nữ bình quyền.

Theo Hồ Chí Minh, đối với làng xã, việc thực hiện đời sống mới là phải tìm cách giúp đỡ lẫn nhau. Về văn hóa, phải làm cho cả làng đều biết chữ, đạo đức và trách nhiệm công dân. Phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau; xây dựng thành một làng “phong thuần tục mỹ”.

Trong trường học, Người yêu cầu các thầy nên thi nhau tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực. Các trò nên đua nhau học. Đồng thời, biết tiết kiệm giấy bút, biết giữ kỷ luật... Quan trọng nhất là phải dạy cho thế hệ trẻ biết yêu nước, thương nòi, có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ.

Hồ Chí Minh còn đề cập đến xây dựng lối sống mới trong các đơn vị bộ đội, trong công sở, xưởng máy, trong đó nhấn mạnh đến lối sống cần, kiệm, liêm, chính, gan dạ, dũng cảm, rèn luyện chuyên môn...

3. Phương pháp xây dựng lối sống mới

Theo Hồ Chí Minh, phương pháp đầu tiên là giải thích, vận động, tuyên truyền: “Phải chịu khó nói rõ cho mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào. Nói một lần họ chưa hiểu thì nói nhiều lần. Nói đi, nói lại, bao giờ người ta hiểu, người ta làm mới thôi”(14). Tiếp theo là thuyết phục, giáo dục kết hợp với cưỡng chế: “Đến khi đại đa số đồng bào đã theo đời sống mới, chỉ còn số rất ít không theo, khuyên mãi cũng không được, lúc đó có thể dùng cách cưỡng bức, bắt họ phải theo”(15). Một phương pháp cũng rất quan trọng và hiệu quả là nêu gương “tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”(16). Cuối cùng, cần phát huy sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị (nhất là vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước) trong xây dựng lối sống mới.

Như vậy, quan điểm Hồ Chí Minh về xây dựng lối sống mới rất toàn diện, sâu sắc từ những vấn đề chung như sự cần thiết phải xây dựng lối sống mới đến nội dung thực hiện; đối tượng, phạm vi và phương pháp xây dựng lối sống mới. Người không chỉ nói mà thực hành trong sinh hoạt, làm việc./.

_______________

(1) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.7, 115

(2), (3), (6), (7), (12), (13), (14), (15), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.112, 113, 119, 117, 116-117, 114, 125, 127, 126

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.551.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr. 672

(5) Nguyễn Văn Khoan: Nhớ lời Bác dạy, Nxb Lao động, Hà Nội, 2009, tr.141.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Sđd, tr.284.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.340.

TS Lê Thị Thu Hồng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh                              

Nguồn: Tạp chí lý luận chính trị

Kim Chi (ST)

Bài viết khác: