Bác chụp trong chuyến thăm Cộng hòa dân chủ Đức, giữa năm 1957
Cá không xương
Trong cuộc hội đàm giữa Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ ta và Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Cộng hòa Đức ngày 26/7/1957, phía Bạn đã thông báo với Bác Hồ thành quả mọi mặt trong mấy năm qua. Khi Bạn báo cáo năng suất cao của việc nuôi một loại cá chép lai giống, Bác hỏi:
- Các đồng chí có loại cá không có xương không?
Thủ tướng Ốt-tô Gờ-rô-tơ-von rất ngạc nhiên:
- Thưa không! Ở Việt Nam có loại cá không xương sao?
Bác Hồ nói nghiêm nghị:
- Vâng, có đấy!
Thủ tướng đề nghị:
- Thưa Chủ tịch, có thể xuất khẩu loại cá ấy cho chúng tôi được không?
Bác nghiêm trang trả lời:
- Chúng tôi sẵn sàng. Loại cá này ở Nghệ An có rất nhiều.
Thủ tướng nói tiếp:
- Xin các đồng chí chuyển cho chúng tôi nhé!
Các thành viên Đoàn Việt Nam đều hiểu Bác nói loại cá gì. Bác kể câu chuyện “con cá gỗ”. Mọi người cười thoải mái.
Tình yêu xuất phát từ đâu?
Bác Hồ đã đến thăm Viện Y học nổi tiếng của Cộng hòa Dân chủ Đức tại thành phố cổ Draxden. Nổi bật trong Viện là phòng trưng bày cơ thể “người thủy tinh”. Đó là một mô hình người to bằng người thật, làm bằng chất dẻo bọc nhựa trong suốt nhìn thấy tất cả các bộ phận của con người như: Xương, gân, mạch máu, tim, phổi, lục phủ ngũ tạng… Sau khi Giáo sư Viện trưởng giới thiệu xong về người thủy tinh, đã cảm ơn Bác Hồ và hỏi:
- Thưa Chủ tịch, Người có câu hỏi gì không ạ!
Bác hỏi:
- Giáo sư cho biết, tình yêu xuất phát từ đâu?
Giáo sư và mọi người đều ngạc nhiên trước câu hỏi của Bác. Sau vài phút suy nghĩ, Giáo sư giải thích khá lâu về hệ thống tình cảm xuất phát từ trái tim.
Bác cười, chỉ vào bộ lòng của “người thủy tinh” và nói:
- Ở Việt Nam, tình yêu lại xuất phát từ “toàn bộ lục phủ, ngũ tạng”.
Bác nói bằng tiếng Pháp, mọi người cười thoải mái.
Bác Hồ giới thiệu
Ngày 29-7-1957, Bác Hồ đã tới Mô-rít-sơ-buốc thăm các cán bộ, sinh viên và học sinh Việt Nam đang học ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Đó là một ngày rất đáng ghi nhớ của chúng tôi (những công nhân Việt Nam ở nước Bạn) và của các Bạn Đức.
Ngay từ phút đầu, Bác bước đến trước micrô và tươi cười nói chuyện với các cháu. Trước hết, Bác giới thiệu những người cùng đi, từ cụ Ốt-tô Búc-vít-sơ, một nhà cách mạng Đức lão thành, bạn thân thiết của Bác đến các vị trong Đoàn đại biểu Đảng và Nhà Nước ta. Khi giới thiệu viên Thiếu tướng và Đại tá người Đức, Bác nói:
- Hai chú mặc quân phục rất đẹp kia là sĩ quan cấp cao của quân đội nhân dân Đức đấy. Các chú ấy có nhiệm vụ bảo vệ Bác và bảo vệ các cháu nữa!
Chúng tôi vỗ tay sung sướng, đến lượt chú Hum-men-ten-béc, Bác giới thiệu:
- Còn chú có khổ người to lớn kia thì làm lễ tân. Các cháu có hiểu lễ tân là gì không? Ví dụ, chú ấy có quyền nhắc Bác phải tuân theo giờ ăn, giờ ngủ.
- Nghe Bác nói, chúng tôi cảm phục chú ấy lắm, vì chú ấy có quyền to quá, đối với cả Bác Hồ của chúng tôi!
Bác Hồ với các cháu nhỏ thị trấn Bác-tơ
Chị Kê-dê-la Kiếc Bao, giáo viên Trường Thể dục thể thao thanh niên Rô-tốc (Đức), vốn là một thiếu nhi được đón Bác Hồ ở sân bay Rô-tốc khi Người đến thăm thành phố này ngày 27/7/1957. Nhớ lại những giây phút đẹp đẽ ấy chị kể: “Thay mặt các đội viên thị trấn Bác-tơ, tôi kính chào vị Chủ tịch nước, dâng hoa và sung sướng quàng lên vai Người chiếc khăn đội viên màu xanh của tôi. Bác Hồ âu yếm hôn tôi, hôn các đội viên bạn tôi và lần lượt bắt tay những người ra đón”.
Từ phút ấy cho đến khi Bác cùng Đoàn đại biểu lên xe về nhà khách chúng tôi vẫn được đi bên cạnh Bác Hồ, được Người trìu mến hỏi han. Chúng tôi thưa với Bác về tên tuổi, lớp học, cha mẹ… Tôi thấy Bác rất vui. Bác đột nhiên hỏi chúng tôi:
- Các cháu có biết ai là người giàu nhất nước Cộng hòa Dân chủ Đức không?
Chúng tôi suy nghĩ nhưng không thể nào tìm ra câu trả lời để thưa với Bác. Bác cười: “Để Bác nói nhé. Mãi đến gần đây, Bác cũng không biết đâu. Hóa ra chính Bác là Người giàu nhất nước Cộng hòa dân chủ Đức đấy, các cháu ạ! Các cháu xem, hầu như cửa hàng nào cũng có chữ Ho, tên Bác đấy thôi!” (HO chữ viết tắt “Handels organisati-on” Chỉ các cửa hàng quốc doanh ở Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây).
Không riêng chúng tôi mà tất cả các bác, các cô, các chú có mặt hôm đó đều cười vui vẻ.
Ở Việt Nam gia đình cũng có máy tự động
Bác Hồ nói chuyện với người dân Liên Xô
Một lần, tại Liên Xô, Bác đã được mời đến thăm Viện Tự động hóa. Sau khi xem các phòng nghiên cứu với nhiều máy móc tinh vi, ông Giáo sư Viện trưởng tự hào báo cáo một thành tích mới thí nghiệm xong về máy điều khiển từ xa. Chiếc máy đó được đặt trong một phòng riêng. Cách phòng này chừng 10 mét, ở ngoài trời có chiếc máy xúc, cần gầu đang gục xuống. Giáo sư Viện trưởng tiến đến bàn điều khiển, ấn nút, Cần gầu ngóc lên, quay đi quay lại, gục lên gục xuống. Thao tác xong, Giáo sư Viện trưởng tỏ vẻ rất tự hào. Bác Hồ hỏi ông:
- Các đồng chí đã trang bị máy này cho các nông trường chưa?
- Thưa Chủ tịch, đấy mới chỉ là một kết quả thí nghiệm. Dự kiến trong vài năm tới có thể sản xuất vài nghìn chiếc, cung cấp cho các ngành công nghiệp nặng.
Bác nói nghiêm trang:
- Ở Việt Nam nhà nào cũng có!
Nghe Bác nói, người phiên dịch là một người Nga, chưa dám dịch vì sợ nghe chưa đúng, hỏi lại:
- Thưa Bác, có phải Bác nói nhà nào cũng có không ạ?
- Đúng.
Nghe dịch xong, mọi người cứ ngơ ngác. Giáo sư Viện trưởng rất ngạc nhiên:
- Thưa Chủ tịch, ở Việt Nam đã có máy tự động nhiều đến thế kia ạ?
- Vâng. Nhà nào cũng có, nhưng… phụ nữ điều khiển nam giới.
Người phiên dịch không nhịn được cười. Nghe anh dịch xong, mọi người cười ồ.
Trên đường về người phiên dịch nói với một cán bộ Việt Nam:
- Tôi thật bái phục tài hài hước của Bác Hồ.
Dùng từ ngữ chính xác
Năm 1959, Bác có chuyến công tác đặc biệt ở Liên Xô. Khi đến Thủ đô Mát-xcơ-va, Bác đến thăm Đại sứ quán mới được xây dựng lại. Đồng chí Đại sứ Nguyễn Văn Kỉnh giới thiệu với Bác khung cảnh ngôi nhà, tiếp đó đi vào cửa chính:
- Thưa Bác, bên phải là nơi khách gửi quần áo…
Bác nói rất tự nhiên:
- Các vị khách ngoại giao ở đây cũng gửi cả quần à?
Mọi người cười vui vẻ.
Trong cuộc gặp mặt chung toàn bộ cán bộ và nhân viên sứ quán, Bác hỏi:
- Ở đây các cháu học những gì?
Đồng chí phụ trách học tập đứng dậy:
- Thưa Bác, bọn cháu mở lớp cho anh chị em học tiếng Liên Xô.
- Các chú giỏi thật, học mấy chục thứ tiếng của các dân tộc Liên Xô…
Bác Hồ làm vua hay sao?
Một lần sang thăm Liên Xô, ở trong Điện Kremlin, một phóng viên Liên Xô đến xin chụp ảnh Bác và đề nghị Bác ngồi ở ghế tựa bọc gấm vàng rất đẹp, hai chỗ tì hai tay giống như hai đầu rồng rất tinh xảo. Bác tươi cười nói:
- Tôi ngồi cái ghế thường thôi, không ngồi ghế này vì ảnh đưa về Việt Nam chắc sẽ có người hỏi: Bác Hồ “làm vua” hay sao mà lại ngồi ghế này?
Người phóng viên hiểu ngay ý Bác, nghe theo lời Bác, đổi ngay một ghế bình thường để Bác ngồi chụp ảnh.
Quà của tôi, tôi phải tự nhận lấy
Bác Hồ thăm Ấn Độ (ảnh chụp tại thành phố Bombay tháng 2 năm 1958)
Tháng 2 năm 1958, Bác Hồ sang thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ. Trong chuyến đi này Người đã nói chuyện với nhân dân Thủ đô Niu Đê-li, trong cuộc mít tinh tại Thành Đỏ. Theo phong tục Ấn Độ, đại biểu các tầng lớp nhân dân Ấn Độ đều lần lượt choàng những dải hoa tươi lên cổ các vị khách quý để tỏ lòng kính trọng và hiếu khách. Nhiều vị khách nước ngoài trước phong tục này thường nhận hoa rồi đưa cho cán bộ lễ tân đứng cạnh hoặc đặt lên bàn, nhưng Bác Hồ đã nhận tất cả để cho từng người choàng những dải hoa lên cổ mình và không gỡ ra. Điều ngạc nhiên hơn là lúc Bác nhận tấm thảm len lớn do bà Thị trưởng của Thủ đô Niu Đê-li thay mặt nhân dân Thủ đô trao tặng. Mọi người tưởng rằng như các vị khách khác, Bác chỉ nhận tượng trưng, nhưng Bác nói:
- “Quà của tôi, tôi phải tự nhận lấy!”. Bằng một động tác khá nhanh nhẹn, Bác vác tấm thảm đó lên vai, trước sự ngạc nhiên của hàng vạn người tham gia. Bác nói:
- Tôi vác cả tình cảm của nhân dân Ấn Độ trên vai!
Những tiếng hoan hô nổi lên như sấm dậy:
- Hồ Chí Minh, Zin-ba-đa! (Hồ Chí Minh muôn năm!)
- Việt Nam, Zin-ba-đa! (Việt Nam muôn năm!)
- Hin-đi - Việt Nam, Ba-hai ba-hai! (Ấn Độ Việt Nam là anh em!)
Tôi tặng ngài một cái hôn
Bác Hồ và Tổng thống Xu-các-nô với các cháu
thiếu nhi In-đô-nê-xi-a, ngày 2/3/1959
Năm 1959, Bác đi thăm In-đô-nê-xi-a. Ngày 2 tháng 3 năm 1959, Bác đến Băng Dung nơi diễn ra Hội nghị Á Phi lần thứ nhất. Nhân dân Băng Dung đón Bác rất đông. Sau khi ông Thị trưởng đọc diễn văn chào mừng, Bác đứng trước mic-cờ-rô, nói chậm dãi bằng tiếng In-đô-nê-xi-a:
- “Các bạn thân mến…”.
Vừa dứt lời, hàng nghìn dân nhân, đặc biệt là các cháu học sinh, thanh niên cầm cờ hai nước In-đô-nê-xi-a và Việt Nam nhảy lên hô vang:
- “Hi-dup Pa-man Hồ” (Bác Hồ muôn năm!)
Mọi người nghe từng câu, từng lời Bác nói. Đến khi Bác nói:
- “Se-le-mat ting-gal!” (Chào tạm biệt!)
Mọi người đều phất cờ và hô lớn:
- In-đô-nê-xi-a - Việt Nam, Hi-dup Pa-man Hồ!
Khi Bác ra xe, mọi người ùa tới gần để nhìn Bác, nhìn bộ quần áo kaki giản dị, đôi dép cao su của Bác… với tấm lòng trìu mến, như muốn Bác hãy chậm bước. Bác tươi cười vẫy tay thân ái chào mọi người.
Khi đến Jo-ja-ka-ta, miền Trung Ja-va, Bác vừa xuống xe, đã có hàng trăm cháu thiếu niên, học sinh vừa đàn Ang-khung (một nhạc cụ dân tộc làm bằng ống trúc), vừa ca múa chào đón Bác. Bác đi vào giữa, nhảy múa cùng các cháu.
Không khi trang nghiêm, mà đầm ấm, vui tươi giữa chủ và khách.
Bác được mời đi xem Bo-ro-bu-dua, một công trình kiến trúc cổ kính bằng đá được đặt trong một tháp hình chuông cũng bằng đá, có những khe hở theo chiều cao, Người có thể đưa tay vào sờ tượng Phật. Theo tục lệ, ai đưa tay chạm vào Phật là gặp may mắn, hạnh phúc. Theo hướng dẫn viên đã có nhiều vị Nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng Chính phủ nước ngoài đến chiêm ngưỡng đền và thử dịp may, nhưng cũng rất ít người sờ được tượng Phật. Bác Hồ sờ vào tượng Phật chẳng mấy khó khăn. Người hướng dẫn viên phấn chấn vỗ tay và hoan hô:
- “Pa-man Hồ!”.
Trong số các quan chức Jo-ja-ka-ta đón Bác có cả ông Hoàng Jo-ja-ka-ta. Tối hôm đó sau buổi chiêu đãi, Bác bảo báo ngay cho lễ tân của Bạn là sáng mai trước khi trở về Gia-các-ta, Bác đến thăm ông Hoàng.
Khi đoàn xe dừng trước cổng Phủ, Hoàng thân cùng các quan chức thành phố ra đón. Sân phủ đầy ắp sinh viên, học sinh tung cờ hai nước hô vang:
- “Bác Hồ muôn năm!”
Trong không khí tưng bừng ấy, Bác đã ôm hôn ông Hoàng Jo-ja-ka-ta và nói bằng tiếng Anh:
- Tôi là người cộng sản, ngài là một vị Hoàng thân. Tôi tặng ngài một cái hôn. Đó là tình hữu nghị, đó là chung sống hòa bình.
Ông Hoàng Jo-ja-ka-ta cảm động, ôm hôn Bác thắm thiết. Người sĩ quan In-đô-nê-xi-a bảo vệ Bác, dịch ra tiếng địa phương. Cả đám đông lại hô vang:
- Hin-đup Pa-man Hồ!
Kim Yến (Tổng hợp)