Tư tưởng về giáo dục văn hoá pháp luật, kỷ luật trong Quân đội là một nội dung trong hệ thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh. “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”(1). Do đó, việc quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục văn hoá pháp luật, kỷ luật của Quân đội có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao trình độ văn hoá pháp luật của quân nhân.
Văn hoá pháp luật trong Quân đội là một bộ phận, một biểu hiện của văn hoá nói chung, là tổng hoà những tri thức, tình cảm, hành vi ứng xử của quân nhân đối với pháp luật, với nền pháp chế và hệ thống quan hệ pháp luật. Văn hoá pháp luật của quân nhân biểu hiện tập trung ở sự hiểu biết sâu sắc, sự nhất trí và lòng tin vào pháp luật Nhà nước, điều lệnh kỷ luật quân đội, tự giác hành động theo pháp luật của Nhà nước, điều lệnh kỷ luật quân đội. Bởi vậy, muốn có văn hoá pháp luật, kỷ luật tự giác nghiêm minh, con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất là phải học tập chính cương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh kỷ luật của Quân đội. Phải thực hiện phương châm: “Mỗi mệnh lệnh đưa xuống, cấp trên đã thảo luận cân nhắc kỹ càng nên cấp dưới phải phục tùng và kiên quyết chấp hành…”(2).
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến các biện pháp bồi dưỡng, nâng cao trình độ văn hoá pháp luật, kỷ luật cho quân nhân. Nghiên cứu tư tưởng của Người, có thể thấy:
Thứ nhất, chú trọng giáo dục tri thức pháp luật, kỷ luật, xây dựng ý thức tự giác và bản lĩnh chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội.
Văn hoá pháp luật, kỷ luật của quân nhân được hình thành phát triển trên cơ sở có nhận thức, hiểu biết sâu sắc, sự nhất trí, lòng tin tưởng tuyệt đối vào pháp luật của Nhà nước, điều lệnh kỷ luật của Quân đội và hành vi tự giác chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật. Trong giáo dục văn hoá pháp luật, kỷ luật cho cán bộ, chiến sỹ, Bác dạy phải chăm lo giáo dục những tri thức về pháp luật, điều lệnh, điều lệnh của Quân đội, chỉ rõ những điều nên làm và không nên làm: “Đối với mỗi công tác quan trọng, cần phải làm cho mọi người hiểu cái gì nên làm, cái gì nên tránh, thế nào là đúng, thế nào là sai kỷ luật của Đảng. Như vậy kỷ luật của Đảng sẽ được bảo đảm, công tác của Đảng sẽ được thuận lợi, nhiệm vụ của Đảng sẽ chắc chắn hoàn thành”(3). Cùng với việc giáo dục tri thức pháp luật, cần khơi dậy ý thức tự giác chấp hành nghiêm mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh của Quân đội. Phải làm cho bộ đội có nhận thức đúng đắn, sâu sắc nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của đơn vị, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân; thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, yêu cầu khách quan của việc chấp hành pháp luật, kỷ luật, trên cơ sở đó có thái độ, động cơ, ý chí, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết và ý thức tự giác chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật.
Hai là, phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trong bồi dưỡng văn hoá pháp luật.
Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy là người chịu trách nhiệm về mọi mặt của đơn vị. Nhận thức sâu sắc vị trí trách nhiệm của mình, cán bộ quản lý, chỉ huy các cấp thường xuyên nêu cao trách nhiệm và năng động, sáng tạo đổi mới hình thức, biện pháp, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, nâng cao chất lượng giáo dục văn hoá pháp luật, kỷ luật, đồng thời tổ chức, quản lý đơn vị chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật. Mặt khác, bản thân mỗi cán bộ quản lý, chỉ huy cần tự tu dưỡng, tự rèn luyện, “phải làm gương mẫu, phải chăm nom đến đời sống tinh thần, vật chất của chiến sỹ, phải gương mẫu học tập và giữ kỷ luật”(4). Hồ Chí Minh cho rằng, muốn có kỷ luật, điều quan trọng là cán bộ phải quyết tâm cao, tự giác: “Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng”(5). Thực tế cho thấy, ở đâu, lúc nào cán bộ quản lý, chỉ huy thực sự là tấm gương sáng về chấp hành pháp luật, kỷ luật, thì ở đó chiến sỹ sẽ có ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật tốt và ngược lại, ở đâu cán bộ quản lý, chỉ huy thiếu gương mẫu, tự do tuỳ tiện, thì ở đó sẽ có nhiều hiện tượng vi phạm pháp luật, kỷ luật.
Ba là, duy trì nghiêm pháp luật, kỷ luật, rèn luyện tác phong chính quy, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những hiện tượng, hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật.
Theo Hồ Chí Minh, việc bồi dưỡng văn hoá pháp luật, kỷ luật phải gắn với việc duy trì nghiêm pháp luật, kỷ luật và quản lý chặt chẽ mọi chế độ, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những hiện tượng, hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật, “khi cần thiết thì phải thi hành kỷ luật nghiêm minh, đúng mức”(6). Bác nhắc nhở cán bộ, chiến sỹ phải hình thành thói quen có kỷ luật hằng ngày. Việc rèn luyện tác phong giữ nghiêm kỷ luật phải được thông qua việc hướng dẫn cụ thể, tỷ mỉ của người cán bộ; càng tỷ mỷ, cụ thể bao nhiêu thì càng bớt sai lầm, vi phạm pháp luật, kỷ luật bấy nhiêu. Người quan niệm: “Trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm là vì không hiểu, không biết”(7). Vì vậy, nâng cao trình độ văn hoá pháp luật, kỷ luật của quân nhân không chỉ dựa trên công tác giáo dục cơ bản, mà còn phải dựa vào sự hướng dẫn, nhắc nhở thường xuyên, sâu sát của cán bộ các cấp, làm cho việc chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật trở thành thói quen. Người chỉ rõ: “Các cán bộ từ chỉ huy trở xuống phải cố gắng hơn nữa trong công tác, trong học tập, từ bước đi, từ cái chào đều phải chính quy hoá, cán bộ phải tiến trước và làm gương mẫu cho các chiến sỹ”(8).
Trong việc giữ vững tính nghiêm minh của pháp luật, Bác chỉ rõ: “Có cán bộ, đảng viên lợi dụng quyền thế của Đảng và Nhà nước làm những việc trái với chính sách và pháp luật, xâm phạm đến lợi ích vật chất và quyền tự do dân chủ của nhân dân, nhưng chưa bị xử lý kịp thời… Như vậy là kỷ luật chưa nghiêm”(9). Người yêu cầu kiên quyết trừng trị những kẻ vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi của người khác. Bác lưu tâm nhiều đến khen thưởng và xử phạt để động viên cán bộ, chiến sỹ chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật. Bác nói: “Khen thưởng người tốt, trừng phạt người xấu…”(10) và “Phải nâng cao kỷ luật, giữ vững kỷ luật. Những cán bộ có ưu điểm thì phải khen thưởng; người làm trái kỷ luật thì phải phạt. Nếu không thưởng thì không có khuyến khích; nếu không có phạt thì không giữ vững kỷ luật”(11).
Bốn là, thống nhất bồi dưỡng văn hoá pháp luật, kỷ luật với việc nâng cao giáo dục đạo đức.
Pháp luật và đạo đức điều chỉnh hành vi con người, hướng con người tới chân - thiện - mỹ. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, đạo đức là cơ sở thực hiện pháp luật. Đạo đức có tác dụng thúc đẩy, định hướng hành vi của quân nhân phù hợp yêu cầu của pháp luật, kỷ luật. Đạo đức cao nhất, theo Hồ Chí Minh là “Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi công việc”(12). Khi quân nhân biết tôn trọng và tuân thủ các chuẩn mực đạo đức của xã hội thì đó sẽ là điều kiện tốt để họ chấp hành pháp luật, tỏ rõ tinh thần bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý, giữ nghiêm kỷ luật. Đối với cán bộ Quân đội ta, Người yêu cầu phải luôn luôn là tấm gương sáng trong bồi dưỡng cũng như thực hành đạo đức cách mạng: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, “khổ trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”(13).
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục văn hoá pháp luật, kỷ luật đối với cán bộ, chiến sỹ mãi mãi là kim chỉ nam cho hành động, là ngọn đèn pha soi đường để quân nhân phấn đấu bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ văn hoá pháp luật, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXBCTQG, H.2002, tr.560. (2) Sđd, tr.318. (3) Sđd, tập 7, tr.336. (4) Sđd, tập 8, tr.308. (5) Sđd, tập 5, tr.250. (6) Sđd, tập 12, tr.146. (7) Hồ Chí Minh, về xây dựng Đảng, NXBCTQG, H.1996, tr.426. (8) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, NXBCTQG, H.2002, tr.426. (9) Hồ Chủ tịch và pháp chế, Nxb TP. Hồ Chí Minh,1998, tr.148. (10) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXBCTQG, H.2002, tr.392. (11) Sđd, tập 7, tr.466. (12) Sđd, tập 9, tr.285. (13) Hồ Chí Minh với lực lượng vũ trang nhân dân,
Theo NXBQĐND, H.1975, tr.157-158.
Thượng tá. Vũ Văn Thường
Huyền Trang (st)