Đã nhiều năm nay, Đảng ta đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn một cách hiệu quả. Một trong những tư tưởng quan trọng của Bác là “lấy dân làm gốc” lại vừa được Đảng và Nhà nước ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong thực tiễn để ổn định lòng dân. Và một trong những nguyên nhân và nút thắt chính là vấn đề kinh tế.
Bác Hồ dùng thử máy cấy tại Trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội năm 1960
- Ảnh tư liệu
Dân là gốc, kinh tế là nền tảng
Đó là điều không thể bàn cãi, vì đó đã trở thành chân lý cả trong chiến tranh và hòa bình. Khi nước ta đã có tự do, độc lập thì người dân sẽ chú trọng làm kinh tế, mỗi người dân sẽ đóng góp một phần vào sự phát triển nền kinh tế đất nước. Khi ấy, dân vẫn là lực lượng không thể thay thế, không khác gì trong kháng chiến. Do vậy, người cán bộ dù hoạt động ở lĩnh vực, ngành nghề nào cũng phải tuyệt đối tin tưởng vào dân. Nhớ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngân quỹ quốc gia chỉ vẻn vẹn hơn một triệu đồng bạc, nếu không có sự giúp sức của dân thì nền tài chính quốc gia đã không thể vượt qua cơn sóng gió.
Tuy nhiên, khi người dân đã làm tròn bổn phận của mình, thì Nhà nước, cụ thể là những cán bộ gần dân cũng phải thấu hiểu tâm tư, tình cảm của dân, đặc biệt không để xảy ra tình trạng hách dịch, cửa quyền, đối xử tệ với dân. Kinh nghiệm của một vài sự việc người dân tập trung phản đối chính quyền cũng bắt nguồn từ vấn đề kinh tế. Kinh tế ở đây, suy rộng ra chính là cuộc sống, là sự mưu sinh của nhân dân. Nếu kinh tế của người dân bị ảnh hưởng, nhất là ảnh hưởng từ những nguyên nhân chính quyền sở tại thì người dân sẽ không còn là gốc nữa, vì họ không ủng hộ chính quyền. Khi đã không ủng hộ, dân sẽ tự đặt mình vào thế đối đầu với chính quyền, thậm chí có những hành động quá khích.
Bài học rút ra từ vấn đề này cũng đã được tư tưởng Hồ Chí Minh nhắc đến nhiều lần. Người phê phán những biểu hiện của tệ quan liêu, khinh dân, xa dân. Trong vụ việc ở trên, nguyên nhân về kinh tế của dân lại càng bị thổi bùng lên thành mâu thuẫn lớn, khi người dân cho rằng đất họ canh tác đã bị thu hồi không đúng. Chưa nói đến đúng sai ở đây, nhưng sự “xa dân” đã thể hiện rõ trong cách làm, cách đối xử của một bộ phận cán bộ địa phương. Sự “máy móc, ép buộc đồng bào(1)” khi đồng bào chưa hiểu là việc làm tối kị của người cán bộ. Khi ấy, dân không còn tin cán bộ nữa, còn đâu cái gốc của chính quyền xã hội chủ nghĩa.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu dân...(2)”. Lời Bác luôn đúng, ngay cả trong bối cảnh thời nay, khi một “Chính phủ kiến tạo” hành động mạnh mẽ trong mọi mặt của nền kinh tế. “Không đè đầu dân” là việc làm tiên quyết của người cán bộ, đảng viên, cả trong thời chiến lẫn thời bình. Một số đảng viên lộng quyền, hách dịch, họ không biết họ là một mắt xích mục nát, nếu không sửa sai sẽ khó giữ được cái gốc của dân. Vậy khi dân đã bị “đè đầu, cưỡi cổ”, cuộc sống và miếng cơm manh áo bị xâm hại thì niềm tin vào Đảng, vào chính quyền trong họ sẽ giảm sút. Tất cả những cuộc “khủng hoảng niềm tin” bất cứ đâu cũng đã làm sai lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Dân luôn tin tưởng vào Đảng
Đó là sự thật đã được thực tiễn khẳng định chắc chắn. Tin tưởng vào Đảng, vào chính quyền, và tin tưởng vào tính nghiêm minh của luật pháp là một đức tính của dân ta, cũng là trách nhiệm của người cán bộ trong đối xử với nhân dân. Dân chính là gốc, là nước vì thế phải cần những người vững tay chèo, lắng nghe dân, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của dân, nếu không nước sẽ lật thuyền.
Bài học kinh nghiệm quý báu của tư tưởng Hồ Chí Minh nhiều lần được vận dụng hiệu quả trong thực tiễn, khi cán bộ trực tiếp đến gặp dân, nói chuyện với dân một cách cầu thị, và nhất là luôn tin tưởng nhân dân. Nhiều cán bộ đã thực hiện đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tức là không chỉ lo trách nhiệm với cấp trên mà còn thực hiện tốt trách nhiệm với dân. Ở đây, khi cán bộ đã có trách nhiệm với nhân dân, họ sẽ lấy đó làm động lực để cố gắng giải quyết tận gốc rễ của vấn đề một cách công tâm, thấu tình đạt lý. Qua đó, người dân được giải tỏa khúc mắc và thêm tin tưởng vào Đảng, vào Nhà nước.
Người dân, vốn dĩ đã là gốc của đất nước thì không bao giờ họ chống lại Đảng và chính quyền, khi họ được đối xử chân tình, được tin tưởng, được giải quyết hết những ấm ức trong lòng. Bài học đối tốt với dân luôn cao hơn cái tôi của người cán bộ. Khi cán bộ không dùng sức mạnh vũ lực để đàn áp nhân dân, cán bộ đó sẽ chiếm được cảm tình của dân, qua đó dần đả thông tư tưởng cho dân, nhất là những người vốn đã nung nấu ý nghi ngờ, phản đổi. Ở đây, điều quan trọng nhất mà người dân nhận ra là Đảng và Nhà nước luôn đặt lợi ích của dân lên trên hết và không bao giờ để mất dân. Các cán bộ đè đầu dân phải được xử lý nghiêm khắc để yên dân, yên trong tận cùng suy nghĩ của người dân.
Bài học lòng dân có thể xuất phát từ vấn đề kinh tế, nhưng khi kinh tế của dân bị động chạm, bị đối xử bất công, cần có sự vào cuộc, phối hợp của những người đại diện nhân dân. Trong nhiều vụ việc, chính sự kiên nhẫn, cầu thị, nhiệt tình của các tổ chức xuất phát từ nhân dân như Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc… đã làm dịu tình hình. Ý kiến, tâm tư của người dân chịu ảnh hưởng của sự việc đã được lắng nghe với tinh thần “lấy dân làm gốc”, như Bác từng nói: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi”(3).Khi dân bị đụng chạm đến kinh tế, tức là cuộc sống của họ, thì phải có cách đối xử nhẹ nhàng, tuyệt đối không gây cho họ nặng gánh thêm về tiền bạc, của cải để khiến dân càng bức xúc. Quan trọng, khi quyền làm chủ của nhân dân đã bị xâm phạm, cần phải ngăn chặn và xử lý kịp thời để cái “gốc” không bị lung lay. Lúc đó cần nhanh chóng đối thoại với nhân dân, cho thanh tra toàn diện tận gốc rễ những khúc mắc của dân, ấy là tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân vậy.
Bài học tư tưởng “Lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong từng khía cạnh của đời sống xã hội, ở bất kỳ một địa phương nào, bất kỳ ngành nghề nào. Việc sản xuất, làm kinh tế của người dân cũng chính là kinh tế của đất nước, nếu bị xâm hại cũng tức là ảnh hưởng đến quốc gia. Xử lý những vấn đề này luôn phải coi người dân trên hết, đó cũng chính là vận dụng thành công tư tưởng của Bác, không chỉ sự việc vừa qua mà còn trong suốt chiều dài phát triển của đất nước./.
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.1996, T.6, tr.118
(2) Sđd. T.4, tr.56-57
(3) Sđd. T.10, tr.17
Đinh Thành Trung