Tự học và học tập suốt đời là luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh
về giáo dục - Nguồn: vannghequandoi.com.vn
Tự học và học tập suốt đời là luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định tạo nên trí tuệ. Bằng tấm gương tự học và học tập suốt đời, Bác Hồ đã để lại nhiều bài học và những kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ noi theo.
Học thường xuyên, lấy tự học làm cốt
Học tập chính là hoạt động tiếp thu tri thức của mỗi cá nhân, là tiền đề quan trọng dẫn tới sự phát triển ở mỗi con người. Quá trình học tập bao gồm học tại trường, lớp, ở những giai đoạn nhất định của cuộc đời và tự học suốt cả cuộc đời mỗi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, còn sống còn phải học. Đây là biện pháp tốt nhất để nâng cao trình độ hiểu biết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng. “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”(1). Trong học tập, cần kết hợp cả học tập ở trường, ở lớp và tự học.
Bản chất của tự học là một quá trình học tập không trực tiếp có giảng viên. Tự học là lao động khoa học, vất vả hơn rất nhiều so với quá trình học có giảng viên, bởi người học phải độc lập xây dựng kế hoạch, phương pháp học tập, tự tìm hiểu, phân tích những kiến thức trong sách vở, tài liệu để tiến tới làm chủ tri thức. Nếu thiếu sự kiên trì, lòng quyết tâm và sự nghiêm túc của bản thân, thì sẽ không thể thực hiện được kế hoạch học tập do mình đặt ra. Chính việc tự học sẽ giúp mỗi người nhớ lâu và vận dụng những kiến thức đã học một cách hữu ích vào cuộc sống. Và, tự học còn giúp cho mỗi người trở nên năng động, sáng tạo, không phụ thuộc vào người khác, từ đó hạn chế những khuyết điểm và hoàn thiện bản thân. Càng cố gắng tự học, con người càng trau dồi được nhân cách và tri thức. Để việc tự học đạt kết quả tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi người cần phải xác định mục đích, động cơ học tập đúng đắn. Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ: “Học để làm gì? Học để sửa chữa tư tưởng... Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng... Học để tin tưởng... Học để hành...”(2).
Việc tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh có mục đích cuối cùng là làm cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì tự học, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam và đưa cách mạng nước ta đến thắng lợi. Sự vận dụng sáng tạo chính là quá trình tự thích nghi, tự tìm tòi thâm nhập thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, phát huy nội lực, và sâu xa hơn, đó còn là quá trình tự học tập, tự giáo dục để làm cho nhân cách cũng như năng lực của bản thân phù hợp với mục tiêu, lý tưởng, công việc. Khi tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản được tổ chức tại Thủ đô Mát-xcơ-va (Nga) vào tháng 8-1935, Bác Hồ đã khai rõ trong lý lịch: “Họ và tên: Lin. Trình độ học vấn: Tự học”. Người cho rằng, việc học không chỉ có ở nhà trường, có lên lớp mới học tập... mà trong mọi hoạt động cách mạng, chúng ta đều phải học tập!
Vậy, những ai cần phải học? Theo Bác Hồ, ai cũng phải học, không kể người sang hay hèn; giàu hay nghèo; không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tôn giáo, dân tộc... Khi đã xác định việc học là một nhu cầu thì tự giác ai cũng phải học.
Người cho rằng, trong cuộc sống có rất nhiều vấn đề cần quan tâm, nếu thấy cái gì học cái ấy thì chúng ta chỉ thu được một mớ kiến thức hỗn tạp, không có tác dụng với chính người học và cũng không đủ thời gian để học, hiểu hết tất cả. Do đó, ngoài việc học ở nhà trường theo chương trình quy định, chúng ta phải căn cứ vào trình độ nhận thức, công việc đang đảm nhiệm và vị trí của bản thân để lựa chọn những điều cơ bản, thiết thực, những vấn đề cần cho lĩnh vực công tác đang đảm nhiệm hoặc nhu cầu của mình để học. Hơn nữa, vấn đề cốt lõi nhất của việc tự học là để nâng cao hiểu biết và để áp dụng những kiến thức đó vào làm việc, “học phải đi đối với hành”. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích. Học những điều quá cao xa, không sát thực tế công việc chuyên môn của bản thân trong khi thời gian dành cho tự học quá ít, việc học đó cũng chỉ để “trang trí”, cho “oai” mà thôi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý mỗi người phải học tập với thái độ nghiêm túc, hết sức khiêm tốn, thật thà, biết đến đâu nói đến đó, không được tự cho mình là đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Bác nghiêm khắc phê phán tệ giấu dốt, lười biếng học tập, tự cao, tự đại, cho mình là giỏi nhất thiên hạ. Người nói: “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”. Tính khiêm tốn yêu cầu người ta không được thỏa mãn với vốn kiến thức và thành tích đã đạt được. Trong khi học “phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem có hợp với thực tế không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”(3).
Tự học trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi
Phương pháp tự học của Bác Hồ là: Muốn nâng cao kiến thức trong quá trình tự học, mỗi người cần phải biết cách tận dụng triệt để thời gian và những điều kiện, phương tiện có sẵn trong xã hội, như thư viện, câu lạc bộ, sách báo, viện bảo tàng, các buổi nói chuyện, hội thảo,... Ngoài ra, mỗi người cần tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn chỉ bảo của bạn bè, đồng nghiệp và thực hiện phương châm học ở mọi lúc, mọi nơi, học trong khi giao thiệp, trong công việc hằng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, trong kinh nghiệm thành công cũng như thất bại và học trong công tác vận động quần chúng. Người chỉ rõ: “Học ở đâu? Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”(4). Chính việc thông qua học tập, tiếp xúc với nhân dân mà cán bộ, đảng viên có điều kiện gần gũi, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó tham mưu, đề xuất tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Cuộc sống là một trường học thực tế sinh động, là nơi để “thực hành” những điều đã học. Mỗi ngày phải học hỏi thêm được những điều mới mẻ. Học đến đâu, luyện tập và thực hành đến đó. Trong lao động, làm việc là quá trình tự học tập, tích lũy, bổ sung kinh nghiệm, đúc kết kiến thức từ thực tiễn, và phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm.
Trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Bác vừa lao động kiếm sống, vừa tìm mọi cách và tận dụng mọi lúc, mọi nơi để tự học, nhất là học tiếng nước ngoài. Có lần nói chuyện với thanh niên, Bác cho biết: Để học được ngoại ngữ, phải kiên trì mỗi ngày học thuộc mười từ. Hàng ngày, trước khi thức dậy, Bác viết những từ mới vào một mảnh giấy, dán vào chỗ hay nhìn thấy nhất, có khi viết lên cánh tay để khi vừa làm vừa nhẩm học, đến khi chữ mờ hết thì cũng đã thuộc. Lại cả khi đi đường, Bác cũng nhẩm bài học. Ban đêm, khi chưa ngủ, Người lấy tay viết mò những chữ khó xuống chăn cho kỳ nhớ mới thôi và thế là đã học thêm được vài từ mới. Bác có một nguyên tắc là, học đến đâu, luyện tập và thực hành đến đó, học được chữ nào là tìm cách ghép câu để dùng ngay, cho nên sau một thời gian ngắn, Bác viết được báo và sách bằng tiếng nước ngoài. Bằng cách đó, dần dần Bác đã học được rất nhiều ngoại ngữ.
Để tự học đạt kết quả tốt, theo Bác phải có tinh thần vượt gian khổ để học tập. Thời gian sống ở Thủ đô Pa-ri (Pháp), Bác chỉ thuê phòng trọ nhỏ trong một khách sạn rẻ tiền, mỗi sáng nấu cơm trong một cái nồi nhỏ đặt trên ngọn đèn dầu. Cơm ăn với một con cá mắm hoặc một ít thịt, ăn một nửa còn một nửa dành đến chiều. Có khi một miếng bánh mì với một miếng pho-mai là đủ ăn cả ngày. Mùa đông lạnh, buổi sáng trước khi đi làm, Bác để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn, chiều về lấy ra, bọc nó vào trong những tờ báo cũ, để xuống nệm cho đỡ rét. Thường thường, Bác chỉ làm việc nửa ngày vào buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều đi đến thư viện hoặc dự những buổi nói chuyện. Tối đến, Bác đi dự các cuộc mít-tinh và thường xuyên phát biểu ý kiến, khéo lái những vấn đề thảo luận sang vấn đề thuộc địa. Bác làm quen với những nhà chính trị, nhà văn để nâng cao trình độ chính trị, văn học của mình, đồng thời làm phong phú thêm vốn từ ngữ mới và cũng là điều kiện để vận dụng những từ đã học, trau dồi thêm vốn hiểu biết của mình về ngoại ngữ.
Sau này, trên cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước, dù bận trăm công nghìn việc, khi tuổi cao, sức khỏe giảm, Bác Hồ vẫn không ngừng tự học tập, đọc thêm nhiều tài liệu, sách báo trong nước và nước ngoài. Bác luôn khuyên cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập để có trình độ hiểu biết mọi mặt nhằm nâng cao chất lượng công tác. Cần tự học để nâng cao trình độ của bản thân, coi đây là tiêu chuẩn, giá trị đạo đức của mỗi người và là nhu cầu, thói quen hằng ngày của cán bộ, đảng viên. Những cán bộ, đảng viên lười học, lười suy nghĩ, không thường xuyên cập nhật thông tin mới, hiểu biết mới cũng là một biểu hiện suy thoái về đạo đức. Năm 1966, trong một buổi nói chuyện với đảng viên mới của Hà Nội, Người nhắc nhở: Thời kỳ bí mật, điều kiện học tập của đảng viên rất khó khăn: thiếu thầy, thiếu sách, thiếu tự do, nhưng cán bộ và đảng viên vẫn quyết tâm vì cách mạng mà học. Bây giờ điều kiện thuận lợi nhiều, cho nên các cô, các chú càng phải ra sức học tập cho tốt,... “Bác thường nghe nói có đồng chí 40 tuổi đã cho mình là già nên ít chịu khó học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”(5).
Tấm gương cao đẹp về tư tưởng và tinh thần tự học
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt, làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân. Song tự học ở Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là một sự ngẫu hứng, tùy ý mà việc tự học của Người đã trở thành một khoa học, một nghệ thuật, một triết lý nhân văn sâu sắc với một kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, khoa học; với một ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai, tinh thần sáng tạo, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học.
Những lời chỉ dẫn quý báu, những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ chính tấm gương tự học bền bỉ của Người đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Đặc biệt trong tình hình hiện nay khi cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển nhanh chóng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần phải liên tục bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực để thích ứng với những biến đổi của xã hội, nếu không sẽ bị tụt hậu. Mặt khác, con người luôn ý thức về tương lai, chú trọng năng lực suy nghĩ, năng lực lý giải cho tương lai của mình. Để có được những năng lực ấy, mỗi người phải học tập không ngừng, học tập liên tục, học tập suốt đời thông qua nhiều hình thức, nhưng tự học là điều rất quan trọng, và vấn đề tự học trở thành một yêu cầu cấp bách, bắt buộc đối với mỗi cán bộ, đảng viên và từng người lao động. Thậm chí tự học quyết định sự thành bại của từng người trước những đòi hỏi ngày càng cao của nền sản xuất, của xã hội.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Khóa VIII nêu rõ, cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự học, bảo đảm thời gian tự học, tự nghiên cứu cho mọi người, và đặt ra một yêu cầu: “Phát triển mạnh phong trào tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp trong toàn dân nhất là trong thanh niên”(7). Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 50-CT/TƯ ngày 24-8-1999 và Chỉ thị số 11-CT/TƯ ngày 13-4-2007 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, trong đó xác định xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của nước ta. Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, ngày 04-11-2013, được thông qua tại Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI, về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đề cao nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Ngày 30-10-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TƯ về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Nghị quyết chỉ rõ, một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(7). Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học tập để nâng cao trình độ hiểu biết mọi mặt, và coi tự học là nhu cầu, thói quen, hành vi hằng ngày, là một tiêu chuẩn, một giá trị đạo đức của người cán bộ, đảng viên.
Tinh thần, ý chí tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay và cả mai sau vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa giáo dục hết sức sâu sắc đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo của dân tộc ta. Tư tưởng và tinh thần tự học của Người mãi mãi tỏa sáng, soi rọi cho mỗi chúng ta phấn đấu, rèn luyện, tự vươn lên trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 9, tr. 554
(2) Hồ Chí Minh về vấn đề giáo dục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997, tr. 76
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 500
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 50
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 92(6) Văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Khóa VIII, Hà Nội, 1997, tr. 41
(7) Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 28
Đoàn Nam ĐànTS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn http://www.tapchicongsan.org.vn
Lưu Văn Hiển (st)